Không còn những vai diễn lộng lẫy hay long lanh để chị bay lên bằng khả năng thiên phú của mình. Với một vị thế khiêm tốn trong những vở diễn tại sân khấu Thế giới trẻ, nhưng mọi người vẫn nhận ra một NSƯT Đàm Loan tỏa sáng đầy nội lực, chỉn chu trong từng nét diễn. Người viết bỗng nhớ lời đạo diễn Trần Ngọc Giàu, chồng chị ví von: “đưa Đàm Loan lên sân khấu như đem con cá thả về với nước”. Giờ đây, con cá khoan thai bơi, cá quẫy đuôi, cá uốn mình trong từng đêm diễn như trả cho xong món nợ đa mang vì một thời xa vắng sân khấu.
* Trong khi những nghệ sĩ tranh thủ thời xuân sắc để tỏa sáng thì Đàm Loan lại bỏ đi. Phải chăng máu nghệ sĩ không đủ nóng để giữ chân chị với sân khấu?
- Hình như đó là cái tính của tôi, dễ chịu thiệt từ bé. Tôi biết mình cần làm gì để tỏa sáng, để được người ta đẩy lên nhưng có cần như vậy không? Không đi diễn có ray rứt không? Có chứ. Trong lúc mình đang còn sức diễn mà tại sao như vậy? Nhưng tôi không thể làm gì khác hơn. Các con cần được chăm sóc. Ngôi nhà cần được giữ ấm. Tôi phải thay chồng giữ lửa gia đình.
* Có chồng cùng nghề lẽ ra phải cho chị thêm nhiều cơ hội, nhưng đằng này mọi thứ với Đàm Loan nghe có vẻ bi kịch?
- Bạn lầm rồi. Tôi với anh Giàu mỗi người một nẻo. Anh có thể đi dựng vở biền biệt suốt ba tháng liền, làm sao tôi có thể bỏ con để đi diễn? Và tôi rẽ khỏi sân khấu, đi học thêm ngành ngữ văn rồi trở thành người thầy. Một con đường bình ổn và phù hợp với hoàn cảnh của mình hơn. Thêm nữa, sau khi rời Nhà hát kịch TP, dù vẫn cộng tác với các sân khấu nhưng tôi không thể làm tất tần tật được vì hoàn cảnh không cho phép. Tôi chỉ thích làm những vở nghiêm túc. Tôi là con người của chính kịch nên không mặn mà với việc đi show.
* Chuyên trị chính kịch, chị nói như thế không sợ bị đánh giá mình không phải là một diễn viên đa dạng trong mọi loại vai sao?
- Tôi từng diễn hài cũng quậy tưng sân khấu. Khi dụng miếng thì khán giả cười rất rôm rả, nhưng hình như đấy không phải là sở trường của tôi.
* Liệu có thỏa đáng không khi người ta nói Đàm Loan giữ tiếng cho chồng nên không chạy show lung tung?
- Tôi nghĩ giữ cho con nhiều hơn. Con cái của chúng tôi rất nhạy cảm. Có lẽ ảnh hưởng từ máu của cha mẹ. Con gái tôi từ lúc bé từng nói: “Mẹ làm cái nghề kỳ quá, mua vui cho thiên hạ”. Nhưng hằng đêm con gái vẫn ngồi bên cánh gà nhìn mẹ diễn, thuộc từng lời thoại, nhớ hết từng cảnh diễn. Nhưng có một số vở con không bao giờ xem, ngay cả những băng đĩa tôi để ở nhà và không muốn bất kỳ ai xem vở diễn đó. Đó là những vở diễn mà mẹ nó trở thành hình tượng méo mó, ví dụ như người phụ nữ ngoại tình trong Bến bờ xa lắc hay vào vai phản diện trong Bão không mùa. Các con sẵn sàng đi xem những vở mẹ nó là người lịch sự, chân chính vì chúng muốn mẹ nó như thế.
* Hy sinh niềm đam mê của một đời nghệ sĩ cho con, chị có hối tiếc?
- Tôi không gọi đó là sự hy sinh. Đó là điều mà người mẹ trong tôi thúc giục tôi phải làm. Chính tôi là người quyết định điều này, cho dù anh Giàu khi vừa cưới nhau cũng có ý muốn vợ rút lui ở nhà chăm sóc con cái. Chắc mọi người cứ nghĩ rằng tôi sẽ thanh thản lắm với việc này, nhưng nào biết, có lúc tôi cũng bị trầm uất vì xa sân khấu, vì nhìn thời xuân của mình trôi qua một cách nuối tiếc. Tôi đã phải tranh thủ từng phút từng giây trên sân khấu để cho thỏa cái khát khao biểu diễn bị kìm nén. Nhớ có một dạo được diễn lại trong thời gian ngắn, tôi bị bạn diễn góp ý vì diễn quá nhiệt tình, dù chỉ là những buổi tập dợt mà bung hết lực như diễn thật. Người bạn diễn ấy nào hay biết những thời khắc ấy với tôi quý giá biết nhường nào.
* Và giờ đây chị quyết định trở lại khi con đã lớn khôn?
- Một phần như thế. Tôi đã từng nghĩ mình đang mang nghiệp và phải trả thông qua những nhân vật đầy nước mắt của mình. Thôi thì duyên nghề còn réo gọi, trong tâm còn chưa thanh thản thì mình phải quay lại trả hết cho xong. Và những nhân vật của tôi lại tiếp tục đầy nội tâm, ẩn ức…
* Liệu có muộn màng không?
- Đừng đòi hỏi nhiều quá. Tôi ít khi ngoái nhìn lại những thứ đã qua. Nếu có, chỉ là những cái ngoái nhìn hoài niệm để xoa dịu những điều bất như ý.
* Nhưng giờ chị không còn được giao những vai diễn trung tâm. Điều này có làm chị chạnh lòng?
- Tôi phải chấp nhận, cuộc đời là vậy. Tôi từng có vai diễn dành cho cả một đời người. Và giờ… tất nhiên là có chút buồn, chút luyến tiếc nhưng rồi sẽ qua đi. Tất cả đều có cái giá của nó. Cuộc đời là một tổng không đổi. Và khi chọn hạnh phúc gia đình thì hào quang sân khấu của riêng bạn sẽ giảm đi một chút.
* Vui buồn của Đàm Loan khi trở lại sân khấu lần này?
- Diễn với học trò, diễn với sân khấu có tuổi đời còn trẻ này làm tôi hài lòng hơn vì vẫn còn trong khuôn mẫu chấp nhận được. Các em diễn vẫn còn tuân thủ những nguyên tắc và còn nguyên chất hồn nhiên của tuổi trẻ học trò, không diễn theo kiểu buông quăng bỏ vãi. Không chỉ là niềm vui được quay trở lại sân khấu mà còn là hạnh phúc khi thấy vai trò làm thầy của mình được nâng thêm một bậc.
Giờ đây, trên sân khấu, thầy và trò còn là đồng nghiệp. Và tôi trong tâm thế vừa diễn vừa dìu dắt. Thấy em này yếu một chút, mình góp tay với đạo diễn khai thác thêm. Thấy em kia quá đà mình cũng nhắc nhở để diễn chừng mực hơn. Nhìn các em từng ngày cứng cáp hơn, được khán giả yêu hơn thì mình cũng thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, vẫn còn một chút gì đó thiêu thiếu. Đó là không có những người bằng vai phải lứa để cùng mình bay lên. Thôi thì cuộc đời mà, mình đừng đòi hỏi sự viên mãn.
* Diễn chung với cô giáo thì các nghệ sĩ trẻ chắc sẽ có nhiều áp lực?
- Tôi ở sân khấu này để đi cùng các em chứ không phải để kiểm soát. Hơn nữa, tôi còn là một tấm gương để những diễn viên trẻ không làm khác được. Diễn với tôi các em không thể diễn qua loa, lơ là trong cảm xúc. Các em phải chăm chút từ phục trang, cẩn thận trong đạo cụ, tôn trọng bạn diễn và nghiêm túc trong từng lớp lang diễn xuất. Làm sao cho các em biết diễn viên là phải sống như vậy.
* Nhìn lại cả chặng đường đã qua của Đàm Loan chưa thấy “dấu ấn” từ người chồng đạo diễn nổi tiếng của chị?
- Nhiều người cũng nghĩ như vậy. Có chồng là đạo diễn thì người diễn viên vợ sẽ được lăng xê tối đa. Nhưng tôi không nghĩ như vậy và anh Giàu cũng không thích làm như thế. Có lúc tôi đã phải rút lui để anh được sống trọn vẹn với nghề. Khi anh làm giám đốc nhà hát, tôi phải gánh những vai “xương” nhất, vì cả hai ngại tiếng chồng làm quan, vợ cậy quyền. Khi anh làm đạo diễn vở có tôi tham gia thì vai của tôi cũng ít được anh quan tâm nhất. Có lẽ anh quá tin vào khả năng của vợ mình chăng? (cười).
* Trên con đường nghệ thuật là vậy, còn cuộc sống ngoài đời?
- Chồng tôi là người của công việc, của bạn bè. Tôi là người của gia đình. Tôi thay anh gồng gánh tất cả. Có lẽ đó cũng là thế yếu chính của tôi trong cuộc hôn nhân này. Đôi lúc tôi cảm thấy mình đã đẩy chồng ra rìa cuộc sống của mình. Tôi thấy mình chỉ chăm chút cho con mà quên rằng còn có chồng bên cạnh. Trong khi mọi người bên ngoài luôn tỏ ra rất cần anh và có nhiều phụ nữ luôn quan tâm đến anh. Tôi bao biện quá nhiều thứ. Tôi thấy mình đã sai.
* Trong tình cảnh ấy chị đã làm gì?
- Tôi đã có một thời gian tưởng chừng như chơi vơi. Tôi chịu đựng, tôi thực hành chữ nhẫn một cách kiên trì. Nhưng có lúc tôi phản kháng. Không lời nói, không đôi co, tôi chỉ muốn thay đổi, tôi cắt đi mái tóc dài vốn là biểu tượng của mình. Bạn bè choáng, bản thân anh cũng bàng hoàng. Cảm giác lúc đó như tìm lại được một điều gì đã đánh mất. Và cũng may tất cả đều đã qua. Giờ thì tôi lại nuôi dưỡng dòng tóc xưa, tóc vẫn dài dù không còn mượt mà như thuở nào.
* Kiểu sống hy sinh vì chồng vì con rồi gặp nhiều khổ tâm như chị không phải là trường hợp hiếm…
- Tôi đã nhìn thấy chị tôi, mẹ tôi và những người xung quanh, nhưng không hiểu sao mình lại bước vào con đường ấy. Nói thật với bạn, tôi biết chứ, đó là một lối sống cực dở nhưng hoàn cảnh lúc đó không thể khác được. Bi kịch của nó là gì bạn biết không? Không phải là những nỗi buồn vụn vặt hàng ngày mà là mình không được sống là chính mình. Bây giờ con gái sống theo cách riêng của mình, thậm chí có nhiều lúc đi ngược lại của những điều mình từng sống nhưng tôi sẵn sàng ủng hộ. Tôi thấy mừng cho con.
* Chị vượt qua những cơn bão ngầm ấy bằng cách nào?
- Tôi tập thể dục. Tôi học yoga. Tôi ngồi thiền. Tôi tìm đến cây cỏ. Tôi hành trì một chữ nhẫn. Chữ nhẫn mà chúng ta đã lồng vào ngón tay nhau trong lễ cưới. Rồi chúng tôi bình tĩnh, lắng nghe nhau để tìm giải pháp cho mọi thứ. Tôi mong những phụ nữ khác đừng sống như tôi. Tất nhiên cũng đừng lật ngược hoàn toàn vai trò người phụ nữ của gia đình. Các bạn hãy học cách sống dung hòa. Phụ nữ cần có hạnh phúc gia đình nhưng cũng đừng đánh mất những đam mê của riêng mình. Điều đó rất khó, nhưng tôi tin nếu các bạn đủ bản lĩnh, sáng suốt, sống thật lành mạnh thì sẽ làm được.
* Xin cảm ơn chị.
VŨ DZOÃN ĐOÀN (thực hiện)