PNO - PNCN - Khi vở kịch Đêm định mệnh (tác giả Vương Huyền Cơ) do NSƯT - đạo diễn Công Ninh dàn dựng ra mắt khán giả tại sân khấu 5B, cũng là lúc “ông bố trẻ” này đón mừng cô con gái đầu lòng Hoàng Khuyên ra đời. Lần đầu làm cha...
Công Ninh kể, suốt hơn một năm qua, từ khi mạnh dạn “sang ngang” ở độ tuổi “tri thiên mệnh”, anh gần như bị stress triền miên. Tự dưng, nỗi lo này chồng chất nỗi lo kia. Đầu tiên là băn khoăn không biết khả năng mình có con được hay không. Nhưng khi nghe cô vợ trẻ thỏ thẻ báo tin có bầu, trong lòng ông “chồng già” lại đâm ra hồi hộp, lo lắng không biết hình hài con mình ra sao, rồi mai đây sinh nở có mẹ tròn con vuông, cộng thêm nỗi băn khoăn, rồi đây người cha này không biết sẽ phải ứng xử ra sao cho “phải lẽ” với núm ruột thân yêu nhất của mình? Cứ thế, từng nỗi lo buộc mình phải vượt qua.
Bạn bè trong nghề thường nói, Công Ninh là hiện thân của một số phận luôn tiềm ẩn những điều bất ngờ khó lường. Một tuổi thơ con nhà nghèo, lưng còng vì thùng trà đá, đầu nặng vì thúng bánh cam, một buổi đi học, một buổi lặn lội khắp phố đi bán giúp má nuôi em, vậy mà thi cái một đậu ngay hạng á khoa vào lớp diễn viên trường sân khấu, ở thời điểm mà số lượng thí sinh ghi danh ngành này không bao giờ nằm dưới con số vài ngàn. Tốt nghiệp, với gương mặt đầy nam tính, từng làm mềm lòng không ít khán giả nữ khi diễn vai Leonid trong vở kịch Chàng Mara tội nghiệp, những tưởng rồi đây, Công Ninh sẽ trở thành một “hot boy” hiếm hoi trong làng kịch nghệ thuở ấy, đùng một cái, anh được nhà trường cử đi học đạo diễn ở Nga, vào giai đoạn mà suất học bổng nước ngoài dành cho các sinh viên nghệ thuật phía Nam thuộc vào hàng cực hiếm. Và cho đến nay, anh là người duy nhất ở TP.HCM thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975 tốt nghiệp đạo diễn Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Leningrad (năm 1990). Rồi vài ba năm sau khi về nước, đang chật vật lây lất sống với công việc âm thầm phía sau sàn diễn, Công Ninh khiến bạn bè “tá hỏa” vì bỗng dưng vụt sáng ở vai trò “tài tử màn ảnh” khi đoạt giải nhất diễn viên trong Liên hoan phim VN lần thứ 12 tại TP. Huế, với vai anh bộ đội Tấn trong phim truyện nhựa Ai xuôi vạn lý (đạo diễn Lê Hoàng). Sẵn đà, từ “bàn đạp” này, anh dấn thêm một bước dài vào trái tim người xem với những vai diễn khó có thể ấn tượng hơn như nhân vật thương binh Huy cụt trong phim truyện nhựa Đời cát, như hình tượng người cha “làm mẹ” trong phim truyền hình Mẹ con đậu đũa.
Ảnh: Huy Nguyễn
Nếu như cuộc đời làm nghề là một chuỗi những chuyển động vừa may mắn vừa cay cực khó thể lường trước, thì chuyện “tình trường” của Công Ninh trong mắt mọi người lại mang ít nhiều hơi hám của những đợt sóng ngầm. Vốn kiệm lời, lại sớm đứng ở vị trí người thầy, Công Ninh chưa bao giờ là người chủ động trong tình yêu. Ai giơ tay ra với mình, thì mình nắm lấy - đó là “tiêu chí” ứng xử trong mối quan hệ luyến ái của anh. Nhưng bởi chỉ thích những cô gái hiền nên đôi khi lỡ nắm rồi lại phải buông. Một vài mối tình thời sinh viên của anh đã lặng lẽ đi qua như vậy. Nhưng nhắc đến Công Ninh, không thể không nhớ đến một cuộc tình nổi tiếng kéo dài đúng một con giáp với cô học trò bé nhỏ xinh xinh mà tài diễn cùng sự chân thành mộc mạc đã làm xiêu lòng ông thầy lớn hơn mình 17 tuổi. Chừng ấy năm “chứng kiến” để rồi đường ai nấy đi là điều mà những người hâm mộ luôn muốn đặt dấu chấm hỏi, nhưng với anh - người trong cuộc, cho dù có bao nhiêu sự thấu hiểu vẫn khó thể làm vơi đi những nỗi niềm. Vịn vào số phận, có duyên nhưng không nợ như người ta thường nói, song nhìn lại quãng thời gian ấy, anh ví mình chẳng khác gì một “dòng sông lơ đãng”, cứ lững lờ trôi mà quên để ý tới những thác ghềnh. Lúc nào anh cũng tự thấy chưa đủ sức lo, chưa sẵn sàng cho cuộc sống vốn nhiều ràng buộc của một gia đình. Đến lúc chỉ còn lại một mình trong căn phòng trống, nỗi cô đơn chợt bung ra như những mũi kim, cựa đâu anh cũng thấy khắp mình đau nhói. Và Tuyết Vân, vợ anh bây giờ, đã bất ngờ hiện ra như một nàng tiên hiền dịu, nhẹ nhàng làm lành những vết thương.
Anh kể, gặp nhau trong công việc lồng tiếng phim, sau vài lần thử thách, phát hiện ra “nàng” là một phụ nữ hiền lành, “biết chịu đựng”, lại cùng gu thẩm mỹ, không hiểu sao anh liền tin rằng nếu lấy người này sẽ rất yên tâm về một cuộc sống hôn nhân êm ấm. Rơi đúng vào thời điểm đang nóng lòng muốn tìm vợ vì thời gian không chờ nữa, và rồi chỉ sau hai tháng làm quen, anh nôn nao mang thiệp cưới đi phân phát. Chú rể “già” hơn cô dâu 21 tuổi.
Hăng hái là vậy, nhưng cuộc sống chung ban đầu cũng không dễ dàng gì đối với một người độc thân “lâu năm” như Công Ninh. Căn hộ tập thể của trường anh đã ở trên 20 năm, nay bỗng đâm ra chật chội. Nhưng khó nhất là đã quen ăn, ngủ, làm việc không cần hỏi ý kiến ai, giờ phải đành để một nửa khác chi phối. Nhưng bù lại, cuộc sống trở nên ấm áp hơn nhờ bên cạnh luôn có người hợp gu chia sẻ mọi điều, nhất là những bữa cơm nóng, canh sốt từ bàn tay dịu dàng, khéo léo của con gái miền Tây. Đáp lại, anh cũng không nề hà việc nhà, hễ rảnh là xắn tay làm để vợ được thảnh thơi. Vào những ngày vợ sắp “ở cữ”, ông chồng đạo diễn kiêm diễn viên phải chạy một lúc ba phim trường cho ba phim, nhưng anh không hề thấy mệt.
Với ánh mắt rạng ngời không giấu được niềm hạnh phúc, Công Ninh khoe rằng có vợ, có con, đời anh như được lật sang một trang mới. “Trang mới” đó đang nhắc nhở anh chú ý giữ gìn sức khỏe nhiều hơn để được sống lâu, giúp anh quyết tâm vươn tới nghề đạo diễn điện ảnh, có thu nhập khá hơn để mau chóng tậu được nhà. Ngược lại, “trang mới” này cũng đem lại cho người đàn ông lấy vợ muộn là anh ít nhiều sự tiếc nuối, bởi như anh nhẩm tính, “thời gian còn lại để sống với vợ con là… quá ngắn!”.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.