* Anh từng nói không lý tưởng hóa sân khấu (SK), trong khi nhiều người khác lại coi SK là thánh đường. Liệu có sự khác biệt nào giữa những tâm hồn nghệ sĩ ở đây?
- Có nhiều cách để cảm thụ một vẻ đẹp. Tôi không thích dùng mỹ từ, tôi chỉ muốn biến nó thành những hoạt động tử tế, hữu ích. Nếu gào lên “tôi yêu SK lắm” mà toàn đi làm phim, truyền hình, một năm chỉ về đoàn hai-ba lần, chẳng có đóng góp nào cho SK thì không phải chất của tôi. Yêu thì phải cho nó tồn tại, yêu thì phải làm cho nó tốt lên. Suốt ngày, sáng - trưa - chiều - tối, đoàn II tập liên tục. Tôi đang hoạt động, tức là tôi đang tồn tại và tồn tại bằng công việc chứ không phải lời nói.
* Anh đã nói rằng, “với Chí Trung thì cười trên ngực trở lên”. Nhưng anh có nghĩ rằng, càng dân dã thì càng dễ bán vé?
- Dân dã thì phải rất duyên, không thì dễ trở thành nhả nhớt. Dân dã mà không duyên thì kinh khủng. Tôi không có được cái duyên đó thì tôi phải chọn trí tuệ.
* Tức là hài thâm?
- Hài thâm là từ chỉ sự thất bại chứ không phải trí tuệ đâu! Đã là hài thì phải vui vẻ và có tiếng cười. Nếu hay hơn nữa thì xem xong về còn được ngẫm nghĩ. Diễn mà chỉ có người trên SK và người trong cánh gà cười sằng sặc, còn khán giả chẳng hiểu mấy, chả ai cười thì đó là hài thâm. Mình cứ nói đùa là hài thâm vì tự thấy chưa hay, còn thâm hay không thâm lại tùy vào sự đánh giá của người xem.
* Có bao giờ đoàn anh rơi vào tình huống “một phút nữa là chết” vì khán giả không cười?
- Cũng có chứ. Ai nói chắc được, không thể tuyệt đối được! Bọn tôi cũng là người bình thường, cũng có lúc mệt mỏi, có lúc vội vàng, nhưng trên hết đều mong muốn tác phẩm tốt. Trong quá trình chuẩn bị, có những tác phẩm, tiểu phẩm “chết” ngay ở phòng tập, có vở chết ngay sau một buổi diễn… Có những đêm diễn thăng hoa, mình thấy người như có luồng điện tê giật, nhưng có những đêm chỉ muốn khoét một lỗ ở SK để chui xuống và sao thấy thời gian dài thế. Một phút mà như thế kỷ (cười). Nhưng may mà tôi ít khi gặp tai nạn.
* Nhà hát Tuổi trẻ có tới bốn đoàn, nhưng chỉ có đoàn II của anh “ra riêng”. Anh nghĩ thế nào mà lại quyết định như thế?
- Không hề “ra riêng”. Chúng tôi chỉ phát triển một điểm diễn nữa cho Nhà hát. Ở thời điểm này, đoàn II đang gầy dựng điểm diễn đó, đó cũng chưa phải điểm diễn cuối cùng, sẽ phải phát triển thêm hai điểm diễn nữa ở Hà Nội nếu tôi có được sự hợp nhất của tất cả các đoàn trong Nhà hát. Mà sắp tới sẽ theo mô hình đó. Không chỉ có hài kịch mà cả chính kịch, vở diễn lớn. Nói thật, đây là một thị trường hoàn toàn tối đen, nên chỉ một que diêm cũng thành bó đuốc. Tôi hiểu điều đó và sẽ làm sớm điều đó.
* Anh thấy cuộc sống của diễn viên đoàn anh so với đoàn khác có nhiều khác biệt?
- Khác chứ. Thứ nhất, về tinh thần, chúng tôi chăm sóc rất tốt. Nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trong biên chế nhà nước ở miền Bắc sống nhiều bằng tinh thần. Họ đến đây bằng niềm vui, họ được sống, được tôn trọng và được tập luyện, được diễn. Hiện mỗi buổi diễn, sau khi chi trả các chi phí như thuê rạp, ánh sáng… mỗi người chỉ nhận cao nhất là 200.000đ, có những em chỉ được nhận 100.000đ. Một tháng nếu diễn đủ bốn tuần thì mới được 800.000đ, cộng với lương 1.249.000đ thì mới được hơn hai triệu. Dù thế, nhưng tất cả các diễn viên đoàn II nói riêng và Nhà hát Tuổi trẻ nói chung đều rất bằng lòng với vị trí hiện tại của họ, vì họ được làm nghề. Họ đang tồn tại và sống, hoạt động liên tục chứ không tồn tại bằng vài ba cuộc hội họp trong năm hoặc đầu tuần đến một tí rồi đi làm phim.
* Có phải vì từng ấp ủ việc mở Nhà hát Tuổi trẻ ở TP.HCM không thành mà anh định mở thêm hai điểm nữa ở Hà Nội?
- Tôi không phải là doanh nhân nên không phải lo nhiều về lợi nhuận và sự thất bại kéo theo. Chỉ đơn giản, tôi là người con của nhà hát nên muốn phát triển thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ.
Tôi thấy tiếc vì TP.HCM là thị trường tiềm năng, các nghệ sĩ vào diễn trong đó đều “gặt hái” tốt. Ngay bản thân tôi là cây được trồng ở phía Bắc mà vào trong đó gặp đất tươi tốt sẽ nở hoa. Nhưng tôi không thể chuyển tải điều đó cho anh em diễn viên được, vì họ không thể bỏ vợ con, gia đình...
* Năm ngoái, anh đã “đổi món” cho khán giả bằng Lời thề thứ chín. Năm nay, anh có định dành cho khán giả điều gì mới mẻ ngoài hài?
- Sau vở ấy, chúng tôi đã dựng Nhà Ôsin của Nguyễn Huy Thiệp. Chị Lê Khanh (NSND Lê Khanh) nói vui là tái hòa nhập Chí Trung với thế giới chính kịch, đưa một danh hài về với chính kịch.
Nhiều vở ngày xưa rất hay, vì cảm xúc về những sự bất công mấy chục năm giờ vẫn còn nguyên. Chỉ tiếc, những vở như thế được dựng lại không nhiều, bởi ai cũng xếp đó là diện kịch “cúng cụ”. Tôi cảm ơn báo chí đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều, công chúng muốn chúng tôi làm tác phẩm tử tế, nhưng tôi cũng nói luôn rằng, làm những tác phẩm tử tế, rất đau lòng là không bán vé được.
Tôi có muôn vàn vở diễn “vớ vẩn” bán được vé, để tồn tại và nuôi những vở diễn tử tế và chúng tôi vẫn sống với những điều tử tế ấy. Tôi dựng Lời thề thứ chín với hai mục đích: Dựng lại để các diễn viên của tôi biết là ngoài những chùm kịch Đời cười, Phố cười thì còn những vở tử tế, những nhân vật lớn mà diễn viên được thổi hồn vào để họ lớn theo. Tôi nghĩ mình đã thành công vì các em đã cảm nhận rất tốt và đã đánh vào sự vô cảm của khán giả.
* Nghe nói anh có “ghế” mới?
- Tôi đang làm tốt công việc của mình, sang vị trí mới còn khổ hơn, thay vì lo cho 60 con người thì phải lo cho 200 con người của cả Nhà hát. Chẳng ai muốn khổ làm gì. Nhưng vì trách nhiệm, tôi vẫn làm. Tôi yêu nhà hát. Nhà hát sinh ra tôi. Tôi lớn lên, nuôi dưỡng gia đình, nuôi các con… cũng nhờ nhà hát này. Hai vợ chồng tôi hiện cũng đã thuộc biên chế Nhà hát, không làm thì chết à?
* Mấy chục năm sống đời nghệ sĩ, anh thấy mình được gì, mất gì?
- Thanh thản. Được sống với chính mình. Tôi thanh thản vì tôi nghĩ mình không chọn nghệ thuật mà nghệ thuật chọn mình. Khi tôi còn trẻ, bố tôi (cố NSND Quý Dương) dẫn đến nhà đạo diễn Doãn Hoàng Giang và nói: “tớ có thằng con, cậu xem thằng này có khả năng không?”. Ông Giang xem một phút rồi bảo “thằng này có khả năng”. Tôi thi tuyển vào Nhà hát Tuổi trẻ năm 1978, vào vòng sơ tuyển, diễn một phút rồi người ta bảo đi ra. Vào tiếp vòng chung tuyển, được một phút người ta lại bảo đi ra nên cứ đinh ninh là trượt rồi. Tôi và Lan Hương (NSND Lan Hương) đứng dúm dó ở ngoài, tưởng trượt mà hóa ra đỗ hết. Sau đó xem hồ sơ người ta mới biết tôi là con Quý Dương.
* Vậy còn mất…
- Sự thanh thản tĩnh tâm là điều ngàn vàng không mua được, mất gì nữa!
* Chí Trung nghĩ gì nói đấy, nhưng nói đúng suy nghĩ của mình thường là thiệt thòi, phải không?
- Trung quân thường thiệt thòi. Tôi quen biết nhiều đại gia, nhưng chưa bao giờ ngửa tay xin gì, họ cũng không biết tôi nghèo. Tôi chỉ xin cho đoàn diễn. Không phải tôi không cần tiền, tôi rất cần tiền, nhưng tính tôi thế. Cổ phiếu, nhà đất tôi không lụy. Để bài binh bố trận mà xin xỏ đất đai, cổ phiếu, tôi không làm, nhưng nếu ai cho thì tôi nhận. Cũng có lúc day dứt vì không làm được nhiều điều cho gia đình. Nhưng tôi nghĩ, của thiên trả địa, chi bằng tiền mình làm ra, cứ gửi tiết kiệm, thế là xong, yên tâm.
Tôi giống tính bố tôi. Giờ vẫn ở nhà tập thể, càng tiện, đỡ phải lau nhiều, mà lại không phải đi xa. Tất nhiên, chúng tôi vẫn có một căn nhà riêng khác mà vợ tôi được ông bà cho.
* Sau nhiều năm “xoay trần” với nghệ thuật, thậm chí làm cả “con buôn”, quan điểm sống của anh có khác xưa?
- Không, vẫn thế. Tôi luôn bằng lòng với những gì mình có và cả những gì mình không có được. Hạnh phúc của tôi là bằng lòng với những gì mình có và truyền được cho vợ suy nghĩ ấy. Không có người vợ nào muốn chồng đạm bạc, nhưng sự thanh thản vô cùng quan trọng. Giờ thì còn gì quan trọng hơn nữa, có một cái nhà để ở, một cái nhà để cho các con, con gái học ở Mỹ, con trai học ở Việt Nam, cả hai con đều khỏe mạnh, nhân cách tốt, yêu mình. Thế còn đòi gì nữa. Nó là cái giá mà mình vật lộn để xây dựng. Nếu mình bon chen kiếm tiền, có khi vợ chồng bỏ nhau lâu rồi. Tôi hạnh phúc vì có một người vợ và những đứa con không đặt áp lực cho mình, rất ít người làm được điều đó.
Dung Nhi (thực hiện)