Ngập ngừng trước cánh cửa nhỏ dẫn vào gian phòng be bé vừa đủ để chiếc tủ và cái giường đơn, dưới ánh đèn nhờ nhờ, tôi thoáng chạnh lòng khi đối diện người nghệ sĩ lão thành từng là đệ nhất đào võ trên sân khấu cải lương năm nào.
Ở tuổi ngoài 70, NSƯT Diệu Hiền xin được “ra riêng”, không sống cùng con cháu. Mái ấm thứ hai mà bà dọn đến là Viện Dưỡng lão nghệ sĩ (Q.8, TP.HCM), theo lời mời của ban quản lý viện.
Gia đình bà đông con cháu, cùng sống trong căn hộ chung cư trên lầu nên khá chật chội, di chuyển bất tiện, không có không gian riêng cho người cao tuổi lại bị bệnh tim như bà.
Bà có năm người con đều bận rộn mưu sinh (đa số gắn với nghề đàn ca) nên không ai thường xuyên túc trực bên bà. Các con không cam lòng rời xa mẹ, ra sức ngăn cản ý định “ra riêng” của bà.
Lẽ nữa là sợ dư luận nói ra nói vào: có tới năm người con mà lại đưa mẹ già vào viện dưỡng lão. Nhưng bà cương quyết: “Chị Hiền biết các con hiếu thảo và thương chị Hiền nhưng chị Hiền đã quyết, các con cũng không cản được. Đó là điều chị Hiền thực lòng mong muốn, các con thuận ý cho chị Hiền vui (các con từ bé đã gọi mẹ bằng tiếng gọi thân thương, ngồ ngộ là chị Hiền và bà cũng xưng hô như thế - PV)”.
Ngày tiễn mẹ về ngôi nhà chung, các con lăng xăng cụ bị nào là quần áo, mùng mền, máy nghe kinh Phật, các bức ảnh vang bóng một thời của mẹ. Gửi gắm mẹ già cho các cô chú ở ban quản lý, các con quay đi, khóe mắt cay cay…
|
Ở căn phòng tại Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, NSƯT Diệu Hiền lấy thuốc uống từ chiếc hộp nhỏ phân chia sẵn các cữ sáng - trưa - chiều - tối do chính tay con gái giữa (nghệ sĩ Diệu Thanh) chăm chút |
Đã ba mùa lá rụng, ba năm gắn bó với chốn này, NSƯT Diệu Hiền tha thiết gọi đây là nơi lý tưởng của mình. Tính bà từ xưa vẫn vậy, dù là đào chánh, tiếng tăm lừng lẫy nhưng không thích hào nhoáng, xa hoa. Bà hài lòng với cuộc sống hiện tại nơi đây, trong căn phòng be bé, yên tĩnh dưới tán cây rợp mát.
“Dù cô làm không tới nhưng trong lòng cô muốn tu. Ở đây một mình, cô được tịnh tâm niệm Phật, tâm lý thoải mái. Niệm Phật không phải để cầu thành tiên, thành Phật chi hết mà cầu mong kiếp sau được làm… nghệ sĩ tiếp. Ở nhà thì đông vui thật nhưng có khi mình cần tĩnh lặng thì con cháu kêu réo hoặc cãi nhau, chạy đến méc bà, khó lòng tịnh tâm được. Giờ mà kêu cô về nhà, cô không chịu đâu” - NSƯT Diệu Hiền mỉm cười chia sẻ.
Hạnh phúc ở tuổi vào thu là người nghệ sĩ vẫn được khóc cười trên sân khấu nhỏ, hoặc cùng đồng nghiệp ngồi bên nhau ôn chuyện xưa. Chuyện bỏ nhà theo gánh hát ở tuổi 14 với hai bộ đồ rách và chân không mang dép, chuyện đang hát cao hứng rồi bất chợt quên tuồng, chuyện vãn hát nửa đêm nước ròng cạn đáy nên thuyền của đoàn hát không thể rời bến…
Nhớ năm hơn 30 tuổi, trận hỏa hoạn ở miền Tây do can xăng bị đổ trên mặt sông suýt cướp đi sinh mạng của nữ nghệ sĩ tài hoa. Bị cháy, bà vẫn không vùng thoát thân mà vẫn cố thủ trong tàu vì nghĩ “đào hát mà tàn tật rồi thì còn gì nữa, thôi chết cho xong”. Bỗng trên bờ có tiếng đồng nghiệp hô lớn: “Chị Hiền ơi! Cố thoát ra đi chị ơi! Chị chết rồi, bỏ con chị lại ai nuôi chị ơi! Chúng nó cần mẹ, chị ơi!”.
Sực nhớ đến các con thơ ngày ngày chờ mẹ về, bà vụt chạy, tông cửa ra và chiến đấu với tử thần giữa biển lửa. Cơ thể cháy quéo, hơn năm ròng bà trần truồng nằm trên lá chuối non. Nghệ sĩ đồng nghiệp người bỏ hát mấy tháng theo nuôi bà, người tìm thầy thuốc khắp nơi chạy chữa và thay bà gửi tiền về nuôi mẹ cùng các con, giấu chuyện hỏa hoạn, tránh cho mẹ già lo rầu, suy sụp.
Giờ đây, bạn già ngồi với nhau trong Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, nhắc lại mà nghe hồi ức ùa về. Những tháng ngày ấy, những ân tình ấy, không ai cho bằng nghệ sĩ cùng thời có thể chia sẻ và thấu cảm. Các con bà cũng hiểu và trân trọng những giây phút quý giá ấy của mẹ cùng các cô chú đồng nghiệp.
Đây là nơi lý tưởng, một lẽ khác nữa là bà được ban quản lý cùng bạn bè gần gũi chăm lo, để các con an tâm đi làm. Những khi khỏe, bà đến thăm chùa nơi con gái tu. Hoặc về nhà chơi với các con vài hôm, cùng nấu những món ăn ngon, quây quần vui đùa. Khi bà bệnh, các con sau suất diễn vào với mẹ, giăng mùng cho mẹ, nằm cạnh canh tiếng thở, tiếng ho, dìu đỡ, cho mẹ uống thuốc.
Các con bà cẩn thận phân chia thuốc vào chiếc hộp nhỏ ứng với buổi sáng trưa chiều, sợ mẹ kém mắt lấy nhầm. Hỏi “bà có trông con cháu vào thăm không?”, NSƯT Diệu Hiền chậm rãi lắc đầu: “Không trông, tụi con cháu bận đi học, đi làm. Hễ rảnh là nó vô hà. Cô ở đây lúc nào cũng vui rồi. Ở đây có cô bếp nấu ăn ngon nữa…”.
Bà tâm sự, nhiều người quan niệm vào nhà dưỡng lão là coi như xong, coi như hết đời, nhất là “cái tôi” của những nghệ sĩ vốn danh tiếng, càng không chấp nhận cuối đời vào nhà dưỡng lão. Có thể họ cảm nhận môi trường ở nhà dưỡng lão tốt nhưng do rào cản tâm lý, do định kiến mà họ và các con không bước ra được.
Bản thân bà nghĩ thoáng, bà biết mình muốn gì và dám buông, dám sống với ước muốn ấy. Bởi bà đã lăn lộn nhiều, cuộc đời nếm trải đủ ngọt bùi đắng cay nên khái niệm hạnh phúc đơn giản chỉ là ngồi niệm Phật, giữ cho cái tâm thư thái, đừng nợ nần ai, sợ chết mình chưa trả kịp cho người ta thì mang tội. Về tổ chức cuộc sống gia đình thì sống chung dưới một mái nhà chưa hẳn đã hạnh phúc, sống xa chưa hẳn đã bất hạnh. Miễn là trong lòng có nhau, hướng về nhau, quan tâm, chăm sóc thì hơi ấm gia đình vẫn vẹn nguyên.
Khái niệm gia đình ở bà đã rộng hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi người ruột thịt: mẹ với con, bà với cháu, mà là những ai yêu thương, sẵn sàng làm điểm tựa cho nhau giữa cuộc đời này.
Tô Diệu Hiền