LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…” Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa” Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển... Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”! Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại” Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề… Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận… Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười... Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi” Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn: Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm Bài 30: Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ Bài 31: Diễn viên Hải Lý: Đời yên bình sau những khúc quanh Bài 32: Ca sĩ Ngọc Ánh: Nếu quá tròn vẹn, lại không phải là đời Bài 33: Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu: Người mẹ hiền của màn ảnh nhỏ Bài 34: NSƯT Kim Phương: Những nỗi buồn nhẹ tênh Bài 35: NSND Việt Anh và những câu chuyện tử tế Bài 36: NSND Trọng Hữu: Nhọc nhằn đời ai cũng có |
Trong gian khổ vẫn thấy may mắn
Trăm năm của sân khấu truyền thống, ngoài người nghệ sĩ luôn được khán giả nhắc nhớ, không thể quên những người phía sau, thầm lặng cống hiến. NSƯT Ca Lê Hồng là một trong những cái tên đặc biệt ấy. Không biểu diễn nhiều, nhưng bà lại góp công không nhỏ để tạo nên nhiều tên tuổi danh tiếng cho sân khấu, trong gần 20 năm công tác tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, từ vị trí phó hiệu trưởng, rồi đến hiệu trưởng, cũng như tham gia giảng dạy.
|
NSƯT Ca Lê Hồng trong buổi tọa đàm kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang |
Những lứa học trò của bà có thể kể đến như: NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, nghệ sĩ Minh Nhí, nghệ sĩ Thành Hội, MC Quyền Linh… Với vai trò đạo diễn, bà cũng tạo được nhiều dấu ấn với các vở mẫu mực trong việc dàn dựng, âm nhạc, vũ đạo, khai thác tối đa khả năng ca diễn của nghệ sĩ. Trong đó, không thể không nhắc đến vở Dương Vân Nga (tác giả Huy Trường, chuyển thể từ kịch bản chèo của Trúc Đường) được bà dàn dựng cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, với vai chính do NSƯT Thanh Nga đảm nhận đã từng gây tiếng vang một thuở.
15 tuổi, NSƯT Ca Lê Hồng đã tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ. Sự khốc liệt của thời cuộc không thể tác động đến sức trẻ hừng hực trong những thanh niên thời bấy giờ. “Tôi chỉ nghĩ sinh ra là người Việt Nam, làm được gì cho Tổ quốc sẽ hết lòng. Không chỉ tôi mà thế hệ chúng tôi đều ra đi với sự háo hức để được phục vụ”, bà nhớ lại.
Chuyện đờn ca, hát xướng thời bấy giờ vẫn còn chịu nhiều định kiến xã hội, nhưng bà và các anh trai đều được cha mẹ ủng hộ theo con đường nghệ thuật. Ban đầu, bà là nghệ sĩ ca múa. Vì nhu cầu của đoàn văn công Nam bộ, bà được tuyển về để học cải lương với những nghệ sĩ hàng đầu thời bấy giờ như: nghệ sĩ Tám Danh, nghệ sĩ Ba Du… Cải lương không lạ với Ca Lê Hồng, nhưng để trở thành nghệ sĩ biểu diễn lại là chuyện khó, bởi bà chưa biết gì về chuyên môn. Không qua trường lớp chuyên nghiệp, bà xem mỗi buổi diễn là một cơ hội được học. Điều gì hay, thú vị, bà đều tỉ mỉ ghi chép lại. Không chỉ riêng Ca Lê Hồng, các bạn học của bà cũng rất nghiêm túc. Họ miệt mài học từ sáng sớm đến tối mịt. Nhọc nhằn, gian khổ mấy thì trái tim yêu nghệ thuật vẫn chiến thắng tất cả.
|
NSƯT Ca Lê Hồng và các đồng nghiệp: NSND Thanh Vy, NSƯT Lê Thiện và nhà giáo nhân dân Hà Quang Văn (ngoài cùng bên trái) |
Ở đoàn, bà từng tham gia nhiều vở diễn như: Dệt gấm, Võ Thị Sáu, Tình ca mùa xuân… Đoàn biểu diễn phục vụ nhiều tỉnh miền Trung ở Quân khu 5. Chiến tranh khốc liệt đã khiến những quãng đường dài gian nan hơn rất nhiều. Trong ký ức của bà, đó là những chuyến đi băng rừng, vượt núi. Mỗi lần máy bay địch càn quét áp sát, cả đoàn nghệ sĩ phải nhảy xuống lập tức tìm nơi ẩn náu. Biết bao nguy hiểm rình rập nơi rừng sâu, núi trở non cao, nhưng họ chỉ có thể tiến về phía trước. Chuyện sống, chết đôi lúc cũng không còn khiến ai bận lòng. Từ miền Trung, đoàn lại ngược ra Bắc, lên Lạng Sơn, Cao Bằng… Ai nấy đều trong tâm thế sẵn sàng sơ tán khi giặc càn quét. Bà nhớ những năm ở Hà Nội, mỗi lần máy bay giặc áp sát, tiếng bom nổ vang rền, lại phải bỏ ngay chuyện hát, bế con xuống hầm ẩn nấp.
Hoàn cảnh vừa làm mẹ, vừa làm nghệ sĩ, chiến sĩ, đặt người phụ nữ nhỏ bé vào không ít tình cảnh khó xử. Khi con còn nhỏ, bà phải đưa đi sơ tán, dồn hết tâm sức cho hoạt động nghệ thuật. Có những đêm bà nhớ con quay quắt đến không ngủ được, nước mắt cứ chực trào. Thỉnh thoảng bà lại đạp xe vài chục cây số để về thăm con ở vùng ngoại thành, ôm ấp một chút rồi lại đi ngay. Đứa trẻ nhìn mẹ rời đi mà nước mắt lưng tròng, còn bà thì xót lòng xót dạ.
“Năm 1968 khi chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt, tôi được cử sang Nga học đạo diễn. Nhiều đồng đội tôi thì lặn lội vào các chiến trường ác liệt. Có người đi không trở lại. Có người phải xa con đến mấy năm ròng, hoặc đi phục vụ ở miền Bắc, phải gửi con lại miền Nam. Trong chiến tranh, sự chia cắt về tình cảm cũng đau xót vô cùng. Nghĩ lại, tôi thấy mình chỉ là một phần nhỏ trong sự hy sinh quá lớn mà thôi”, bà tâm sự.
Từ Nga, tất cả nỗi nhớ nhung đều được gửi vào những cánh thư tay. Bà tằn tiện từng đồng. Mùa hè, được nghỉ học, bà xin làm việc ở xưởng kem, nơi mà bà kể là lạnh thấu da thịt không chịu nổi; xếp vải trong các cửa hàng quần áo… Tiền có dư, bà lại mua đồ gửi về quê cho người thân. “Gian khổ cực nhọc nhưng tôi luôn ý thức bản thân còn may mắn, nên không bao giờ ngừng cố gắng”, bà tâm sự.
Làm thầy không dễ
Trước khi về TP.HCM đảm nhận công việc ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), bà có thời gian giảng tại Trường đại học Sân khấu Việt Nam tại Hà Nội khi từ Nga trở về. Chiếc xe đạp cà tàng trở thành bạn của bà trên quãng đường từ nhà đến trường gần chục cây số. Gác sự nghiệp sân khấu để làm công tác quản lý là quyết định không hề dễ dàng. Bởi lẽ, tâm hồn mơ mộng của nghệ sĩ vốn dĩ không dành cho giấy tờ, văn bản hay những con số. Nhưng bà cũng hiểu con đường này không chỉ cho riêng mình, mà còn cho nhiều người phía sau.
Công tác giảng dạy ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở, thiếu thốn đủ bề. Bà tranh thủ hết sự hỗ trợ của các thầy cô từng du học ở Nga, các đồng nghiệp. Hầu như, điều gì tốt, điều gì hay cho sinh viên, bà đều không ngại “gõ cửa” để hỏi, trình bày. Bà quan niệm trước khi giỏi nghề, thì đầu tiên mỗi nghệ sĩ đều phải là con người tốt, chuẩn mực. “Không ai trong chúng ta hoàn hảo, nhưng việc hướng thiện, sống tốt đẹp là điều ai cũng có thể làm. Trong những buổi giảng dạy hay những lần gặp gỡ, tôi đều nói với học trò rằng, làm người phải luôn biết học hỏi, trung thực, hết lòng với khán giả… Nếu các em không thành nghệ sĩ giỏi thì cũng trở thành người tốt. Đó là điều an ủi nhất với một người thầy. Làm nghệ sĩ hay làm thầy đều có cái khó riêng. Nhưng làm thầy phải chịu trách nhiệm với một con người, rồi từ đó phục vụ xã hội. Vì thế, tôi luôn ý thức để cẩn trọng, mực thước trong từng việc”, bà nói.
Sự khiêm tốn vốn có khiến NSƯT Ca Lê Hồng ít khi than thở hay nói về chính mình. Bà thương học trò nhiều hơn thương bản thân. Hầu hết sinh viên thời điểm đó đều phải ăn gạo độn bo bo, khoai, sắn. Những người thầy cũng vậy. Họ cũng chẳng có điều kiện chạy show nên cái nghèo khó cứ đeo đẳng qua từng năm tháng.
Hầu hết sinh viên đều ngoan, biết cách vượt qua mọi trở ngại khiến bà thấy an lòng. Không chỉ trở thành trụ cột cho sân khấu, nhiều học trò của bà còn trở thành phó tiến sĩ, tiến sĩ. “Vị trí, danh hiệu của các em đều cao hơn tôi rất nhiều. Nhưng đó là niềm hạnh phúc lớn của bất kỳ người thầy nào. Chỉ khi thế hệ đi sau giỏi hơn thế hệ đi trước, thì xã hội mới tiến bộ”, bà chia sẻ.
Tình yêu sân khấu luôn cháy bỏng trong tim bà, bất kể khi bà làm công tác quản lý, giảng dạy hay đã nghỉ hưu. Hơn 80 tuổi, bà vẫn ngược xuôi giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây để vừa làm công tác truyền nghề, vừa dựng vở. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao như: Chất ngọc không tan, Không quá muộn màng… và nhiều vở, trích đoạn ở các cuộc thi như: giải tài năng trẻ sân khấu cải lương toàn quốc, giải Trần Hữu Trang…
Ngoài những học trò giỏi, tài sản bà có lớn nhất là sự yêu thương, bao dung của gia đình. Ngày trước, đầu óc bà ít khi được thảnh thơi. Quá nhiều vai trò khiến bà không thể dồn hết tâm sức dành cho gia đình như những người mẹ, người vợ khác. Nhưng chồng, con đều thấu hiểu, chia sẻ.
Ở tuổi 83, bà vẫn say mê đóng góp cho nghề, dẫu sức khỏe bị ảnh hưởng đôi phần vì bệnh tật. Chương trình, hội thảo nào nhằm nâng đỡ, tìm hướng đi cho nghệ thuật truyền thống, bà cũng sẵn sàng không quản ngại đường xa đến tham dự. “Đời tôi sinh ra dành cho nghệ thuật, nên phải làm việc đến khi nào không còn được nữa thì thôi. Đó cũng là cách trả ơn Tổ nghề, trả ơn khán giả”, bà nói.
Trung Sơn