Trong cuốn sách Hẹn nhau từ muôn kiếp trước của nhà văn Lê Thiếu Nhơn, 36 câu chuyện tình của văn nghệ sĩ được anh tiết lộ. Khi tác giả bật mí về những nàng thơ xuất hiện trong một số ca khúc, lúc kể về màn cầu hôn đặc biệt hay điểm lại một vài mối tình dở dang của nghệ sĩ... những câu chuyện nhỏ ấy chỉ như lát cắt trong cuộc đời của nghệ sĩ nhưng đâu đó, chúng thay đổi đời sống của họ, thay đổi cách nghĩ, cách sáng tác.
Ở mỗi câu chuyện, Lê Thiếu Nhơn có cách khai thác khác nhau, không chỉ thuần nói về tình cảm đôi lứa, đó còn là những trăn trở về sự nghiệp, số phận mỗi người. Ví như NSƯT Bảo Quốc, việc ông cảm thấy áp lực khi được sinh ra trong cái nôi nghệ thuật dường như không còn mới. Tuy vậy, dưới cách kể của tác giả, chân dung một nghệ sĩ Bảo Quốc chật vật trong những năm tháng bắt đầu sự nghiệp và chuyện tình với người vợ thuỷ chung tuy ngắn gọn nhưng khá đầy đủ.
|
Cuốn sách của tác giả Lê Thiếu Nhơn ghi lại câu chuyện tình của 36 văn nghệ sĩ. |
Cha của nghệ sĩ Bảo Quốc là nghệ sĩ cải lương Năm Nghĩa, còn mẹ của ông là bà bầu Thơ – chủ gánh hát Thanh Minh rực rỡ nhất Sài Gòn. Khi cha mẹ đến với nhau, Bảo Quốc có thêm một người chị cùng mẹ khác cha là nghệ sĩ cải lương Thanh Nga.
"Tuy nhiên, số phận có những an bài trớ trêu khiến Bảo Quốc thốt lên: “Tôi có ba điều bất hạnh trong đời, đó là sự ra đi của ba tôi – nghệ sĩ Năm Nghĩa (mất năm 1959), má tôi – bà bầu Nguyễn Thị Thơ (mất năm 1988) và chị tôi – cố NSƯT Thanh Nga (mất năm 1978).
Một thanh niên mới lớn bước vào đời, tôi có sự may mắn và thuận lợi là con nhà nghệ sĩ, có sẵn gánh hát nhà để mình được sớm theo nghề hát. Nhưng gánh nặng áp lực đó khủng khiếp lắm! Một vai diễn dở, thay cho lời góp ý thì người trong đoàn sẵn sàng mỉa mai: “Con của bầu hát mà hát dở vậy sao”, hoặc ca trật một chữ, mọi ánh mắt nhìn về phía ba má tôi như để mắng vốn. Khi tôi mất đi những điểm tựa, một mình bước vào đời, tôi phải cố hết sức để trụ vững” - trích trong cuốn sách của tác giả Lê Thiếu Nhơn.
Ngày mới theo nghề hát, nghệ sĩ Bảo Quốc cũng từng đóng kép chánh. Nhưng khi biết chính mình kém hơi ca, sự ngân nga không đủ mùi để đi vào những vai thương cảm, ông chủ động chuyển hướng và dần bộc lộ khả năng diễn hài duyên dáng.
|
Nghệ sĩ Bảo Quốc và người vợ dấu yêu thuở còn son trẻ. |
Bên cạnh câu chuyện về sự nghiệp, chuyện tình giữa Bảo Quốc và vợ, bà Thu Thuỷ cũng được nhắc đến trong tác phẩm. Nói đến vợ, nam nghệ sĩ Bảo Quốc hay dùng từ “biết ơn” như: “Tôi biết ơn bà xã vì đã sinh cho tôi bốn đứa con” hoặc “Tôi biết ơn bà xã tôi đã gồng gánh gia đình qua nhiều sóng gió cheo leo”.
Vợ chồng Bảo Quốc quen nhau từ thuở học trò: “Một buổi chiều đi đá banh, tôi gặp bà xã tôi lúc đó đi học về. Cô là nữ sinh Gia Long mặc áo dài duyên lắm. Vì ở chung xóm nên hằng ngày gặp nhau đá lông nheo rồi cười mỉm, sau đó lấy can đảm mời đi uống nước mía. Nàng chịu, thế là qua ly nước mía quen nhau luôn”.
Cha mẹ phía vợ từng ra sức ngăn cản dữ dội chuyện tình yêu của con gái với nghệ sĩ Bảo Quốc. Họ không muốn con gái bước vào gia đình theo nghệ thuật nhiều lênh đênh, lắm thị phi. Nhưng cho đến một ngày, khi chưa tròn 20 tuổi, Thu Thuỷ vượt mọi ngăn cấm của gia đình, quyết làm con dâu của bà bầu Thơ, cùng gánh hát Thanh Minh bôn ba.
Thời gian đầu làm dâu, bà Thuỷ nói “vất vả lắm", nhiều đêm bà khóc thầm và cũng có khi dự định rời khỏi gánh hát Thanh Minh mà tìm kiếm một nơi nương tựa tốt đẹp khác, nhưng tình yêu đã giữ bà ở lại bên Bảo Quốc.
Trong thời gian chồng làm nghề, bà Thuỷ cũng biết luôn có nhiều bóng hồng vây quanh chồng mình nhưng bà không ghen vì nghệ sĩ Bảo Quốc thật thà, có sao nói đó. Về phía NSƯT Bảo Quốc, ông cho rằng: “Con người không ai hoàn hảo. Có xấu, có tốt, nhưng điều quan trọng nhất là phải sống thật. Sống giả tạo không sớm thì muộn cũng sẽ lộ ra. Vợ chồng sống với nhau bằng tâm lòng thì sẽ độ lượng hơn, có trách nhiệm hơn và vì thế tình yêu sẽ mãi mãi vững bền”.
|
Ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ Bảo Quốc vui vầy bên gia đình, con cháu. |
Trong Hẹn nhau từ muôn kiếp trước, tác giả Lê Thiếu Nhơn ghi lại những lý giải hết sức ngắn gọn về các nàng thơ từng xuất hiện trong một số nhạc phẩm, bài thơ. Trong đó, có nhiều sự vụ đã được bật mí, còn lại là những câu chuyện ít khi được thổ lộ. Chính vì thế, cuốn sách giúp người đọc hiểu hơn ngọn nguồn cảm xúc sáng tác của văn nghệ sĩ.
Như bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của nhà thơ Phạm Thiên Thư (tên thật Phạm Kim Long), nếu không đọc qua những bật mí của Lê Thiếu Nhơn, ít ai biết được người con gái tên Hoàng Thị Ngọ xuất hiện trong Ngày xưa Hoàng Thị chính là nữ chính trong mối tình học trò trong sáng, nên thơ thuở niên thiếu của tác giả.
Để rồi, khi Ngày xưa Hoàng Thị được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, ca khúc cùng tiếng hát của danh ca Thái Thanh vượt xa khỏi những vần thơ ban đầu: “Em tan trường về, anh theo Ngọ về. Chân anh nặng nề, lòng anh nức nở. Mai vào lớp học, anh còn ngẩn ngơ, ngẩn ngơ...”. Khi ca khúc ra mắt, nhiều người tự nhận mình là Hoàng Thị Ngọ nhưng với tác giả, nàng thơ của bài hát chỉ có một mà thôi.
Ngoài ra, cuốn sách còn tiết lộ nhiều chuyện tình đẹp và buồn, mãnh liệt và chua xót của nhiều văn nghệ sĩ khác như cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Lưu Quang Vũ, Tân Nhân, Đoàn Chuẩn, Yến Lan, Y Vân, Thanh Tùng, Lý Huỳnh, Giao Tiên, Nguyễn Ngọc Ký, Khánh Ly...
Tác giả Lê Thiếu Nhơn cho biết: “Tôi đã nghiêm túc lắng nghe những nhịp đập thầm thì từ chuyện tình của giới nghệ sĩ, và trân trọng lý giải bằng xao xuyến bản thân. Có thể góc nhìn phía tôi không tương tác được với người nọ người kia và cũng chưa hẳn hài lòng người trong cuộc, song tôi chưa bao giờ giảm bớt sự mến yêu những ngày họ đã sống và đã yêu. Thậm chí, không ít lần tôi mơ ước mình cũng dám sống và dám yêu như họ”.
Diễm Mi