LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…” Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa” Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển... Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”! Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại” Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề… Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận… Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười... Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi” Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn: Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm Bài 30: Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ Bài 31: Diễn viên Hải Lý: Đời yên bình sau những khúc quanh Bài 32: Ca sĩ Ngọc Ánh: Nếu quá tròn vẹn, lại không phải là đời Bài 33: Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu: Người mẹ hiền của màn ảnh nhỏ Bài 34: NSƯT Kim Phương: Những nỗi buồn nhẹ tênh Bài 35: NSND Việt Anh và những câu chuyện tử tế |
“Con sẽ đờn ca để kiếm sống”
“Cuộc đời có những sự sắp đặt sẵn. Tôi trở thành nghệ sĩ cũng như vậy”, NSND Trọng Hữu nói. Ông sinh ra trong gia đình truyền thống nghệ thuật nên đã sớm được thừa hưởng đam mê. Ông nội ông là Bảy Cò Điển - nghệ nhân đàn cò nổi tiếng. Thân phụ của ông là nghệ sĩ Tư Sang - chuyên đàn guitar phím lõm.
Thuở nhỏ, nghệ sĩ Trọng Hữu đã cùng ông nội rong ruổi khắp các đồng bưng để hát hội hè, cúng đình, đám cưới. Ông say mê ngón đàn của ông nội đến mức, cứ nghe là không dứt ra được. Có lần, cha ông hỏi: “Suốt ngày mày cứ ham ca hát, lớn lên làm gì mà ăn hả con?”. Ông thưa với cha: “Con sẽ giống ông nội và cha, đi đờn ca để kiếm sống”. Cha ông thừa hiểu những gian truân của nghề này. Nhưng khi nghề đã chọn người, cũng đành phải thuận theo.
16 tuổi, ông vào đoàn văn công Cần Thơ. Nhưng vì thời cuộc, ông phải tạm gác chuyện đờn ca để gia nhập đại đội thông tin của Trung đoàn 2, Quân khu 9, chiến đấu khắp miền Tây Nam bộ. Những đêm yên bình, ông lại ca cho đồng đội, bà con nghe. Chẳng có sân khấu, cánh gà được dựng tạm bằng những tàu lá dừa, đèn măng-sông leo lét dùng để chiếu sáng, nơi nào không có đèn thì dùng vải quấn vào đầu thanh củi, thấm dầu và đốt. Những đêm ăn mừng chiến thắng, lời ca của ông như được tiếp thêm sức mạnh.
|
NSND Lệ Thủy và NSND Trọng Hữu diễn trích đoạn Hàn Mặc Tử trong buổi họp mặt đoàn cải lương Kim Chung năm 2013 |
Cứ 11g trưa ông lại mang võng ra ngoài bìa rừng, trùm kín mít, áp sát radio vào tai để nghe cải lương trên đài phát thanh. Bị kiểm thảo không ít lần nhưng mê quá, không làm sao bỏ được. Giọng ca của Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn, Chí Tâm… khiến ông mê mẩn. “Ra chiến trận, sống chết chỉ cách nhau một lằn ranh mong manh. Bộ phận của chúng tôi thường làm việc tại sở chỉ huy, nơi địch thường nhắm đến. Có lần, vừa đánh đồn địch vào buổi tối, thì sáng lại bị địch tấn công. Tôi không nhớ đã suýt chết bao nhiêu lần. Tôi mê nghe cải lương, nhưng chuyện làm nghệ sĩ xa vời lắm”, ông nhớ lại.
Nhưng khi Tổ nghề đã chọn, nghệ sĩ khó có thể bước đi một con đường khác. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ông được chuyển về đoàn văn công Tây Nam bộ, chuẩn bị cho chương trình mừng đất nước thống nhất. Vở Hương bưởi được diễn rất nhiều nơi và gây tiếng vang. Không lâu sau đó, ông chuyển về hoạt động tại đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, đánh dấu những trang mới trong cuộc đời.
“Nếu không có cột mốc đó, tôi sẽ đi bộ đội cho đến ngày giải phóng. Anh em trong đơn vị hy sinh rất nhiều. Có thể, nếu ở lại, đã không có tôi hôm nay. Tôi vẫn nhớ và mang ơn những đồng đội của mình”, ông nói.
Nhọc nhằn xen lẫn vinh quang
NSND Trọng Hữu hoạt động tại đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang trong 20 năm, từng giữ chức trưởng đoàn một thời gian dài. Ông nặng gánh bởi vừa phải làm nghệ sĩ, vừa phải làm công tác quản lý. “Chuyện người thương, kẻ ghét là bình thường. Vì thế, những chuyện không vui đã qua, tôi không muốn nhắc lại nữa”, ông nói.
|
NSND Trọng Hữu và vợ |
Nhờ sự hỗ trợ từ địa phương cũng như giúp sức từ người đi trước, ông mời được những đạo diễn có tiếng như: NSND Huỳnh Nga, NSƯT Đoàn Bá, NSND Trần Ngọc Giàu về dựng vở, với sự góp mặt của những nghệ sĩ danh tiếng bấy giờ như: NSND Lệ Thủy, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Thanh Điền… Không qua trường lớp đào tạo bài bản, ông xem đây là cơ hội để học tập, hoàn thiện bản thân. “Giảng đường hay trường đời cũng vậy, chỉ cần có ý chí, cầu tiến, tôi tin đều có thể tiếp thu. Tôi thấy cái hay của từng người, góp nhặt lại, rồi từ đó mang vào màu sắc của mình”, ông nói.
Tiếng lành đồn xa, ông được mời lên Sài Gòn để thu âm những bài vọng cổ cho đài phát thanh. Nhưng làm sao để đặt chân đến chốn phồn hoa đô hội khi chỉ có giọng hát và hai bàn tay trắng? Biết chồng mê ca, vợ ông mang bán đôi bông cưới, đưa ông làm lộ phí. “Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được. Nghe qua, nhiều người nghĩ ngay đến tuồng Lan và Điệp. Tôi cầm tiền nhưng chẳng dám xài. Ánh mắt của vợ, những nỗi niềm không nói thành lời luôn nặng trĩu trong tôi”, ông tâm sự. Để tiết kiệm, lúc thì ông đi nhờ xe chở hàng, khi lại quá giang xe chở heo đến Sài Gòn.
Đoạn đường dài trăm cây số, dằn xóc liên hồi, nhưng chỉ cần nghĩ đến việc được ca, bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến. Tại Sài Gòn, ông được gia đình soạn giả Thanh Vũ - Huyền Nhung, soạn giả Minh Thùy… hỗ trợ hết lòng. Họ không chỉ chọn bài ca hay, mà còn cho ông tá túc, lo cơm nước, cho tiền đi xích lô. Ông vẫn nhớ mãi ơn nghĩa này. Những chuyến đi giữa Sài Gòn - Kiên Giang cứ kéo dài theo năm tháng.
Nhưng cái nghèo đeo bám khiến ông lận đận nhiều năm. Vì phải theo đoàn, nên NSND Trọng Hữu không có cơ hội đi diễn bên ngoài như nhiều đồng nghiệp. Đồng lương ít ỏi chỉ đủ đắp đổi cơm cháo qua ngày. Thậm chí, có lúc thiếu thốn, không đủ tiền mua thuốc khi ốm đau bệnh tật. Hai con của ông cũng vì vậy mà qua đời. Quá khứ đã ngủ yên, nhưng đôi lúc vẫn sống dậy khiến ông day dứt.
Ông lao vào làm việc cật lực. Những tuồng không xin được kịch bản, ông và vợ phải ngồi chép tay. Nghĩ lại, ông thương vợ nhiều hơn, vì hết lòng làm hậu phương vững chắc cho chồng. Vợ ông cũng là khán giả trung thành nhất, vở nào cũng xem, bài ca cổ nào cũng nghe, rồi góp ý cho ông từ cách hát đến cách trang điểm.
Giữa thập niên 1980, tên tuổi NSND Trọng Hữu nổi đình nổi đám. Mỗi khi đoàn của nghệ sĩ Trọng Hữu về Sài Gòn diễn, đêm nào khán giả cũng chen chúc đi xem. Tình yêu tướng cướp với sự tham gia của ông, NSND Lệ Thủy… là vở cải lương đầu tiên được quay ngoại cảnh, mang chiếu rạp. Khán giả đông nghẹt, không thua kém lượng người đổ đi xem phim Tây du ký thời bấy giờ. Băng cát-sét Hòn vọng phu “cháy hàng”, tái bản liên tục vẫn không đủ bán. Năm 1989, lần đầu tiên báo sân khấu tổ chức cuộc bình chọn nghệ sĩ được yêu thích nhất, ông đứng hạng ba với vai Điệp trong vở Lan và Điệp. Với ông, đó là “giấc mơ có thật”.
Mấy mươi năm trôi qua, những vai diễn của ông trong Hàn Mặc Tử, Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp vẫn khiến khán giả chưa hết nhớ thương. NSND Trọng Hữu kết hợp với NSND Lệ Thủy tạo thành cặp đào, kép ăn ý, làm mưa làm gió khắp các tỉnh miền Tây suốt một thời gian dài. Mỗi suất, ông được trả vài triệu đồng - con số rất lớn thời bấy giờ.
Giao thông thời điểm này chưa phát triển, nên mỗi chuyến đi không ít nhọc nhằn, thậm chí có lúc suýt mất mạng. Lần đó, ông diễn ở Long Phú (Sóc Trăng), đường đi rất xấu, lại không có đèn, gặp một khúc cua có chướng ngại, ông đánh liều cho xe phóng qua nhanh, không ngờ bị trượt xuống sình lầy, tưởng mất mạng. Nhưng may mắn, xe vẫn còn ở thế có thể cứu được. “Trong phút chốc, tôi hoảng sợ, tim đập thình thịch, cứ ngỡ đó là chuyến đi cuối cùng”, ông nhớ lại.
Có nơi, đường đến điểm diễn xa vài chục cây số, phải đi ca nô, xuồng, hoặc vỏ lãi từ đầu giờ chiều hoặc giữa trưa để kịp đến nơi lúc sụp tối. Có lần, ông diễn ở Năm Căn, ca nô hư đến hai lần, đến khi hát xong trở về, lại tiếp tục hư. Giữa khuya, không gian vắng lặng, sóng nước mênh mông, nỗi sợ lại càng lớn hơn. Chờ mãi đến tận 4g sáng, ca nô cứu hộ mới đến nơi, đưa người cập bến an toàn.
Trong nhọc nhằn, tình cảm của khán giả vẫn là điều thôi thúc ông không được chùn bước. Có lần, vì đường xa, khó đi, ông và NSND Lệ Thủy đến được điểm diễn ở An Giang thì đêm hát đã vãn, nhưng hàng ngàn khán giả vẫn nán lại để chờ. Đêm nào có Trọng Hữu, Lệ Thủy, họ phải tranh thủ ăn cơm, rồi chèo ghe đến nơi thật sớm để ngồi chờ. Có lần, một cụ bà hơn 80 tuổi phải nài nỉ bảo vệ, chính quyền địa phương để vào tận hậu trường, được sờ Trọng Hữu bằng da bằng thịt.
“Bà nói thương mến tôi lắm. Bà kể vanh vách từng vai diễn của tôi. Bà tội cho Hàn Mặc Tử, thương thầy Minh… Bà tin đó là những con người có thật, chứ không phải trên sân khấu, màn ảnh nữa. Tôi vẫn nhớ, trân trọng và biết ơn những tình cảm đó. Làm nghệ sĩ, không ai không mong nổi tiếng, nhưng số phận mỗi người mỗi khác. Tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp được yêu thương, đón nhận, đến tận bây giờ. Đây là một ân huệ lớn của đời tôi. Vì thế, tôi luôn nguyện với lòng, ngày nào còn hát được, sẽ không phụ lòng khán giả”, ông nói.
Trung Sơn