Chuyên đề: Tìm lối đi cho tác phẩm 'Nhà nước đặt hàng'

NSND Trần Minh Ngọc: Đã đến lúc phải thay đổi tư duy đặt hàng sáng tác kịch bản sân khấu

11/01/2020 - 13:15

PNO - TPHCM là một trong những địa phương có khá nhiều tác phẩm sân khấu được dàn dựng theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, chất lượng từng tác phẩm và hiệu quả trong công tác truyền bá, tiếp cận các tác phẩm này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Để có những góc nhìn rộng và khách quan hơn, Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc, một trong những đạo diễn mát tay với tác phẩm sân khấu được dàn dựng theo “đơn đặt hàng”.

Phóng viên: Thưa ông, vì sao người làm nghề lẫn công chúng thường có tâm lý “nghi ngại” khi đề cập đến những vở diễn đặt hàng, dù được đánh giá cao?

NSND Trần Minh Ngọc: Muốn có một tác phẩm sân khấu hay, chất liệu đầu tiên phải là kịch bản. Tiếc rằng vấn đề kịch bản đang là “nỗi niềm” chung của người làm sân khấu cả nước. Tác giả kịch bản sân khấu đang rất thiếu và yếu.

Khi chọn đề tài phản ánh hiện thực xã hội, hầu hết các tác giả ngại va chạm nên tự kiểm duyệt. Những vấn đề cần phản ánh, thì hoặc chỉ nói rất chung chung, hoặc né tránh.

Tại sao cách đây bốn mươi năm, khi thông tin truyền thông, mạng xã hội chưa phát triển, tác giả Lưu Quang Vũ dám mạnh dạn nhìn thẳng vào những vấn đề của cuộc sống. Còn hiện nay, các kênh thông tin đã mở rộng, ai cũng dễ dàng bày tỏ ý kiến, quan điểm, thì các tác giả lại tự bó buộc mình?

Sáng tác là lĩnh vực thuộc về cá nhân, chịu ảnh hưởng bởi tư duy, góc nhìn, cá tính và quan điểm của từng cá nhân. Chỉ khi các tác giả thực sự trăn trở với những vấn đề xã hội, mới có thể cho ra đời những tác phẩm hay.

Ở góc độ khác, sân khấu dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan đang chạy theo xu hướng giải trí, hướng đến đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả. Cách làm này khiến khán giả mất dần thói quen thưởng thức những tác phẩm giá trị; người viết kịch bản cũng chỉ nghĩ cách viết kịch bản ăn khách.

Những kịch bản xem được của sân khấu đã rất hiếm, nói gì đến tác phẩm đỉnh cao. 

Dấu xưa - vở diễn đặt hàng được đánh giá cao với hiệu ứng tốt từ phía công chúng
Dấu xưa - vở diễn đặt hàng được đánh giá cao với hiệu ứng tốt từ phía công chúng

* Thưa ông, có giải pháp nào để những tác phẩm đặt hàng có sức lan tỏa tốt và thực sự hiệu quả, không chỉ là những con số thống kê lượt người xem, số suất diễn khô khan? 

- Tài năng trong sáng tác kịch bản đã hiếm, người viết lại được đào tạo theo một kiểu suy nghĩ cũ, với những tư tưởng cao xa, không gần gũi cuộc sống đời thường. Người viết chọn lối đi an toàn, người quản lý sợ trách nhiệm. Điều này hình thành một mặt bằng thấp cả trong đời sống sân khấu lẫn sáng tác. 

Hiện nay, những tác phẩm được đặt hàng thường chỉ tập trung vào những đợt kỷ niệm hoặc đề tài xưa cũ, hiếm có những đặt hàng về những đề tài mới, những vấn đề mang tính dự báo tương lai…

Đa phần các tác phẩm đặt hàng chỉ hướng đến phục vụ cho một mục đích hoặc cho một bộ phận khán giả, chứ chưa phải cho số đông công chúng.

Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi tư duy và cách nghĩ. Chúng ta đang đi vào con đường đã quá quen thuộc, vừa nói một câu khán giả đã hiểu vở diễn muốn nói gì, thì làm sao tác phẩm còn đủ sức hấp dẫn? 

Tất nhiên, để có tư duy mới cần thời gian, và điều đó không dễ dàng. Sự thay đổi này không thể đòi hỏi từ những người lãnh đạo, mà phải chính từ những người sáng tác.

Đội ngũ sáng tác cần những người tâm huyết, đau đáu, trăn trở với nghề, với cuộc sống. 

* Thực tế sáng tác đang có hai thái cực, hoặc né tránh, không dám nói, hoặc phản ánh các vấn đề xã hội bằng góc nhìn cực đoan, phiến diện? 

- Cần hiểu cho rõ, cho đúng, mạnh dạn phê phán không có nghĩa là nói một cách bạt mạng; không thể tự nhiên chủ nghĩa trong sáng tác. Người viết phải biết cách đặt vấn đề và có đủ tầm tư tưởng để giải quyết vấn đề đặt ra.

Người ta vẫn hay nói người viết phải có tâm và có tầm, nhưng tôi nghĩ đơn giản hơn, đó là trình độ văn hóa của mỗi người. Người làm công việc sáng tác phải có một "phông" văn hóa nhất định, có bề dày, sự hiểu biết về nhân tình thế thái, về lòng nhân ái, về con người, cuộc sống…

Và một điều kiện không thể thiếu là phải có năng khiếu trong sáng tác. 

* Dấu xưa là vở diễn hiếm hoi có sức hút và thành công đặc biệt, khiến người xem không còn nhớ đây là vở diễn mang tính tuyên truyền. Là đạo diễn của vở, ông có thể chia sẻ thêm về yếu tố thành công của nó? 

- Dấu xưa đã chọn một cách đi khác, kể câu chuyện về Bác Hồ nhưng xây dựng hình tượng Bác là một người rất giản dị, gần dân, thay vì hình ảnh lãnh tụ như thường thấy ở đa số vở diễn về Bác.

Một yếu tố thành công khác của Dấu xưa có công không nhỏ của NSƯT Thanh Điền, người đảm nhận hình tượng Bác Hồ.

Không ngần ngại hay có bất kỳ phản ứng nào khi nhận thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một góc nhìn rất khác với hình ảnh quen thuộc, NSƯT Thanh Điền luôn trăn trở phải làm sao để hình ảnh Bác ở Dấu xưa trên sân khấu là một người rất gần dân, nhưng vẫn giữ được phong thái của một vị lãnh tụ. Anh đã thành công với vai diễn quan trọng của mình. 

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI