30 tác phẩm lấy cảm hứng từ hoa và núi rừng Tây Bắc được vẽ trong gần hai năm. NSND Trà Giang nói, bà vẽ không có mục tiêu gì, chỉ là gửi gắm cảm xúc. Đến một lúc nhìn lại, thấy “thành quả” cũng đủ cho một triển lãm mini. Vậy là tổ chức.
Trước ngày khai mạc, “nữ họa sĩ” một mình tỉ mẩn lồng tiêu đề ảnh vào từng khung tranh, chăm chút sửa sang từng bức vẽ. Cặm cụi, nhẫn nại như cách bà đã lặng lẽ cầm cọ vẽ từng ngày. Bà bộc bạch: nếu không có hội họa, bà không biết phải sống thế nào qua những chuỗi ngày đơn độc, khi người bạn đời không còn bên cạnh.
|
NSND Trà Giang bên bức tranh Đường về quê mẹ
|
Tranh của NSND Trà Giang có thể gây sửng sốt với những ai chưa từng thưởng thức tác phẩm của bà trước đó, vì chúng quá đẹp. Người đàn bà H’Mông đi trong sương, Trước gió, Bông cải sau hè, Thanh bình, Mây xuống núi, Đèo Pha Đin, chiều Tây Bắc… đều giàu chất thơ lẫn chất điện ảnh, như thể được khởi họa qua tầm nhìn của một người đứng vững trên đỉnh núi nội tâm mà phóng chiếu xuống những gam màu.
NSND Trà Giang
Nhiều người nói với tôi phải vẽ cho ra được chất cô đơn trong lòng. Nhưng tôi tự hỏi, có nhất thiết phải như thế không, khi mỗi người, trong cuộc đời này, dù là ai, cũng mang trong lòng ít nhiều những cô đơn, được mất. Tôi chỉ muốn ai xem tranh mình cũng tìm thấy được những cảm xúc thanh bình, ngọt ngào.
|
30 bức tranh của bà là 30 câu chuyện: từ loài hoa hạnh phúc bất ngờ được biết tên, ba đóa hồng vàng do khán giả ở Luân Đôn tặng cho con gái bà - nghệ sĩ piano Bích Trà vào đêm diễn cuối đông năm cũ, đến những ngôi nhà trong sương núi, từng con đèo, khóm cỏ… Vậy mà, chuyện về những năm tháng còn ông - NSƯT - giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc thì NSND Trà Giang bảo chưa dám vẽ, vì “sợ nỗi nhớ lại về. Sợ lòng mình đau”.
“Gương mặt vàng” của điện ảnh một thời vẫn cười khi nói về những chuyến đi, những ngày ngồi vẽ - như lâu nay bà vẫn thể hiện để những người thương quen luôn nhìn thấy bà vẫn vui, khỏe và làm được thêm nhiều điều có ý nghĩa. Nhưng lặng sâu trong tâm khảm là một miền thương nhớ suốt 18 năm ròng. “Thời gian là liều thuốc chữa lành mọi vết thương có lẽ chỉ là một cách nói. Vết thương đó chỉ lành sẹo, nằm đâu đó trong ký ức. Rồi ai cũng phải cố gắng mà sống vui, sống khỏe, mà đi tiếp cuộc đời mình. Chứ làm sao quên cho được” - NSND Trà Giang bùi ngùi. Vẫn còn nước mắt cho những khoảnh khắc ký ức trong lưng chừng chạm khẽ.
“Tôi sợ nhất mỗi ngày mình không làm được điều gì có ý nghĩa. Sợ nhìn thời gian trôi đi mà mình vẫn cứ đứng yên tại chỗ. Hồi đó dành trọn tình cảm, tâm huyết cho những vai diễn. Bây giờ thì gửi gắm tâm tình qua những gam màu, bố cục, khung hình... Lúc đầu, tôi cứ nghĩ lao vào học vẽ là để quên buồn, nhưng càng theo càng thấy đó cũng là một đam mê. Vẽ cũng là cách tôi kể lại cho mọi người nghe những điều đẹp đẽ” - người nghệ sĩ đã bước qua tuổi 76 tâm tình.
|
Tây Bắc qua nét cọ của NSND Trà Giang
|
Những bức tranh của bà thường để dành tặng cho cộng đồng - những tổ chức từ thiện. Những bức tranh gói ghém tình cảm của người vẽ, nhưng cũng ẩn chứa cả giá trị của một thời đại sống. Cộng hưởng cùng ký ức của bao người để làm nên những vẻ đẹp bất biến trước thời gian.
Trong số những tác phẩm triển lãm lần này, bức Đường về quê mẹ có lẽ là… lạc chủ đề nhất, nhưng cũng xúc động nhất với tác giả. Bức vẽ con đường, hàng cây bằng gam màu vàng hoài niệm, không có bóng người. “Hồi nhỏ tôi theo ba đi lên rừng (thân phụ NSND Trà Giang là NSƯT - đạo diễn Nguyễn Văn Khánh), hết cánh rừng này đến cánh rừng khác. Rồi sau đó tập kết ra Bắc, quê mẹ chỉ còn trong ký ức. Mới đây, được về thăm lại chiến khu xưa, bất giác gặp lại những hình ảnh quen thuộc của tuổi thơ mình; tôi vẽ để được nhớ lại mình hồi bé” - NSND Trà Giang bộc bạch.
Nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà cũng đã về Việt Nam chia sẻ niềm vui cùng mẹ nhân triển lãm tranh. “Con gái dù ở xa nhưng lúc nào cũng có mặt bên mẹ những dịp sinh nhật, lễ, tết. Con luôn biết cách làm cho mẹ cảm thấy hạnh phúc, ấm áp. Đường đời, cũng chỉ cần như thế thôi” - NSND Trà Giang cười hiền.
Khán giả nhiều thế hệ vẫn nhớ tên NSND Trà Giang gắn với những thước phim sống mãi với thời gian, nhưng rất ít người biết: bà bắt đầu học vẽ khi đã ở tuổi 55. Khi người bạn đời không còn bên cạnh, hội họa như một điểm tựa cho bà nương nhờ, để còn sống vui.
Diệp Nguyễn