Phía sau hào quang

NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

06/07/2021 - 06:43

PNO - NSND Thanh Vy ngày ấy có một vẻ đẹp vừa đài các, phúc hậu, vừa mang nét u buồn trong hình ảnh của nàng Xê Đa, với phần hóa thân xuất thần, đầy cảm xúc.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Vở diễn Nàng Xê Đa làm nên tên tuổi NSND Thanh Vy vào những năm thập niên 1980, đến giờ vẫn còn được lưu giữ và chia sẻ trên YouTube. Mỗi lần xem lại, người nghệ sĩ già lại ngậm ngùi, mình của bây giờ và mình của ngày xưa đã khác nhau nhiều quá. Hai năm qua, bà từ chối tham gia các dự án nghệ thuật vì tuổi cao sức yếu. Thuở vàng son chỉ còn lại trong hình ảnh mỹ miều của nàng Xê Đa năm cũ…

Cô đào cải lương đến từ miền Bắc

Cái nôi của cải lương là Nam bộ, những tên tuổi nổi tiếng của sân khấu cải lương một thời ở lại trong lòng khán giả hầu hết là các nghệ sĩ miền Nam. Còn Bắc bộ phổ biến hơn với loại hình nghệ thuật chèo, tuồng. Vậy mà vào những năm thập niên 1980, một cô đào đến từ miền Bắc lại mang đến cho sân khấu cải lương một vai diễn với cô là để đời, còn với sân khấu là một dấu ấn khó quên. Đó chính là Thanh Vy, với vai diễn nàng Xê Đa trong vở cải lương Nàng Xê Đa (kịch bản gốc của Lưu Quang Thuận và Lưu Quang Vũ, chuyển thể cải lương: soạn giả Thể Hà Vân, đây cũng chính là câu chuyện từ sử thi Ramayana của Ấn Độ). 

NSND Thanh Vy trong hình ảnh nàng Xê Đa  những năm thập niên 1980
NSND Thanh Vy trong hình ảnh nàng Xê Đa những năm thập niên 1980

Khán giả sau này có lẽ nhớ nhiều đến NSND Thanh Vy với những vai diễn người bà, hoặc mẹ chồng sắc sảo trong nhiều phim truyền hình. Thời tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang như một đoạn đời thanh xuân đẹp nhất mà người nghệ sĩ ấy vẫn trân quý, gìn giữ mãi trong ký ức của mình.

Thanh Vy ngày ấy có một vẻ đẹp vừa đài các, phúc hậu, vừa mang nét u buồn trong hình ảnh của nàng Xê Đa, với phần hóa thân xuất thần, đầy cảm xúc. Cùng với nghệ sĩ Phương Quang (trong vai vua Priêm), nàng Xê Đa Thanh Vy đã lấy nước mắt, làm rung động biết bao trái tim khán giả. Gần 1.800 suất diễn, có những đêm bị tắt tiếng, nữ nghệ sĩ phải nhờ bạn đồng nghiệp ca diễn phần đầu, còn mình phải giữ sức giữ hơi để có thể đảm đương tốt những trường đoạn tâm lý khó cho phần sau. 

“Làm thế nào mà một nghệ sĩ miền Bắc lại say mê cải lương và trở thành nghệ sĩ cải lương hát giọng miền Nam?” - đó là thắc mắc đầu tiên của tôi khi trò chuyện với NSND Thanh Vy. Trả lời cho câu hỏi này chính là một đoạn đời dài với rất nhiều khúc quanh của người nghệ sĩ. Thanh Vy có ba là nghệ sĩ đàn tranh Trần Vân, mẹ là nghệ sĩ hài Vân Quí, tham gia đoàn nghệ thuật của ông bầu Long thường hát ở rạp Chuông Vàng (Hà Nội) những thập niên 1950-1960. Thanh Vy đã nghe hát từ thuở nhỏ, nhưng cô lại đặc biệt thích nghe những băng cassette các vở cải lương miền Nam, hâm mộ những tên tuổi Út Trà Ôn, Ngọc Giàu, Lệ Thủy…

“Những băng cassette ấy theo chân các chiến sĩ hành quân từ Nam ra Bắc, vào chiến khu, rồi đến những vùng sơ tán. Thời ấy, có được một băng cassette để nghe là khó lắm, mà nghe rồi là mê. Khi thi vào Trường Ca kịch dân tộc, tôi chọn học Khoa Cải lương. Thầy Ba Huỳnh, cô Năm Thanh Hương… đều nói giọng miền Nam, tôi học say mê lắm, tập nói, luyện ca. Miệt mài suốt bốn năm ở trường rồi khi tốt nghiệp là về đoàn cải lương Nam bộ” - NSND Thanh Vy kể. 

Khi ấy, đoàn cải lương Nam bộ là đoàn cải lương miền Nam duy nhất hoạt động ở phía Bắc, nhưng rất ít khi hát tuồng truyện (vở có nội dung từ điển tích Trung Quốc) như ở miền Nam. Năm 1964, Thanh Vy cùng 11 nghệ sĩ khác tham gia đoàn văn công vào Trường Sơn. Chuyến đi do nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch (cố NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch) làm trưởng đoàn, lưu diễn phục vụ bộ đội dọc theo tuyến đường huyền thoại. Những vở cải lương Đất, Nước, Mùa xuân… đã được hát giữa rừng, trên những sân khấu dựng tạm mà NSND Thanh Vy nói bà vẫn còn nhớ mãi.

Sau này, hình ảnh quen thuộc của NSND Thanh Vy trên màn ảnh nhỏ là những vai diễn người bà, người mẹ… (ảnh tư liệu)
Sau này, hình ảnh quen thuộc của NSND Thanh Vy trên màn ảnh nhỏ là những vai diễn người bà, người mẹ… (ảnh tư liệu)

“Trong ba-lô chỉ gói ghém vài bộ quần áo, một ít son phấn, chân mang đôi dép cao su, có lúc đi bộ hàng chục cây số mới đến điểm nghỉ, có khi qua phà trong đêm lúc ba, bốn giờ sáng. Tắm suối, ngủ rừng. Xúc động nhất là khi đi qua đoạn đường bị bom nổ lấp đường, các nữ thanh niên xung phong đã phát quang để đoàn đi tiếp, khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về, ngang qua đoạn đường ấy thì hay tin các cô đã hy sinh…”, bà bồi hồi nhớ lại.

… Ngày 30/4/1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, Thanh Vy và anh chị em trong đoàn nhảy cẫng lên vui mừng. Vậy là được vào Sài Gòn rồi! Đó là niềm mong mỏi của soạn giả Hùng Tấn - chồng bà - người đã tập kết ra Bắc từ năm 1954. Đó cũng là nỗi vui mừng của bà khi biết được rằng, sẽ sớm thôi, cả gia đình sẽ cùng nhau lên tàu về lại miền Nam, sẽ được tận mắt nhìn thấy, gặp gỡ những nghệ sĩ cải lương miền Nam mà bà thầm ngưỡng mộ và ao ước một lần được gặp mặt. 

Một thời toả sáng, một đời nhớ nhung 

Đêm diễn đầu tiên “ra mắt” các nghệ sĩ cải lương miền Nam, đoàn cải lương Nam bộ chọn vở Kiều Nguyệt Nga, Thanh Vy đóng chính cùng với các nghệ sĩ Thanh Dậu (NSƯT Thanh Dậu), Kim Liên, Thanh Tùng… Vở diễn tại rạp Quốc Thanh, dưới hàng ghế khán giả chính là những tên tuổi nổi tiếng: Út Trà Ôn, Lệ Thủy… “Hồi hộp lắm con, biết mình ca giọng miền Nam thì không thể nào bằng, nhưng đã ra sân khấu rồi thì tập trung hết sức, diễn hết mình. Đến khi các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Lệ Thủy… lên sân khấu chúc mừng, thì mới biết mình cũng đã diễn thành công rồi”, NSND Thanh Vy hồi tưởng.

Đêm ấy, bà về nằm suy nghĩ lại những cái được và chưa được của vai diễn. Bước “chạm ngõ” miền Nam được vậy đã là mừng. Nhưng thử thách lớn nhất không phải là áp lực diễn trước các nghệ sĩ tên tuổi, mà là khi nhìn xuống sân khấu, thấy có rất ít khán giả ngồi xem. Thậm chí những vở từng ăn khách trong nhiều năm liền ở đất Bắc: Tiếng súng đầu xuân, Hòn Đất, Bên dòng Nhật Lệ… cũng không kéo nổi khán giả miền Nam đến rạp. 

NSND Thanh Vy nói, lúc đó đoàn mới vào, khán giả họ cũng không thích nghệ sĩ miền Bắc, các suất diễn thưa dần. Và khi được hỏi ai muốn ra Bắc ai muốn ở lại, thì cả đoàn chỉ còn hai người chọn ở lại với Sài Gòn: đó là Thanh Vy và nghệ sĩ Hà Quang Văn. Đoàn cải lương Nam bộ sau đó đổi tên thành Nhà hát Trần Hữu Trang và bắt đầu có sự tham gia của những gương mặt nghệ sĩ miền Nam: Minh Đức, Ngọc Mai, Đặng Vinh Quang… sau đó là Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy…

NSND Thanh Vy thời trẻ
NSND Thanh Vy thời trẻ

Năm 1982, Thanh Vy nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả mộ điệu qua vở diễn Hòn đảo thần Vệ Nữ. Năm 1983, khi dựng vở Nàng Xê Đa, cố NSƯT - đạo diễn Đoàn Bá đã chọn Thanh Vy, giữa những gương mặt sáng giá Ngọc Giàu, Bạch Tuyết… Giọng ca của nữ nghệ sĩ Thanh Vy khi ấy quả là không bằng những chất giọng thuần Nam bộ, nhưng dáng vẻ, khí chất, đặc biệt là đôi mắt của “nàng Xê Đa” đã mang đến cho bà một vai diễn để đời.

Thời điểm ấy, ở tất cả các rạp Quốc Thanh, Thủ Đô, Hào Huê, Cây Gõ… đều có suất diễn Nàng Xê Đa, có khi một ngày hai suất. Nàng Xê Đa có được kịch bản rất hay, lời thoại sâu sắc, ứng xử, đối đáp của các nhân vật đầy tính nhân văn. Không có dịp xem vở vào những năm tháng ấy, tôi xem lại bản thu phát trên truyền hình những năm cuối thập niên 1980, hiện đang được phát trên mạng, cũng rất nhiều lần rơi nước mắt. Nhất là khi nhìn lại thời son sắt của một người đã già và gặp lại tuổi trẻ của cố NSƯT Phương Quang, càng cảm thấy thời gian trôi qua để lại những giá trị vàng son, nhưng cũng có thể mang đi cả cuộc đời của một con người. 

Một thời tỏa sáng để một đời nhớ nhung. Bùi ngùi khi nghe lời tâm tình của người nghệ sĩ già: “Mỗi lần xem lại vở diễn như thấy lại thanh xuân của mình. Bây giờ, mình đã khác xưa nhiều quá…”. Hiện tại, sức khỏe của bà đã yếu, từ khi phải lên bàn mổ khối u trực tràng sáu năm trước. Nhưng có lẽ Nàng Xê Đa của bà sẽ vẫn trẻ mãi trong ký ức người của một thời, và trong sự tìm lại của thế hệ khán giả hôm nay. Đời người nghệ sĩ, đôi khi chỉ cần một vai diễn để đời như vậy. 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI