NSND Thanh Tuấn: ‘Vẫn hát đến ngày tàn hơi’

22/01/2020 - 16:05

PNO - Ông vào nghề với niềm đam mê lớn dành cho sân khấu. Đến nay, khi đã đi qua những thăng trầm, niềm đam mê đó vẫn còn vẹn nguyên như thuở đầu.

Giọng nói sang sảng, khoẻ khoắn, mặn mà của người con miền biển dễ khiến người ta lầm tưởng về tuổi thật của NSND Thanh Tuấn. Cái chất trẻ trung, hào sảng cũng dễ khiến người ta quên rằng ông đã bước sang tuổi 72.

Khi đã đi qua nhiều thăng trầm của đời, của nghề, ông vẫn mang một tình yêu lớn với sân khấu, gần như vẹn nguyên như ngày đầu. Ông không còn mong ước nhiều, chỉ mong được tận hiến đến phút cuối cùng, được hát đến ngày tàn hơi cho trọn đam mê của một kiếp người.                                     

Sân khấu lớn, nhỏ không quan trọng

Phóng viên: Ở tuổi ông, nhiều người chọn cuộc sống an nhàn sau nhiều năm cống hiến. Ông thì ngược lại...

NSND Thanh Tuấn: Mỗi tháng, tôi thường đi diễn từ 15-20 show. Tháng nào ít cũng khoảng 10 show. Tôi vẫn đảm nhận mọi công việc một mình, từ nhận show, quyết định giá cả...

Giọng còn khoẻ, tôi vẫn muốn được cống hiến cho khán giả. Đến bây giờ, Tổ nghiệp vẫn thương để tôi có thể tiếp tục đứng sân khấu. Nhưng tôi không có kế hoạch dài hơi ở tuổi này nữa. Hôm nay, tôi làm tốt mọi thứ có thể. Còn chuyện ngày mai, sẽ chẳng ai biết rõ.

* Danh hiệu NSND vừa đạt được dường như cũng không khiến ông e dè với những sân khấu nhỏ?

- Mấy chục năm qua, từ sân khấu đất, đình, miễu, chùa đi lên, tôi vẫn có tên gọi là nghệ sĩ Thanh Tuấn. Vì thế, quy mô show diễn, điểm diễn lớn nhỏ không quá quan trọng, mà trên hết là cái tâm của nghệ sĩ được đặt ở đâu, lớn như thế nào. Chỉ cần tại đình làng, anh diễn hết lòng, khán giả ra về đầy hân hoan, hào hứng, thế là đủ. Khán giả ở đâu cũng là khán giả, nơi nào người ta còn cần, còn yêu, tôi đều đến. 

* Nghe những lời tâm tình của ông, dường như khi cải lương đang ở thời kỳ khó khăn nhất, nghệ sĩ vẫn có thể sống được với nghề. Tình cảm, sự đối đãi của khán giả ngày nay có khác trước nhiều không, thưa ông?

- Từ khoảng năm 2000 trở đi, cải lương khựng lại. Sau này, khán giả đến sân khấu thưa dần. Nhiều mô hình nghệ thuật mới ra đời nên khán giả bị phân tán. Ngày trước, tại một điểm, đoàn có thể trụ đến hơn 1 tuần. Một vài kịch bản được sử dụng cho xuyên suốt những đêm diễn đó. Còn khoảng thập niên 80, chỉ cần 1 kịch bản, diễn suốt 7 đêm vẫn cháy vé.

Thời điểm đó, các rạp hát như Quốc Thanh, Hưng Đạo, Gia Định hầu như không có chỗ trống mỗi đêm diễn. Còn bây giờ, một kịch bản chỉ diễn được cuối tuần. Chỉ cần hát lại khoảng 5 lần với thời gian giãn cách thì khán giả cũng không còn đến đông. Sân khấu bây giờ, hát cả tuồng không còn được chuộng, thay vào đó nghệ sĩ thường hát những bài vọng cổ, kết hợp với ca nhạc trong những chương trình tổng hợp. 

Nhưng khán giả đến xem vẫn say mê. Điều đó khiến chúng tôi rất hạnh phúc. Tình thương của khán giả còn, nghệ sĩ vẫn sống được. Còn việc kéo khán giả đến sân khấu dài hơi hơn vẫn là chuyện khó. Ngày trước, có khán giả đến xem 7, 8 đêm diễn liền, thậm chí chỉ với 1 kịch bản. Nhưng nay, khi xem chỉ khoảng 2 đêm, họ đã chán. 

* Sự thay đổi đó, chấp nhận có dễ dàng không, thưa ông?

Sự thay đổi này phải chấp nhận. Ngày xưa, cải lương gần như là sự lựa chọn duy nhất. Nhưng khi đất nước mở cửa, nhiều cái mới xuất hiện, khán giả có quyền chủ động lựa chọn đón nhận chúng. Bây giờ, nhiều chương trình miễn phí, không ít sản phẩm chiếu mạng, khán giả chỉ quen với những điều đó. Khán giả muốn gì có đó thì họ đâu cần đến sân khấu.                                   

Những năm đầu tiên cải lương bị chựng lại, tôi cũng thấy khó chịu, buồn, tiếc nuối trong lòng. Mỗi lần đi diễn, đoàn phải rời đi sớm, khán giả giảm đi nhanh chóng... là điềm báo cho một viễn cảnh không mấy tươi đẹp. Nhưng trước tình thế đó, chúng tôi cũng không thể làm gì hơn. May rằng, niềm tin, tình yêu với việc ca hát vẫn còn đó, để đến hôm nay tôi vẫn còn mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ khán giả.

 Mỗi thời, mỗi chọn lựa

* Năm 2019 vừa qua, ông có ngồi ghế giám khảo Chuông vàng vọng cổ. Trong đó, việc loại thí sinh Huyền Trâm trước đêm chung kết khiến nhiều người cho rằng chuẩn của cải lương hiện đã thay đổi, trong đó, sắc vóc được chú trọng nhiều hơn. Ông nghĩ gì về điều này? 

- Tôi cũng có xem qua những lời bình luận của khán giả. Mỗi thời, sự lựa chọn sẽ khác nhau. Ngày xưa, muốn chọn người có giọng hay, cả sắc vóc đẹp thì khó. Nhưng hiện tại, những người vừa có giọng ca, vừa diễn tốt, vừa có sắc vóc dễ tìm hơn, thậm chí rất nhiều. Hơn nữa, ở mỗi cuộc thi ban tổ chức có tiêu chuẩn riêng, ban giám khảo làm đúng theo điều đó.                 

Với những vị trí cao nhất luôn phải cân nhắc, mà tổng thể giọng ca, diễn xuất, sắc vóc phải hài hoà. Nghiêm túc mà nói, nếu sắc vóc thiếu nhiều thì giọng ca, diễn xuất cũng khó thể bù lại hết trong thời nay. Ngày xưa có NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thuỷ, nghệ sĩ Kim Ngọc... được xem là những trường hợp cá biệt nhưng họ vẫn có cơ thể với tỉ lệ khá cân đối, có chăng chiều cao thiếu, nhưng hoàn toàn có thể khắc phục được bằng việc mang giày cao.

Nhiều người cũng lấy hình ảnh sau này của NSND Ngọc Giàu, nghệ sĩ Kim Ngọc... để so sánh, rằng vì sao họ vẫn đoạt huy chương, vẫn sống bền trên sân khấu. Nhưng sự so sánh đó là khập khiễng. Bây giờ, thị hiếu khán giả khác nên có những thay đổi nhất định. Thứ tự xếp 3 yếu tố trên sẽ như sau: giọng ca, sắc vóc, diễn xuất. Yếu tố diễn xuất có thể trau dồi sau khi thí sinh đăng quang. 

* Có lẽ đường nghề của một nghệ sĩ cũng không dừng lại ở danh hiệu hay cuộc chơi nào đó?

- Mỗi cuộc thi đều có một phạm vi về không gian, thời gian nhất định. Sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ không dừng ở đó mà phụ thuộc nhiều vào con đường của họ sau đó. Tôi mong các em hiểu giải quán quân, á quân chỉ là sự khởi đầu chứ không phải là tất cả. 

Mỗi một cuộc thi cũng giống như việc chài cá vậy, mỗi mùa sẽ có một mẻ. Bắt buộc trong từng mẻ đó sẽ phải chọn 3 con tốt nhất. Nhưng chất lượng từng mẻ là không giống nhau. Vì thế, đứng nhất ở một cuộc thi chưa chắc ra ngoài thị trường sức cạnh tranh đã mạnh.                              

Nhưng tôi thấy các ban tổ chức, nhà sản xuất nên có sự hỗ trợ tốt hơn cho những thí sinh bước ra từ cuộc thi, bởi tình cảnh hiện tại rất khó khăn. Bên cạnh đó, họ cũng phải có ý thức rèn luyện. Ngọc không mài thì không bao giờ thành ngọc quý.

* Hiện nay nghệ sĩ bước ra thị trường từ các sân chơi, trong khi ngày xưa nghệ sĩ nổi tiếng hay không sẽ do thị trường trực tiếp quyết định. Sự thay đổi này vừa có lợi nhưng cũng có sự hạn chế. Ông có lời khuyên nào cho họ?                         

- Hiện nay nghệ sĩ trẻ quá nhiều, trong khi các sân chơi cũng không ít. Tôi nghĩ sự khiêm tốn, đừng tự mãn là điều quan trọng các em cần có để con đường sự nghiệp kéo dài.

Ngày trước, nghệ sĩ muốn đứng trên sân khấu phải mất nhiều năm. Thậm chí, giấc mơ đó cũng có thể dở dang nếu họ không được khán giả đón nhận. Nhưng ngày nay, mọi thứ trở nên quá dễ dàng với các em trẻ. Họ có công nghệ lăng xê, có thể tự bỏ tiền làm đĩa, trong khi ngày trước hai điều này được quyết định hoàn toàn bởi khán giả. Khán giả yêu mới được bầu show, trưởng đoàn cất nhắc, khán giả mến mới được các hãng đĩa mời thu âm. 

Ngoài ra, phương thức phát hành sản phẩm thay đổi cũng khiến cho nghệ sĩ hiện nay khác trước nhiều. Bây giờ, họ có YouTube, các kênh online để quảng bá. Tôi còn nhớ ngày xưa, khán giả chỉ có thể đón nghe cải lương qua radio, đúng khung 11g mỗi ngày. Vì thế, ngày xưa khi đã nổi tiếng, xem như cuộc đời sang trang mới. 

Thời nay có nhiều thuận lợi, nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ để đổi lấy một con đường dễ dàng thành danh cho nghệ sĩ. Vì sao đến bây giờ chúng tôi, những gương mặt kỳ cựu vẫn sống tốt với nghề, đó là do thước đo và chuẩn ngày xưa khác bây giờ, khắt khe hơn rất nhiều.

Một điều nữa, các em hiện hát hay nhưng thiếu đi cái riêng - điều cần thiết để định danh, thương hiệu của một nghệ sĩ.

* Nhắc đến công nghệ, dường như kỹ thuật thu âm hiện đại cũng tác động ít nhiều đến cách làm nghề của nghệ sĩ, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực?

Ngày xưa, tôi thu âm 3 câu vọng cổ, sai 1 chữ phải thu lại từ đầu. Bây giờ, hư chữ nào sẽ sửa, ráp, nối ngay chữ đó. Vì thế, nghệ sĩ có phần ỷ y lại sự hỗ trợ này. Giọng thật có thể khàn nhưng qua xử lý là hết ngay, hơi bị non sẽ vẫn đẩy lên cho đầy được. Ai cũng thấy mình ca hay mà không biết cái hay đó bao nhiêu phần trăm là đến từ kỹ thuật viên phòng thu. Để khi sản phẩm ra thị trường, đứng trước quá nhiều lời khen, họ cũng không thấy được cái dở của mình. 

Tận hiến đến giây phút cuối cùng

* Nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp ở tuổi này, ông nghĩ mình đã cập bến an toàn chưa?

Với tôi, còn làm nghề là còn vui, còn hạnh phúc dẫu có đôi khi nỗi buồn chen vào. Với tuổi đời, tuổi nghề hiện tại, tôi không còn mục tiêu nào lớn lao cả. Tôi chỉ mong khán giả còn thương, còn sức khoẻ để hát đến ngày tàn hơi, hoặc đến ngày nhắm mắt xuôi tay. 

Nghề này là học, trau dồi mỗi ngày, đến khi nằm xuống. Lúc đó, khán giả sẽ đánh giá nghệ sĩ đó đã sống một cuộc đời như thế nào. Có thể, sẽ có những lời đầy tử tế mà họ dành cho mình, nhưng đến lúc đó không còn thể nghe được nữa.

Còn hiện tại, việc của tôi là tự nhận ra cái hay, cái dở của mình để phát huy và sửa chữa. Đừng tự phụ, tự kiêu, tự đắc, mỗi người sẽ tự nhìn được chính mình. Không nghệ sĩ nào thành danh dám nói bản thân như thế đã hoàn hảo. Ăn cơm còn rơi rớt thì huống hồ đó là chuyện của một đời người. Tôi nghĩ một đời người nếu điều mình làm được nhiều hơn cái mình chưa được, thế đã quý.

* Gia đình vẫn luôn ủng hộ sự tận hiến của ông chứ?

- Bà xã và các con vẫn ủng hộ tôi đứng sân khấu vì họ hiểu tôi yêu nghề như thế nào. Hơn nữa, lời ca tiếng hát của tôi là phục vụ cho đời. Thật sự, khán giả cứ gọi đi hát, tôi không thể từ chối họ được. Bởi đó không chỉ là nghề mà là tình. Họ nhớ từng bài ca, từng vai diễn của tôi để yêu cầu tôi đến hát, làm sao có thể nói không. 

* Phải chăng gia đình của nghệ sĩ cũng có sự nhạy cảm nhất định nào đó?

- Vừa rồi tôi có đi hát ở Miễu Bà Bình Chiểu, những khán giả ruột năm nay đã 60, 70 tuổi. Họ vẫn còn mến mộ. Tôi lớn, khán giả của tôi cũng lớn dần theo. Điều đó không làm cho bà xã hay gia đình tôi lo lắng. Trước nay tôi chưa làm điều gì khiến mọi người thấy phiền toái.                        

Gia đình và công việc luôn quan trọng để cân bằng cuộc sống. Với gia đình, tôi là một người chồng, người cha bình thường. Khi bước lên sân khấu, tôi là nghệ sĩ Thanh Tuấn, là của khán giả. Tôi không có sự nhập nhằng ở hai vai trò này. Vì thế cũng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn, hoặc bắt buộc phải lựa chọn một trong hai bên. 

* Niềm vui ở tuổi này có khác nhiều so với thời trẻ không, thưa ông?

- Mỗi thời sự lựa chọn niềm vui có khác nhau. Nhưng tâm hồn tôi luôn trẻ, đó cũng là cách để niềm vui được kéo dài. Tôi làm bạn với những người cùng thế hệ, nhưng cũng có thể làm bạn với những người trẻ đôi mươi. Tôi luôn xem mọi người như bạn bè để học hỏi, trao đổi. Tôi cũng học những cái hay, tiến bộ của họ. 

Trước nay, tôi hầu như đón năm mới ở ngoài đường, vẫn đi diễn suốt dịp tết. Tôi thường chạy diễn ở 2 điểm trong đêm giao thừa. Năm nay, tôi vẫn nhận lời đi diễn. Đó là niềm vui lớn với tôi.      

* Nhiều nghệ sĩ kỳ cựu khi bước vào tuổi xưa nay hiếm bắt đầu chuẩn bị cho đêm diễn cuối cùng để tạ ơn đời. Trong năm mới này, ông có dự định như thế không?                                                  

- Sau khi nhận danh hiệu NSND, tôi và Minh Vương có ý định tổ chức một đêm diễn để tạ ơn nghề, kỷ niệm sự nghiệp, nhưng mọi việc không kịp trong dịp cuối năm này. Vì thế, show diễn này sẽ diễn ra trong thời gian sớm nhất có thể.

Trong đêm diễn này sẽ tái hiện lại những vai diễn, bài ca kinh điển gắn liền với sự nghiệp của hai chúng tôi. Tuổi nào làm theo tuổi đó nên đêm diễn này sẽ không có sự thay đổi để mang màu sắc trẻ hơn. Tôi chỉ mong khi khán giả nghe sẽ thấy chúng tôi vẫn như năm nào, vẫn là Thanh Tuấn, Minh Vương mà họ từng yêu mến.

* Xin cảm ơn ông!         

Thành Lâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI