LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!
Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật
Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”
Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời
Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi
|
Khúc nhạc đời trầm bổng
Cuộc trò chuyện với NSND Thanh Hải (sinh năm 1957) - thầy đờn nức tiếng của nghệ thuật cải lương - bắt đầu từ việc ông trải lòng về hai chữ “hào quang” của người nghệ sĩ. Ông nói trong nghệ thuật, dù nổi tiếng hàng đầu hay không được nhiều người biết đến, thì ít hay nhiều, mỗi nghệ sĩ đều có cho mình vùng hào quang riêng. Điều quan trọng, là có những người tài sinh ra hợp thời, lại gặp thêm may mắn, có người hụt mất đôi ba phần vì ngoại cảnh. Trong những yếu tố vừa nêu, NSND Thanh Hải nói bản thân ông gặp may phần nhiều, ông bảo không phải mình khiêm tốn mới nói thế, mà vì ông may mắn thật.
NSND Thanh Hải kể từ ngày đầu đến với âm nhạc, ông đã được gặp những thầy đờn giỏi “thần sầu” của nghệ thuật cải lương ngày đó. Ông nhớ thời còn bé, chỉ mới sáu, bảy tuổi hay ngồi nghe đài phát thanh, hễ thấy ai ca cải lương là tự khắc giai điệu, lời ca vang vọng bên tai rồi thấm vào đầu, nhẹ nhàng như không.
|
NSND Thanh Hải trình diễn tại chương trình Dấu ấn huyền thoại |
Ngày đó ông ở Hải Phòng xa xôi nên không có cơ hội được tận mắt chứng kiến những thầy đờn miền Nam chơi nhạc. Cho đến một ngày, chị gái ông là nghệ sĩ Kim Hà, làm việc ở Đài Phát thanh Giải Phóng, nói rằng có “mấy thầy từ trong Nam ra, đàn hay lắm” nên gia đình vội sắp xếp, gửi ông theo học lớp của thầy Út Du - một thầy đờn có tiếng thời bấy giờ.
Sau sự dìu dắt của người thầy đầu tiên, NSND Thanh Hải được vợ chồng NSƯT Thanh Hùng, nghệ sĩ Ngọc Hoa đưa đường, chỉ lối. “Lúc đó, tôi nhớ mình khoảng 11, 12 tuổi. Anh Thanh Hùng biết được năng khiếu của tôi. Anh mở những băng nhạc của mấy thầy đàn trong miền Nam cho tôi xem. Tôi nghe chú Văn Vĩ, Văn Giỏi, nghe bác Năm Cơ, bác Bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu... Tôi nghe suốt hai, ba tháng rồi âm nhạc cứ thế ăn sâu vào máu”, NSND Thanh Hải
chia sẻ.
Thời của NSND Thanh Hải là thời của những đứa trẻ đùm túm theo gia đình mỗi khi sơ tán. Chúng chẳng biết làm gì ở vùng đất mới, nên mỗi đứa tìm một trò giải khuây. Trò của cậu nhóc mê âm nhạc Thanh Hải là tìm bụi trúc, chặt một đoạn trúc đẹp để đục làm sáo thổi, chơi chán lại ra cây đu đủ lấy một cành lá, chặt gọn rồi khoét lỗ thổi chơi. Năm tháng đó chẳng ai nghĩ rồi sau này, đứa trẻ vô tư, hồn nhiên ấy trở thành thầy đờn nức tiếng.
Sau thời gian học hỏi từ một số thầy giỏi, NSND Thanh Hải bước lên những sân khấu đầu tiên. Ông bảo mình thuộc dạng liều lĩnh, vì với những ai biết lượng sức mình, không người nào đi trình diễn, thu thanh chuyên nghiệp khi chỉ mới tập tành như ông. Vậy mà chàng trai 17 tuổi đã dễ dàng chinh phục được người nghe khi mang đến làn gió mới, khiến khán giả xôn xao không biết ai mà dù là người miền Bắc nhưng lại có ngón đờn nức nở, nghe ra điệu của người miền Nam.
Rồi thời gian dần qua, NSND Thanh Hải miệt mài học hỏi thêm các loại nhạc cụ để vừa thỏa tính tò mò, ham học, vừa thỏa đam mê âm nhạc đang ngày một lớn. “Hồi đó, ba dạy tôi đàn tranh. Trước khi học đàn tranh, tôi đã biết chơi violin. Sau này, tôi học thêm guitar, đàn bầu, đàn kìm...
Người khác chơi được thì tôi nghĩ mình cũng có thể chơi được, rồi tự học là chính. Tôi hay bảo mình may mắn, không phải tôi khiêm tốn mà có nhiều lý do. Tôi thấy nhiều người đam mê, theo đuổi nghề, nhưng điều kiện không cho phép. Còn tôi, mọi thứ có phần thuận lợi hơn đôi chút. Tôi có cơ hội ngồi chơi đờn với những thầy đờn giỏi bậc nhất thời bấy giờ, và nhiều cơ may khác xảy đến một cách tự nhiên. Đương nhiên, tôi có sự mong cầu, có khả năng, nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn lắm!”, ông chia sẻ.
Mang tiếng nhạc vượt trùng dương
Theo lời của NSND Thanh Hải, từ năm 1976 đến năm 1978 là thời kỳ cực thịnh của sân khấu cải lương, và nghiệp thầy đờn của ông cũng vào thời đỉnh cao, được săn đón. Nam nghệ sĩ bảo thời kỳ này, vô tuyến truyền hình không nhiều chương trình, phim đen - trắng đến 21 giờ là hết, chỉ có các sân khấu sáng đèn mỗi đêm mà không đêm nào không có khách.
|
Hình ảnh NSND Thanh Hải thời còn trẻ |
“Ngoài TP.HCM, các tỉnh đều có một, hai đoàn cải lương, hoặc ít nhất cũng một đoàn phục vụ bà con. Đêm nào đoàn cũng diễn, chỉ nghỉ tối thứ Hai để chuyển bến. Thời đó, tôi đàn ở Đoàn văn công TP.HCM, có chị Lệ Thủy, anh Thanh Tuấn, chị Mỹ Châu... hát mỗi tối. Ngoài đàn tại đây, tôi thu cho đài phát thanh, hãng đĩa. Tiền lương giai đoạn này không cao, nhưng so với đời sống thời bấy giờ, cuộc sống chúng tôi rất ổn định”, NSND Thanh Hải cho biết.
Vào những năm 1980, NSND Thanh Hải và NSND Văn Giỏi trở thành cặp nghệ sĩ được yêu thích khắp các miền vì nhiều bài hòa tấu đỉnh cao như Vọng kim lang, Phi vân điệp khúc, Đoản khúc lam giang... Thời kỳ này, NSND Thanh Hải cũng gây dấu ấn ở vai trò nhạc sĩ.
“Bắt đầu từ năm 1985, tôi viết nhạc nền cho các đoàn tỉnh. Lúc đó, các đoàn dựng một tuồng cải lương có thể hát hai đến ba tháng, nhưng đoàn nào cũng muốn dựng thêm nhiều tuồng mới để thu hút khán giả. Nhiều đoàn mời tôi đến để viết nhạc. Tôi ở đoàn này một thời gian, viết xong lại chạy sang đoàn khác. Cho đến nay, tại những kỳ thi Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, có năm tôi viết nhạc cho cả chục đoàn biểu diễn”, ông nói thêm.
NSND Thanh Hải cần mẫn làm việc không chỉ với nghệ thuật cải lương, mà ông còn tìm tòi, mang cải lương hay nói rộng hơn là âm nhạc truyền thống kết hợp với tân nhạc, tạo ra những sáng tạo mới. Việc tự học của NSND Thanh Hải là bài học lớn mà nghệ sĩ thế hệ sau có thể lấy ông làm gương về chuyện muốn tài giỏi, trước nhất phải đi từ nỗ lực của bản thân. NSND Thanh Hải học “lỏm” cách sáng tác của giáo sư - tiến sĩ Quang Hải, phó giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nghệ sĩ Thanh Tùng... Ông cứ nhìn tổng phổ rồi mon men làm theo, đến khi biết được đường đi nước bước lại học thêm để mang cái tinh túy của nghệ thuật cải lương thử nghiệm cùng boléro, gắn với tuồng, chèo hay ca Huế... Với ông, cải lương có thể biến hóa nhiều hơn nếu người nghệ sĩ cởi mở, ham tìm tòi, sáng tạo để mang đến “món ăn” tinh thần mới lạ cho khán giả.
Trong sự nghiệp hơn 45 năm của NSND Thanh Hải, có hai thời điểm ông hân hoan với nghề nhất, là lúc sân khấu đang trong thời kỳ hoàng kim, và khi tham gia trong ê-kíp thực hiện vở diễn xiếc nghệ thuật À ố show. Ông nói thời hoàng kim là lúc bản thân và anh em đồng nghiệp bận rộn, cùng lao động hăng say nên nhớ mãi. Còn với À ố show từ năm 2013 cho đến trước thời điểm dịch COVID-19 tác động, đây là lúc ông thấy được giá trị của bản thân, và vui mừng vì âm nhạc truyền thống đã vượt trùng dương, chinh phục được khán giả quốc tế.
“À ố show đã trở thành chương trình nghệ thuật có thương hiệu với thế giới. Chẳng phải tôi tham gia nên khen, mà chính những người thực hiện đã có cách phối kết hợp nhiều hình thức, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật vừa mang giá trị truyền thống, vừa đậm hơi thở hiện đại. Khán giả tại các quốc gia khác, họ tán thưởng vô cùng”, NSND Thanh Hải vui mừng kể lại.
Xen lẫn trong sự hồ hởi về chuyện âm nhạc truyền thống đã vượt trùng dương, NSND Thanh Hải trăn trở về chuyện nối nghề, truyền nghiệp. Ông bảo câu chuyện này chẳng còn mới để luận bàn xôn xao, nhưng ngẫm mà buồn, vì một mai, khi thế hệ gạo cội chẳng còn mà tìm cũng không mấy ai ở lớp kế thừa thì chắc kho tàng quý giá sẽ mai một. Ông bảo 30 năm qua, khi sân khấu cải lương khó khăn, thì cũng chừng ấy thời gian, ông có nhận dạy vài học trò nhưng rồi cũng vơi bớt. Bây giờ, học trò nào đến ông cũng nhận dạy, nhưng học xong rồi liệu trò đi đâu, về đâu mới là điều quan trọng.
“Mảnh đất nghệ thuật truyền thống màu mỡ, tôi nghĩ trồng cây nào trái cũng sai, nhưng chúng ta ít ươm trồng. Phần là do quá ít người chuộng, phần do công người chăm chưa biết cách nên rồi đến người tâm huyết truyền nghề nhất cũng thấy mỏi mòn, hỏi đến khi nào mới thấy được vườn xanh?”, NSND Thanh Hải bộc bạch.
Diễm Mi