NSND Quế Trân kể chuyện gian nan định hình cải lương tuồng cổ

18/09/2024 - 17:50

PNO - Ngày 18/9, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (quận 1), Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã tổ chức tọa đàm chủ đề “Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TPHCM”.

Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM mong muốn thông qua tọa đàm tìm giải pháp
Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM mong muốn thông qua tọa đàm tìm giải pháp phát triển đúng hướng sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TPHCM.

Phát biểu tại tọa đàm, NSND Quế Trân bày tỏ sự xúc động khi cha mình là cố NSND Thanh Tòng được nhắc nhớ như một người tiên phong cùng tập thể Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã vượt qua rất nhiều khó khăn để định hình loại hình cải lương tuồng cổ.

NSND Quế Trân cho biết đã nhiều lần nghe cha kể về quá trình gian nan để cải biến “cải lương hồ quảng” thành “cải lương tuồng cổ”. Sau năm 1975, theo chủ trương mới, các đoàn không diễn cải lương hồ quảng nữa, mà ưu tiên đề tài lịch sử.

NSND Quế Trân phát biểu đầy tâm huyết tại tọa đàm.
NSND Quế Trân phát biểu tại tọa đàm.

Đoàn Minh Tơ khai trương vở đầu tiên là Dưới cờ Tây Sơn với phục trang giản dị, nghệ sĩ biểu diễn theo phong cách ca ra bộ ngày xưa. Tất cả các yếu tố hấp dẫn của đoàn Minh Tơ ngày trước, như phục trang bắt mắt, âm nhạc thu hút, vũ đạo điêu luyện không còn, và dĩ nhiên khán giả thưa vắng dần.

“Trước sự bế tắc đó, tập thể đoàn Minh Tơ đã họp bàn tìm hướng ra. Chiếc “chìa khóa” để giải mã nhu cầu của khán giả lẫn đáp ứng yêu cầu về phong cách biểu diễn lúc bấy giờ chính là “Việt hóa”.

Vở Câu thơ yên ngựa ra đời với vũ đạo được kế thừa từ nghệ thuật hát bội của dân tộc, âm nhạc Việt Nam, do chính nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, đánh dấu bước chuyển thành công, định hình loại hình cải lương tuồng cổ được khán giả đón nhận đến hôm nay” – NSND Quế Trân chia sẻ.

Tại tọa đàm, nghệ sĩ Xuân Trúc, NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Lê Thanh Thảo thể hiện trích đoạn Xử án Thượng Dương trong vở Câu thơ yên ngựa - một tác phẩm tiêu biểu của sân khấu cải lương tuồng cổ.
Tại tọa đàm, nghệ sĩ Xuân Trúc, NSƯT Tú Sương và nghệ sĩ Lê Thanh Thảo thể hiện trích đoạn Xử án Thượng Dương trong vở Câu thơ yên ngựa - một tác phẩm tiêu biểu của sân khấu cải lương tuồng cổ.

NSND Quế Trân cũng đã phân tích những sáng tạo âm nhạc, trong đó có việc phối mới điệu Lý cây bông góp phần làm nên lớp diễn kinh điển Xử án Thượng Dương trong vở Câu thơ yên ngựa để minh chứng quá trình lao động khó khăn, bền bỉ, để có một tác phẩm cải lương tuồng cổ chất lượng.

Lớp diễn Xử án Thượng Dương với bài Lý cây bông đã thành kinh điển trên sân khấu cải lương tuồng cổ.

NSND Quế Trân chia sẻ về quá trình vận dụng bài Lý cây bông trong vở Câu thơ yên ngựa.

“Là thế hệ thứ năm của gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ, thừa hưởng và hiểu được tâm huyết của cha mình là cống hiến cho nền nghệ thuật dân tộc, góp phần giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam; tôi rất mong chúng ta sẽ có định hướng để tất cả các sân khấu đồng lòng hướng về mục tiêu đó.

Chúng ta có những người nghệ sĩ tên tuổi, có sức hút, có tài năng, nếu được định hướng, tạo điều kiện và động viên, chúng ta sẽ làm được, và làm rất hay những tác phẩm góp phần làm đẹp thêm lịch sử văn hóa nước nhà” – NSND Quế Trân tin tưởng bày tỏ.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI