PNO - Bình yên đến với ông từ cái tâm vẫn vững với nghề, cái tầm trong cách cư xử với hậu bối và gia đình hạnh phúc luôn là điểm tựa phía sau.
Ở tuổi 71, trải qua nhiều thăng trầm trong nghề nghiệp, nhưng NSND Minh Vương vẫn mê hát dẫu sức khỏe không còn được như xưa. Ông nói vẫn muốn được tận hiến đến những giờ phút cuối cùng, bởi với ông, cải lương là máu thịt, khán giả là người thân.
Không ai tránh được quy luật của thời gian, nhưng càng lớn tuổi, NSND Minh Vương lại được nhiều khán giả, đồng nghiệp nhận xét ông ngày càng "trẻ" hơn. Ông nói, có lẽ là nhờ tâm hồn mình lúc nào cũng thoải mái, nhiều sự hứng khởi.
Người trẻ phải giỏi nghề để tiếp nối
Phóng viên: Nghệ sĩ không có tuổi, điều đó thể hiện rõ ở ông qua những bài vọng cổ cách tân được chia sẻ rất nhiều trong thời gian gần đây?
NSND Minh Vương: Không chỉ bây giờ mà cả trước đây, tôi luôn tìm tòi những sáng tạo mới để tạo cho mình những dấu ấn riêng khi xuất hiện trên sân khấu. Không riêng cải lương mà nghệ thuật nói chung luôn cần những sáng tạo mới.
Vượt qua những cơn bạo bệnh, tôi càng muốn đổi mới trong những bài vọng cổ để bản thân có nguồn năng lượng mới, đó cũng là cách tôi thông báo đến khán giả rằng mình vẫn khoẻ. Sau Con bướm xuân, Không cảm xúc, Bạc trắng tình đời, Nhỏ ơi... tôi vẫn đang ấp ủ một số sáng tác khác.
Cải lương đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại thì sự đổi mới lại càng cần thiết. Làm sao để có thêm khán giả trẻ luôn là điều khiến tôi trăn trở. Tôi chỉ mong những gì mình làm có sự tác động tích cực nào đó. Chúng ta không thể mong người trẻ quay về với truyền thống mà không làm gì.
* Hiện có nhiều chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát triển cải lương, nhưng tình hình vẫn không khả quan hơn. Theo ông, chúng ta làm chưa đúng hay vẫn chưa làm đủ?
- Nói thì dễ nhưng nói phải đi đôi với làm và lời nói phải xuất phát từ người biết nghề, hiểu nghề mới thật sự có hiệu quả. Chúng ta bàn luận quá nhiều nhưng người thực hiện có đủ giỏi nghề, công tâm? Thế hệ chúng tôi đã dần lùi về sau, việc ở hiện tại phải giao lại cho những người trẻ hơn. Điều mong mỏi lớn nhất của tôi là người trẻ phải giỏi nghề mới có thể tiếp nối được.
* Ông và NSND Lệ Thủy từng gầy dựng thành công chương trình Sân khấu vàng để vừa làm nghề, vừa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Nay chương trình đó không còn, ông có tiếc nuối?
- Từ chương trình đó, chúng tôi vừa phục vụ khán giả, vừa xây được mấy mươi căn nhà tình thương, điều đó quá hạnh phúc. Nhưng sau những lần bạo bệnh, sức khoẻ không cho phép tôi tiếp tục. Lệ Thuỷ cũng có cuộc sống và công việc riêng. Vì thế, chương trình phải ngưng lại. Nhưng chí ít trong thời gian đó, chúng tôi đã làm được những việc ý nghĩa nên không có gì để tiếc nuối.
Mong người trẻ tự tin hơn
* Ở tuổi U80, nhiều người chọn việc nghỉ ngơi nhưng ông vẫn miệt mài với vai trò "cầm cân nảy mực" ở các cuộc thi. Dẫu biết đây cũng là sự đóng góp, nhưng sau mỗi cuộc thi cũng có không ít ồn ào...
- Làm giám khảo không phải chuyện dễ dàng. Ví như Chuông vàng vọng cổ, chỉ có một khoảng thời gian ngắn để giám khảo chia sẻ trên sóng truyền hình. Vì thế, buộc chúng tôi phải nói gọn, đúng trọng tâm. Điều đó khiến khán giả khó thể hiểu được toàn diện vấn đề.
Tôi vẫn chú trọng góp ý chuyên môn để giúp các em hát tốt hơn, hát chuẩn một bài vọng cổ. Qua đó, khán giả, những ai yêu thích cải lương, vọng cổ cũng biết cách hát. Tôi nghĩ đó cũng là sự tận hiến dành cho cải lương. Tôi không muốn nói nhiều mà các em không hiểu gì, cũng không thể giúp họ tốt lên.
Tôi luôn tin vào suy nghĩ và kinh nghiệm của mình. Trước khi nhận một vai trò nào đó, tôi luôn phải chắc chắn mình đủ khả năng chuyên môn, nói ra phải đúng. Tôi không bị phân tâm bởi những ý kiến trái chiều. Mạng xã hội vốn là nơi tự do ngôn luận, nhưng tự do quá thành ra ai muốn nói gì cũng được. Chuyện nghề hát, có những quy chuẩn nhất định mà người bên ngoài không nắm rõ. Tôi vẫn lắng nghe, theo dõi, nhưng lập trường thì chưa bao giờ bị lung lay.
* Tâm lý này xuất phát từ việc ông không sử dụng mạng xã hội, không tiếp xúc quá nhiều với phương tiện truyền thông?
- Thời điểm này, tôi cần sự bình yên. Tôi không có và cũng không biết cách sử dụng mạng xã hội, nhưng điều đó lại hay. Ở tuổi này còn bị lung lay trước những sóng gió từ dư luận thì mình thiếu bản lĩnh.
Tôi thẳng tính, có sao nói vậy chứ không cố nói để vừa lòng ai cả. Nói thẳng đôi khi khó tránh mất lòng, nhưng nếu nói dối tâm mình, tôi càng hổ thẹn hơn. Tôi phải nói để các em biết đúng, biết sai, biết hay, biết dở mà sửa chữa kịp thời. Hơn nữa, tôi ngồi chấm thi trước rất đông khán giả, mỗi câu mỗi lời của tôi phải đúng. Đó cũng là cách để mình biết trọng mình, người sẽ trọng mình.
* Qua những lần tiếp xúc với người trẻ trong các sân chơi ấy, ông thấy gì ở họ?
- Các em bây giờ hát hay. Tôi chỉ mong họ luôn tự tin trên sân khấu, chỉ khi đó các em mới thật sự toả sáng. Tôi gặp nhiều trường hợp, giọng rất hay và đẹp nhưng vì không tự tin nên chinh dây, trật nhịp. Họ đánh mất cơ hội tưởng đã nắm trong tay.
Trời sinh ra mỗi người có một chất giọng khác nhau, trừ khi chúng ta chấp nhận đánh mất cái riêng của mình. Vì thế, ngoài việc tập luyện, sự tự tin sẽ giúp các em có được màu sắc khác biệt hơn. Các em cứ tự tin ca diễn, khán giả nghe quen dần và họ sẽ chấp nhận. Chúng tôi đi trước vẫn toả sáng theo cách như vậy. Tài năng thời nào cũng có cả.
* Nhưng sự tự tin không thể giúp tạo nên danh tiếng khi cải lương đã qua thời…
- Chuyện thời thế thay đổi, chúng ta phải chấp nhận. Nghĩ thoáng hơn, hiện tại cũng có rất nhiều sân chơi, nhiều cuộc thi được mở ra để trở thành bệ phóng cho các em. Ngày trước, chúng tôi theo nghề phải mất rất nhiều năm mới được lên sân khấu, đóng vai nhỏ, rồi dần dần mới được vai chính. Còn các em hiện nay, chỉ với một danh hiệu đã có thể đóng vai chính, được đón nhận trên truyền hình.
Bây giờ nghệ sĩ lớn tuổi cũng hạn chế nhận vai. Sân khấu đang thuộc về người trẻ. Chẳng hạn như hội diễn vừa rồi, tôi đảm nhận vai cụ Nguyễn Sinh Sắc, chỉ xuất hiện 4 phút trên sân khấu. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, đó là lần đầu tiên tôi nhận vai như thế.
* Gắn bó với NSND Lệ Thuỷ suốt mấy thập niên, ông có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ để có sự kết hợp lâu dài với bạn diễn?
- Chúng tôi gắn bó từ thời hoạt động ở Đoàn Kim Chung đến tận bây giờ và vẫn còn được khán giả yêu mến, từ tuồng cải lương đến những bản tân cổ. Thời gian đó, Lệ Thuỷ vừa nổi tiếng dẫu chỉ lớn hơn tôi một vài tuổi.
Chúng tôi gắn bó với nhau nhờ tình cảm của khán giả. Điều đó cũng tạo nên sự hưng phấn cho chúng tôi trong nghề. Ngoài chuyện mê nghề, nghệ sĩ phải biết nhường nhịn nhau một chút. Ai cũng có danh tiếng, nếu không biết nhịn nhau thì sẽ không có bạn diễn lâu năm như thế. Nhường nhau ở đây là việc biết nâng, biết đỡ, biết góp ý cho nhau chân thành.
Vẫn mê sân khấu, trọng gia đình
* Người bạn diễn ăn ý của ông đã ra mắt hồi ký, để họ có cái nhìn thật hơn về phía sau hào quang trên sân khấu. Ông có dự định cũng sẽ viết hồi ký?
- Tôi không có ý định này. Tôi sưu tầm được nhiều hình ảnh về quá trình làm nghề của mình, nhưng chỉ muốn trưng bày chúng ở một nơi nào đó thật trang trọng. Sức khoẻ không cho phép tôi làm được nhiều hơn. Tôi cũng muốn giữ lại một chút gì đó cho cuộc sống của riêng mình.
Tuổi này, tôi chỉ mong có sức khoẻ để được tiếp tục phục vụ, cống hiến cho khán giả đến những ngày cuối đời. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ là được ra đi trên sân khấu. Tôi đi đâu, khán giả cũng động viên: “Minh Vương ơi, ráng khoẻ để hát cho tụi tui nghe nữa nhe”, bấy nhiêu đủ cho một đời theo nghiệp Tổ.
* Vài lần thoát “lưỡi hái tử thần”, ông cảm nhận được điều gì sau tất cả?
- Khán giả luôn là người động viên tôi, giúp tôi vượt qua tất cả. Sau khi thay thận, bác sĩ bảo tôi không còn là Minh Vương nữa, mà là Minh Vương 2. Trước tôi ít nói, sau này lại thích nói nhiều vì bác sĩ khuyên nên vui vẻ hơn. Nhiều khi bà xã tôi nói: “Bây giờ anh nói nhiều, nên cẩn trọng để bạn bè không hiểu sẽ giận đó”.
Đam mê lớn nhất của tôi đến nay vẫn là sân khấu. Tổ nghiệp còn thương, còn muốn tôi hát để cống hiến cho khán giả. Tôi vẫn sẽ hát đến khi không thể hát được nữa. Mỗi cuối tuần tôi lại tập hợp bạn bè để hàn huyên tâm sự, đó cũng là cách tìm niềm vui.
* Ngoài sân khấu, có lẽ hạnh phúc gia đình giúp ông có niềm vui, sự yên bình ở tuổi xế chiều?
- Bây giờ, tôi vẫn hạnh phúc vì được bà xã chăm sóc hàng ngày. Phục trang của tôi đều do một tay bà xã lo. Quá hiểu ý thích, thói quen của tôi nên bà xã mua vải rồi tự may cho chồng. Mái tóc tôi cũng tự chải, tự cắt, phía sau với không tới, bà xã cắt giúp. Tôi vô cùng hạnh phúc vì tất cả những chăm lo đó. Nghệ sĩ gặp nhiều quyến rũ, cám dỗ nhưng gia đình luôn là điều khiến tôi phải giữ mình.
* Ông trân quý nhất điều gì ở bà xã?
- Chung thuỷ, lo cho gia đình, chồng con. Tình nghĩa giữa chúng tôi vẫn tràn đầy sau ngần ấy năm. May mắn, chúng tôi không cãi nhau. Khi nào bà xã bực bội, tôi chỉ nói nhỏ: “Em nên nhỏ nhẹ với người lớn tuổi”, điều đó giúp chúng tôi lấy lại sự cân bằng.
* Xin cảm ơn ông!
Thành Lâm (thực hiện)
Chia sẻ bài viết: |
Thuy Bình 14-08-2020 15:41:19
Mình cố gắng lấy hết can đảm để có một ý kiến nhỏ của riêng minh khi thấy dòng chữ :"Bạn nghĩ gì vế bài viết này " ở cuối bài .Những trình bài quá chuẩn của Chú Minh Vương cũng như tài năng nghệ thuật của Chú thì khỏi phải ca ngợi thêm .Riêng phần nếu Chú có muốn khán giả giao lưu đóng góp ý kiến chân thành cho những điều Chú muốn được đóng góp thì Chú nên dùng mạng xã hội .Bởi mạng xã hội sẽ giúp cho những khán giả ở xa đóng góp và có khi có những ý kiến không thể trình bài một cách công khai trước mọi người . Chú chỉ cần nhờ một em biết kích hoạt tài khoản và hướng dẫn cho Chú vài kỷ năng thì dùng dễ dàng như dùng điện thoại thôi.Đọc cho vui chút thôi nghen Chú ,chúc Chú luôn dồi dào sức khỏe để khán giả luôn có một tượng đài sân khấu cải lương để hãnh diện, để yêu mến .
Vài ngày qua, thông tin chỉ có 2/12 rạp hát tại TPHCM được sử dụng gây chú ý trong dư luận.
TP Hội An sẽ tổ chức nhiều sự kiện nhằm kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên màn ảnh Việt, người khuyết tật có cơ hội đóng phim chỉ ở những vai nhân vật khuyết tật.
Không để thiếu em nào có lẽ là một trong những bộ phim “khiêm tốn” nhất của Trương Nghệ Mưu, với kinh phí cực kỳ ít ỏi.
Gần đây, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa trong ngành xuất bản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra.
Những năm qua, di sản văn hóa đã gắn chặt với việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tác giả Lê Hà (sinh năm 1983, TP Huế) đã đưa bạn đọc trở về những ngày xưa cũ, để thưởng thức những món ăn bình dị, dân dã...
Việc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phải làm rào chắn, lần nữa cho thấy văn hóa ứng xử kém của một bộ phận công chúng.
Trong hải trình về với quân dân vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc (từ 9 - 16/11), âm nhạc như chất xúc tác đặc biệt,
“Hẹn sáng Chủ nhật ở chợ quê nghen”. Chợ quê mà chị em nhắn nhau rần rần trên Facebook nằm ở số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM
Đề tài bạo lực học đường đã đi vào trang sách, trở thành chủ đề trò chuyện cho trẻ thơ.
Bộ ba sách ra đời là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử, cảm xúc và những giá trị cốt lõi về đạo đức, trí tuệ, và nghị lực.
Cùng cha mẹ già đi (Nhà xuất bản Dân trí) của tác giả Tất Khiếu Nam như một minh chứng cho sự đồng hành giữa 2 thế hệ...
Trước thềm ngày họp Quốc hội bỏ phiếu về việc tăng thuế VAT ngành văn hóa, hơn 30 DN sản xuất phát hành phim trong nước ký đơn kiến nghị phản đối.
Những ngày qua, ca khúc "Mẹ yêu con" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bỗng trở thành một trong những xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
NSND Trung Hiếu khẳng định mô hình sân khấu hóa ở TPHCM cần được cả nước học tập.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM thông tin về tình trạng không hoạt động thời gian dài tại các địa điểm rạp Đại Đồng, rạp Long Phụng và rạp Công Nhân...
Sau 3 năm nỗ lực trùng tu với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo, bửu tán ngai vàng triều Nguyễn dần lộ diện với vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy.