Huyền thoại của làng võ Việt
Trước khi gắn bó với nghiệp diễn xuất, đạo diễn, NSND Lý Huỳnh từng gây tiếng vang với lời thách đấu Lý Tiểu Long vào năm 1973. Tin tức này từng gây chấn động truyền thông Việt Nam và Hồng Kông dù trận quyết đấu ấy chưa thể xảy ra.
Thời điểm đó, dư luận “dậy sóng” là bởi nếu Lý Huỳnh và Lý Tiểu Long thượng đài, đây là cuộc gặp của 2 huyền thoại võ thuật của 2 quốc gia. Trước đó, giai đoạn từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh có 6 trận quyết đấu với các đối thủ cả trong và ngoài nước. Võ sĩ Lý Huỳnh chỉ giành chiến thắng 3 trong 6 trận thượng đài. Ông từng hạ gục những đối thủ sừng sỏ làng võ thuật như võ sĩ người Pháp - Lyauté Francoise, 2 võ sĩ giàu kinh nghiệm thi đấu đối kháng Anh Thạch, Mạch Trung Phương.
|
Lý Huỳnh (ngoài cùng bên phải) thượng đài lần đầu vào năm 17 tuổi. |
Lý Huỳnh có sự tự tin khi đưa ra lời thách đấu Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, về sau, khi chia sẻ về lời thách đấu này, Lý Huỳnh có nói về bối cảnh xảy ra câu chuyện. Khi đó, đoàn phim Hồng Kông sang Việt Nam ghi hình phim Long hổ sát đấu. Khi quay xong cảnh Lý Huỳnh đấu võ, đạo diễn hỏi ông rằng “có dám đánh Lý Tiểu Long không?”. Ý hỏi “có dám” ở đây khiến Lý Huỳnh cảm thấy bị xem thường, ông không ngần ngại đưa ra lời thách đấu, không chỉ để bảo vệ nhuệ khí của người học võ mà ông có sự tự tin nhất định về bản thân. Nhưng không lâu sau, Lý Tiểu Long qua đời.
Từ nhỏ, Lý Huỳnh có niềm đam mê với võ thuật. Ngoài học võ với cha, Lý Huỳnh còn tìm hiểu võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định và quyền Anh. Thời điểm đó, các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền là những bậc tiền bối trong làng võ Việt đã chỉ dạy tận tình cho Lý Huỳnh. Từ năm 1965, ông đem những bài học đã lĩnh hội được, truyền dạy lại thế hệ sau bằng việc mở các trường dạy võ, đào tạo nên nhiều võ sĩ giỏi.
|
Nghệ sĩ Lý Huỳnh trong vai đại uý Xăm, phim Hòn Đất. |
Đam mê võ thuật cộng với niềm yêu thích điện ảnh, Lý Huỳnh tham gia đóng phim và trở thành người đầu tiên đưa võ thuật vào điện ảnh Việt thành công. Từ khi bắt đầu, năm 1972, NSND Lý Huỳnh luôn tâm niệm, đưa võ thuật lên màn ảnh không phải là để diễn viên quơ quào những thế võ vô hồn mà phải đi sâu vào tâm lý, thể hiện được nội tâm sâu sắc của nhân vật.
Nhưng sự nghiệp điện ảnh của NSND Lý Huỳnh không chỉ có những trận đánh thể hiện uy quyền, những vai diễn oai phong, dữ tợn. Trong hơn 50 bộ phim đã tham gia, có khi, ông cục mịch, chất phác hệt như một người nông dân thứ thiệt.
Từ “Hai Lúa” đến đại uý Long và Tây Sơn hào kiệt...
Với khả năng võ thuật, không có gì lạ khi võ sư Lý Huỳnh ngày đó được các đạo diễn săn đón, đưa ông vào các nhân vật phát huy được thế mạnh. Ngay khi chạm ngõ điện ảnh, NSND Lý Huỳnh được giao vai đại tá Hoàng trong phim Cô Nhíp.
Cố NSƯT Khương Mễ trong vai trò đạo diễn của phim khi đó, hoàn toàn tin vào khả năng diễn xuất của "tân binh" làng phim Việt bấy giờ. Vai đại tá Hoàng khá "nặng ký", đòi hỏi diễn viên phải diễn xuất nội tâm, bộc lộ cảm xúc, sự giằng xé trước những quyết định hệ trọng. Lý Huỳnh, với kinh nghiệm diễn xuất còn hạn chế nhưng đã có màn hoá thân xuất sắc. Phim Cô Nhíp đã đoạt Giải Bông sen bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 4, năm 1977.
|
Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy là vai diễn khó đối với NSND Lý Huỳnh. Ông từng phải đi thực tế để hiểu hơn cuộc sống của người nông dân trước khi đóng phim. |
Sau khởi đầu ấn tượng, NSND Lý Huỳnh liên tục được mời vào vai đại tá, sĩ quan vì 2 lý do chính, ông giỏi võ và ngoại hình phù hợp, chưa kể diễn xuất tốt. Từ đại tá Long trong Mùa gió chướng, đại uý Xăm trong Hòn Đất, thiếu tá Y Vế trong Ngọn lửa Krông Jung đến tướng Bách trong Đứa con bị từ chối... những tưởng với hàng chục vai diễn phản diện, NSND Lý Huỳnh sẽ bị đóng khung trong hình ảnh vị đại uý hung hãn, gian ác thì đến một ngày, ông lột bỏ bộ quân phục thường thấy khi lên phim, để khoác lên mình bộ bà ba, mang khăn rằn vào vai anh nông dân chất phác trong Vùng gió xoáy.
Hai Lúa là vai diễn đáng nhớ, thậm chí có thể nói là để đời của NSND Lý Huỳnh bởi minh chứng cho năng lực diễn xuất, sự hoá thân tài tình và mang về giải thưởng quan trọng nhất cho nam nghệ sĩ. Trước khi vào vai, để thật hiểu cuộc sống của người dân, Lý Huỳnh xin đạo diễn Vương Hồng Sển cho ông về vùng Thủ Thừa (Long An) sống cùng người dân. Chuyến đi rất hiệu quả khi Lý Huỳnh vào vai nông dân “mượt mà”, danh xưng Hai Lúa cũng được khán giả đặt cho ông sau khi Vùng gió xoáy ra mắt.
NSND Lý Huỳnh nhận được giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6, năm 1983. Cùng năm, bộ phim này đại diện Việt Nam tham dự Festival điện ảnh với hơn 120 nước tham gia ở Liên Xô.
|
Nghệ sĩ Lý Huỳnh bên cạnh con trai Lý Hùng trên phim trường Tây Sơn hào kiệt. |
Niềm say mê điện ảnh của NSND Lý Huỳnh là vô tận, nhưng tình yêu ấy cũng có tầm nhìn và đường hướng riêng. Đến năm 1990, ông chuyển từ vai trò diễn viên sang sản xuất, đạo diễn. NSND Lý Huỳnh liên tục “đổ tiền” thực hiện những bộ phim như Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò... Không dừng lại ở đó, ông tạo ra những màn hợp tác xuyên biên giới, mời được một số diễn viên và ê-kíp quốc tế sang Việt Nam làm phim. Những bộ phim hợp tác thời điểm đó như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng... cũng đã được giới thiệu.
Tây Sơn hào kiệt – bộ phim cuối cùng mà NSND Lý Huỳnh đạo diễn là bộ phim đặc biệt trong sự nghiệp của ông. Ngày đó, NSND Lý Huỳnh muốn làm nên những bộ phim dã sử phục vụ cho khán giả trong nước, thay vì mãi đi xem phim dã sử, huyền sử của các nước khác. Ông dồn vốn làm phim mong tạo ra những hình ảnh hoành tráng, sinh động. Năm 2015, phim Tây Sơn hào kiệt của ông được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam chứng nhận là Bộ phim được dàn dựng hoành tráng nhất Việt Nam.
Diễm Mi