Báo Phụ Nữ đã có cuộc trò chuyện ngắn với NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - về một số vấn đề của sân khấu cải lương, nhìn từ liên hoan.
|
NSND Lê Tiến Thọ |
Phóng viên: Theo dõi tất cả những vở diễn đã thi tài tại liên hoan, cảm nhận của ông ra sao?
NSND Lê Tiến Thọ: Cải lương đang khó khăn, cộng thêm việc sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật, nhưng liên hoan vẫn có sự tham gia của một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu, tạo được không khí khá sôi nổi, đó là điều rất đáng mừng. Những buổi diễn có nhiều khán giả, bạn nghề đến xem, tạo nên hiệu quả tốt cho đêm diễn, đồng thời khẳng định khán giả vẫn mê cải lương.
Dẫu vậy, vẫn còn nhiều băn khoăn. Liên hoan vẫn còn ít sáng tạo mới, kịch bản vẫn tiếp tục khan hiếm khi có những vở diễn cách đây hơn 30 năm vẫn được dàn dựng lại.
Tất nhiên, việc dàn dựng lại những vở diễn cũ, từng được đánh giá cao là chuyện đương nhiên. Ở bản dựng mới, thành phần sáng tạo, diễn viên vẫn rất nỗ lực để phả vào tác phẩm cũ hơi thở mới, sáng tạo mới tromg dàn dựng, biểu diễn… Nhưng ở khuôn khổ liên hoan, việc có quá nhiều kịch bản cũ được tái sử dụng là vấn đề cần suy nghĩ. Nên chăng cần có những thay đổi về quy chế nhằm hạn chế việc dàn dựng lại những kịch bản đã quá cũ để tham gia liên hoan.
|
Bão dậy trời Long Hưng - vở diễn dự thi của đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang |
* Có ý kiến cho rằng, nhiều vở được dàn dựng với ý vừa để tham gia liên hoan, vừa để biểu diễn phục vụ, tuyên truyền, nhưng e sẽ khó hiệu quả thực sự khi công diễn. Quan điểm của ông ra sao?
- Đây là vấn đề của tác giả và đạo diễn. Đời sống xã hội hôm nay phải được mỹ lệ hóa, hình tượng hóa, để hướng người xem đến những giá trị chân thiện mỹ. Yêu cầu này đòi hỏi tác giả, đạo diễn phải biết chọn điểm nhấn, tính điển hình khi kể lại câu chuyện, hình tượng đó trên sân khấu.
Những bài học, thông điệp tác phẩm muốn gởi đến với khán giả phải được gắn trong nhân vật, trong tình huống kịch. Không thể bê nguyên xi nghị quyết, khẩu hiệu đưa lên sân khấu và ấn vào miệng nhân vật, bắt nhân vật phát ngôn. Chất lượng nghệ thuật và giá trị tư tưởng của một tác phẩm phải quyện vào nhau thì tác phẩm mới sâu, mới đủ để người xem thẩm thấu và nhớ mãi những bài học từ thông điệp của tác phẩm.
|
Chiếc áo thiên nga với những cảm xúc mới trên sân khấu Nhà hát cải lương Việt Nam |
* Lần đầu tiên Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc có sự tham gia của 8 đơn vị xã hội hóa (XHH). Đây là lực lượng được kỳ vọng sẽ góp phần vực dậy sân khấu cải lương?
- Nỗ lực, tâm huyết của sân khấu XHH phải được ghi nhận và khuyến khích, động viên. Khát khao thực hiện những tác phẩm hay, nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, sân khấu XHH để lộ nhiều điều còn sơ sài. Quỹ thời gian để rèn dũa vai diễn, cấu trúc, tổ chức sân khấu… của sân khấu XHH cần được nhìn lại. Sau liên hoan, nên chăng có những buổi tọa đàm, trao đổi, nhằm đánh giá lại chất lượng vở diễn, nhìn nhận lại những gì chưa làm được của các đơn vị XHH.
Kỳ vọng một đơn vị XHH có thể thay đổi phong cách của nghệ thuật cải lương e chừng là điều phi thực tế. Đừng hy vọng một tác phẩm có thể vực dậy cải lương. Vực dậy cải lương trong thời điểm này không phải là chuyện của một vài sân khấu mà cần có sự chung tay của nhiều đơn vị, vai trò định hướng, quản lý của Nhà nước.
|
Cuộc đời của mẹ - vở diễn gây nhiều bất ngờ thú vị của đoàn cải lương Long An |
* Với những gì đã diễn ra ở liên hoan cải lương, dường như nỗi lo chung, lớn nhất của những người làm nghề là đội ngũ diễn viên kế thừa.
- Lớp diễn viên trẻ ngày nay thông minh, nhanh nhạy, nhưng lại thiếu sự sâu sắc. Điều này cộng thêm thực tế diễn viên ngày nay đang bị chi phối bởi rất nhiều nhiều hoạt động nên quỹ thời gian cho vai diễn cũng không nhiều. Độ tinh tế, tính chuyên nghiệp của nhiều diễn viên trẻ hiện nay cần phải được nhìn lại.
Bên cạnh đó, công tác đạo diễn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến diễn viên. Ngày xưa, thầy tuồng sẽ theo diễn viên để chỉ dạy từng cách ca, động tác, cách diễn… Nhưng ngày nay, chúng ta đã theo một công nghệ khác. Đa phần các đạo diễn đến hợp tác với đơn vị chứ không gắn chặt và không có thời gian. Thậm chí, bây giờ đạo diễn ko cần đến đoàn, chỉ cần xem đĩa để rút kinh nghiệm.
Ở thời đại 4.0, lẽ ra công nghệ phải hỗ trợ, giúp các đạo diễn, diễn viên nhìn rõ mình hơn, để sửa chữa và hoàn thiện các vai diễn. Tiếc rằng công nghệ lại bị lạm dụng để “cắt xén” bớt quỹ thời gian đạo diễn đầu tư cho vở diễn.
Cùng với diễn viên thì lực lượng sáng tạo của sân khấu cải lương cũng còn rất hạn chế. Có những tên tuổi đứng ở vị trí đạo diễn hàng loạt vở diễn, là cố vấn hoặc chỉ đạo nghệ thuật. Điều này cho thấy đạo diễn trẻ vẫn chưa được tin tưởng. Liên hoan lẽ ra là cơ hội để các đạo diễn trẻ khẳng định mình và trưởng thành. Tiếc rằng cho đến nay, cơ hội đó vẫn chưa đến được với nhiều đạo diễn trẻ.
* Xin cảm ơn ông.
Thảo Vân (thực hiện)