NSND Lệ Thủy: Thương những bộ bà ba may tay của má

02/02/2021 - 12:40

PNO - Và khi đã làm vợ, làm mẹ, làm bà, tôi vẫn tiếp tục như má, một lòng một dạ với nghề, sống biết đủ, trân quý gia đình, quan tâm, sẻ chia với người khác.

Cuối tháng Chạp năm xưa, nhín nhút chút tiền từ quầy bán bánh, má mua vải may cho tôi bộ bà ba. Vì lu bu buôn bán, con cái nheo nhóc và lại không có tiền mua máy may, phải may tay, nên mãi đến 30 tết, má gấp rút làm cho xong những khâu cuối cùng: luông tà, đơm nút… 

Nghệ sĩ Lệ Thủy năm 18 tuổi
Nghệ sĩ Lệ Thủy năm 18 tuổi

Nôn nóng có áo mới để ngày đầu năm mặc chơi tết, đi coi cải lương (vì được chút tiền lì xì), cứ một chút tôi lại chạy vô thăm chừng má may tới đâu. Má thấy tôi thì hỏi: “Đút thằng nhỏ ăn xong chưa? Tắm cho tụi nhỏ chưa?”. 

Một lúc sau, tôi lại chạy vô dòm. Má ngoắc tôi thử áo rồi hối: “Hồi nãy má kêu đi mua bột, đậu, lá dứa cho má, mà con đi chưa? Đi mua đồ cho má lẹ lên!”. 

Má sẽ canh sao để may áo xong còn kịp ngâm, vò cho ra màu phấn vẽ và giặt phơi khi trời còn chút nắng chiều. Mỗi khi tết đến, tôi lại hồi tưởng bộ bà ba má may gấp gáp chiều 30. Như vẫn còn đây mùi vải thơm thiệt là thơm sau khi được ủi bằng bàn ủi đồng gắn con gà, xài bằng than miểng gáo dừa.

Xui rủi nhà tôi bị hỏa hoạn, gia đình tạm chia đôi, má dắt tôi lúc đó mới ba tuổi từ quê Vĩnh Long, lên Sài Gòn ở nhờ người quen, mong tìm phương sinh sống.

Nhưng má xin việc không dễ, có chỗ muốn nhận nhưng nhìn thấy má có chút nhan sắc, bà chủ lại sợ ông nhà “táy máy” tay chân; chỗ khác ban đầu ưng thuận, nhưng rồi lại ngần ngại vì má lúc nào cũng dắt tôi theo tò tò, sợ không tập trung làm công chuyện. 

Không biết gửi tôi cho ai, xa cách không đành, má định dắt tôi trở về quê. May có người bạn bên Khánh Hội, quận 4 cho ở đậu, cho nhờ bếp. Má làm bánh bưng thúng đi bán, tôi lủng đủng theo sau. Bánh má làm khéo nên bắt đầu đắt khách, hai mẹ tôi “lên hương” - từ bưng thúng chuyển qua... gióng gánh. 

Tiền lời chỉ chút đỉnh nên hai má con vẫn thiếu trước hụt sau. Có khi tới bữa nấu cơm mà thiếu củi, lại không có tiền mua, má nghĩ nát không biết làm cách nào. Rảo nhìn xung quanh, đến trưa muộn, má khều tôi nói nhỏ: “Có cái cầu ván cũ đó, con thấy hôn? Lát má đập nó gãy rồi con chạy ra lượm vô cho má chụm lửa nhen!”. 

Mấy chục năm trôi qua từ bữa cơm muộn nấu bằng cây cầu ván cũ đó mà giờ nghĩ lại sống mũi tôi còn cay…

Ba làm quản gia, cả tháng mới về thăm, bầy em nheo nhóc sáu đứa (một em gửi dưới quê), vậy mà khi tôi được giới thiệu chỗ học ca cổ ở xóm Cây Bàng, má vẫn vui vẻ cho tôi đi. Tôi vui sướng vì được thầy dạy hẳn hoi chứ không chỉ ẵm em ra cột đèn chợ Cầu Cống vừa đút em ăn vừa gióng tai nghe những vở tuồng từ tiệm sửa radio vọng ra.

Tôi ước có má bên cạnh trên đoạn đường đi học xa mấy cây số, trời tối hù sợ ma quá, mà càng chạy thì tiếng thịch thịch đuổi theo càng gần. Tôi vô tư nào biết đặt câu hỏi ở nhà má đã “múa” ra sao với bầy con thơ cùng những mẻ bánh, những phần cơm tháng dành cho khách quen. 

Đầu tắt mặt tối vậy, mà khi nghe tôi kể hai đứa trong nhóm văn nghệ của xóm đã sắm áo mặc để diễn còn tôi thì không, má liền biểu tôi mượn áo bạn về để má nhìn kiểu may theo. Nhờ đi hát, tôi có được tấm áo mới mà không phải đợi tới chiều 30 tết. Cũng xếp ly, cũng dún dún, chỉ khác là áo tôi may kim tay từ bàn tay của má. Trên sân khấu, tôi cũng lấp lánh như ai và có khi còn nổi hơn bạn diễn vì má thường tô son, quẹt má hồng cho tôi hơi… lố. 

Ở tuổi 12, được người quen gửi theo đoàn hát Trâm Vàng, tôi háo hức xin đi. “Suy nghĩ cho kỹ nhen. Tui không ép à!” - má gằn giọng. 

Rồi má cũng dắt tôi gửi gắm cho ba má nuôi - ông bà Mười Của (đoàn hát Trâm Vàng). Soạn cho tôi ba bộ bà ba “coi được” nhất, má đưa tôi ra đoàn lúc đó đang ở Biên Hòa (Đồng Nai) rồi trở về Sài Gòn trong ngày. Nhìn má lội bộ ra cổng rồi khuất dần về hướng bến xe Biên Hòa, hai hàng nước mắt tôi chảy dài.

Tôi cắn răng, nhủ lòng “ráng ở lại đoàn hát kiếm tiền phụ ba má nuôi em”. Tối nằm cuộn mình trong manh chiếu trải trên sân khấu, tôi nhớ má, nhớ em, thèm bánh tằm, bánh chuối, bánh bèo nhà mình. Đó là đêm đầu tiên tôi xa nhà.

Những đồng tiền đầu tiên tôi dành dụm được từ việc phụ lặt rau, gọt củ rửa chén và vài tháng sau là được ngâm thơ hậu trường, múa, tôi mừng phát khóc, nhưng không có má bên cạnh để đưa liền cho má giữ. 

NSND Lệ Thuỷ
Lớn lên trong cảnh nghèo khó, NSND Lệ Thủy rất hiểu ý nghĩa của một tấm áo mới ngày xuân

Có dịp ra chợ Phan Rang, sực nghĩ đã bao cái tết rồi má đâu có được nghỉ ngơi, đi chơi đâu và cũng không có quần áo mới, tôi tìm mua cho má xấp vải lụa kim cương. Không nhớ khi trả giá, tôi “than nghèo kể khổ” thế nào mà bà bán vải giảm từ 25 đồng xuống còn 15 đồng, còn cho thêm mấy xấp vải lụn vụn, tha hồ may đồ cho em.

Tết năm 13 lên 14 tuổi, cơ may đến khi được mời thu đĩa nhựa vở Quan âm Thị Kính (cố soạn giả Viễn Châu), tôi đem về cát-sê cao ngất - mấy trăm đồng. Bất ngờ, mừng quá nhưng má không cất tiền riêng cho nhà mình. Má “chi viện” cho mấy nhà hàng xóm để mua thịt, hột vịt kho ăn tết. “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”. Má đem tiền cho luôn hoặc cho mượn, tôi đâu có cản, nhưng má cứ lặp đi lặp lại câu đó riết tôi thuộc lòng.

Tôi nhớ hoài đêm ba má thức trắng bàn chuyện “tải tiền“ về nhà, vì sáng hôm sau tôi ký hợp đồng trị giá đến 50.000 đồng với đoàn Kim Chung. Ba má loay hoay, rối bời: đựng tiền bằng bao bố hay bằng gì, chở bằng cách nào, ngụy trang làm sao, cất giấu vào đâu trong cái nhà có 16 mét vuông trống trước trống sau? 

Ai dè, sáng ra ba má nhận tiền mệnh giá cao, nên dù giá trị lớn mà chỉ lép xẹp trong lòng bàn tay. Những tờ tiền mà trước đây, ba má chưa lần nào cầm đến. Nhưng những tờ tiền đó đến nhanh và cũng không ở lại lâu vì gia đình trả những món nợ đã mượn từ nhiều năm chật vật và lo chạy chữa cho đứa em bị bệnh.

Vài năm sau đó, tết năm 1968, nhà tôi lại bị hỏa hoạn. Má lại sớm hôm tảo tần buôn bán. Tôi tiếp tục lăn lóc với nghề để tạo dựng tên tuổi trong lòng khán giả và kiếm tiền lo cho gia đình.

NSND Lệ Thuỷ thuộc lòng câu mẹ dặn: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”
NSND Lệ Thủy nói rằng bà luôn nằm lòng câu má dặn: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”

Gió xuân về gợi những ký ức buồn vui bên má. Ký ức về thời cơ cực nhưng gia đình lúc nào cũng ấm áp, bình yên. Tiếc là má đã không còn trên đời để tôi có thể chăm lo má nhiều hơn. Sống mộc mạc, chân thành, má ít khuyên dạy bằng lời, chủ yếu tôi theo nếp sống, theo cách má đối nhân xử thế. Và khi đã làm vợ, làm mẹ, làm bà, tôi vẫn tiếp tục như má, một lòng một dạ với nghề, sống biết đủ, trân quý gia đình, quan tâm, sẻ chia với người khác. 

Càng đi tôi càng hiểu khát khao một tấm áo mới để đón xuân đâu phải chỉ là chuyện của mấy mươi năm về trước. Ngày nay vẫn còn bao người gặp cảnh gian khó, tai ương. Mình giúp được ai thì giúp, như câu má nói riết tôi thuộc lòng: “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn”. “Cho đi” đem lại niềm vui mà cũng là cách trả ơn bao khán giả đã thương và ủng hộ tôi suốt hơn 60 năm theo nghiệp cầm ca. 

NSND Lệ Thuỷ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.

  • Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    Mẹ chưa bao giờ xa tôi

    14-12-2024 15:48

    Sau bao nhiêu năm cách lòng, tôi đã thật sự hiểu mẹ, hiểu rằng mẹ có những lý do để rời xa ba, nhưng chưa bao giờ mẹ rời xa tôi.