NSND Lê Khanh: “Tôi nhìn Thị Hến bằng lăng kính của mình”

28/02/2014 - 18:05

PNO - PN - Ngày 3/3 tới, khán giả TP.HCM sẽ được thưởng thức một phiên bản hoàn toàn mới của tác phẩm kinh điển Nghêu-Sò-Ốc-Hến. Thị Hến - bản dựng mới do NSND Lê Khanh làm đạo diễn, ra mắt khán giả thủ đô vào tháng 12/2013, dù gây...

edf40wrjww2tblPage:Content

NSND Le Khanh: “Toi nhin Thi Hen bang lang kinh cua minh”

* Điều gì đã khiến chị quyết định dàn dựng lại một vở diễn rất nổi tiếng, từng tạo nên tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực: chèo, kịch nói, cải lương, tuồng?

NSND Lê Khanh: Ngay từ lúc mới chọn kịch bản, tôi đã nhận được nhiều lời khuyên là đừng tự làm khó mình khi chọn một vở diễn đã quá nổi tiếng, quá quen thuộc với khán giả từ vài chục năm trước. Những ý kiến đó khiến tôi không khỏi bối rối và buộc phải suy nghĩ thận trọng hơn. Tôi vốn rất yêu những vở diễn dân gian, Nghêu-Sò-Ốc-Hến là một trong những vở để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng. Với thời gian, vở diễn vẫn còn nguyên hơi thở thời đại với những vấn đề xã hội nổi cộm: nạn tham nhũng, cửa quyền, những vấn đề về đạo đức… Một yếu tố khác, những nhân vật trong vở diễn được viết rất đầy đặn, nhiều đất diễn cho diễn viên thể hiện khả năng của mình. Được tham gia vở diễn cũng là cơ hội để các diễn viên thỏa sức sáng tạo và khẳng định tên tuổi. “Cân đong đo đếm” tất cả những yếu tố ấy, tôi quyết định dựng Nghêu-Sò-Ốc-Hến.

* Nhưng tại sao lại là Thị Hến mà không phải là Nghêu-Sò-Ốc-Hến như nguyên bản?

- Trên chất liệu của kịch bản tuồng, Thị Hến được tôi biên tập lại gọn gàng hơn. Ngay từ bản gốc, Thị Hến đã được xem là nhân vật trung tâm cho tất cả các xung đột kịch, ở bản dựng của mình, tôi chú ý nhấn đậm hơn nữa vai trò của nhân vật này. Có lẽ cũng là phụ nữ nên tôi đặt Thị Hến - người phụ nữ vẫn bị cho là lẳng lơ dưới góc nhìn và quan điểm riêng của mình. Tôi thấy Thị Hến có một vẻ đẹp riêng. Là phụ nữ thời phong kiến nhưng Thị Hến dũng cảm đối mặt với cái xấu và rất thông minh khi khéo léo “giăng một mẻ lưới” để đưa những thói hư tật xấu của quan lại ra ánh sáng.

NSND Le Khanh: “Toi nhin Thi Hen bang lang kinh cua minh”

Vở Thị Hến và những “dấu ấn” mới của NSND Lê Khanh

* Thay đổi so với bản gốc, chị có lo khán giả không chấp nhận?

- Có chứ, áp lực nhất của tôi khi làm lại vở là lo sẽ không nhiều khán giả chịu tiếp nhận cái mới khi đã quá quen thuộc với những gì thuộc về kinh điển. Do vậy, không chỉ đặt Thị Hến dưới góc nhìn của riêng mình, tôi còn cố gắng phả vào những điểm nhấn riêng trong cách dàn dựng. Thị Hến được phối hợp giữa sân khấu kịch nói và tính ước lệ của sân khấu chèo truyền thống. Thay vì sử dụng âm nhạc, tôi dùng nghệ thuật khẩu thuật của diễn viên để tạo nên những âm thanh đặc trưng của vùng thôn quê đồng bằng Bắc bộ. Vẫn là một vở kịch nói nhưng lời thoại sẽ có chút phong thái của văn vần. Lối diễn xuất của các diễn viên cũng được khai thác theo hướng uyển chuyển và mềm mại hơn. Dù “tự nhận” vở diễn có đủ yếu tố nghệ thuật lẫn giải trí nhưng tôi không dám kỳ vọng điều gì quá lớn lao, bởi đây vẫn là một vở mang nhiều thử nghiệm, từ phong cách dàn dựng đến sự phối hợp tính ước lệ của sân khấu chèo với kịch nói và cả phương thức dựng vở xã hội hóa. Hy vọng những yếu tố mới này sẽ mang lại sức sống riêng cho vở diễn đã quá quen thuộc và sẽ được khán giả miền Nam đón nhận như khán giả phía Bắc.

* Nhưng phương thức xã hội hóa từng được Nhà hát thực hiện từ cách đây khá lâu, thưa chị?

- Suốt một thời gian dài, việc dựng vở lệ thuộc nhiều vào kinh phí do Nhà nước cấp, hoặc áp lực doanh thu của những vở xã hội hóa. Làm Thị Hến, tôi loại bỏ tất cả những áp lực này, vừa để các diễn viên thoải mái tư tưởng tập trung làm nghề, vừa thử nghiệm một hướng đi mới: thỏa sức làm những gì mình thích. Vở diễn được xã hội hóa theo phương thức rất mới: nghệ sĩ góp tài năng, Nhà hát góp “nhà”. Nghệ sĩ, diễn viên tham gia vở trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tham gia vì yêu thích vở diễn, nhân vật với tiêu chí “luyện nghề” là chính, không đặt nặng chuyện cát-sê, bồi dưỡng. Trên một tổng thể gồm quá nhiều thử nghiệm, tôi rất thận trọng, tính toán từng bước một trong quá trình thực hiện.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này.

 Thảo Vân (thực hiện)

Các suất diễn lúc 20g ngày 3/3 tại Nhà hát TP và 5, 9/3 tại rạp Công Nhân, 30 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI