NSND Kim Cương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật với cha là ông bầu Cương - người có đóng góp rất lớn với cải lương Việt Nam thời điểm ban đầu, mẹ là NSND Bảy Nam - một trong những cái tên kỳ cựu của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Nếu như NSND Bảy Nam là người bên cạnh, theo dõi xuyên suốt và có tác động lớn đến sự nghiệp của kỳ nữ Kim Cương thì ông bầu Cương lại là người tạo nên dấu mốc đầu tiên của nữ nghệ sĩ trên sân khấu, mang đến cho bà những bài học cùng sự chiêm nghiệm đầu đời về nghiệp cầm ca.
|
NSND Kim Cương lúc còn nhỏ và ba bà - ông Tư Cương |
18 ngày tuổi, nghệ sĩ Kim Cương có vai diễn đầu tiên trên sân khấu tại Duyệt Thị Đường (nhà hát chỉ dành cho vua chúa trong cung đình có từ đời vua Minh Mạng) nhân dịp mừng thất tuần của Đức Tiên Cung Dương Thị Thục - mẹ của vua Khải Định, với tuồng Quan Âm Thị Kính. Trong những đêm diễn thử trước đó, ông Tư Cương không cho bồng nghệ sĩ Kim Cương ra diễn mà phải đợi đến đêm diễn chính thức vì: “Đêm diễn đầu đời của con tôi là phải diễn cho vua chúa coi”. Để rồi cái ngày bước lên sân khấu này như định mệnh của cuộc đời nghệ sĩ Kim Cương dù NSND Bảy Nam có mong muốn con gái sẽ học hành và không vướng phải những chua cay của cuộc đời nghệ sĩ.
Tuổi thơ của NSND Kim Cương đầy những niềm vui bên cạnh cha, mẹ cùng những lần rong ruổi cùng đoàn hát đi từ miền Nam, đến miền Trung, ra miền Bắc. Là con đầu lòng khi ông Tư Cương đã lớn tuổi, vì thế Kim Cương rất được ba yêu thương, nâng niu.
Ông bầu Cương qua đời vào năm 1945. Vì thế, ký ức của NSND Kim Cương chỉ có được với thân phụ bà trong vòng 8 năm. Nhưng với nghệ sĩ Kim Cương đó vẫn là những ngày hạnh phúc không thể nào quên, mang đến cho bà những bài học, những giá trị để tạo nên sự nghiệp về sau này.
“Ba tôi là người có tầm nhìn bao quát, nhìn ra khả năng của từng người để đặt vào những vị trí thích hợp. Ba tôi rất nền nếp trong việc điều khiển, sắp xếp các hoạt động trên sân khấu. Một nước có vua thì đoàn hát có ông bầu. Ba nắm sự sống của anh, em trong đoàn, là người cha trong gia đình. Không chỉ về chuyên môn nghề nghiệp mà ngay cả cách sống ba tôi rất xem trọng trong đoàn hát”, nữ nghệ sĩ tâm sự.
|
Dù chỉ có khoảng thời gian bên cạnh ba bà khoảng 8 năm nhưng NSND Kim Cương đã có được những bài học giá trị về nghề để góp phần cho sự nghiệp của bà |
Kim Cương học được ở ba bà tư tưởng của người lãnh đạo một cách linh hoạt, mềm mỏng và trọn chữ nhân, chữ tình. “Lãnh đạo ai mình phải thương họ như con cháu trong gia đình, có trách nhiệm với từng người, từng gia đình. Tôi học theo ba tôi lãnh đạo đoàn hát hay bây giờ làm từ thiện cũng đều phải xuất phát từ tình thương hàng đầu. Có những người đã có gia đình nhưng vẫn trăng hoa, ba tôi gọi lên và la thẳng. Ba tôi như ông cha già của một gia đình lớn. Có chuyện gì ai cũng méc “cậu Tư” để cậu xử. Tôi học ở ba mình la phải la đúng, la vì cái chung, không vì cái riêng”.
Trong hồi tưởng của nghệ sĩ Kim Cương, ba bà là người yêu nghệ thuật nồng cháy, nhưng cũng là người rất thạo việc kinh doanh. Chính vì thế, ông Tư Cương mới vận hành được một đoàn hát đến 60, 70 gia đình qua rất nhiều thử thách, gian truân bằng những cách như: lăng xê đào mới, viết kịch bản mới, lưu diễn khắp 3 miền đất nước...
Về sau này, có lúc đoàn kịch gặp khó khăn, NSND Kim Cương vẫn có thể một mình đứng ra gánh vác mọi thứ. Khi được đặt vấn đề công việc này phù hợp với người đàn ông hơn, bà chỉ cười và bảo nhẹ nhàng: “Dù có những người phụ tá nhưng kỳ thực bao nhiêu trách nhiệm đổ cả lên đôi vai tôi, đến 70 gia đình chứ không ít. Nhưng cuối cùng, Kim Cương cũng làm được đấy thôi”. Nhưng việc NSND Kim Cương thừa hưởng, học hỏi từ ba bà chỉ là tinh thần, còn khi áp dụng phải tính đến những yếu tố tác động, tiến bộ của thời cuộc mà thực hiện cho linh hoạt .
|
Là người hết mình trên sân khấu, NSND Kim Cương cũng có tài lãnh đạo giống như ba bà, vận hành đoàn hát và nắm trong tay đến vài chục gia đình |
Là người mang đến cho nghệ sĩ Kim Cương những niềm vui đầu đời với nghiệp cầm ca nhưng hình ảnh người cha giữa lằn ranh sinh tử lại để lại trong đứa con gái những ám ảnh về sự bạc bẽo của nghề này. Tại rạp hát ở thành phố Phan Thiết mà chỉ một thời gian ngắn trước đó đoàn của ông bầu Cương vẫn còn mang lại lợi nhuận cho người chủ rạp thì ngay lúc ông bệnh nặng nhất lại bị chính nơi đây hắt hủi. Cuối cùng, nhờ tình thương của một người bạn, ông Tư Cương ra đi trong một ngôi chùa.
Trong quyển hồi ký Sống cho người, sống cho mình xuất bản vào năm 2016, NSND Kim Cương từng ngậm ngùi: “Mấy chục năm lăn lộn với nghề, ba tôi vẫn hãnh diện là đã lấy ánh đèn sân khấu làm lý tưởng của mình nhưng khi nhắm mắt thì chính sân khấu lại xua đuổi ba tôi một cách phũ phàng như vậy… Những phũ phàng mà ba tôi gánh lấy, mỗi khi hồi tưởng, tôi vẫn không cầm được nước mắt. Tôi khóc cho ba tôi, khóc cho kiếp cầm ca và khóc cho chính mình”.
Đây cũng là lúc Kim Cương nhận ra rằng, một đời sống với sân khấu thì chưa chắc đã được chết trên sân khấu. Cũng chính từ đây, cuộc đời của kỳ nữ Kim Cương chia thành hai giai đoạn rõ rệt. Dù niềm hạnh phúc có cha chỉ ngắn ngủi trong 8, 9 năm nhưng vẫn đủ để Kim Cương cảm nhận trọn vẹn từng hơi ấm và cả niềm tự hào kéo dài đến hiện tại. Trong giờ phút này đây, ít nhiều bà muốn quá khứ đó được ngủ yên.
Thuỵ Khuê