NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc và những kỷ niệm không quên với cố Giáo sư Trần Văn Khê

24/07/2020 - 16:07

PNO - Không chỉ dạy về nghề, cố Giáo sư Trần Văn Khê còn cho các nghệ sĩ những bài học ứng xử, trở thành nghệ sĩ mẫu mực.

5 năm sau ngày tạ thế, cố Giáo sư Trần Văn Khê vẫn sống trong lòng người ở lại. Sáng 24/7, lễ kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông được nhóm thân hữu Trần Văn Khê và trường Đại học Văn Lang phối hợp tổ chức. Tại đây, những giá trị về nghề, đạo đức của cố giáo sư được nhắc nhớ lại.

NSND Kim Cương cho biết gia đình bà và cố Giáo sư có mối quan hệ thân thiết. Vì thế, năm 1960 khi bà sang Pháp để học hỏi kinh nghiệm làm nghệ thuật, đã tìm đến ông để được hướng dẫn. Với sự hiểu biết uyên bác, mối quan hệ rộng rãi, cố Giáo sư đã đưa NSND Kim Cương đến các đoàn phim, rạp hát để học kinh nghiệm diễn xuất, tổ chức. Nhưng trên những điều đó, cố Giáo sư Trần Văn Khê còn dạy cho bà nhiều bài học về tư cách, đạo đức của người nghệ sĩ.

NSND Kim Cương nói: “Anh ấy như ngọn đèn dẫn lối cho tôi. Anh ấy là người thầy không lớp học, không tuổi, không thời gian, không bao giờ chết. Tôi vẫn nhớ lời dạy của anh, cũng là kim chỉ nam của tôi trong nghề: “Mỗi nền văn hoá đều có quê hương. Em có thể học cái hay, cái văn minh của người nhưng đừng quên tính dân tộc, quê hương mình”. Suốt cuộc đời làm nghê thuật, câu nói đó luôn ám ảnh tôi”.

NSND Kim Cương chia sẻ trong buổi toạ đàm kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Khê
NSND Kim Cương chia sẻ trong buổi toạ đàm kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Khê

Bà cho biết khi dựng vở Trà hoa nữ, đã cố gắng Việt hóa thành câu chuyện mang hơi thở của xã hội Việt Nam. Người đầu tiên NSND Kim Cương mời đến xem là cố Giáo sư. Ông bày tỏ niềm hạnh phúc, vui mừng vì "đàn em" đã đi đúng hướng.

NSND Kim Cương nhớ lại một lần đi lưu diễn tại Pháp, được những vị khách ngoại quốc yêu mến mời đi cafe, thởng lãm cảnh đẹp. Bà xin ý cố Giáo sư Trần Văn Khê, và nhận được những lời chỉ bảo khiến bà lưu ghi nhớ: “Anh ấy bảo đi biểu diễn nơi xứ người được mọi người yêu mến là điều rất quý. Nhưng anh bảo tôi phải nhớ lần này tôi đi với tư cách đại diện cho nghệ sĩ Việt Nam. Tư cách phụ nữ Việt Nam như thế nào phải giữ cho đúng chuẩn mực”.

NSND Kim Cương xem cố giáo sư là người thầy không lớp học, không tuổi và không bao giờ chết
NSND Kim Cương xem cố giáo sư là người thầy không lớp học, không tuổi và không bao giờ chết

NSƯT Thành Lộc biết đến cố Giáo sư Trần Văn Khê từ ngày anh còn nhỏ. Điều anh ấn tượng ở vị cố Giáo sư là mỗi khi ông gặp cha anh - cố NSND Thành Tôn, NSND Năm Đồ, nghệ sĩ Ba Út... các bậc tiền bối luôn chào nhau bằng tất cả sự kính cẩn, tôn trọng dành cho người đối diện.

Cha nghệ sĩ Thành Lộc lớn tuổi hơn cố Giáo sư nhưng luôn nhắc nhở anh, chị, em anh của nghệ sĩ Thành Lộc gọi ông bằng bác (thay vì bằng chú). Lý giải điều này, nghệ sĩ Thành Lộc cho biết: “Cha tôi bảo Giáo sư Trần Văn Khê làm được nhiều điều lớn lao, quốc tế biết đến. Còn cha tôi chỉ là nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Điều này cho tôi bài học lớn, đầu tiên là sự khiêm nhường của người Việt Nam. Họ chào nhau về kiến thức, trình độ, sự cống hiến với xã hội”.

NSƯT Thành Lộc vẫn nhớ như in sau khi xem vở Bí mật vườn lệ chi, cố Giáo sư Trần Văn Khê vào tận hậu trường để ôm anh và khóc. Những giọt nước mắt có 2 lý do: thứ nhất ông cảm động vì câu chuyện, thứ hai là việc người trẻ có tâm huyết với âm nhạc dân tộc. Âm nhạc của vở kịch này được sử dụng ca trù làm chủ đạo, nhưng nhạc cụ đều của Tây phương. Việc kết hợp với giọng hát của nghệ sĩ Hồng Vân với độ rung đặc trưng khắc họa rõ nét tinh thần của ca trù.

“Bác nói âm nhạc khơi gợi tất cả giác quan. Dù không có đàn tranh, đàn bầu nhưng hồn dân tộc vẫn ở trong đó. Tôi lĩnh hội được việc giữ hồn dân tộc từ bác. Cái hồn là điều quan trọng nhất”, NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

NTK Sĩ Hoàng và NSƯT Thành Lộc tham gia toạ đàm kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Khê
NTK Sĩ Hoàng và NSƯT Thành Lộc tham gia toạ đàm kỷ niệm 99 năm ngày sinh cố Giáo sư Trần Văn Khê

Vở diễn được công diễn lần thứ hai, cố Giáo sư vẫn đến xem. Ông cho rằng với âm nhạc dân tộc ông chưa bao giờ cảm thấy chán, đặc biệt qua đó ông có thể học hỏi từ người trẻ. “Bác có nhiều bằng cấp nhưng vẫn đi xem, đi nghe và học. Bác bảo một năm, hai năm không đi ra ngoài để xem mọi người làm gì là sẽ trở nên lạc hậu. Chúng ta sẽ dốt theo năm tháng nếu tự tin với kiến thức đang có. Một người đã lớn như thế vẫn siêng học, đó là một sự khiêm tốn đáng noi theo... Gần đây tôi có xem một chương trình, có trích lại lời của bác. Bác bảo rằng âm nhạc Việt Nam hào phóng như con người Việt Nam, luôn sẵn sàng mở lòng chào đón cái mới, mọi luồng âm nhạc để học hỏi và giỏi hơn. Nó cũng giống như bản tính người Việt Nam, luôn đón khách vào nhà vì tính hiếu khách. Bạn có thể đi xộc vào nhà bếp, phòng ngủ nhưng bàn thờ tổ tiên tôi bạn không được xâm phạm. Đôi khi người làm văn hoá ở Việt Nam quên, bị nhập nhằng bởi lòng hiếu khách và sự nhu nhược. Trách nhiệm của nghệ sĩ, người công dân Việt Nam không để điều đó xảy ra”, NSƯT Thành Lộc khẳng định.

NTK Sĩ Hoàng cũng từng có thời gian được tiếp xúc, học hỏi với cố Giáo sư Trần Văn Khê. Anh nhớ lại: “Bác thường bảo khi đứng ra biểu diễn trước quốc tế, mặc áo dài mới khiến bác cảm thấy thoải mái nhất. Khi đó, bác không chỉ là một nghệ sĩ, mà còn đại diện cho văn hoá Việt Nam. Bài học lớn từ cả cuộc đời, sự nghiệp của bác là biết so sánh, để biết cái hay cái dở phát triển cái gì, loại bỏ cái gì”.

Cũng trong chương trình này, BTC cho biết đang cố gắng hiện thực hoá mong ước của cố Giáo sư Trần Văn Khê trong việc thành lập quỹ học bổng để giúp đỡ cho sinh viên ngành nghệ thuật cũng như các tài năng nghệ thuật gắn với nghệ thuật truyền thống. Bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên PGĐ Sở VH-TT TPHCM, nhóm thân hữu Trần Văn Khê) cho biết vì một số vướng mắc thủ tục mà việc thành lập quỹ chưa được ra đời. Bà cho biết có thể cuối năm nay hồ sơ thành lập quỹ sẽ hoàn tất. Sang năm 2021 (kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông) quỹ sẽ ra đời. Không gian Trần Văn Khê cũng được thành lập trong khuôn viên Đại học Văn Lang (cơ sở 3, đường Đặng Thuỳ Trâm, Q. Bình Thạnh, TPHCM). Dự kiến, đợt xét học bổng đầu tiên sẽ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9/2021.

Trung Sơn

Ảnh: Mai Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI