NSND Kim Cương: “Nghệ sĩ không chỉ mua vui bán buồn cho công chúng”

25/03/2022 - 13:41

PNO - Đó cũng là tâm tư bà gói trong cuốn hồi ký, mong thế hệ đi sau có thể ghi nhớ để từ đó làm nghề, trau dồi bản thân tốt hơn.

Sau gần hai năm thực hiện, NSND Kim Cương cho ra mắt bản audio của hồi ký Sống cho người sống cho mình. Nhiều nghệ sĩ như: NSND Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Lộc, NS lồng tiếng Đạt Phi… hỗ trợ để thực hiện sản phẩm. Hồi ký này từng được NSND Kim Cương phát hành bản giấy vào năm 2016, gói gọn những tâm tư, kỷ niệm của bà từ thuở ấu thơ đến khi trở thành nghệ sĩ nổi tiếng và cả những vui buồn trong cuộc sống cá nhân.

NSND Kim Cương trong buổi giới thiệu phiên bản audio của hồi ký Sống cho người sống cho mình vào sáng 25/3
NSND Kim Cương trong buổi giới thiệu phiên bản audio của hồi ký Sống cho người sống cho mình vào sáng 25/3

*Trích đoạn audio trong hồi ký của NSND Kim Cương, đoạn nói về nhà thơ Bùi Giáng và một mối tình của bà:

 

Nội dung bản audio giữ nguyên cấu trúc của cuốn hồi ký với 4 phần, trải dài qua 25 câu chuyện. Theo quan sát bà thấy thị hiếu của công chúng thay đổi. Vì thế việc ra mắt bản audio sẽ dễ tiếp cận số đông công chúng. Bà nói trước nay không rành về công nghệ nhưng khi bước vào thực hiện thấy rất thích thú với thế giới của âm thanh. Từng tiếng động được tái hiện chân thực khiến bà hồi tưởng về nhiều ký ức trong quá khứ. Đó cũng là sự thú vị bà khám phá được từ trải nghiệm này.

NSND Kim Cương nói việc lựa chọn các nghệ sĩ đồng hành trước tiên là vì chất lượng nghệ thuật của sản phẩm. Kế đến, từ sau khi từ giã sân khấu đến nay bà không có dịp làm việc với các đồng nghiệp mà chỉ thi thoảng gặp họ trong các sự kiện. Đây cũng là cơ hội để bà và họ xích lại gần nhau, ôn kỷ niệm.

NTK Sĩ Hoàng, NSƯT Thành Lộc, NS Đạt Phi, NSND Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu (từ trái qua) đến chia vui cùng NSND Kim Cương
NTK Sĩ Hoàng, NSƯT Thành Lộc, NS Đạt Phi, NSND Kim Xuân, NSƯT Hữu Châu (từ trái qua) đến chia vui cùng NSND Kim Cương

Nhắc lại về cuốn hồi ký, bà xúc động: “Sau khi giã từ sân khấu, trong nỗi nhớ khán giả, đồng nghiệp quay quắt, tôi thấy mắc nợ ân tình mọi người nhiều lắm. Trước nay, tôi hiếm khi nhắc về gia đình, chuyện tình yêu. Đó là sự riêng tư tôi muốn giữ lại. Tôi quyết định thực hiện hồi ký như lời cảm ơn với những tri kỷ, ngườ luôn yêu mến Kim Cương. Đó là những sự trải lòng để tri ân mọi người. Người ta chỉ thấy tôi khóc trên sân khấu, nhưng giờ có thể thấy Kim Cương khóc ngoài đời.

Thứ hai, tôi muốn và có phận sự nói lên sự gian truân của những người đi trước. Họ bị xem là xướng ca vô loài, thế mà họ vẫn đi qua tất cả, chấp nhận hết những đắng cay để dọn đường cho thế hệ đi sau, được làm nghệ sĩ, được xem trọng, thương yêu, trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Tôi mong các em đi sau hiểu rằng người dọn đường đã hy sinh rất nhiều. Chẳng hạn, má Năm Phỉ của tôi, đến ngày cha mất vẫn không được về nhà chịu tang chỉ vì mang thân phận đào hát. Phận sự của nghệ sĩ, thế hệ chúng tôi và sau này không được quên điều đó. Tôi mong tất cả nhớ rằng nghệ sĩ không chỉ mua vui, bán buồn mà phải có trách nhiệm làm cho xã hội đẹp hơn, tốt hơn, con người yêu thương nhau hơn".

NSND Kim Cương chia sẻ trong buổi ra mắt hồi ký dạng audio
NSND Kim Cương chia sẻ trong buổi ra mắt hồi ký dạng audio

NS Đạt Phi nói khi nhận được lời đề nghị từ học trò để thực hiện bản audio này anh nhận lời ngay. Sau một vài lần làm việc, NSND Kim Cương chỉ mong muốn có một ai đó đọc trên nền nhạc. Tuy nhiên, anh đề nghị phải thực hiện như một bộ phim bằng âm thanh. Anh nói khi bắt tay vào thực hiện hết sức khó khăn, đặc biệt là trong việc lựa chọn nhân sự. Trong quá trình làm việc, không ít lần xảy ra tranh cãi vì bất đồng quan điểm, lựa chọn âm thanh, âm nhạc… Không ít lần lồng nhạc xong phải tháo xuống làm lại nên mất nhiều công sức, thời gian.

Anh Hòa Bình, đạo diễn của dự án nói vì anh sinh sau năm 1975 nên không hiểu hết cuộc sống thời xưa. Vì thế anh luôn kề cận NSND Kim Cương để hỏi han về các âm thanh đặc trưng của thời điểm đó, đảm bảo tái hiện đúng. Một áp lực khác là chọn giọng nói thể hiện những nhân vật đã tạ thế nhưng rất quen mặt với công chúng như: NSND Bảy Nam, nhà thơ Bùi Giáng… Trong đó NS lồng tiếng Văn Ngà thể hiện giọng của nhà thơ Bùi Giáng, khiến NSND Kim Cương giật mình vì quá giống. NSND Kim Cương chia sẻ, trong quá trình chọn lọc âm thanh, bà và đạo diễn đôi khi giận nhau, nhưng cuối cùng, tất cả sự cố gắng đã cho ra một sản phẩm khiến bà hài lòng.

NSND Kim Cương hạnh phúc khi nhận bức tranh gạo do khán giả ái mộ tặng
NSND Kim Cương hạnh phúc khi nhận bức tranh gạo do khán giả ái mộ tặng

NSƯT Thành Lộc tiết lộ anh từng là thành viên của đoàn kịch Kim Cương trước 1 năm NSND Kim Cương giã từ sân khấu. Anh kể, thuở nhỏ khi gặp NSND Kim Cương bà bảo anh: “Sao con nhà nòi mà nhát quá, sau này làm gì ăn?”. Đây cũng là động lực để anh cố gắng trở thành nghệ sĩ. Vở Người mua hạnh phúc là vở cuối cùng NSND Kim Cương dựng trên sân khấu đoàn Kim Cương. NSƯT Thành Lộc được đóng một vai trong vở này. Sau đó NSƯT Thành Lộc dựng lại vở này trên sân khấu IDECAF, mời NSND Kim Cương đóng và bà nhận lời ngay. Vì thế sau này khi NSND Kim Cương cần gì anh luôn sẵn sàng.

NSƯT Hữu Châu về đoàn Kim Cương khi vừa tốt nghiệp trường sân khấu. Tại đây anh học được nhiều điều về kỹ năng diễn xuất lẫn đạo đức làm nghề để đến hiện tại vẫn còn vận dụng được. Với anh, NSND Kim Cương là người ơn. Vì thế anh luôn sẵn lòng để làm bất kỳ việc gì khi NSND Kim Cương ngỏ lời.

Sản phẩm được phát hành miễn phí trên YouTube và 2 nền tảng Spotify, Apple Music vào thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần, kéo dài đến tháng 5/2022.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI