edf40wrjww2tblPage:Content
Dốc cả đời cho nghệ thuật, ở tuổi thất thập, NSND Kim Cương vẫn không chịu nghỉ ngơi mà “xông xáo” khắp nơi với nhiều hoạt động từ thiện. Bà chăm lo cho những đồng nghiệp già yếu, neo đơn và còn đau đáu chuyện nghề của những nghệ sĩ trẻ, giúp họ có nơi trau dồi nghề nghiệp.
Lăn xả
Hơn 20 năm nung nấu ý định viết hồi ký, đến nay, “kỳ nữ” Kim Cương đã chọn được một ê-kíp thực hiện tâm nguyện này. Bà mong muốn giới mộ điệu thấy nghề của mình không đơn giản gói gọn trong nhận định “kiếp tằm phải nhả tơ”. Đồng thời, bà muốn gửi gắm rằng mọi người hãy sống năng động, chọn việc làm tốt và biết dừng lại đúng lúc.
“Tôi còn định nói nhiều đến lòng yêu nước của nghệ sĩ. Vì có yêu nước mới đủ nghị lực góp phần tạo nên ý thức làm nghệ thuật nghiêm túc! Tôi tin để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mình, bất cứ dân tộc nào cũng đều quan tâm đến việc bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng. Tôi học được nhiều điều hay qua các kịch bản sân khấu thấm đẫm tinh thần yêu nước. Bây giờ mà tập hợp được tất cả nghệ sĩ tài danh để dựng và diễn lại những vở tuồng đó, thật là hạnh phúc!” - NSND Kim Cương ao ước.
NSND Kim Cương tham gia chương trình đưa đờn ca tài tử Nam Bộ
đến với 2.000 học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TP HCM
Để thực hiện ước mơ đó, bà đã mời NSƯT Minh Vương, NSND Lệ Thủy cùng gầy dựng lại Sân khấu Vàng để thể hiện tấm lòng yêu nước qua những tác phẩm đỉnh cao.
Không chỉ dốc sức với nghề, nữ nghệ sĩ được mệnh danh “kỳ nữ” này còn tất bật với các hoạt động từ thiện xã hội. Bà đã chạy lo 100 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng nghiệp già yếu, neo đơn. Đích thân bà đưa các đồng nghiệp đi khám bệnh rồi đến từng địa phương nơi họ sinh sống đóng tiền mua bảo hiểm.
NSND Kim Cương còn lo ăn cho hơn 1.000 thanh thiếu niên đang được đào tạo nghề tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật TP HCM (thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TP HCM), chạy đầu ra cho những sản phẩm: mây, tre, lá, đồ gỗ mỹ nghệ… do các em tạo ra. Làm nhiều việc cho nghề, cho xã hội như thế nhưng mỗi khi nói về mình, bà cười chia sẻ: “Tôi là kỳ nữ… kỳ cục! Bởi rời xa sàn diễn nhiều năm nhưng tôi chưa chịu ngồi yên, cứ lăn xả hết chuyện này đến chuyện khác, chuyện nào rồi cũng dính đến đời sống sân khấu”.
Gieo mầm đam mê
Đam mê nghệ thuật đã “thấm vào máu”, lúc nào cũng đau đáu mang điều tốt đẹp cho nghề, cho xã hội nên bất cứ hoạt động nào có lợi cho nghệ thuật, bà đều tham gia. Khi hay tin Trung tâm Văn hóa quận 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, TP HCM tiên phong trong việc đưa đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ vào trường học, NSND Kim Cương xung phong hỗ trợ ngay.
Vốn là người của xứ Mỹ Tho, Tiền Giang, một trong những chiếc nôi của ĐCTT Nam Bộ, bà được 2 phụ nữ quan trọng nhất đời mình: cố nghệ sĩ Năm Phỉ và cố NSND Bảy Nam dìu dắt trên con đường nghệ thuật. Bà được học đủ trường phái ca ngâm, hiểu thế nào là ba nam, sáu bắc, bảy bài hạ và xuất xứ của 4 bài oán.
“Nhưng ươm mầm cho niềm đam mê không thể trong 45 phút ngoại khóa có thể nhồi nhét vào đầu các em học sinh THCS tất cả những niêm luật, đặc trưng, cấu trúc bài bản của ĐCTT Nam Bộ mà chỉ cần gieo vào mầm xanh đó niềm tự hào dân tộc khi ĐCTT được thế giới vinh danh. Nói làm sao để các em hiểu nét đẹp tinh hoa của nghệ thuật này được bè bạn năm châu công nhận, từ đó các em tự tìm hiểu, nâng niu. Tôi xung phong tham gia đưa ĐCTT Nam Bộ đến với sinh viên, công nhân lao động và cả giới trí thức trẻ. Yêu nước trong thời điểm hiện nay chính là gầy dựng niềm tự hào về văn hóa dân tộc trong mỗi con người” - bà chia sẻ khi kết thúc đợt I đưa ĐCTT Nam Bộ đến 5 trường khởi điểm tại TP HCM.
Gieo mầm đam mê theo cách nghĩ của NSND Kim Cương còn là đào tạo một thế hệ khán giả mai sau. “Tôi ứa nước mắt khi hỏi các em có biết bài Dạ cổ hoài lang, hàng ngàn cánh tay giơ lên. Và theo đó, tôi giới thiệu về nghệ sĩ Cao Văn Lầu, về những không gian ĐCTT mà các chủ nhân trẻ của nước nhà phải trân quý” - bà xúc động kể lại.
Có lẽ với bà, những hoạt động từ thiện, những tất bật không ngừng lo nghĩ cho nghệ sĩ trẻ cũng là cách để niềm đam mê với nghề của mình được nuôi dưỡng, ngày càng mãnh liệt hơn. Ngọn lửa đam mê từ bà sẽ dễ dàng lan truyền sâu rộng hơn đến thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Ươm mầm yêu thương nghề
NSND Kim Cương thường tổ chức lớp nói chuyện ngoại khóa về nghệ thuật diễn xuất cho đạo diễn, nghệ sĩ trẻ đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Bà muốn gieo cho họ mầm yêu thương mà trước hết là yêu nghề và thương mình. Vì có thương, có yêu mới biết tôn trọng giá trị làm nghệ thuật. Trong thời buổi này, làm nghệ sĩ rất dễ nhưng để được xem là nghệ sĩ chân chính rất khó. Bà tâm sự thêm rằng mình muốn truyền lại kinh nghiệm diễn xuất, đạo diễn và viết kịch bản cho người trẻ.
Không chỉ vậy, nhìn một số đoàn hát chưa có sàn diễn, các nghệ sĩ trẻ “thiếu đất dụng võ”, bà thành lập CLB Nghệ sĩ tri âm của NSND Kim Cương. Hằng tháng, hơn 100 nghệ sĩ từ sân khấu cải lương, kịch đến xiếc, ảo thuật, ca sĩ đã gia nhập CLB này đi biểu diễn phục vụ nhiều đối tượng khán giả, từ người già yếu, bệnh tật ở các bệnh viện đến trẻ em mồ côi, khuyết tật ở các trung tâm nhân đạo.
Theo THANH HIỆP
(Người Lao Động)