PNO - "Bốn đời làm SK, tôi thấy rất rõ ảnh hưởng của SK, truyền hình với xã hội, nhất là với lớp trẻ. Sự ảnh hưởng này còn lớn hơn nhiều lần so với các hình thức tuyên truyền, giáo dục đơn thuần"-NSND Kim Cương băn khoăn về gameshow.
Sau 20 năm chia tay với sân khấu và dồn sức cho các hoạt động từ thiện, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Kim Cương đã nghĩ đến việc sẽ khép lại mọi hoạt động xã hội để lui về với cuộc sống gia đình bên cạnh con cháu. Hoàn toàn bất ngờ với thông tin mình lọt vào danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn, ở tuổi 80, NSND Kim Cương lại tiếp tục lên kế hoạch để trở lại với cả sân khấu lẫn công tác từ thiện.
Lá sầu riêng - một trong hai kịch bản được NSND Kim Cương xem như “di bảo” của Đoàn kịch Kim Cương sẽ được tái dựng, dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 5/2017. Toàn bộ doanh thu của đêm diễn sẽ được dùng để xây nhà chống lũ cho người dân vùng lũ lụt.
- Đã từng nhận nhiều danh hiệu và giải thưởng, vì sao việc có mặt trong danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam lại khiến bà thay đổi ý định trong thời điểm này?
- Trong cuộc đời, tôi đã nhận được nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mình hạnh phúc như lần này, khi được Forbes Việt Nam đưa vào danh sách 50 gương mặt phụ nữ có ảnh hưởng ở Việt Nam. Nhìn danh sách những người được bình chọn, rồi nhìn lại bản thân, tôi thấy mình chẳng có được sự nghiệp gì lớn lao, trong khi những phụ nữ khác, ai cũng có nhiều đóng góp cụ thể cho xã hội. Tôi được chọn bằng tình thương và sự tin cậy, với tôi đó là điều vô cùng hạnh phúc.
Ngày còn sống, má tôi vẫn trăn trở bởi xã hội còn nhiều thành kiến với nghề hát. Nghệ sĩ vẫn bị không ít người nhìn nhận chỉ là những “con đào, thằng kép”, hiếm có gia đình danh giá nào muốn cưới gả con một cách đàng hoàng cho những gia đình nghệ sĩ. Đó là nỗi đau của những nghệ sĩ chân chính, chỉ muốn đem hết khả năng của mình để cống hiến cho đời. Má luôn dặn tôi phải ráng sống sao để mọi người có cái nhìn khác đối với nghệ sĩ, đó cũng là cách để đền ơn tổ nghiệp.
Trong 50 người phụ nữ được Forbes bình chọn hôm nay, đã có chỗ đứng cho nghệ sĩ bên cạnh những gương mặt phụ nữ làm lãnh đạo, làm kinh tế… Sự chọn lựa này với tôi vừa là hạnh phúc nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, là lời nhắc: nếu trước đây mình đã cố gắng thì bây giờ càng phải cố gắng nhiều hơn nữa. Với tuổi tác, với sức khỏe, tôi đã từng nghĩ đến lúc mình phải dừng tất cả những hoạt động xã hội. Nhưng đến lúc này, tôi lại nghĩ khác: “Mình sẽ tiếp tục cho đến khi không còn có thể làm nổi mới thôi”.
- Trong hơn bảy mươi kịch bản do bà sáng tác, vì sao lần này bà lại chọn Lá sầu riêng?
- Khán giả yêu thích Lá sầu riêng vì câu chuyện cảm động về tình mẹ con. Riêng tôi, tôi “thương” Lá sầu riêng còn vì một lẽ khác, đó là cách xây dựng ba hình ảnh khác nhau của người phụ nữ trong từng thời kỳ khác nhau. Bà Tư đại diện cho người phụ nữ những năm 30 của thế kỷ trước; thời đó, thân phận người phụ nữ như con sâu, cái kiến, họ cam chịu, chấp nhận số phận. Diệu thời trẻ đã bước qua một thời đại khác, Diệu hiểu mỗi người đều có quyền hưởng hạnh phúc. Hy sinh hạnh phúc riêng vì chữ hiếu, khi trả xong chữ hiếu, Diệu từng quyết định phải sống cho riêng mình nhưng rồi cô đã chọn lựa ở lại vì con. Khi về già, giận con sống bạc bẽo, nhưng Diệu không la mắng con như lẽ thường tình mà kiên trì cảm hóa con bằng tình thương.
Tôi yêu những người phụ nữ đó trong sáng tác của mình. Bên cạnh tôi và NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, chúng tôi đang chọn hai gương mặt diễn viên trẻ cùng tham gia Lá sầu riêng với mong muốn ba thế hệ nghệ sĩ sẽ chung tay trong một dự án từ thiện mới.
- Cơ duyên nào đưa bà đến với hoạt động từ thiện từ cách đây hơn 40 năm?
- Cách đây hơn bốn mươi năm, nhóm làm từ thiện Gia đình tình thương ra đời như một cơ duyên bất ngờ. Trước năm 1970, nhận công việc trả lời thư bạn đọc của báo Điện Tín, tôi nhận được rất nhiều thư bạn đọc ngỏ ý muốn làm em nuôi của tôi. Họ chưa bao giờ gặp tôi ngoài đời mà chỉ biết và yêu thương tôi từ các nhân vật phụ nữ với số phận đầy khổ đau trên sân khấu (SK).
Lúc đó, tôi nói với các em rằng: “Các em thương chị qua những nhân vật khổ đau trên SK, vậy sao chúng ta không cùng nhau đem tình thương đó cho những người nghèo khổ, bất hạnh thực sự ngoài đời?”. Gia đình tình thương ra đời từ đó. Chúng tôi cùng nhau xin gạo, xin đường, xin quần áo cũ rồi mang đến cho người nghèo, trẻ em ở cô nhi viện…
Cuộc sống của tôi, ngoài đam mê SK không thể thiếu những công việc thiện nguyện. Nhờ được công chúng yêu mến từ sàn diễn, tôi được ủng hộ nhiều về tài chính để làm công tác từ thiện. Những chuyến từ thiện lại cho tôi có cơ hội để gần gũi và hiểu hơn những số phận, những hoàn cảnh có thật trong cuộc sống. Đó là chất liệu để tôi cho ra đời những kịch bản với những số phận, nhân vật khác nhau và luôn được công chúng đón nhận.
- Với gia tài kịch bản không ít, trong điều kiện SK, phim ảnh đang “khát” kịch bản hay như hiện nay, chỉ cần gật đầu đồng ý cho các nhà làm phim hoặc các SK dàn dựng, hẳn bà sẽ có thêm một nguồn kinh phí đáng kể để xây nhà chống lũ?
- Chỉ trừ hai kịch bản Lá sầu riêng và Dưới hai màu áo, còn lại, tôi sẵn sàng trao lại bất kỳ kịch bản nào mà các SK hoặc đoàn làm phim yêu thích. Nhưng chỉ với duy nhất một điều kiện: đừng chỉnh sửa vì tôi không muốn việc chỉnh sửa sẽ làm mất đi “chất” vốn có của kịch bản và thông điệp tôi muốn gửi gắm trong từng kịch bản khi đặt bút sáng tác. - Những nghệ sĩ làm nghề vẫn nhắc NSND Kim Cương trong hình ảnh “bà bầu” nổi tiếng nghiêm khắc, kiên quyết không đồng ý cho nghệ sĩ sửa lời thoại kịch bản?
- (Cười) Ngày còn đi diễn, bàn hóa trang của tôi luôn đặt ở sát cánh gà, nơi tôi có thể nghe rõ từng lời thoại của diễn viên ngoài SK để đảm bảo không có ai thêm bớt. Tôi chấp nhận để diễn viên thêm một vài từ ngữ vào câu thoại để lời tự nhiên hơn, nhưng không bao giờ chấp nhận việc thay đổi lời thoại một cách tùy tiện, vì việc này có thể làm thay đổi cả kết cấu, tính chất và thông điệp của kịch bản.
- Quy định này là điều “không tưởng” của hầu hết SK hiện nay, thưa bà!
- Mỗi thời điểm sẽ có những cách làm, quy định khác nhau. Với tình hình bây giờ, khó có thể đòi hỏi người nghệ sĩ một lòng một dạ với SK, sống hết lòng và chấp nhận những quy định khắt khe của người quản lý. SK ngày xưa có thể nuôi được cả gia đình nghệ sĩ, còn bây giờ thì còn không nuôi nổi bản thân người nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải bôn ba, phải làm nhiều công việc khác nhau để có thêm thu nhập nên cũng không thể đòi hỏi ở họ như ngày xưa. Tôi rất buồn và lo lắng trước những gì đang diễn ra trong đời sống văn hóa văn nghệ hiện nay.
NSND Kim Cương và NSND Bảy Nam trong vở Lá sầu riêng
- Có phải bà đang muốn nhắc đến hiện tượng tràn lan các gameshow nhảm nhí, lối diễn hài dung tục, phản cảm?
- Ngày xưa, nghệ sĩ luôn cẩn trọng từng câu từng lời trên SK và để có thể xem kịch, khán giả phải mua vé đến rạp. Còn bây giờ, gameshow, truyền hình… đến từng nhà và xộc vào tận phòng ngủ của từng gia đình.
Thật đáng sợ với những hình ảnh người vợ xách quần sa sả chửi mắng chồng trên truyền hình; những câu nói, động tác vô tội vạ chỉ cốt để người xem cười. Con cái hồn nhiên thấy cha mẹ cười, khi xem cũng bật cười theo. Đến một ngày, xã hội sẽ có thêm những bà vợ vén quần ra rả chửi rủa chồng, những thanh niên quen bỡn cợt bằng những câu nói dung tục, những động tác thô thiển. Đó là cái giá phải trả cho những chương trình truyền hình nhảm nhí vẫn đang được phát sóng vô tội vạ, thiếu kiểm soát.
Bốn đời làm SK, tôi thấy rất rõ ảnh hưởng của SK, truyền hình với xã hội, nhất là với lớp trẻ. Sự ảnh hưởng này còn lớn hơn gấp nhiều lần so với các hình thức tuyên truyền, giáo dục đơn thuần.
- Nhưng các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không thể đứng ngoài cuộc?
- Bản thân các nghệ sĩ, diễn viên cũng phải biết coi SK là một cái đạo, phải biết yêu nghệ thuật, biết mê SK, người nghệ sĩ mới có thể vượt qua những khó khăn thử thách. Chỉ khi nào tất cả nghệ sĩ, diễn viên đều ý thức được trách nhiệm của người nghệ sĩ khi đứng trên SK, khi đó mới mong có được những sự thay đổi.