NSND Hoàng Yến: Đã tìm thấy con đường rộng mở cho kịch lịch sử

19/04/2021 - 11:51

PNO - Tôi nghĩ có một thị phần khán giả rất lớn yêu thích xem kịch lịch sử, nhưng họ chưa tin tưởng vào chất lượng vở thu hút họ đến sân khấu. Nếu chúng ta có vở hay, giá trị, ý nghĩa, kịch lịch sử sẽ sống lại

Vở kịch Thành Thăng Long thuở ấy (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà) vừa diễn đến suất thứ chín tại Nhà hát Thế Giới Trẻ. Đây là vở kịch lịch sử thứ ba được NSND Hoàng Yến - Phó Giám đốc Nhà hát Thế Giới Trẻ đầu tư dàn dựng, hướng đến khán giả học sinh - sinh viên. Hai vở trước Yêu là thoát tội và Vụ án cậu trời đều được các trường học đặt lịch diễn dày đặc.

NSND Hoàng Yến
NSND Hoàng Yến

Duyên may đưa kịch đến trường học

Phóng viên: Kể từ vở Yêu là thoát tội, chị bắt đầu chuyển hướng sang “kịch học đường” với những đề tài lịch sử. Có phải chị đã nhìn thấy một thị trường tiềm năng từ học sinh - sinh viên?

NSND Hoàng Yến: Cách đây hai năm, khi chúng tôi diễn Yêu là thoát tội, một khán giả là doanh nhân gợi ý: “Sao không đưa vào nhà trường, diễn cho học sinh xem?”. Bạn đã chủ động mời một thầy giáo văn ở Trường THPT Lê Quý Đôn đến xem. Sau đó thầy giới thiệu lại cho các thầy cô giáo dạy văn và các em học sinh THPT. Từ đó, nhiều trường khác cũng bắt đầu đưa học sinh đến xem. 

Sau Yêu là thoát tội, chúng tôi dựng tiếp Vụ án cậu trời, nhưng nhiều ý kiến cho rằng vở này người lớn xem có thể thích, còn với lứa tuổi học trò thì quá nặng nề. Vậy là tôi tạm dừng để sửa lại, chuyển sang dựng Thành Thăng Long thuở ấy, chọn cách thể hiện phù hợp hơn với các em. Tôi tin rằng, kịch lịch sử nếu làm tốt, sẽ rất thu hút học sinh - sinh viên. Đưa sân khấu đến trường học, tôi đã tìm thấy con đường rộng mở cho kịch lịch sử. Mặc dù số tiền bán vé chỉ đủ trang trải cho đêm diễn, nhưng cũng khiến tôi hạnh phúc vì không phải “gồng mình” bù lỗ như trước (cười).

* “Gồng mình bù lỗ” nhưng vì sao chị vẫn kiên trì dựng vở?

- Tôi vay tiền ngân hàng để lấy tiền dựng vở nên kinh phí rất hạn chế, không đủ khả năng mời “ngôi sao”. Nhiều lúc dự tính mời gương mặt này, nghệ sĩ kia để phù hợp với nhân vật, nhưng lại không dám ngỏ lời. Chỉ có thể dùng sức mình để “chơi một cuộc chơi” với sân khấu, nên vở nào tôi cũng phải nắm ngay phần thắng 30% từ phía mình đã. Có nghĩa là tôi phải dự phần vào vở, làm diễn viên và lo cả những việc bên ngoài hậu trường. Kinh phí eo hẹp nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với kịch bản mới.

Ví dụ tôi từng tìm được một kịch bản rất hay về nhân vật Trần Thủ Độ của tác giả Hoàng Thanh Du, nhưng không thể mua tác quyền với giá trên 100 triệu đồng. Tôi chỉ có thể mua lại kịch bản cũ, thậm chí là được tác giả cho không sau khi kịch bản đã được bán bản quyền ở nhiều nơi khác. Chúng tôi chỉ có thể trả tác quyền theo suất diễn, là 500.000 đồng/suất. Về diễn viên, tôi may mắn tìm được những gương mặt yêu thích, tâm huyết với kịch lịch sử và chấp nhận thù lao ít. Nhìn vở diễn hoàn thiện trên sân khấu lung linh, ít ai biết lúc tập, chúng tôi cứ như một gánh hát lưu động, nay tập chỗ này, mai tập chỗ khác, vì đến một địa điểm tập cố định chúng tôi cũng không có. 

NSND Hoàng Yến vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Thành Thăng Long thuở ấy
NSND Hoàng Yến (phải) vai Lý Chiêu Hoàng trong vở Thành Thăng Long thuở ấy

* Có phải cũng vì vấn đề kinh phí mà bối cảnh Thành Thăng Long thuở ấy có phần đơn giản quá…?

- Một phần vì lý do kinh phí, nhưng quan trọng hơn đó là lựa chọn một lối đi riêng của chúng tôi. Khi làm vở Yêu là thoát tội, Vụ án cậu trời, tôi nhận ra rằng phục trang hay cảnh trí cũng chỉ là một cái nền cho diễn viên tung sức diễn. Nếu làm ra một vở kịch lịch sử với trang phục lộng lẫy, bối cảnh hoành tráng, nhưng chỉ là bề ngoài hào nhoáng, mà thiếu nội lực của diễn viên, thì cũng là điều vô cùng đáng tiếc. Chúng tôi định hình cách đi riêng: đơn giản, đẹp, đầu tư cho cảm xúc nhân vật. Nếu có nhiều tiền hơn, chúng tôi cũng không tập trung vào bối cảnh hoành tráng mà sẽ làm việc khác. Đầu tư cho kịch bản mới, làm thêm vài tác phẩm lịch sử nữa chẳng hạn. 

“Hoá thân vào các nhân vật là sự hưởng thụ" 

* Có khi nào chị cảm thấy đơn độc, hoặc kiệt sức trong “cuộc chơi với sân khấu” luôn trong tình trạng kinh phí eo hẹp?

- Tôi đã từng làm Âm binh, Cát trắng như gạo, Medea, Yêu là thoát tội, Vụ án cậu trời… Đối với tôi, không có gì là được hay mất. Đến với sân khấu, tôi không có máu của nhà kinh doanh, mà chỉ có máu của diễn viên. Mỗi khi thấy có kịch bản, vai diễn hay, tôi chỉ khát khao được hóa thân vào nhân vật đó. Các anh em diễn viên, đạo diễn làm việc hết mình cùng tôi, vì họ thấy tôi chỉ khao khát diễn chứ không có tham vọng hay mưu cầu lợi lộc gì cho bản thân. 

Tôi có một gia đình bình yên, cuộc sống thoải mái, nhưng đến một lúc, tôi nhận ra rằng việc đi nghỉ dưỡng, ăn uống nơi này nơi kia không phải là sự hưởng thụ cuộc sống mà tôi mong muốn. Được hóa thân vào các nhân vật trên sân khấu mới thật sự là một sự hưởng thụ đúng nghĩa. Tôi chạy vạy, vất vả, làm đủ việc ở hậu trường, cuối cùng cũng chỉ là để được hóa thân trọn vẹn với những nhân vật của mình. Khi khóc cười, trăn trở cùng số phận của nhân vật, tôi mới thấy như có một phần đời khác của mình đang được sống. 

Thành Thăng Long thuở ấy đang được diễn tại Nhà hát Thế Giới Trẻ
Thành Thăng Long thuở ấy đang được diễn tại Nhà hát Thế Giới Trẻ

* Nếu có đủ kinh phí tiếp tục dựng vở lịch sử, chị nghĩ sẽ làm tiếp về giai đoạn nào? 

- Tôi thèm dựng một vở kịch mà toàn diễn viên nói giọng Huế. Trước đây tôi yêu kịch Quảng Trị lắm, nhưng hơn 15 năm nay, kịch nói miền Trung không còn. Nếu được, tôi sẽ khai thác về thời triều Nguyễn. Tôi nghĩ có một thị phần khán giả rất lớn yêu thích xem kịch lịch sử, nhưng họ chưa tin tưởng vào chất lượng vở thu hút họ đến sân khấu. Nếu chúng ta có vở hay, giá trị, ý nghĩa, kịch lịch sử sẽ sống lại. Nhưng tôi nghĩ, một cá nhân hay một nhóm người tâm huyết cũng khó thể đi được đường dài. Cần có sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước thì mới mong duy trì, phát triển được. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI