Với nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hoàng Dũng, năm 2017 là năm có nhiều sự kiện đặc biệt đáng nhớ.
Đầu năm, anh nhận quyết định nghỉ hưu sau hơn 30 năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội; tiếp đến, cưới vợ cho con trai cả và lần đầu được lên “chức” ông nội; mới đây, cùng với Người phán xử đoạt giải phim hay nhất, vai ông trùm Phan Quân của anh chiến thắng ở hạng mục nam diễn viên chính với số phiếu áp đảo trong giải VTV Awards 2017.
Gặp anh sau từng ấy sự kiện, Hoàng Dũng thật rạng rỡ, nụ cười luôn nở trên môi, cho dù tập cuối của Người phán xử đã khép lại sau nhiều tháng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình, khiến anh bận rộn như chưa bao giờ hơn thế. Cuộc trò chuyện vì thế, như một cái ngoảnh nhìn quãng đời đã qua với đôi điều đọng lại.
* Với việc chiến thắng ngoạn mục trong giải VTV Awards 2017 vừa qua, chắc hẳn Phan Quân là vai để đời của Hoàng Dũng? Anh nghĩ sao khi Phan Quân là nhân vật phản diện nhưng lại được đông đảo người xem yêu mến?
- Nếu xét ở lĩnh vực phim ảnh, đây không phải là vai ông trùm đầu tiên của tôi. Tôi từng đóng nhiều vai dạng ông trùm phản diện khác nhau, như vai trùm Thái trong phim Cuồng phong, vai chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ân trong Đàn trời… nhưng hầu như những vai trước đây là trùm “hình thức”, ít có đời sống tâm lý.
Tôi luôn muốn đóng dạng vai “phản diện cao cấp”, nghĩa là phản diện kín, bởi “kín” thì nhân vật mới tồn tại. Nhân vật phải có vỏ bọc tốt, chọn “miếng” để bộc lộ bản chất. Điều đó, ít nhiều tôi đã thể hiện trong vai chủ tịch tỉnh Đinh Xuân Ân. Nhưng đến vai Phan Quân, tôi nghĩ phải thể hiện khác hơn nữa, không muốn là một ông trùm thô bỉ.
Để làm được điều đó phải vận dụng tất cả trí thông minh, phải giỏi nghề, có kinh nghiệm đối nhân xử thế, nắm bắt được nhân tâm… Nhân vật phải có đời sống tâm lý hẳn hoi, không phải là dạng mô phỏng.
Phan Quân là nhân vật phản diện nhưng trước hết, ông ta là một con người, cái sai của ông là sai ở lý tưởng, sai ở con đường sống ông ta chọn. Nếu thời trẻ, Phan Quân được giáo dưỡng đàng hoàng, hẳn sẽ không đi theo con đường đó.
Hình tượng Phan Hải chính là hiện thân thời trẻ của Phan Quân. Sống trong một xã hội bất an, Phan Quân cho rằng gia đình là cái tồn tại duy nhất. Muốn bảo vệ được gia đình, mình phải là người số một. Mục tiêu của ông ta là thế.
Ở Phan Quân, tình nghĩa là trên hết. Ông đặt nặng tình huynh đệ, tình bè bạn, gia đình… Nếu đi con đường khác, ông ta hẳn là con người tốt. Tình cảm, thông minh, quyết đoán, Phan Quân là người đàn ông quá tuyệt, là mẫu người tôi muốn hướng đến. Khán giả yêu thích Phan Quân cũng là lẽ tất nhiên.
|
Cảnh cuối cùng của phim Người phán xử - Phan Quân bị bắt
|
* Hoạt động nghệ thuật trên 30 năm, từng đóng vai chính trong nhiều vở kịch, nhiều bộ phim nhưng chưa bao giờ cái tên Hoàng Dũng lại “hot” như khi làm “người phán xử”. Anh có thấy như vậy?
- Đúng vậy, song điều tôi muốn nói là sau khi phim trình chiếu, “fan cuồng” đông đảo nhất của tôi là dân… xăm trổ đầy mình. Các bạn ấy bày tỏ sự mến mộ tôi một cách nồng nhiệt, xem tôi là bạn, là người thấu hiểu và làm cho họ “đẹp” hơn lên trong mắt mọi người.
Phan Quân đem lại cho tôi bạn bè khắp nơi, trong nước, kiều bào trên thế giới. Có những người bạn từ xa xưa, giờ định cư ở Đức, ở Mỹ, còn mách cho nhau xem phim, trách sao không xem thế này, thế khác…
Có người hớt tóc hình Phan Quân trên đầu, có bạn xăm chân dung Hoàng Dũng trên cánh tay. Khi thấy Phan Quân bị bắt, có cậu bé khóc, nói thương Phan Quân quá. Bố mẹ cháu gửi clip cho tôi, tôi tìm tới nhà thăm, mua tặng hai anh em cậu bé ô tô đồ chơi.
Cậu bé hỏi tại sao lại giết Lê Thành, tôi cười giải thích là “bác chỉ bắn nhầm thôi”. Thật không dễ để có được những tình cảm như vậy. Phần thưởng ấy không phải ai cũng có được và cực kỳ hạnh phúc với một diễn viên.
Đầu năm, khi tôi vừa cầm sổ hưu thì phim Người phán xử cũng bắt đầu lên sóng nên tôi còn bận hơn lúc còn công tác, làm khách mời liên tục của các chương trình giao lưu, sự kiện nhân vật, mỗi kênh xuất hiện tới mấy lần.
|
Vai Phan Quân (phim Người phán xử)
|
* Bây giờ, khi Người phán xử khép lại, anh còn bận rộn không? Hẳn sẽ không dễ cho anh trong những phim sắp tới vì có lẽ khó có vai nào vượt qua được Phan Quân?
- Chắc chắn tôi sẽ phải chọn vai cẩn thận hơn, lao động nhiều hơn. Những vai sơ lược quá, chắc các bạn cũng sẽ không mời, mà phải là vai có mảng miếng, có đất cho diễn viên bộc lộ hết khả năng. Ngược lại, các bạn cũng sẽ sợ mình có nhiều yêu cầu. Tôi muốn được gặp lại các vai cũ để mình làm mới nó, để khán giả khỏi nói vai đó như trời cho.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải hứa sẽ cho tôi một vai chắc chắn có đất diễn trong bộ phim sắp tới của anh, dự tính sẽ quay vào đầu năm 2018. Những năm qua, vì quá bận, tôi từ chối nhiều phim. Hiện nay, tôi không quá bận nữa, có nhiều thì giờ để chăm sóc mấy chú chim nuôi trong lồng, bên cạnh công việc thường xuyên là đi dạy, thỉnh thoảng tham gia diễn ở Nhà hát Kịch Hà Nội (vở Cát bụi) với các bạn cho vui.
Ngoài ra, tôi còn là chủ tịch câu lạc bộ Bóng đá V-Stars, đội bóng quy tụ một số nghệ sĩ và cựu danh thủ, thỉnh thoảng tổ chức đá nhằm gây quỹ ủng hộ cho những nghệ sĩ, vận động viên khó khăn, các bệnh nhi, học sinh nghèo học giỏi…
Chúng tôi vừa có một trận đá ở Đại học Sao đỏ (Hải Dương), có được chút tiền ủng hộ gây quỹ. Tôi mong câu lạc bộ sẽ hoạt động lâu dài và được sự ủng hộ của các trường, các tổ chức xã hội. Người ta hay nói đùa, “về hưu là chết mà chưa mang chôn” song với tôi, hưu là dịp để mình đẩy mạnh các hoạt động có ích khác.
|
NSND Hoàng Dũng và gia đình yên ấm của mình
|
* Anh có chạnh lòng khi theo nghiệp sân khấu mấy mươi năm nhưng lại “vụt sáng” ở phim truyền hình?
- Phải nhìn nhận một điều, khi sân khấu còn ở đỉnh cao, lứa tuổi từ tôi trở lên vẫn được hưởng nhiều vinh quang. Tôi vẫn nao nao xúc động khi nhớ lại thời khán giả xếp hàng rồng rắn để mua vé xem kịch, diễn một ngày đến ba suất vẫn không hết khách. Nhưng bây giờ sân khấu không còn như xưa, không có tầm ảnh hưởng rộng bằng truyền hình.
Tính phổ cập ở phim truyền hình cao hơn, hiệu ứng nhiều hơn, sức lan tỏa rộng hơn. Nhưng sân khấu, dù gì cũng là nghề, là máu thịt của mình. Tôi tham gia phim truyền hình ngay từ những ngày đầu mới có chứ không phải là người mới, may mắn lần này gặp được kịch bản tốt, một ê kíp làm việc giỏi, có một vai hay, đúng thời điểm mà sức tập trung của mình được cao độ (vì vừa nghỉ hưu). Đó quả là điều may mắn.
* Mấy mươi năm qua, anh có sống được với nghề?
- Nếu nhìn những đồng nghiệp ở ngoài Bắc, tôi cũng là người có nhiều việc để làm, không đến nỗi. Ngoài công việc ở nhà hát, tôi đóng kịch truyền hình, lồng tiếng, đi dạy, bận rộn suốt, đổ mồ hôi để kiếm sống và sống được.
Vợ tôi cũng là người biết xoay xở, phụ chồng lo chi tiêu cho gia đình. Vợ chồng tôi cùng làm, cùng chung tay gánh vác nên mọi việc cũng nhẹ nhàng. Vợ tôi không bao giờ hỏi tiền cát-sê của chồng. Mỗi người đều làm và đóng góp theo sức của mình. Các con tôi đều được ăn học tử tế. Chúng tôi tuy không giàu có song cũng không thiếu thốn. Tôi quan niệm, sống đủ là được.
|
Nhân vật Phan Quân, vai diễn để đời của NSND Hoàng Dũng trong phim Người phán xử
|
* Nhìn lại con đường sự nghiệp, anh có điều gì còn tiếc nuối?
- Có một chút tiếc là đúng vào thời kỳ “chín muồi”, mình có thể làm được nhiều việc hơn thì khán giả lại quay lưng, không xem kịch, không xem phim. May mà tôi được tham gia vào một bộ phim khiến người ta có thể quay lại với phim truyền hình. Lần đầu tiên, vào các tối thứ tư, thứ năm, tôi ngồi chờ để được xem phim như một khán giả.
* Rời xa Nhà hát Kịch Hà Nội, anh nhớ nhất điều gì?
- Nghĩ về nơi này, tôi cho rằng mình cũng có một ít công sức ở đấy. Thời còn đương chức, tôi nhận về một loạt diễn viên trẻ, đẹp ngoại hình và giỏi năng lực, tạo nguồn nhân lực cho nhà hát. Nay, NSND Trung Hiếu lên thay cũng rất ổn. Cậu ấy tạo được sự đoàn kết như tôi đã từng nỗ lực gầy dựng, hy vọng điều này được duy trì lâu dài.
Nói chung, tình hình nội bộ hiện nay rất tốt. Chỉ có điều bây giờ chọn kịch bản khó quá. Ngày xưa, cứ kịch bản đưa là dựng, vở nào cũng hay còn sao bây giờ khó thế. Nếu có kịch bản tốt, tôi tin nhà hát vẫn rất khởi sắc.
|
Bá Nhỡ, vai diễn chia tay với sân khấu của NSND Hoàng Dũng
|
* Hai cậu con trai của anh, có ai theo nghề bố?
- Cậu con cả, lúc nhỏ tham gia rất nhiều phim, ai cũng nghĩ sau này sẽ theo nghề diễn, nhưng đến khi học cấp III, cậu bảo không thích nữa, nói kiểu gì cũng không chịu, bây giờ theo ngành kinh doanh.
Con trai thứ hai, tuy không tham gia nghệ thuật sớm song khi lên lớp 11, 12 đã có xu hướng muốn vào học trường nghệ thuật chính quy. Tôi thử con, bắt đi xem kịch, xem phim và bảo nhận xét, không cho chê, bắt tìm ra cái hay để khen. Vậy mà cậu nhận ra được hết các chi tiết.
Thường khi người ta xem, luôn thấy cái chưa được, cái được lại ít thấy. Tôi không muốn hướng dẫn con, chỉ gợi ý, thấy nghề này cũng hợp với cháu. Ở trường, con trai tôi cũng tham gia các tiểu phẩm của cô giáo. Cháu có cảm thụ nghệ thuật tốt, hiện đang học năm thứ nhất lớp diễn viên Trường đại học Sân khấu Điện ảnh. Tôi hy vọng cậu con trai thứ hai sẽ là truyền nhân của mình.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị.
Cát Vũ (thực hiện)