NSND Đặng Thái Sơn: Đừng dễ dãi với âm nhạc

03/12/2013 - 05:33

PNO - PN - Sáng 29/11, NSND Đặng Thái Sơn (ảnh) đã có buổi giao lưu với sinh viên Trường Nghệ thuật Hà Nội, nhân dịp ông về nước biểu diễn đêm solo đầu tiên ở Việt Nam (tối 4/12 tại Nhà hát Lớn HN). Thời gian của Đặng Thái Sơn hơi ít,...

edf40wrjww2tblPage:Content

NSND Dang Thai Son: Dung de dai voi am nhac

● Sinh viên (SV) hỏi: Khi đánh các tác phẩm lớn, tay cháu yếu thì làm sao dồn sức được để thể hiện bản nhạc?

- Đặng Thái Sơn: Chìa khóa để thành pianist chuyên nghiệp là đầu ngón tay phải chắc. Đầu ngón tay mềm thì tiếng đàn không ra được. Đầu ngón tay chắc giúp mình đánh được nhanh và ấn tượng những đoạn vũ bão, đoạn thủ thỉ có độ chắc chắn của lõi, tiếng đàn sâu, nhiều màu. Tay yếu thì chỉ đánh được một màu thôi, kiểu êm êm nhẹ nhẹ. Hồi tôi học ở Việt Nam, đàn nhỏ nên phím nhẹ, tay mình không quen đánh mạnh. Khi sang Liên Xô học, đầu tiên ông giáo thử tai thì OK, thử tay thì trời ơi tay quá nhẽo. Suốt ba năm tôi luyện tay cho đến khi thi Chopin vẫn chưa ưng ý, phải 10 năm sau tay mới chắc. Đầu tay chắc phải như cái búa, lúc tập đánh các em nên chọn những bài mà nốt nét, rõ. Bất cứ lúc nào rảnh tay như đi tàu điện ngầm, xe bus... tôi vẫn tập gõ các đầu ngón tay. Có một số dụng cụ thể thao làm tay chắc hơn, để cơ ngón tay khỏe hơn, như quả bóng bóp tay chẳng hạn.

● Trong trường nhạc SV được tiếp xúc với cổ điển nhiều nhưng chưa được tiếp xúc với tác phẩm của thế kỷ XX. Kinh nghiệm về vỡ bài cho những tác phẩm hiện đại của nghệ sĩ?

- Nhạc hiện đại phá phách nhiều, có học hòa thanh cũng chẳng ra. Nó đòi hỏi sự tưởng tượng. Hiện đại ào ào thì lại dễ hơn, mình tưởng tượng và miêu tả theo hình dung của mình, nó thuộc đầu óc hơn tâm hồn. Đánh nhạc hiện đại đỡ mệt hơn nhạc lãng mạn, vì nhạc lãng mạn tốn rất nhiều năng lượng tâm hồn. Mozart có vài nốt thôi, nhưng người diễn sợ phát khiếp.

● Theo nghệ sĩ, cần tập đàn mấy tiếng mỗi ngày?

- Cái này tùy các em, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Tập bốn-năm tiếng mà tay đánh, đầu để đi đâu thì còn hại hơn tập ít. Tập mà không nghe được tiếng đàn mình đánh, rất nguy hại. Tập đàn phải tập trung 100%. Cách tập rất quan trọng, kỹ thuật chỗ nào khó đừng cố nhai đi nhai lại, mà hãy dừng lại phân tích vì sao lại chưa được. Sự động não trong giải quyết kỹ thuật rất quan trọng, làm sao tìm được đáp số đỡ mất thời gian nhất, tiết kiệm được thời gian mình phải ngồi với cây đàn một cách vô ích.

Sau khi biểu diễn thị phạm, nghệ NSND Đặng Thái Sơn nhấn mạnh với các em đang học đàn, việc đánh thả lỏng, hồn nhiên, thế tay chuẩn xác là cơ bản. Đánh đàn phím (điện tử) nhiều sẽ bị hỏng cảm giác đầu ngón tay chơi đàn cơ. Người học đàn phải được thỉnh thoảng đánh trên những cây đàn lớn, tử tế. Đừng dễ dãi điều gì với âm nhạc.

Nghe nghệ sĩ nói đoạn này thì tôi lại nhớ Violinist Xuân Huy có lần bảo: những bạn bắt đầu học violin mà dùng cây đàn rẻ tiền của Tàu là một điều rất nguy hại. Vì ngay từ đầu đã bị tiếp xúc với âm thanh hỏng. Người ta càng non thì càng cần gặp đúng thứ tử tế và chuẩn mực ở cái bước đầu tiên của mình.

Điều này đúng lắm, trong cả cuộc sống rộng lớn của chúng ta, chứ không chỉ là câu chuyện học chơi đàn.

 Quỳnh Lam (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI