NSND Bạch Tuyết: Hãy thấu hiểu cải lương

15/03/2021 - 13:21

PNO - Cải lương vẫn thế, có chăng là bản thân người quản lý và các anh chị em nghệ sĩ cần có sự tìm hiểu đúng về bản chất và trách nhiệm của cải lương đối với xã hội. Hiểu đúng nghệ thuật cải lương, sẽ có những phương án đề xuất phù hợp.

Năm 2021, NSND Bạch Tuyết kỷ niệm 60 năm trở thành “người của cải lương”. Đến nay, bà vẫn là trường hợp hiếm có của giới nghệ thuật. 16 tuổi đã là đào chính, chưa đầy 5 năm đã gặt hái tất cả vinh quang, có đủ nhà, xe, tiền gửi ngân hàng ở tuổi 20.

Diễn không nhiều và thường xuyên “nghỉ ngang” vài năm để đi học nhưng các vai diễn hầu như đều trở thành kinh điển trong lòng khán giả mộ điệu. Là nghệ sĩ cải lương đầu tiên có học vị tiến sĩ nghệ thuật học, vẫn duy trì được “độ hot” khi bước vào tuổi U80 ngay cả khi sàn diễn cải lương lạc nhịp thời đại, bà chia sẻ những quan điểm thẳng thắn và đầy động viên của mình đối với thế hệ trẻ - những người đang nỗ lực đưa sân khấu cải lương vượt qua “cơn bão thời đại”.

Đời tôi, không có điều gì quý giá bằng Cải lương

Phóng viên: Sau 60 năm làm nghề, bà tâm đắc nhất điều gì?

NSND Bạch Tuyết: Sáu mươi năm làm nghề trong dòng chảy 100 năm của nghệ thuật cải lương, tôi thấy mình thật sự may mắn, được học hỏi, được trao truyền từ những bậc thầy của bộ môn nghệ thuật này. Để có một Bạch Tuyết chỉn chu và “gây thương nhớ” trong lòng khán giả cũng chính là nhờ cải lương. Đó cũng là điều tâm đắc nhất mà tôi nghĩ về. Đời tôi, không có điều gì quý giá bằng cải lương, nơi tôi được thăng hoa và phụng sự, được yêu thương và bảo bọc, nơi tôi thấu hiểu giá trị người nghệ sĩ trong giá trị vĩnh hằng của dân tộc, của lòng ái quốc.

* Bà chọn chủ đề Gửi người tri kỷ cho chương trình kỷ niệm 60 năm làm nghề, vậy những ai là “người tri kỷ” của bà trên bước đường nghệ thuật?

- Đó là những bậc ân sư mà tôi cả đời kính trọng, ở trong hai từ tri kỷ ấy có cả ba mẹ tôi, những vị đồng nghiệp kính mến, một phần ký ức về đoàn cải lương 2-84 khi đi lưu diễn Đời cô Lựu, ký ức về những tháng ngày xa xứ học tập, theo đuổi kho tàng tri thức của nhân loại… Tri kỷ còn chính là những vị khán giả đã yêu thương, khắc nhớ từng vai diễn, câu thoại mà tôi thủ diễn trong suốt 60 năm - một đời ca kỹ. Vì thế có một câu nói tôi hay sử dụng: cảm ơn nhau - cảm ơn cuộc sống trong từng phút giây với biết bao nhiêu bài học để mình giác ngộ và chiêm nghiệm! 

NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương biểu diễn trong một chương trình phục vụ kiều bào
NSND Bạch Tuyết và NSND Minh Vương biểu diễn trong một chương trình phục vụ kiều bào

* Có phải như mối quan hệ giữa nhạc sĩ/thầy đờn với người nghệ sĩ, khi kết hợp ăn ý nhất và tỏa sáng nhất, điển hình là sự kết hợp của bà và NSND Thanh Hải? 

- Thật sự việc kết hợp “ăn ý” của một người nghệ sĩ và nhạc sĩ không phải là chuyện lạ xưa nay. Tôi thấy mình thật may mắn vì gặp được NSND Thanh Hải. Hai chúng tôi gắn bó với nhau gần bốn thập niên, trải qua biết bao cảm xúc khi “thai nghén” những đứa con nghệ thuật. Điều giúp chúng tôi đến giờ vẫn còn muốn song hành cùng nhau chính là trái tim đầy nhiệt huyết cho nghệ thuật cải lương. 

Bài học về tôn trọng thầy đờn tôi được học từ những bậc thầy của nghề. Tôi luôn khắc nhớ và khi có cơ hội lại muốn gửi gắm những điều thiêng liêng, tốt đẹp đó của cha ông mình. Với các bạn trẻ trong thời đại 4.0 này, nếu cái nào phù hợp và hợp lý, chắc chắn các bạn sẽ lưu lại để tìm tòi và khám phá. Đó cũng là một trong những lý do đêm nhạc đặc biệt Gửi người tri kỷ của tôi ra đời nhân kỷ niệm 60 năm theo nghiệp cầm ca, mà trên sân khấu chỉ có tôi và NSND Thanh Hải.

* Phải chăng cải lương hôm nay không chú trọng mối quan hệ thầy đờn - nghệ sĩ? 

- Tôi không thấy hoặc có thể là tôi chưa thấy điều mà bạn đề cập. Vì khi chúng tôi biểu diễn, tiếng hát tiếng đàn phải cố gắng liên kết, len lỏi vào nhau để lên bổng xuống trầm, cho réo rắt cung nhớ cung thương đến khán giả mộ điệu. Đó là điều quan trọng nhất trong một mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thầy đờn khi mang một tác phẩm đến công chúng. Nó còn hơn hàng vạn lời chào, lời tâng bốc nhau sáo rỗng. 

Nghệ sĩ phải tìm được ẩn số của mình

* Nhiều năm qua, hàng loạt cuộc thi tìm kiếm tài năng cải lương vẫn được tổ chức đều đặn, số người được vinh danh không hề ít, nhưng vì sao lực lượng kế thừa của sân khấu cải lương vẫn thiếu hụt, thưa bà? 

- Tôi không có thói quen so sánh thế hệ trẻ với thế hệ Trần Hữu Trang hay “thế hệ vàng”. Tôi luôn học được nhiều bài học từ các thế hệ, thậm chí tôi còn thấy mình may mắn khi được trò chuyện với những fan nhí chưa đầy năm tuổi. Trong một tình huống nào đó, cách xử trí của một cậu bé năm tuổi lại giúp cho một người lớn U80 thấy tâm đắc và biết ơn… 

Cuộc sống là một chuỗi bài học, mỗi người phải tự nâng mình lên để đi kịp nhịp điệu của nó. Đó là lý do tôi sử dụng cụm từ “giọng ca cho thời đại 4.0”, vì các bạn nghệ sĩ trẻ hôm nay chưa đáp ứng đủ điều kiện cần thiết cho tiêu chí mới đối với khán giả 4.0. Khi người nghệ sĩ chưa đáp ứng được thì khán giả cảm thấy hụt hẫng cũng là điều tất yếu. Giọng ca thì mỗi năm, mỗi mùa đều có mới nhưng người nghệ sĩ muốn ở lại được trong lòng công chúng thì phải có vai diễn, tác phẩm lưu dấu ấn. Để có điều đó, người nghệ sĩ cần có sự may mắn. Sự may mắn được tạo ra bằng lòng yêu nghề, yêu nước, biết dùng lời ca tiếng hát của mình để chia sẻ nỗi niềm cùng khán giả. 

NSND Bạch Tuyết giới thiệu về nét đặc sắc của nghệ thuật  cải lương trong chương trình Trăm năm nguồn cội
NSND Bạch Tuyết giới thiệu về nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương trong chương trình Trăm năm nguồn cội

* Là thành viên ban giám khảo các cuộc thi Chuông vàng vọng cổ,  Bông lúa vàng... trong nhiều năm, bà có nhận xét gì về lứa nghệ sĩ đi ra từ các cuộc thi này? 

- Tôi thấy các bạn may mắn hơn tôi ở thời điểm hiện tại, là sức trẻ, đang là thế hệ của thời đại. Nhà thần số học Pythagoras từng nói “đỉnh cao của đời người được tạo ra bằng những năng lượng trẻ và rất trẻ…”. Nếu ở thời điểm đỉnh cao mà bạn có thêm “sức trẻ” thì còn gì bằng… Quay lại câu hỏi, chính từ những dẫn chứng ở trên, tôi nhìn thấy ở các bạn điểm mạnh nhiều hơn điểm yếu. Các bạn cứ bước tiếp, té lên té xuống dăm ba lần, khóc - cười vài vạn lần… Biết đâu từ những đau thương đó các bạn sẽ có những kinh nghiệm “xương máu”. Má Bảy - NSND Phùng Há từng dạy tôi: “Trước khi học làm nghệ sĩ thì má dạy con làm người…”. 

* Sân khấu cải lương hôm nay có thể sản sinh ra ngôi sao lớn - có cả năng lực chuyên môn lẫn giá trị thương mại - như các giai đoạn trước hay không? 

- Mỗi giai đoạn đều có những sứ mệnh riêng. Không thể lấy bài học của nghệ thuật cải lương năm 1960 áp dụng cho giai đoạn 1990 và càng không thể lấy hệ quy chuẩn 19xx làm “khuôn mẫu” cho nghệ thuật giai đoạn 2021. Khi có dịp giảng dạy, tôi luôn yêu cầu các sinh viên lập một bảng so sánh, tìm kiếm điểm mạnh của giai đoạn này với giai đoạn khác. Từ đó, chúng ta sẽ có một lập luận đủ cơ sở hơn để phát biểu.

Ngôi sao sẽ vẫn luôn xuất hiện mỗi năm nhưng người nghệ sĩ may mắn được ngôi sao sáng ấy “rọi” vào mà không tự nâng mình lên mỗi ngày, không chịu học hỏi, sáng tạo và hết lòng với công việc thì sớm muộn ngôi sao ấy cũng sẽ “mờ” dần. Mỗi thời đại đều có những ẩn số riêng, điều quan trọng là người nghệ sĩ phải tìm được ẩn số của mình là gì để đủ “dữ liệu”, “tự tin” đi cùng thời đại.

Cải lương hãy “như nó đang là”!

* Trong các cuộc nói chuyện, bà vẫn thường đề cập cải lương là phải văn minh, đổi mới. Người làm cải lương hôm nay cũng muốn hướng đến cái mới nhưng tại sao những kịch bản mới thường khó có đời sống lâu bền và ít chạm được cảm xúc người xem; kể cả một số vở diễn được giới chuyên môn lẫn báo chí đánh giá cao?

- “Cải cách hát ca theo tiến bộ - Lương truyền tuồng tích sánh văn minh” (câu đối chỉ sự cách tân hát bội và ca ra bộ thành cải lương - PV).Bạn thấy không, tôi nói về cải lương đều có cứ liệu rất rõ ràng. Trong một bộ môn nghệ thuật của dân tộc mà có cả hai từ “tiến bộ” và “văn minh” thì tính đổi mới, nâng tầm mình lên mỗi ngày là xương sống quyết định sự phồn vinh của bộ môn này. Hãy thấu hiểu rõ nó rồi bắt đầu sắp xếp để vận hành. Hiểu đúng luôn làm cho mọi việc dễ chạm đến thành công hơn.

Đó là quy luật xưa nay, người quản lý cải lương cần lưu ý đều này để tiếp cận hơi thở của thời đại, cho ra mắt những tác phẩm sát sườn với nhịp sống. Nông dân thời đại 2021 khác xa nông dân 1990, mà hiện nay tất cả những vở tuồng khi viết về nông thôn, hình tượng người nông dân đều dựa vào dữ liệu của năm 1990, thì “oan ức” quá cho những nông dân 2021.

NSND Bạch Tuyết tham gia hội đồng nghệ thuật các giải thưởng Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ… trong nhiều năm
NSND Bạch Tuyết tham gia hội đồng nghệ thuật các giải thưởng Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ… trong nhiều năm

Tại sao những vở tuồng như Tiếng trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu… bao nhiêu năm tháng vẫn còn sống mãi trong lòng công chúng? Người đời tặng cho tác phẩm đó cụm mỹ từ “kinh điển”. Vâng, tính kinh điển rõ nhất là tuy nội dung được viết vào mấy chục năm trước nhưng đến 2021 nó vẫn còn đúng. Đó là lý do tại sao khi cải lương kinh điển tái dựng là khán giả “rần rần”. 

Điều quan trọng hơn nữa để tạo được tính hấp dẫn cho nghệ thuật cải lương chính là âm nhạc. Muốn đặt để một bài ca đúng chỗ, tác giả cần phải thực sự hiểu nội dung và chức năng của bài ca đó. Vậy thử hỏi, bao nhiêu tác phẩm mới đặt bài ca đúng vào những tình huống kịch, làm cho khán giả đứng ngồi cùng nhân vật hay đó chỉ là những vở kịch xen bài ca “vô tội vạ” nhằm có đại cái gọi là tác phẩm cải lương mới. Bây giờ chúng ta thường nghe cụm từ “kịch nói đâm bài ca” là vì vậy…

* “Thật và đẹp” vẫn luôn là tiêu chí người làm cải lương hướng đến. Cũng là “thật và đẹp” nhưng sự khác biệt giữa cải lương xưa và nay là như thế nào thưa bà? 

- “Thật và đẹp” là tiêu chí nghệ thuật của NSND - tác giả - đạo diễn Nguyễn Thành Châu. Mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những trách nhiệm khác nhau đối với người làm nghệ thuật. Từ cái “thật” của trò đời, của cuộc sống... thầy tuồng, đạo diễn... thậm chí cả vũ công trong đoàn phải sáng tạo làm nên cái “đẹp”. Không phải ngẫu nhiên “thật - đẹp” trở thành bài học giảng dạy cho sinh viên nghệ thuật, vì nó đã được áp dụng thành công, đặc biệt mang một giá trị đi cùng thời đại. Hiện nay, thỉnh thoảng chúng ta thấy một số vở diễn có thật nhưng chưa đẹp; ngược lại, có đẹp nhưng chưa thật…

* Theo bà, cải lương phải có chiến lược phát triển như thế nào để có thể cạnh tranh với game show và các loại hình giải trí thời thượng? 

- Mỗi loại hình nghệ thuật đều có sức hấp dẫn riêng. Nghệ thuật cải lương đã làm thật tốt vai trò, sứ mệnh của nó giai đoạn trước 1975. Sau 1975, cải lương cũng song hành cùng sự phát triển của đất nước. Vừa chạy vừa sắp hàng nên cũng lắm thử thách và chông gai. Minh chứng rõ nét nhất là bảy, tám năm trở lại đây, cải lương luôn có mặt trong các game show giải trí. Có vài khán giả còn nhận định vui thế này, thí sinh nào muốn trở thành quán quân thì hãy vận dụng cải lương vào; như Lâm Ngọc Hoa quán quân Solo cùng Bolero, Hoài Lâm, Bạch Công Khanh quán quân Gương mặt thân quen… Cải lương với ngũ cung: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng… là âm thanh, là tiếng nói của người Việt Nam. Vì thế, sức sống của bộ môn này sẽ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển miễn cách làm phù hợp với tiêu chí của thời đại.

NSND Bạch Tuyết vẫn giữ được sự trẻ trung ở tuổi 76
NSND Bạch Tuyết vẫn giữ được sự trẻ trung ở tuổi 76

* Cải lương phải thay đổi như thế nào để có thể tiếp cận và thu hút người trẻ, thưa bà?

- Phải “như nó đang là”! Hãy là chính bạn, sống tốt và có trách nhiệm với ông bà cha mẹ, gieo nguồn năng lượng tích cực vào cuộc sống. Cải lương vẫn thế, có chăng là bản thân người quản lý và các anh chị em nghệ sĩ cần có sự tìm hiểu đúng về bản chất và trách nhiệm của cải lương đối với xã hội. Hiểu đúng nghệ thuật cải lương, sẽ có những phương án đề xuất phù hợp. Các bộ môn nghệ thuật khác cũng vậy, nếu muốn tiếp cận được với công chúng trẻ, phải hội tụ đầy đủ những yêu cầu và mong muốn của người trẻ. 

* Bà là một trong những nghệ sĩ gạo cội tích cực tham gia thực hiện vlog chia sẻ cuộc sống đời thường trên youtube. Liệu đây có phải là cách tốt để tương tác với khán giả, vì gần gũi quá có thể ảnh hưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ?

- Gần 20 năm trở lại đây, tôi may mắn có một ê-kíp bên cạnh là những người trẻ, đại diện cho thế hệ @. Các bạn cho tôi nguồn năng lượng trẻ để thực hiện nhiều dự án thu hút khán giả trẻ. Khi lập kênh youtube, tôi mới hiểu rõ được tâm tư nguyện vọng của các bạn trẻ; từ đó vận hành “tiến bộ - văn minh” vào những sản phẩm của mình đúng với vai trò của bộ môn cải lương.

Tôi chưa bao giờ thấy mình là “cây đa - cây đề”. Tôi hạn định cuộc đời tôi như đức Phật từng chia sẻ: “Sự sống trong một hơi thở”. Mỗi người vẫn sống và làm việc nhưng không ai cho bạn biết bao lâu nữa chúng ta phải rời đi. Vì vậy, còn khả năng bao nhiêu tôi sẽ luôn hết lòng với những dự án mà cá nhân tôi thấy phù hợp nhất, muốn dành cho khán giả yêu thương mình, đặc biệt hơn là trả ơn thầy, ơn tổ, trả ơn cuộc sống này.

* Cám ơn bà đã chia sẻ. 

 Đông A (thực hiện) 
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI