NSND Anh Tú: Như cánh chim khuất ngàn

21/12/2018 - 09:00

PNO - Tin buồn đến giữa trưa mùa đông Hà Nội khiến đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng. Sân khấu từ nay đã mất đi một đạo diễn giàu sức sáng tạo và đầy nhiệt huyết với nghề.

Bạn bè thân thiết vẫn hay gọi đùa NSND Anh Tú là “người thích húc đầu vào đá”. Anh nghe chỉ cười hồn hậu, trả lời: “Nếu sợ khó mà không dám bước tới, làm sao biết mình có thể đi được bao xa”.

Năm 2004, quyết định chọn kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm làm vở tốt nghiệp của đạo diễn Anh Tú bị cho là một sự liều lĩnh. Sau hơn nửa thế kỷ, Kiều Loan đã sống lại theo một cách rất riêng. Dẫu bản dựng mới đã chỉnh sửa, cắt ngắn khá nhiều cho phù hợp với sân khấu và khán giả của những năm 2000.

NSND Anh Tu: Nhu canh chim khuat ngan

Kiều Loan, dưới bàn tay của đạo diễn Anh Tú, có những lớp diễn chỉ nghe có tiếng thở dài mà nỗi đau như dao sắc, cứa sâu tận tâm can. Cả nhà thơ Hoàng Cầm cũng phải ứa nước mắt khi ngồi trên xe lăn đến gặp lại “đứa con tinh thần” của mình.

15 năm làm công tác đạo diễn, bản lĩnh và sự sáng tạo của NSND Anh Tú thể hiện ở hàng loạt vở diễn được dư luận và khán giả đánh giá cao như: Cô gái đội mũ nồi xám, Mùa hạ cay đắng, Lâu đài cát, Biệt đội báo đen, Ba trong một, Trong mưa giông thấy nắng, Bão tố Trường Sơn, Hamlet, Kiều, Roméo và Juliette… Một trong những dấu ấn khác biệt nhất của NSND Anh Tú là cách anh phả hơi thở dân tộc vào từng tác phẩm.

NSND Anh Tu: Nhu canh chim khuat ngan
Lần dựng vở rối Trấn Cổ Loa thành cho Nhà hát múa rối Thăng Long, năm 2007, NSND Anh Tú đã đưa hát Xoan vào, khéo léo phối hợp trên nền của dàn nhạc giao hưởng. Câu hát Xoan ở lớp diễn Trọng Thủy - Mỵ Châu gặp nhau đã mang lại hiệu ứng đặc biệt cho vở kịch rối. Đến Hamlet của William Shakespeare, NSND Anh Tú lại táo bạo đưa trò diễn dân gian Xuân Phả vào bản dựng.

Chỉ chọn 3 trong 5 điệu múa của trò diễn dân gian Xuân Phả, nhưng từng vũ điệu được chắt lọc, đặt để hợp lý trong các lớp diễn đã mang lại cho tác phẩm nổi tiếng châu Âu một diện mạo mới, nhưng không mất đi màu sắc “cổ điển” của Shakespeare.

Mới nhất là Kiều với bản sắc dân tộc đầy ắp từ chất liệu âm nhạc, các điệu múa đến trang trí sân khấu, phục trang nhân vật… 20 ca khúc được NSND Anh Tú đặt hàng nhạc sĩ Giáng Son viết riêng cho vở, điệu múa cổ Bài Bông hay hình ảnh hoa sen là điểm nhấn cho trang trí sân khấu… để Kiều chỉ có thể là của NSND Anh Tú.

NSND Anh Tu: Nhu canh chim khuat ngan
NSND Anh Tú  để lại dấu ấn khó quên với khán giả trong nhiều phim truyền hình dù đã nhiều năm trôi qua như Của để dành

Tất cả sáng tạo đó đã làm nên bản sắc của NSND Anh Tú, giúp tác phẩm của anh không lẫn lộn với bất kỳ ai khác. Có lẽ, như lời anh từng chia sẻ: “Tôi mê đắm và có một tình yêu lạ kỳ với những giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam nên không bao giờ bỏ qua cơ hội nào có thể đưa văn hóa truyền thống vào tác phẩm”.

Không chỉ quyết liệt trong sáng tạo, NSND Anh Tú còn rất quyết liệt khi đặt niềm tin vào lớp diễn viên trẻ. Lần dựng Hamlet, anh giao trọng trách cho ê-kíp trẻ: Tạ Tuấn Minh, Khuất Quỳnh Hoa, Phương Nga, Lâm Tùng… Quyết định để Diễm Hương - cô diễn viên “bị ghét nhất màn ảnh” - vào vai Kiều của Anh Tú cũng bị nhiều người phản đối.

NSND Anh Tu: Nhu canh chim khuat ngan

Mới nhất, Anh Tú đưa hai diễn viên vừa tốt nghiệp là Ngô Minh Hoàng và Ngô Thuận vào Roméo và Juliette. Bằng sự nhạy bén của một đạo diễn từng gắn bó với sân khấu lâu năm ở vai trò diễn viên, Anh Tú nói mình có thể “đọc” được sự đa dạng trong sáng tạo của từng diễn viên. Quan trọng hơn hết là “phải có niềm tin với lớp diễn viên trẻ. Họ chính là tương lai của sân khấu”.

Ở vai trò đạo diễn, NSND Anh Tú tâm sự, thách thức lớn nhất của anh là hành trình chinh phục khán giả của tác phẩm, nhất là những tác phẩm đã thuộc hàng kinh điển. Và anh đã thành công. Kiều Loan - vở chính kịch hiếm hoi trong “làn sóng” những vở hài kịch lúc bấy giờ - có số suất diễn cao nhất so với các vở được dàn dựng trong cùng thời điểm của Nhà hát Tuổi Trẻ. Hamlet là vở kịch đầu tiên của sân khấu kịch Hà Nội dám bán vé với giá 1 triệu đồng/vé. 

NSND Anh Tu: Nhu canh chim khuat ngan
Cùng với nữ diễn viên Kiều Thanh trong phim Đàn trời

Trong đời thường, NSND Anh Tú được nhiều đồng nghiệp yêu mến bởi lối sống chan hòa, giản dị và luôn điềm đạm. Anh bị bệnh phải nằm viện, sức khỏe yếu dần, nhưng vẫn giấu kín, vì không muốn làm phiền mọi người.

NSND Anh Tú đã hẹn sẽ khỏe lại, sẽ về Nhà hát kịch Việt Nam để khởi động vở mới trong tháng 10/2018, nhưng anh đã không giữ được lời hứa… Anh đã mãi mãi đi xa vào trưa 20/12, sau nhiều tháng chống chọi với những biến chứng của bệnh tiểu đường. Tin buồn đến giữa trưa mùa đông Hà Nội khiến đồng nghiệp và khán giả bàng hoàng. Sân khấu từ nay đã mất đi một đạo diễn giàu sức sáng tạo và đầy nhiệt huyết với nghề. 

NSND Anh Tú sinh  năm 1962, là diễn viên khóa đào tạo đầu tiên của Nhà hát Tuổi Trẻ (1978-1981). Thời diễn viên, anh nổi tiếng với các vai diễn: Trần Cảnh (Rừng trúc), Vũ Như Tô (Vũ Như Tô), tể tướng (Âm mưu và tình yêu)… Năm 1997, anh giữ chức Trưởng đoàn Kịch I - Nhà hát Tuổi Trẻ. Năm 2013, NSND Anh Tú làm Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật của Nhà hát kịch Việt Nam. Tháng 4/2018, anh được bổ nhiệm Quyền giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam.

Năm 2001, anh được phong tặng danh hiệu NSƯT và trở thành NSND năm 2016. Cũng trong năm này, NSND Anh Tú được trao Huân chương Lao động hạng Nhì.
Ngoài biểu diễn và dàn dựng sân khấu, NSND Anh Tú còn tham gia nhiều phim điện ảnh như: Dòng sông khát vọng, Giông tố, Của để dành, Đàn trời, Chiều ngang qua phố cũ… Anh cũng là giảng viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI