PNO - PNCN - “Gặp con trai trên đường đi học về, má ảnh mừng, bảo ảnh đi về nhà trước, rồi quay lại chợ mua ít đồ ăn về làm cơm đãi con trai. Vậy là tai nạn xảy ra, má ảnh qua đời. Ba tuổi mồ côi cha, 17 tuổi lại mất má, hai anh em...
edf40wrjww2tblPage:Content
Chị là Trần Thị Thu Đông, xứ An Xuyên, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau, phóng viên báo ảnh Đất Mũi từ những năm 1990. Khi tách Minh Hải ra làm đôi, chị từ giã Cà Mau xách cái máy ảnh Zenit cũ kỹ về “đầu quân” cho báo viết ở Bạc Liêu. Ảnh của chị thời đó thường nặng tính thời sự, nhằm phục vụ kịp thời cho những bài báo của mình. Nhưng cũng chính môi trường hoạt động báo chí vốn khô khan đã tạo cơ hội cho chị đi nhiều nơi, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước, con người... giúp chị tích lũy thêm vốn sống, kiến thức nghề, cảm thụ hiện thực… để rồi hình thành nên những bức ảnh nghệ thuật đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.
Hai mươi năm cầm máy, nhìn lại sự trưởng thành của mình, chị nhận ra rằng khoảng thời gian tỏa sáng nhất cho niềm đam mê của mình chính là thời gian chị bước vào cuộc sống có đôi có bạn, đặc biệt khi chị nhận thêm thiên chức làm mẹ. Năm 1996, lúc kết hôn, tên Thu Đông bắt đầu xuất hiện trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật, dù có khi chỉ được chọn triển lãm, khi là giải khuyến khích dành cho một tay máy mới vào nghề. Năm 1999, chị sinh cháu Nhật Nam, thì ngay năm sau, năm 2000, cái tên Nhật Nam (nghệ danh của Trần Thị Thu Đông) đã xuất hiện liên tục trong các giải thưởng của các cuộc thi nhiếp ảnh của Bạc Liêu, của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc chị giành giải lớn đặc biệt cuộc thi dành cho các tay máy nữ Việt Nam...
Gia đình nghệ sĩ Thu Đông
Chị bảo gia đình chính là bệ phóng cho con đường nghệ thuật của mình. “Vợ chồng tôi đều là cán bộ, công chức. Cưới nhau không có nhà, lương chỉ đủ cho những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nên phải ở thuê trong một khu tập thể”. Cũng may, căn nhà ấy có cái cửa sổ hướng về phía tây, nên nắng chiều thường xuyên vào tận nhà. Ánh sáng bao giờ cũng là ma lực dành cho những người thích bắt đúng những khoảnh khắc của cuộc sống. Nhiều tác phẩm ảnh của chị đoạt giải các cuộc thi bắt đầu từ ngôi nhà có vợ, có chồng, có con trẻ, có ánh nắng chiều chiếu xiên từ ô cửa sổ hạnh phúc này. “Nhà tôi ở phường 2, muốn đến cơ quan phải qua đò hoặc chạy xe một vòng xa. Một hôm, ảnh đi làm về còn nhờ người chở theo mấy chục quày dừa nước. Tôi tự hỏi, người ta mua một quày về ăn thì được rồi, còn đằng này, anh mang cả đống về chất đầy trên bộ ngựa để làm gì? Ảnh bảo, mua về cho em chụp hình chơi! Vợ chồng lại bàn nhau bố cục bức ảnh, thời điểm chụp và cách thực hiện... Thế là chủ nhật, ảnh mướn hai chiếc xe vua (xe lôi đạp) chở đầy những quày dừa nước, mượn nhỏ em gái ngồi lên xe cho người ta chở đi, rồi vợ chồng lội xuống ruộng chạy theo lia máy... tác phẩm Ra chợ ra đời và liên tục đạt giải”.
Những gì mình có, những gì đạt được... giúp chị rút ra kinh nghiệm: “Chất liệu thật của cuộc sống vốn sinh động và luôn bất ngờ. Vũ điệu Apsara đoạt giải thưởng là một trường hợp như vậy... đêm phúc khảo một chương trình văn nghệ, thấy tôi xách chân máy đi, ông xã bảo: chạy chương trình phúc khảo thôi có gì mà chụp. Tôi cũng ậm ừ cầu may, ừ, đi thấy gì đẹp thì chụp không thì thôi. Nhưng đó là đêm tuyệt vời, dưới ánh sáng hắt ngược lên, các cô vũ công trong trang phục lễ nghi của vũ điệu Apsara quen thuộc trở nên quá tuyệt vời. Tôi bấm máy mà không cần bố cục hay sự sắp đặt nào trước. Vẻ đẹp tự thân như đã nằm sẵn trong khung ảnh, cứ thế tôi bấm và bấm”.
Sinh ra trong gia đình nông dân, lớn lên trong vùng lúa bạt ngàn, mỗi mùa thu hoạch, mùi lúa mới, mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng bao giờ cũng làm chị Thu Đông rưng rưng một cảm giác hạnh phúc không nói thành lời. Theo chị, đã có nhiều tác phẩm ảnh về nông thôn nhưng chưa đẹp, chưa thể hiện đúng chất bạt ngàn hạnh phúc của người miền Tây mỗi mùa lúa trúng. Với chị, “miền Tây phải mênh mông, nhưng ít có góc độ cao để chụp, mà tôi là nữ nên hơi khó. Tôi đâu có leo cây, trèo cột điện được như nam”. Nhiều lần đi về các vùng nông thôn, về nhà các cậu các dì... mỗi mùa thu hoạch đều thấy họ quây quần hớn hở vui tươi. Một trong những lần ấy, chị bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng nông dân quét gom lúa thu hoạch lúc nắng chiều. Họ nhìn nhau cười hạnh phúc - hình ảnh chỉ có trong những giấc mơ của một người đau đáu tình quê. Chị bấm máy. Khoảnh khắc của bất chợt, nhưng chính sự bất chợt, không dàn dựng ấy lại làm nên tác phẩm có tên Hạnh phúc đơn sơ, tác phẩm không chỉ mang về cho chị hai ba giải thưởng cấp tỉnh mà còn đưa chị đến với giải lớn đặc biệt dành cho phụ nữ Việt Nam năm 2000 do Liên Hiệp Quốc tài trợ.
Hạnh phúc đơn sơ
Bạc Liêu không phải quê hương mình nhưng chính mảnh đất Bạc Liêu lại làm nên một nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông. Những đồng muối trắng ở Đông Hải, những cuộc sống trên biển ở Nhà Mát, những vũ điệu Apsara... đều từ Bạc Liêu mà có. Chị mang ơn Bạc Liêu không chỉ vì quê hương của bản Dạ cổ hoài lang mang đến cho chị nhiều cảm hứng trong sáng tác mà còn vì đất trời nơi này kết sợi tơ hồng cho chị gặp một đức lang quân có cùng niềm đam mê với mình. Khi về làm dâu quê hương bác Sáu Lầu, nhiều lần cùng chồng đi sáng tác ảnh, chị hiểu thêm ở con người ít nói làm nhiều, khi làm thì làm tới nơi tới chốn như chồng còn có một tình yêu lạ lùng với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Anh nhìn thấy gì cũng thương Bạc Liêu, anh đi tới đâu cũng nghĩ về Bạc Liêu. Biển Bạc Liêu không phải là biển đẹp, nhưng nơi đó cưu mang biết bao người con nghèo khó. Anh bảo, đã có nhiều bức ảnh đẹp về cuộc mưu sinh trên biển Bạc Liêu, đã có nhiều giải thưởng dành cho nhiều tác phẩm chọn biển Bạc Liêu làm chủ đề. Anh hiểu biển Bạc Liêu có đặc điểm là có bãi bồi chạy dài cả cây số. Khi nước ròng, biển phơi ra bãi cát dài. Trong bờ là sình, ngoài xa là cát. Sáng sớm hoặc chiều tối, mặt trời trên biển đều đẹp và có biết bao bức ảnh đẹp ra đời. Vậy nhưng với biển, dường như vẫn còn những điều chưa thể hiện hết. Nhất là khi đêm xuống, biển xanh cứng, những nhóm người mưu sinh trên biển đội đèn đi về phía màn đêm... ánh đèn hắt ngược trên lưới. Anh bấm. Chị bấm. Và năm 2013, tác phẩm Cuộc sống trên biển, kết quả của những lần vợ chồng xắn quần đi về phía biển cùng những tốp người mưu sinh đạt huy chương vàng trong một cuộc thi ảnh ở Bosnia & Herzegovina.
Ra chợ
Chiều Bạc Liêu gió lộng. Quảng trường Hùng Vương căng những cánh diều. Chiếc quân tử cầm khổng lồ ở quảng trường đang dần hình thành nhưng linh hồn của nó từ lâu đã hiện lên trong tâm thức đầy tự hào của người dân Bạc Liêu - trong đó có chị. Tất bật với một số công việc liên quan đến chương trình lễ hội cấp quốc gia về đờn ca tài tử sắp diễn ra nên có nhiều điều chị chưa nói thành lời, nhưng qua ánh mắt rực sáng, qua nụ cười chân phương, hào sảng... rõ ràng là chị đang yêu cái vùng đất quê chồng đầy nghĩa tình. Phải, đàn bà bao giờ cũng vậy, khi đã yêu thì yêu đến tận cùng!