3 năm với 100 ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một "ca lạ" khi trong bối cảnh người người viết tình ca để dễ bán, dễ thành hit thì anh lại đi một con đường rất khác. Dù rằng, anh cũng từng là một cỗ máy tạo hit trong nhạc trẻ với nhiều ca khúc vẫn được hát cho đến nay dù đã 5 - 10 năm trôi qua.
Với Nguyễn Văn Chung, con đường khác rất ngược dòng đó không mơ hồ, mà rõ ràng và chứa rất nhiều trăn trở.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung |
* Nhìn chung về âm nhạc dành cho thiếu nhi tại Việt Nam, anh đánh giá như thế nào?
- Mảng âm nhạc dành cho thiếu nhi tại Việt Nam đã từng có, thậm chí rất sôi động vào những thập niên trước. Nhưng hiện tại mảng này đã không còn mạnh, chứ không mất hoàn toàn.
Thứ nhất, các đài truyền hình không còn đầu tư, quan tâm các chương trình dành cho thiếu nhi. Vẫn còn rất nhiều nhạc sĩ lớn tuổi sáng tác nhạc thiếu nhi nhưng không được đầu tư kinh phí để sản xuất dẫn đến các tác phẩm này không có ai hát, không có nơi phát hành, phổ biến. Thứ hai, các nhạc sĩ trẻ lại rất ngán nhạc thiếu nhi bởi không bán được cho ca sĩ, không mang lại doanh thu từ nhạc chuông, nhạc chờ.
* Anh nói nhạc thiếu nhi không bán được, nhưng anh vẫn sáng tác đó thôi...
- Tôi làm vì ngông, vì còn trẻ muốn chứng tỏ. Tuy nhiên, đây là sự ngông có tính toán. Những bài hát thiếu nhi không bán được liền, gom một cục tiền như bài hát cho người lớn nhưng một khi nổi tiếng, giá trị thu được của chúng là suốt đời. Tác giả của Chú ếch con, Cháu lên ba, Em là bông hồng nhỏ... đến bây giờ vẫn còn nhận tiền tác quyền. Sau 3 năm, tôi đã thu lợi lại được kha khá từ các sáng tác của tôi dành cho thiếu nhi.
* Ấu dâm, trẻ em bị xâm hại, bị bạo hành... quá nhiều vấn đề thời sự liên quan trẻ em trong thời gian qua. Những yếu tố này có nên được đưa vào âm nhạc cho con trẻ hay không?
- Những vấn đề này nên được đưa vào âm nhạc cho thiếu nhi nhưng quan trọng nhất cách thể hiện như thế nào. Chúng ta không cần những bài nhạc rên rỉ, u buồn, nặng nề. Chúng ta cần tạo ra những bài hát, bài thơ nhẹ nhàng để chúng dễ ghi nhớ. Với trẻ con, những bài học nên được đưa vào đầu chúng một cách vui nhộn để dễ tiếp thu hơn.
Nhưng, cũng có một vấn đề là khi dạy những bài học, âm nhạc sẽ dễ trở nên giáo điều. Vì thế, quan trọng nhất là kỹ năng của từng người nhạc sĩ. Nói về tình mẹ, chúng ta không nhất thiết phải ra rả: “Con yêu mẹ thật nhiều/Con nhớ mẹ thật nhiều”. Người ta sẽ dễ cảm được bài hát bằng những điều đơn giản hơn. Âm nhạc nên dạy các bé như không dạy. Chúng ta là người kể chuyện, chứ không phải người giáo dục bằng cách cầm tay chỉ việc. Viết nhạc cho thiếu nhi vui tai, nhưng đừng dễ dãi.
|
Nguyễn Văn Chung cho rằng nhạc, chương trình giải trí dành cho thiếu nhi vẫn thực sự thiếu |
* Một phần thị trường nhạc cho thiếu nhi không sôi động cũng do chất liệu không hề đa dạng. Anh nghĩ gì về quan điểm này?
Sau một thời gian ấp ủ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sẽ tổ chức liveshow ca nhạc dành cho thiếu nhi vào ngày 20/5 tới đây tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM với tên gọi Gia đình nhỏ, hạnh phúc to. Chương trình này được đích thân Nguyễn Văn Chung đầu tư, với sự hỗ trợ của các anh, chị, em nghệ sĩ và gia đình. Nam nhạc sĩ mong muốn sẽ mang đến không gian âm nhạc, vui chơi thoải mái cho các bé nhân dịp quốc tế thiếu nhi 1/6 đang đến gần với hình thức vé mời miễn phí. Chương trình sẽ có các giọng ca như bé Bảo An, Bào Ngư, Gia Khiêm, Thư Kỳ... Ngoài ra, ca sĩ Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, Don Nguyễn sẽ có những tiết mục kết hợp với các bé trên sân khấu.
|
- Nhạc thiếu nhi của chúng ta đang rất nghèo nàn vì không có những sáng tác mới, phù hợp với cuộc sống của những đứa trẻ bây giờ. Nhiều nhạc sĩ nghĩ viết nhạc thiếu nhi rất đơn giản, ngô nghê nhưng thực chất loại nhạc này rất khó viết. Cái khó ở đây, lời, nội dung, góc nhìn phải của thiếu nhi nhưng phải có thông điệp, có mang tính định hướng đến cái đẹp, sự lễ phép, tình yêu thương.
Nhạc thiếu nhi có nhiều phân khúc tuổi: lứa tuổi biết ăn sẽ là những ca khúc dễ nghe, dễ nhớ, nghe vui tai, hứng thú; lứa tuổi học nói, tò mò về thế giới xung quanh phải đa dạng đề tài để chúng có thể biết, hình dung về mọi thứ xung quanh; đến tuổi bắt đầu nhận thức về các mối quan hệ, khoảng 6 tuổi trở lên thì phải có những ca khúc về tình yêu thương.
Bây gờ, những đứa trẻ lớn nhanh do chúng tiếp xúc với những bài hát người lớn, những chương trình, gameshow dành cho thiếu nhi nhưng cha mẹ buộc chúng phải lớn sớm. Với con tôi, tôi không cho nghe nhạc người lớn, không xem các gameshow, chúng vẫn lớn đúng với lứa tuổi.
* Có lẽ vì vậy mà trong nhiều chương trình dành cho thiếu nhi lại có nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn...
- Thiếu nhi nên được sống với những bài hát đúng lứa tuổi, đúng nhìn nhận của chúng về thế giới, chứ không phải nhìn nhận của ba mẹ chúng. Tôi làm một số chương trình, ba mẹ luôn có tâm lý con cái phải làm được những gì hơn bạn bè đồng trang lứa mới đáng tự hào. Họ luôn muốn con cái phải hát những bài thật khó, thậm chí đó là nhạc người lớn. Nhưng liệu con trẻ có vui hay không?
Video clip ca khúc Gia đình nhỏ, hạnh phúc to - một sáng tác dành cho trẻ em của Nguyễn Văn Chung:
Tôi chắc chắn con trẻ khi tham gia các chương trình, trò chơi chỉ muốn vui vẻ, giải trí còn chuyện hơn ai, thua ai, chúng không quan trọng như chính người lớn. Nhiều khi con trẻ hát nhạc Trịnh, nhạc tiếng Anh nhưng tôi biết chúng không hiểu gì cả. Nhiều gameshow tổ chức ra như để làm vui lòng người lớn, hơn là để con trẻ vui chơi.
* Có vẻ như anh không ủng hộ mấy việc tổ chức các gameshow dành cho trẻ nhỏ?
- Gameshow chỉ là nơi để rèn đứa nhỏ làm những điều mà đôi khi chúng không mong muốn. Tôi cho rằng đây không phải là nơi để rèn luyện hay là sân chơi của chúng. Tôi đã từng chấm một đứa bé, do không đủ tiêu chuẩn nên tôi bảo nhẹ nhàng con thi xong rồi, về đi chơi đi. Bé cũng vui vẻ reo lên về nhà được đi chơi. Nhưng một lúc sau bé lại đẩy cửa vào khóc oà và bảo: “Mẹ con nói con phải lấy được vé đi vào vòng trong, nếu không sẽ không được vào nhà, không được cho ăn cơm”.
Một trường hợp khác, cô bé tự do chọn bài hát nhưng mẹ lại không đồng ý, cho rằng phải hát bài khó hơn, người lớn hơn thì mới được đánh giá cao. Còn rất nhiều trường hợp như vậy. Vì sao chúng ta phải áp đặt, ép buộc chúng như thế? Khi làm chương trình cho thiếu nhi, yếu tố vui vẻ phải được đặt lên hàng đầu.
* Có người từng lấy lý do rằng vì cho trẻ nhỏ thiếu thì chúng ta phải chấp nhận việc con trẻ tham gia gameshow, hát nhạc người lớn như một sự lựa chọn không thể tốt hơn...
- Tôi không đồng ý. Khi sinh hoạt trong hội nhạc sĩ TP.HCM, tôi biết các chú có rất nhiều bài sáng tác cho thiếu nhi nhưng vẫn còn để đó. Chúng ta chưa có đất dụng võ cho những sáng tác như thế, trong khi nhà đài, các đơn vị sản xuất không mặn mà. Khi muốn, chúng ta hoàn toàn có thể có những chương trình dành cho trẻ con mà chất liệu chỉ dành cho chúng.
|
Theo Nguyễn Văn Chung, con trẻ cần được tham gia những chương trình vừa sức, có nội dung phù hợp chứ không phải để làm vui lòng người lớn |
Khi tôi thấy một đứa bé hát Em gái mưa, chắc chắn tôi buồn nhiều hơn vui, dù có thể cha mẹ chúng cảm thấy tự hào vì con mình hát hay. Nhưng chính những việc làm tưởng như vô hại đó lại khiến chúng lớn nhanh, nghĩ nhiều về những chuyện yêu đương, trai gái hơn khi trưởng thành.
Chúng ta có khả năng làm lại, khôi phục những chương trình cho thiếu nhi như ngày trước nhưng quan trọng những nhà đầu tư có đầu tư hay không, đài truyền hình có muốn làm hay không hay chỉ muốn đi làm những chương trình thu lợi nhuận, đua rating. Trong 3 năm qua, tự thân tôi đã phát hành được sách nhạc 100 bài hát thiếu nhi thì với những người có điều kiện hơn họ hoàn toàn có thể làm cho con trẻ nhiều điều hơn vậy.
* Xin cảm ơn anh.
Thuỵ Khuê