PNO - Tết là đoàn viên. Tết là sum vầy. Tết là trở về. Tết là gia đình. Ai cũng nói vậy và ai cũng biết vậy nhưng đường về nhà ngày thường đã xa, ngày tết lại càng xa ngái.
Trí - một cậu thanh niên tôi quen vì thường xuyên giao hàng trên mạng cho gia đình tôi - nói: “Tết này là tết thứ ba em ở lại thành phố. 2 năm trước vì dịch, năm nay là vì mưu sinh. Lương thưởng đi làm ngày tết tăng gấp 3, em vừa giao hàng vừa chạy bàn cho một quán ăn, tranh thủ tuổi trẻ kiếm tiền phụ cha mẹ và lấy vợ nữa ạ”.
Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi năm có khoảng 1 triệu người lao động chọn không về quê đón tết. Đa phần họ là công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Một phần đông không kém là những người giao hàng, người lao động thời vụ. Những năm gần đây, do nhiều hàng quán, dịch vụ chỉ nghỉ đêm giao thừa, trưa mùng Một đã mở lại, nhu cầu sử dụng lao động rất cao, mức lương cũng gấp 2-3 lần, thậm chí thưởng còn nhiều hơn lương. Vậy nên không chỉ lao động thời vụ, nhiều sinh viên cũng chọn ở lại thành phố làm thêm thay vì về quê.
Năm nay, như báo chí đưa tin, hơn 40.000 lao động ở Bình Dương, TPHCM mất việc những ngày cuối năm 2022. Với họ, đường về quê lại càng xa ngái. Chưa kể giá vé tàu xe năm nay cũng tăng. Sau 3 năm dịch bệnh, tiền tích lũy của nhiều người đã cạn kiệt nên tết này nhiều người trẻ làm công sở, nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn ở lại thay vì về quê, như một cách thắt lưng buộc bụng. Năm nào cũng có các doanh nghiệp, mạnh thường quân tặng công nhân những chuyến xe về quê ăn tết nhưng bao nhiêu cũng không đủ bởi nào đâu chỉ là tiền tàu xe mà còn cả quà cáp, mừng tuổi… Như Trí nhẩm tính: về quê là em đi tong 20 triệu đồng. Còn ở lại, không những không mất số tiền đó, em còn có thể kiếm thêm 20-30 triệu đồng nữa.
Chọn ở lại thành phố để cày cuốc kiếm thêm hoặc chỉ đơn giản là thắt lưng buộc bụng, nhiều người trẻ phải đối diện với tiếng thở dài của cha mẹ, lời chê trách của hàng xóm láng giềng: “Cả năm có mỗi cái tết để sum họp mà ham kiếm tiền không chịu về”. Không lẽ lại nói: “Vì con không có tiền mang về cho mẹ” hay đổ vấy rằng công việc nhiều quá; nguy cơ mất việc, mất chỗ rất cao nếu như về quê. Buồn chứ, sợ cha mẹ trách chứ! Với người dư dả, một chuyến xe chẳng là bao nhưng với những người mồ hôi ráo là hết tiền thì đường về xa tít tắp.
Mà ở lại cũng đâu có tết. Hoa tối 30 rẻ thật nhưng tả tơi lắm, bánh mứt đấy mà sao nhạt vị, bánh chưng nuốt cũng khó khăn… Ở lại thành phố dù kiếm được nhiều tiền hơn nhưng nỗi quạnh quẽ vẫn len lỏi trong lòng. “Cả ngày đi làm vất vả, tưởng về ngả lưng xuống là ngủ, vậy mà chẳng tài nào ngủ được. Nhớ nồi bánh chưng buổi quây quần lắm anh ạ” - Trí nói. Tâm trạng của Trí hẳn nhiều người xa quê đều thấu cảm bởi ai từng ở lại thành phố dịp tết đều đã trải qua. Nhất là đêm giao thừa, thành phố nhộn nhịp rực rỡ đèn hoa, pháo hoa bay đẹp thế, người đi đường đông thế, mà sao vẫn thấy lẻ loi, thấy lạnh tê tái, thấy tết thật nhạt…
Tôi vẫn có thói quen làm tròn số mỗi khi trả tiền giao hàng cho Trí. Kiểu như 68.000 đồng thì trả tròn thành 100.000 đồng. Giáp tết, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp thường vào các xóm trọ tặng quà tết an ủi người xa xứ không về quê được. Dù những việc nhỏ ấy phần nào làm ấm lòng Trí và những người con ăn tết xa nhà nhưng khoảng trống của chữ “gia đình” vẫn còn nguyên nơi ngực.
“Nhất định tết năm sau em sẽ về…” - Trí nói vậy và tôi mong vậy. Mong một năm 2023 kinh tế đủ đầy, mọi sự an lành, để những người như Trí “nốt tết này xa quê thôi nhé!”.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.