Nóng vội khi đổi mới là “hư bột, hư đường”

11/04/2023 - 06:03

PNO - Bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc THPT TPHCM ngay từ đầu không có nhiều thuận lợi khi “va” vào dịch. Năm học 2022-2023 lại được xem như năm học bản lề, đặt nền móng cho đổi mới của cả bậc học. Vì thế, dù xác định đổi mới là nhiệm vụ sống còn song từng trường THPT đã có những bước đi thận trọng.

Đổi mới hay là “chết lâm sàng”

“Trong các buổi họp hội đồng sư phạm trường, chúng tôi luôn nói với nhau rằng đổi mới là nhiệm vụ sống còn, không còn con đường nào khác. Nếu không đổi mới thì gần như là “chết lâm sàng”” - cô Hoàng Thị Hảo - Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) mở đầu chia sẻ về việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại trường sau một năm triển khai. 

Đổi mới được xem là yếu tố sống còn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc THPT
Đổi mới được xem là yếu tố sống còn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc THPT

Theo cô, nếu giáo viên vẫn cứng nhắc theo cách dạy cũ, cách truyền thụ xưa thì không khác nào “bình mới, rượu cũ”, cả thầy và trò đều thiệt thòi.

“Yếu tố cốt lõi khi đổi mới chương trình là đội ngũ giáo viên. Thầy cô phải “cởi bỏ” được tư duy dạy theo hướng truyền thụ kiến thức, nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới, tự thân đổi mới thì công cuộc đổi mới mới có thể thành công… Một mặt, trường động viên thầy cô, tạo điều kiện để thầy cô được chủ động, hiến kế thực hiện chương trình; mặt khác, trường xây dựng môi trường “mở”, dự giờ, thăm lớp, góp ý liên tục. Hàng loạt nhóm chương trình mới ở nhiều môn học được lập ra, tương trợ thầy cô cùng đổi mới” - cô Hoàng Thị Hảo phân tích. 

Bằng cách thức này, theo Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, không khí thi đua đổi mới tại trường rõ rệt, hồ hởi. Mỗi môn học, giáo viên đổi mới phương pháp bằng cách xây dựng dự án, thiết kế hoạt động để tăng khả năng tự học, trải nghiệm của học sinh. Học sinh thay vì thụ động tiếp nhận kiến thức nay được chủ động tìm hiểu.

“Cái gì mới ban đầu cũng đều sẽ có khó khăn nhưng nếu thầy cô được lắng nghe, chia sẻ, góp ý và được hỗ trợ kịp thời thì việc đi đến đích chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi thầy cô thoải mái đổi mới thì hơn hết, học sinh sẽ nhẹ nhàng học tập” - cô Hoàng Thị Hảo nhấn mạnh. 

Đi chậm, đi chắc từng bước

Tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), hạn chế về phòng ốc, cơ sở vật chất là rào cản lớn nhất khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

"Toàn trường có 55 lớp nhưng chỉ có 48 phòng học. Một phòng có khi phải san cho 2, 3 lớp, gây khó khăn khi nhà trường thiết kế Chương trình GDPT 2018, đòi hỏi việc đổi mới phải càng thận trọng, đi từng bước chắc chắn. không thể nóng vội. Để tiếp lửa đổi mới cho đội ngũ, tiêu chí đổi mới phương pháp, tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên được Trường THPT Phú Nhuận mạnh dạn đưa vào tiêu chí đánh giá giáo viên trong quý, trong từng học kỳ để khen thưởng, động viên kịp thời" - thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận - chia sẻ. 

Năm học 2022-2023 được xem là năm học bản lề, đặt nền móng cho đổi mới cả bậc THPT
Năm học 2022-2023 được xem là năm học bản lề, đặt nền móng cho đổi mới cả bậc THPT

Đánh giá điểm nổi bật nhất của chương trình là hướng đến tính tự học cho học sinh. Song, theo thầy Tuấn nếu ngay từ đầu giáo viên quá hấp tấp vội vàng thì sẽ tác dụng ngược. Vì vậy, trường triển khai mô hình lớp học ảo trong toàn khối 10. Từng tổ bộ môn sẽ thiết kế, thống nhất xây dựng học liệu đưa lên lớp học ảo, giao nhiệm vụ, kết hợp kiểm tra đánh giá học sinh… Lớp học ảo trở thành lớp học bổ trợ cho thầy và trò trên lớp, hỗ trợ thầy cô đổi mới phương pháp. 

Theo hiệu trưởng này, điều thận trọng hơn cả khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 là kiểm tra đánh giá học sinh. Vai trò của giáo viên phải làm sao trao quyền cho học sinh thể hiện năng lực, phẩm chất theo mục tiêu của chương trình nhưng đảm bảo đánh giá học sinh khách quan, trung thực, xuyên suốt quá trình chứ không chỉ tập trung đánh giá qua điểm số như trước đây. Để làm được, đòi hỏi mỗi giáo viên phải kiên trì. 

Và để đổi mới được kiểm tra đánh giá, bắt buộc thầy cô phải đổi mới được phương pháp dạy và học. Khi đứng lớp, ở từng nhiệm vụ học tập, giáo viên phải theo sát được từng học sinh. Kiểm tra đánh giá phải chuyển hướng từ kiểm tra kiến thức thuần túy sang giúp học sinh xử lý vấn đề.

"Giai đoạn giữa học kỳ I, thầy cô có sự lúng túng, thậm chí là nôn nóng khi đề kiểm tra còn cứng nhắc, khiên cưỡng. Từng chút một, các tổ bộ môn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xây dựng thang đánh giá toàn diện quá trình học tập của học sinh kết hợp với điểm số, linh hoạt hình thức kiểm tra, đưa việc kiểm tra đi vào thực chất” - Hiệu trưởng Trần Công Tuấn nêu. 

Mừng… khi tỉ lệ học sinh giỏi giảm

Thầy Trương Đình Hùng - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú) - cho rằng, khi áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá mới với khối lớp 10 thực hiện Chương trình GDPT 2018, tỉ lệ học sinh giỏi giảm song lại là điều “đáng mừng”. 

"Việc khống chế tỉ lệ học sinh giỏi trong chương trình mới đã tác động mạnh mẽ đến việc đánh giá học sinh khối 10 năm nay. Không còn chỉ đánh giá ở 1 trong 3 môn văn, toán, ngoại ngữ như trước đây nữa mà đánh giá học sinh trên cả 6 môn học cho phép đánh giá học sinh toàn diện hơn, thực chất hơn. Ở học kỳ I, tỉ lệ học sinh giỏi khối 10 của trường giảm 20% so với năm học trước nhưng mừng nhiều hơn lo..." - thầy Trương Đình Hùng nói.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI