edf40wrjww2tblPage:Content
Năm 2013, kinh tế tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ; cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể.
Cần huy động được số lượng vàng trong dân
Theo các đại biểu, trong điều kiện tổng cầu yếu này, không nên kích cầu bởi trên thực tế, chúng ta chưa kiểm soát được để tăng hiệu quả của đầu tư công, cũng như đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, cần phải thận trọng trong việc "bơm tiền" để tránh lạm phát quay trở lại. Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thì ngoài cái việc sắp xếp, tổ chức, rồi cơ cấu lại vấn đề nợ; cần khơi thông việc thanh khoản của ngân hàng.
Chủ đề kinh doanh vàng được thảo luận nhiều tại Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2013.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, hiện số doanh nghiệp (DN) lớn của nhà nước chiếm 4%. Theo điều tra, hiện cả nước có trên 600.000 DN, trong đó có khoảng 450.000 DN đang tồn tại. Đặc biệt, hiện có 4 triệu hộ kinh doanh cá thể với 7 triệu lao động phi nông nghiệp, đây là con số rất đáng kể đối với sự phát triển nền kinh tế. Mặc dù nhà nước đã “bơm" 2000 tỉ đồng hỗ trợ DN vừa và nhỏ để khắc phục khó khăn của nền kinh tế, nhưng các DN này rất khó vay thêm vốn vì họ không có nhiều tài sản để thế chấp.
Liên quan đến thị trường vàng, ở tham luận của mình, TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi: việc ngân hàng Nhà nước độc quyền thị trường vàng miếng và tăng cường mua vàng của dân có phải là một phương sách hữu hiệu để chống vàng hóa? Việc các tổ chức mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ huy động đã thể hiện không hề có sự chuyển đổi vàng thành tiền đưa vào phát triển kinh tế.
Sau khi so sánh với thế giới, tác giả tham luận khuyến nghị rằng “hãy trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp”. Cụ thể hơn, ông Long cho rằng các DN cần được tiếp tục huy động và cho vay vàng, bởi đây là nhu cầu tất yếu của DN vì “các DN sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không phải là định chế tài chính nên không có vốn tiền và vàng đủ lớn để thao túng thị trường như các tổ chức tín dụng”.
Trả lời các đại biểu liên quan đến vấn đề vàng, ông Trần Văn Giàu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vấn đề nhập khẩu vàng đang được Chính phủ chỉ đạo triển khai. Mỗi năm số lượng nhập khẩu vàng càng nhiều. Năm 2009 nhập 11,2 tấn; 6 tháng đầu năm 2013 nhập 45 tấn. Hiện nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới không còn nhiều, điều quan trọng là chúng ta cần huy động được lượng vàng trong dân.
Tăng tổng cầu trong nền kinh tế thị trường
Có mặt và chủ trì hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Đất nước vẫn tiếp tục phát triển, xã hội vẫn tiếp tục phát triển, tuy có khó khăn, tuy có trì trệ; đời sống nhân dân vẫn tiếp tục được nâng lên cả vật chất và tinh thần. Tuy có khó khăn thật nhưng không phải đến mức mà chúng ta không làm gì được. Trong 9 tháng vừa qua, có thế nói rằng lạm phát đã thấp hơn mức mà chúng ta đưa ra, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn, tăng trưởng thì quý sau cao hơn quý trước. Tuy không phải nhiều lắm, nhưng chúng ta phải vui mừng. Chứ nếu quý sau thấp hơn quý trước, rồi quý sau nữa mà lại thấp hơn quý vừa rồi thì nền kinh tế sẽ dần dần đi đến tê liệt mất”.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi cùng các đại biểu bên lề diễn đàn kinh tế
Tóm tắt lại các ý kiến tham luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các ý kiến đề xuất tại diễn đàn này chưa nhiều, lại còn có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Bà mong các vị chuyên gia, các đại biểu tham gia góp ý về những giải pháp đồng bộ, giải quyết được vấn đề đặt ra; đề xuất những mục tiêu tổng quát, những chỉ tiêu, nhiệm vụ cho năm 2014, mạnh dạn đề xuất những giải pháp cho chiến lược những năm tiếp theo. "Tôi ví dụ nhỏ thôi, có đại biểu cho rằng tăng tổng cầu hiện nay sẽ gây mất cân đối vĩ mô vì cầu sẽ vượt cung. Điều đó có nghĩa là tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã đạt mức tiềm năng. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng, tăng trưởng tiềm năng của nước ta phải ở mức 7%", bà Ngân nói.
Như vậy, tăng tổng cầu trong điều kiện hiện nay hay là tiếp tục các nỗ lực tái cơ cấu để cải thiện tổng cung, tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Hay là phải kết hợp hài hòa cả hai cách. Đó là vấn đề đã được nêu ra ở Diễn đàn kinh tế mùa Xuân tổ chức vào tháng 4 năm nay tại Nha Trang, nhưng đến nay vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Về 3 đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế, chủ trương đã có nhưng cách làm, lộ trình như thế nào thì rất cần huy động chất xám của các nhà quản lý, các nhà khoa học. "Ngay sau diễn đàn này, tôi đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục phối hợp với VCCI, với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy dủ các ý kiến của các vị đại biểu, phân tích, chọn lọc để hình thành một báo cáo có chất lượng, nhất là báo cáo thẩm tra trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 về tình hình kinh tế xã hội năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2014" - bà Ngân nêu yêu cầu.
THUẬN HÓA
.