Nóng trươc giờ G: 5 sự thật ít được biết đến về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

08/11/2016 - 06:43

PNO - Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống. Lá phiếu của họ được gọi là phiếu phổ thông và việc của họ là chọn ra đại cử tri - những người đã cam kết ủng hộ cho một ứng viên nhất định.

Với hệ thống này, một ứng viên có thể bước vào Nhà Trắng mà không cần đạt được đa số phiếu phổ thông, chỉ cần hội đủ đa số phiếu đại cử tri, tức là ít nhất 270/538 phiếu.

Cuộc bầu cử năm 2016 sẽ chọn ra tổng thống Mỹ thứ 45. Người chiến thắng sẽ nhậm chức vào tháng một năm sau.

1. Bầu cử là tự  nguyện và các cử tri không trực tiếp bỏ phiếu

Hơn 218 triệu người Mỹ có đủ điều kiện để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử (công dân Mỹ, từ 18 tuổi trở lên) nhưng chỉ có 146 triệu cử tri đã đăng ký báo cáo. North Dakota là bang duy nhất các cử tri không cần đăng ký. 

Điều đặc biệt trong luật bầu cử Tổng thống của Mỹ là các cử tri (voter) không trực tiếp bầu Tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là lá phiếu phổ thông chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri (Elector) cho bang của mình. 

Nong truoc gio G: 5 su that it duoc biet den ve cuoc bau cu Tong thong My

Các đại cử tri tập hợp lại thành Cử tri đoàn (Electoral College) của bang. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó.

Ở Mỹ, bang California là bang đông dân nhất nước Mỹ, nên bang này có nhiều đại cử tri nhất: 55 đại cử tri, trong khi đó, có một số bang ít dân, chỉ có 3 đại cử tri. Toàn nước Mỹ có 538 đại cử tri, để trở thành Tổng thống, một ứng viên cần thu được 270 phiếu đại cử tri.

Trên thực tế, chế độ bầu cử qua đại cử tri có thể gây ra rắc rối. Các đại cử tri không bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết ủng hộ. 

Như vậy khi kết quả bầu cử quá sít so với ở bang nào đó, ứng cử viên kém thế phiếu hoàn toàn có thể tìm cách thuyết phục vài đại cử tri thay đổi ý kiến để bầu cho mình mà giành phần thắng. Do thực tế đó, đã có rất nhiều ý kiến về việc có nên duy trì chế độ bầu cử qua đại cử tri hay không.

2. Cuộc bầu luôn luôn diễn ra vào thứ Ba hàng năm

Quốc hội Mỹ năm 1845 thông qua một đạo luật liên bang chỉ định thứ ba đầu tiên sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 là ngày bầu cử tổng thống.

Nong truoc gio G: 5 su that it duoc biet den ve cuoc bau cu Tong thong My
Tổng thống Mỹ Obama bỏ phiếu sớm tại Chicago, Illinois ngày 7/10. Ảnh: Reuters

Nguyên nhân chọn ngày này xuất phát từ bối cảnh nông nghiệp của Mỹ thế kỷ 19. Trong những năm 1800, hầu hết công dân Mỹ là nông dân và sống xa nơi bỏ phiếu. Họ thường phải mất ít nhất một ngày để đến điểm bầu cử nên các nhà lập pháp cần phải tạo ra khoảng trống hai ngày để người dân di chuyển. Tổ chức vào dịp cuối tuần là bất hợp lý vì hầu hết mọi người đi nhà thờ vào Chủ nhật, còn thứ 4 là ngày họp chợ của nông dân. Vì vậy, thứ Ba là ngày thuận tiện nhất trong tuần để tổ chức bầu cử.

Tháng 11 được chọn vì đây là tháng nông nhàn. Nếu tổ chức vào mùa xuân và đầu mùa hè, cuộc bầu cử sẽ trùng với mùa gieo hạt. Vào cuối mùa hè và đầu mùa thu thì cuộc bầu cử sẽ trùng với mùa thu hoạch. Vì vậy, tháng 11 - thời điểm cuối mùa thu sau khi nông dân đã thu hoạch xong và trước khi đón mùa đông khắc nghiệt là lựa chọn tốt nhất.

Họ chọn ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 để tránh cuộc bầu cử rơi vào ngày 1/11, trùng vào ngày lễ các thánh (All Saints Day) và ngày mà các thương lái tổng kết doanh thu và công việc từ tháng trước. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra vào ngày 8/11. 

3. Có nhiều hơn hai đảng ra tranh cử tổng thống

Hệ thống chính trị Mỹ bị chi phối bởi hai bên với ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ luôn luôn giữ vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống, ngoại trừ một mùa, năm 1852. Tuy nhiên, vào năm 1912, cựu Tổng thống Theodore Roosevelt thiết lập ra Đảng Thăng Tiến sau khi mất sự đề cử của đảng Cộng hòa. Ngoài ông Donald Trump và bà Hillary Clinton cuộc bầu cử Mỹ còn có 2 đại diện của hai đảng khác cũng đang tranh cử tổng thống trong đó có cựu Thống đốc bang New Mexico Gary Johnson, đại diện cho đảng Tự Do  và bà Jill Stein của Đảng Xanh.

4. Người chiến thắng phải chờ 73 ngày mới chính thức được nhậm chức

Cuộc bầu cử có thể kết thúc vào lúc 23h (giờ Bờ Đông Hoa Kỳ) ngày 8/11  nhưng người chiến thắng phải chờ đợi 10 tuần mới chính thức được vào Nhà Trắng với tư cách tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 

Nong truoc gio G: 5 su that it duoc biet den ve cuoc bau cu Tong thong My

Sau ngày bầu cử, ứng viên đắc cử sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị làm tổng thống Mỹ, bao gồm hoàn thiện chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ. Họ nghe nhiều báo cáo chính sách và lựa chọn các thành viên chủ chốt của chính quyền sắp tới.

Người chiến thắng sẽ chỉ định chánh văn phòng Nhà Trắng, lựa chọn đội ngũ an ninh quốc gia và xây dựng nội các - bao gồm bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, tài chính cũng như tư pháp.


Những đề cử thường được đưa ra trong vài tuần sau ngày bầu cử. Tổng thống Barack Obama đã đề cử bà Hillary Clinton làm ngoại trưởng Mỹ vào ngày 1/12/2008.

Các đề cử nội các sau đó được xác nhận bởi thượng viện Mỹ và họ tuyên thệ nhậm chức sau lễ nhậm chức của tân tổng thống.

'Vịt què'

Ông Obama vẫn sẽ ở lại phòng Bầu dục sau ngày bầu cử, nhưng sẽ trở thành một tổng thống "vịt què".

Thuật ngữ "vịt què" được sử dụng để mô tả người vỡ nợ ở sàn chứng khoán London thế kỷ thứ 18 và sau đó du nhập vào từ vựng chính trị Mỹ, để chỉ quan chức vào cuối nhiệm kỳ, khi người kế nhiệm đã được chỉ định.

Như vậy, sau ngày bầu cử, ông Obama có 73 ngày để hoàn thành nốt những điều ông muốn làm. Ông có thể có những quyết định gây bất ngờ, chẳng hạn như việc làm dịu quan hệ ngoại giao với Cuba vào tháng 12 năm ngoái.

Nong truoc gio G: 5 su that it duoc biet den ve cuoc bau cu Tong thong My
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama

5. Khi nào biết kết quả?

Làng Dixville Notch ở bang New Hampshire được biết đến là một trong những nơi đầu tiên công bố kết quả - thường sớm hơn 24 giờ so với phần còn lại của đất nước.

Ngôi làng nhỏ ít dân này có truyền thống lâu đời là bỏ phiếu vào nửa đêm ngày 7-11 (giờ địa phương, tức 12 giờ ngày 8-11, giờ việt Nam), vài giờ trước khi các phòng phiếu chính thức mở cửa. Thường thì khoảng 1 phút sau khi bỏ phiếu, kết quả sẽ được công bố.

Đến khoảng 23 giờ ngày 8-11 ở bờ Đông (11 giờ ngày 9-11, giờ Việt Nam), người ta sẽ biết rõ phe nào đang thắng thế và chinh phục cột mốc 270 phiếu đại cử tri.

Một khi kết quả thắng thua trở nên rõ ràng, ứng viên thất bại sẽ gọi điện cho người chiến thắng để nhận thua. Cả hai ứng viên Clinton và Trump đều đọc diễn văn - một tuyên bố chiến thắng và một thừa nhận thất bại.

Dù vậy, vẫn có trường hợp như hồi năm 2000, chuyện thắng thua giữa 2 ứng viên Al Gore và George W. Bush vẫn chưa ngã ngũ vào cuối ngày bầu cử. Ngoài ra, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ không chấp nhận kết quả nếu bị thua - điều ông từng đe dọa khi vận động tranh cử.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI