Nông thôn mới chờ ngày về đích

22/05/2020 - 11:25

PNO - Nhiều năm qua, cụm từ “xây dựng nông thôn mới” đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người. Nhờ chương trình này mà bộ mặt 5 huyện ngoại thành TPHCM đã được cải thiện rõ nét; điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng chất và thay đổi. Thế nhưng mới đây, sau những kết luận của Thanh tra thành phố, câu chuyện xây dựng nông thôn mới vẫn có những nỗi buồn…

Đất cằn nở hoa… 

Về Cần Giờ, ghé xã Lý Nhơn, bùn lầy ngập nửa bánh xe; qua Tam Thôn Hiệp, cả đoàn phải xuống xe xúm vào đẩy; vào thăm mấy chị em người dân tộc Khơ-me ở khu Bà Xáng, xã Bình Khánh, đường đi cũng trắc trở…

Nhưng đó là chuyện của ngày xưa. Còn bây giờ, đường về Cần Giờ bon bon xe chạy… Chúng tôi ghé thăm vườn cây ăn trái kết hợp du lịch của gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Nương ở thị trấn Cần Thạnh. Hương nhãn, hương xoài làm dịu cái nắng tháng Năm. Bà Nương kể về hành trình thoát nghèo nơi vùng đất biển khô cằn với 50 triệu đồng vốn từ chương trình khuyến nông và sáu năm cho cuộc đổi đời với biết bao mồ hôi nước mắt.

Trên 2ha đất lúa, gia đình bà đã cải tạo thành vườn theo hướng phục vụ du lịch với các loại cây ăn trái như nhãn, xoài, ổi, mãng cầu và ao cá với ngót nghét 10.000 con cá chẽm, cá mú, cá nâu… Ngay bên sông Rạch Lở, bà đầu tư 44 vỉ nuôi hàu với sản lượng xấp xỉ 17 tấn/năm. Trung bình mỗi năm thu nhập gia đình bà Nương tăng thêm từ 70-100 triệu đồng. Bà Nương khiêm tốn: “Tôi thành nông dân sản xuất giỏi cũng nhờ có các anh em ngoài thị trấn động viên, chia sẻ kinh nghiệm”. 

Trên cánh đồng rau sạch, an toàn ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh
Trên cánh đồng rau sạch, an toàn ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh

Cũng như bà Nương, rất nhiều nông dân ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ… cũng “đổi đời” nhờ chương trình Xây dựng nông thôn mới. Niềm vui còn được nhân lên khi trạm xá, trường học đã về tận ngõ, ánh sáng và nước sạch đã đến từng nhà…

Nói như lão nông Hoàng Văn Hào ở Củ Chi: “Từ trước đến giờ cứ nghe “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thì bây giờ chương trình nông thôn mới là minh chứng”.

Những lực cản làm chậm tiến trình về đích

Bên cạnh những kết quả thì chương trình Xây dựng nông thôn mới cũng đang gặp nhiều trở ngại, thậm chí tai tiếng, nhất là ở hai huyện Bình Chánh và Củ Chi. 

Tại huyện Bình Chánh, việc thực hiện đề án Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 đã quá hạn 5 năm nhưng vẫn… chưa hoàn thành với 5 công trình chưa được nghiệm thu, 13 công trình chưa quyết toán. Việc khảo sát các công trình để đưa vào danh mục đầu tư xây dựng chưa chặt chẽ đã dẫn đến 31 công trình phải cắt khỏi danh mục thực hiện.

Chưa hết, theo Thanh tra thành phố, UBND huyện Củ Chi đã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng, vượt thu, kết dư ngân sách để chi cho những nội dung phát sinh ngoài dự toán. Tệ hơn, có đơn vị còn để tiền ngoài sổ sách… Theo thống kê, có 81 tài sản đất công bị sử dụng sai mục đích; 20/729 dự án không được thực hiện đúng đề án…

Nếu “vạch lá tìm sâu” thì câu chuyện xây dựng nông thôn mới sẽ còn rất nhiều chuyện để bàn và đáng bàn. Đó là những dự án đường sá như đường Tô Ký, Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn), Nữ Dân Công, Quách Điêu, Phạm Hùng (huyện Bình Chánh)… đang kéo lê từ năm này sang năm khác khiến người dân phải sống trong ô nhiễm nắng bụi, mưa ngập và bao nguy cơ bệnh tật…

Sự chậm trễ trong các dự án hạ tầng làm cho kết cấu hạ tầng của vùng nông thôn chưa bắt kịp tốc độ phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố. Ở một số huyện, hệ thống trường học các cấp chưa được quan tâm đầu tư theo yêu cầu mới; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng chưa được thực hiện; tình hình an ninh, trật tự xã hội vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp…

Nhưng gây bức xúc dư luận hơn cả là những sai phạm trong quản lý tài sản, đất đai, thu chi ngân sách, thất thoát tiền của Nhà nước… Chị Huỳnh Thị Tố Uyên - kỹ sư môi trường, cũng là một nông dân trồng rau sạch ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - trăn trở: “Tôi cứ bần thần, sao một chương trình tốt đẹp, nhân văn như chương trình Xây dựng nông thôn mới lại bị tai tiếng như vậy”.

Trăn trở ấy cũng là tâm tư của bao người khi thấy những ruộng đồng phì nhiêu thay vì phải là nơi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để cho ra các sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân thành phố thì lại bị lấp đầy bởi những ngôi nhà không phép.

Ông Tư, một lão nông lâu năm ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi ngậm ngùi: “Sống bao lâu nay ở đất này, tôi thấy việc xây dựng nông thôn mới đã giúp Nhuận Đức từng ngày thay da đổi thịt là có thật. Tôi thương từng anh em cán bộ khuyến nông tất tả với dân. Đó cũng là công việc khởi từ tâm của cả chính quyền và nhân dân. Ấy vậy mà lại có người sai phạm, nghe sao thật buồn!”.

Sáng 17/5, đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã về huyện Bình Chánh để thị sát chuyện xây nhà không phép ngay trên đất ruộng. Mong rằng tất cả những sai phạm rồi sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn, những cản ngại rồi sẽ bị đẩy lùi, để tiến trình xây dựng nông thôn mới mau về đích.

Chưa có nhiều kết quả đột phá trong nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất

Ngày 15/5, Đảng ủy khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo báo cáo, hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đều được thực hiện đạt và vượt, trong đó các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể thuộc khối đã tham gia khá hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, các đơn vị đã tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cơ giới hóa sản xuất, đổi mới sản xuất, liên kết sản xuất với mô hình cánh đồng lớn, sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tại TPHCM, các đơn vị thuộc Đảng bộ khối đã có nhiều công trình, việc làm cụ thể góp phần vào xây dựng nông thôn mới như hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo, bò tại huyện Củ Chi và chuyển giao giống cây trồng, vật nuôi, phân vi sinh và các sản phẩm khoa học phục vụ nông nghiệp, quy trình công nghệ chuyển đổi gen, nuôi cấy mô… cho nông dân… 

Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế trong công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao, chưa có nhiều kết quả đột phá. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đông nhưng thiếu các chuyên gia có trình độ cao, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, đào tạo còn lạc hậu, chưa theo kịp trình độ phát triển khoa học công nghệ hiện đại của thế giới và khu vực… 

Kéo giảm khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị

Theo ban chỉ đạo chương trình Xây dựng nông thôn mới của Thành ủy TPHCM, qua 10 năm thực hiện (2008-2018), khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị đã dần thu hẹp. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, chuẩn nghèo của thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm. Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện với tốc độ tăng năng suất lao động năm 2018 so với năm 2008 đạt 206,1%.

Mục tiêu của thành phố trong giai đoạn tới (sau năm 2020) là xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng giai cấp nông dân có trình độ, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa ở nông thôn; tiếp tục rút ngắn khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa nội thành và ngoại thành…

Nghi Anh

H. Chi - T. Ân - C. Thảo - M. Huê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI