Nông sản Việt - những lát cắt buồn: Lăn lóc theo dưa

30/11/2015 - 07:27

PNO - Trắng tay ở quê, họ chuyển sang làm dân du mục, thuê đất xứ người trồng dưa, rồi về quê làm thợ trả nợ dưa để "hát" tiếp khúc ca dưa...

Như bị trời đày, họ vẫn tiếp tục, dù đã phải trả giá nhà tan cửa nát, vợ chồng ly tán, nợ nần chất chồng. Làm thì mang nợ. Không làm càng mang nợ.

Dưa ăn... bò số đỏ

Khi tôi mở miệng muốn tìm hiểu chuyện khổ vì dưa hấu, thì ông Phạm Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Chương, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi gãi đầu: “Anh hỏi trúng chỗ rồi, dân tôi bạc tóc vì dưa.

Dân Bình Chương là dân... “Digan dưa”, 10 năm qua dạo khắp các vùng trồng dưa ở Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, rà một lát, chắc hẳn gom đầy tên chủ vườn là dân có hộ khẩu Bình Chương đi thuê đất trồng dưa. Để tôi và anh Oanh chủ tịch xã dẫn anh vào nhà ông Luyến, ông Hạnh, ông Hà Điền, vụ rồi bể đầu vì lỗ, mang thân từ Phú Yên, Đăk Lăk về làm hồ kiếm ít tiền trả lãi ngân hàng”.

Nong san Viet - nhung lat cat buon: Lan loc theo dua

Tiêu thụ nông sản không thể dựa vào lòng hảo tâm

Chẳng gặp được ai. Đang mùa xây dựng, đổi từ đứng cong lưng trên ruộng dưa quê khách, họ về cong lưng trộn hồ ở những công trình rải rác ngoài xã. Ngó qua bên kia đường nơi có một căn nhà đang xây, ông Hùng ới: “Lưu ơi, qua đây… tố khổ về dưa đi”.

Hai người đàn ông mặt mũi như sốt rét kinh niên chui ra từ giàn giáo. Anh Phạm Văn Thanh, thôn An Điềm 2, nói về món nợ như buộc phải kể, giọng ê chề mà không chút biểu cảm: “Tôi vừa về quê. Vụ vừa rồi hai anh em tôi làm 20 sào đất thuê ở Phú Yên, đầu tư mỗi sào 10 triệu đồng, dưa bán 1.000đ/kg, lỗ mỗi sào bảy triệu. Nợ bao nhiêu hả? Không rõ, vợ ở nhà chạy mượn gửi vô chứ tôi làm sao biết. Giờ về quê làm thợ hồ kiếm ít tiền trả lãi ngân hàng, mượn thêm tiền mua bò, chờ bò lớn, bán đi làm dưa tiếp”.

Ngồi kế bên, anh Lưu nhìn chăm chăm xuống đất. Gương mặt người thanh niên 28 tuổi buồn rười rượi: “Năm ngoái em thuê 1,6 ha đất ở Buôn Đôn (Đăk Lăk), đầu tư hơn 110 triệu, bán được hơn 70 triệu. Vụ tháng 3-6 này, thuê ở Phú Yên, đầu tư 43 triệu, bán được 11 triệu. Nợ hai ngân hàng, nợ trong nợ ngoài, vay Hội Nông dân, vay nóng, mẹ em đi vay, cứ mỗi lần bả gửi vào cho em khoảng ba chỉ vàng”.

Thì ra cha của Lưu là ông Luyến mà lúc nãy chúng tôi ghé nhà không gặp. Ông Luyến đi vào vùng sông Trà Khúc làm dưa thuê. Mẹ của Lưu cũng đi làm thuê khi lâm nợ.

Ông Lê Văn Hà, trưởng thôn An Điềm 2, cảm thán: “Cha con nó xác rác xơ rơ rồi!”. “Còn con bò nào ở nhà không ?”. Tôi nhìn Lưu, mắt anh như có mây đen bao phủ, cố tìm chút lấp loáng nơi đáy mắt như đọng chút hy vọng của ngày mai, ngày kia, ngày nào đó, món nợ không rõ bao nhiêu mà chắc chắn không nhỏ, sẽ bốc hơi dần khi dưa ra trái.

Giọng Lưu như thả bịch xuống nền xi măng bỏng rát: “Làm chi còn anh, bò bán được 30 triệu cũng bị dưa ăn mất rồi”. “Vì sao nợ miết, bể miết?”. Ông Thanh thõng tay như bất lực: “Mình làm cực thấy bà, mà bán thì giá thương lái nó quyết, 5 năm trở lại đây hễ được mùa là mất giá, rồi đang mùa nắng mà ngập lụt, hư hết”.

Nong san Viet - nhung lat cat buon: Lan loc theo dua
Gia đình bà Đông sợ dưa sẽ… ăn bò

Bình Chương là vùng nằm gần núi. Mười năm trước, bà con làm mía. Chữ đường nhảy như... vũ công, giá phập phù, nhiều người chuyển qua trồng dưa và trúng lớn. Thế là cả xã ồn ào vì dưa. Đất làm lúa ít, đất rừng không trồng được, họ tứ tán tha phương thuê đất trồng dưa.

Ông Hùng bí thư xã nói: “Xã có 1.700 hộ thì hơn 500 hộ đi tha phương trồng dưa. Riêng làng An Điềm 2 là đi hết. Giờ mà có người chết trong làng thì không biết lấy ai khiêng. Trúng thì sợ giá bị đạp xuống, cũng mất ngủ; không trúng thì bể đầu vì nợ, có người uống thuốc ngủ mà không ngủ được, rồi rước bệnh vô người vì suốt ngày cõng bình bơm thuốc trừ sâu trên lưng bởi dưa rất dễ bị bệnh”.

Ông Hiền, nguyên chủ tịch xã góp chuyện: “Hôm qua tôi gặp thằng Trung ở thôn Ngọc Trì, lỗ 200 triệu đồng, vừa tưới dưa vừa khóc”. “Khác chi đánh bạc hè?”, tôi lên tiếng. Ông Hiền quay ngay về phía tôi: “Đánh bạc chắc ăn hơn chứ. Ở đây mất dưa là vay tiền mua bò, mất dưa là mất bò. Anh trồng dưa mà kêu vợ bán bò đưa tiền là bả gật liền, chứ đánh bạc thì đừng hòng. Tôi đây trồng dưa 10 năm rồi, cũng khổ tận trời, đó, ông Dũng ở Hội Cựu chiến binh, nhảy vô làm một vụ lỗ ngay 60 triệu, vụ sau thụt cổ liền. Dưa ăn bò, ăn sổ đỏ, mà tiêu thụ thì cầu may, chờ thời”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI