Cuộc khủng hoảng dâu tây đã trở thành nỗi ám ảnh của các nông dân lẫn người tiêu dùng ở Úc hiện nay. Qua đó cho thấy thêm những bất trắc mà ngành nông nghiệp phải hứng chịu.
Hồi trung tuần tháng 9/2018, người tiêu dùng ở Úc phát hiện trong một số quả dâu tây bán trong siêu thị có ghim những cây kim khâu. Khi số lượng vụ phát hiện kim khâu tăng lên, người ta không còn coi đó là sự cố ngẫu nhiên và xui xẻo mới gặp nữa. Sau bang Queensland, toàn bộ 5 bang khác của Úc cũng có những vụ phát hiện kim khâu trong dâu tây bày bán.
|
Phát hiện một số quả dâu tây bán trong siêu thị tại Úc có ghim những cây kim khâu khiến nông dân trồng dâu lao đao |
Càng nguy hiểm hơn khi những thứ nguy hiểm chết người này lại nằm trong những hộp trái cây của những thương hiệu quen thuộc. Cảnh sát cho biết đang điều tra hơn 100 vụ kim khâu bị ghim trong dâu tây của 6 thương hiệu. Người ta lo ngại xảy ra hiệu ứng làm theo sau khi bang New South Wales phát hiện có kim khâu găm trong 1 quả xoài mua tại một siêu thị ở West Gosford.
Tình hình càng thêm nghiêm trọng khi có thêm nước New Zealand láng giềng phát hiện trường hợp có kim khâu ghim trong dâu tây nhập từ Úc. Tất nhiên, trong tình hình như hiện nay, họ sẽ phải hành động, có thể phải ngưng nhập dâu tây từ Úc. Một nhà bán lẻ ở New Zealand đã ngưng bán dâu tây nhập từ Úc.
Thủ tướng Úc Scott Morrison một mặt ra lệnh tập trung điều tra, mặt khác trấn an dư luận. Ông so sánh hành vi này như là một dạng khủng bố và thậm chí đề nghị tăng mức án phạt tù tối đa cho tội danh cố ý làm ô nhiễm nguồn thực phẩm này lên 15 năm (thay vì 10 năm trở lại như hiện nay).
Cảnh sát bang New South Wales (Úc) thông báo đã bắt được một nghi phạm là một nam thanh niên. Người này đã khai nhận và cho biết mình chỉ "làm trò đùa". Với quy mô vụ việc, người ta hồ nghi không phải chỉ có một thủ phạm. Và trong bối cảnh thế giới đầy những âm mưu như thế này, khó ai an tâm với lý do đây chỉ là một "trò đùa". Vì thế, nhà chức trách vẫn phải tiến hành cuộc điều tra mở rộng hơn và sâu hơn.
Hậu quả của vụ ghim kim vào dâu tây này cực kỳ nghiêm trọng. Những thương hiệu bị dính líu đã phải rút hết hàng hóa của mình khỏi các siêu thị và tiêu hủy chúng. Những nhà sản xuất và cung cấp dâu tây trên toàn nước Úc đã phải đổ bỏ vô số dâu tây đã thu hoạch. Người ta lo lắng rằng ngành sản xuất dâu tây trị giá 100 triệu USD của Úc có thể bị phá sản.
|
Dâu tây sau khi bị thu hồi phải đổ bỏ ở Úc trong cuộc khủng hoảng ghim kim khâu vào dâu tây |
Báo Úc The Advertiser cho biết các siêu thị lớn và những nhà trồng dâu tây lớn đã phải tăng cường các biện pháp an ninh mới, trong đó có việc trang bị các thiết bị dò tìm kim loại để kiểm tra nông sản. Thậm chí, người ta còn đề nghị sử dụng cả các biện pháp như chiếu X quang, đóng gói nông sản bằng những kỹ thuật ngăn chặn bị mở ra trước khi tới người tiêu dùng.
Ngay cả hệ thống bán lẻ khổng lồ Woolworths của Úc cũng đã quyết định tạm ngưng bán toàn bộ các loại kim khâu trong các cửa hàng của mình, kể cả bán online.
Cuộc khủng hoảng dâu tây này không chỉ đóng khung ở Úc hay New Zealand. Nó đã lan rộng tới các nước trước nay nhập khẩu dâu tây từ Úc, như các bạn hàng chủ yếu là Hong Kong, Malaysia, Singapore, Thái Lan, UAE… Một số nhà nhập khẩu ở Nga và Anh cũng đã loan báo ngưng nhập dâu tây từ Úc.
Điều này không chỉ có nghĩa là làm giảm thu nhập từ xuất khẩu dâu tây của Úc mà còn có nguy cơ đưa các loại nông sản khác của nước này vào tình trạng bị dè chừng, lo ngại. Hậu quả thật khôn lường khi Úc là một nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn. Nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan kiếm được khoảng 155 tỉ USD một năm (chiếm 12% GDP). Nông dân Úc làm chủ hơn 135.000 trang trại trải rộng trên 61% lãnh thổ nước này.
Cuộc khủng hoảng dâu tây ở Úc này rõ ràng là một bài học mới nhất cho các nước khác. Chắc chắn là nó có thể xảy ra ở bất cứ nước nào. Và một lần nữa, nó cho thấy sự mong manh, dễ bị tổn thương của ngành sản xuất nông sản vốn làm ra lương thực, thực phẩm cho con người.
Trong những năm qua, ngành nông hải sản ở Việt Nam cũng đã có quá nhiều phen lao đao, xính vính khiến nhiều nông dân khốn đốn lên bờ, xuống ruộng. Ở đây chúng ta không nói về những chiêu trò gian lận mà chủ yếu là của thương lái trung gian làm giảm giá trị hay thậm chí giết chết những loại nông hải sản Việt Nam. Chẳng hạn như chiêu trò đóng đinh vào tôm xuất khẩu để tăng trọng lượng từng làm ngành nuôi và xuất khẩu tôm bị điêu đứng.
|
Mặt hàng gạo là loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng nhiều phen khốn đốn vì những tin đồn |
Ngay cả trong thời đại của mạng truyền thông xã hội, ngành sản xuất nông sản Việt Nam cũng không ít phen lao đao vì những tin đồn thất thiệt khiến người dùng lo sợ mà tránh xa những nông sản nạn nhân. Chẳng hạn như những tin đồn nhanh chóng được truyền nhau phát tán trên mạng về chuyện ăn chuối, bưởi, bắp… có thể bị ung thư.
Ngay cả mặt hàng gạo là loại nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng nhiều phen khốn đốn vì những tin đồn như gạo cao su, gạo bị biến màu… Những tin đồn đó cũng gây tác hại như những cây kim ghim trong quả dâu tây ở Úc.
Vấn nạn nằm ở chỗ nông sản có quá nhiều nguy cơ và người ta rất khó lường về những chiêu trò, đòn phép nhắm vào nông sản. Không chỉ có bọn làm ăn bất chính, cạnh tranh bẩn thỉu, hoặc tệ hơn nữa là những thế lực phá hoại, mà còn có cả những kẻ vô ý thức có thể gây nguy hại cho các loại nông sản. Có thể nói rằng thường thì người ta bị lâm vào tình thế phải chữa cháy và giải quyết hậu quả.
Vì thế, rất cần và cần ngay những giải pháp bảo vệ nông sản ngay từ chính nhà nước. Chẳng hạn như có cơ chế phòng chống khủng hoảng thích hợp để có thể phản ứng ngay lập tức và hữu hiệu khi xảy ra những sự cố.
Nhà chức trách cần huy động sức mạnh của truyền thông đa diện và đa nền tảng để cung cấp thông tin xác thực và cảnh báo người dân khi có sự cố về nông sản. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa những kẻ cố tình làm tổn hại tới giá trị của nông sản – một dạng phá hoại kinh tế và gây nguy hiểm cho con người.
Phạm Hồng Phước