Nông sản, thực phẩm muốn vào TP.HCM tiêu thụ phải nâng chuẩn

26/09/2019 - 17:31

PNO - Yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, đòi hỏi hàng hóa, nông sản từ các địa phương đưa về tiêu thụ tại TP.HCM phải thay đổi về tiêu chuẩn chất lượng.

Đó là một trong những nội dung được Sở Công thương TP.HCM đề cập tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2019 diễn ra tại TP.HCM ngày 26/9.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đây là lần thứ 7  trong 7 năm liên tiếp chương trình kết nối được TP.HCM tổ chức, tuy nhiên cung - cầu vẫn còn rất nhiều hạn chế. 

Nong san, thuc pham muon vao TP.HCM tieu thu phai nang chuan
Các sản phẩm tham gia chương trình kết nối cung cầu phải đảm bảo an toàn, chất lượng

Nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại. 

Đồng thời, các đơn vị sản xuất này cũng chưa có điều kiện tiếp cận được quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn tiếp nhận hàng hóa tại các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM.

Nong san, thuc pham muon vao TP.HCM tieu thu phai nang chuan
Chương trình kết nối cung cầu thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với nhiều sản phẩm phong phú

Về phía các nhà cung cấp đến từ nhiều địa phương trong nước cũng có ý kiến cho rằng, TP.HCM cần đẩy mạnh vận động tất cả hệ thống phân phối hiện đại, các chợ đầu mối tham gia thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đối với sản phẩm mới đặc trưng vùng miền hướng đến triển khai sâu rộng trong hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp; tham gia sử dụng các sản phẩm nông sản thực phẩm có chất lượng cao, ổn định; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá.

Để thực hiện được điều này thì các tỉnh, thành, vùng nguyên liệu cần quy hoạch sản xuất, lựa chọn nhà cung cấp, kiểm soát sản xuất; tuyên truyền vận động tham gia, thực hiện sản xuất, cung ứng đúng yêu cầu thị trường, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn.

Phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm; phấn đấu 100% hàng hóa được sơ chế trước khi đưa vào kinh doanh tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố.

Nong san, thuc pham muon vao TP.HCM tieu thu phai nang chuan
Nhiều đơn vị phân phối quan tâm đến các đặc sản vùng miền

Ngoài ra, các hệ thống phân phối của thành phố sẽ phải thống nhất phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu; chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ, ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và sẽ được thành phố hỗ trợ quảng bá, từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và người tiêu dùng. Các địa phương cần phát triển HTX và tổ hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động để HTX đủ sức đảm đương vai trò.

Sở Công thương TP.HCM dự kiến, sẽ có khoảng 500 hợp đồng hợp tác sẽ được ký kết cung - cầu hàng hóa giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối trong năm nay. Chỉ trong sáng 26/9, đã có hơn 300 hợp đồng cung – cầu đã được ký kết.

Trong mối liên kết cung cầu, các DN cần tăng cường công tác mở rộng thị trường trong nước, đầu tư để xây dựng thương hiệu cho hàng Việt; phát triển đa dạng loại hình DN, đổi mới hình thức kinh doanh và kết nối trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Để chương trình kết nối cung- cầu đạt hiệu quả, các DN cần kết hợp với chương trình bình ổn thị trường, chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là dịp cuối năm, lễ tết...

Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI