Nông sản ngoài vùng dịch cũng xếp lớp chờ “giải cứu”, có bất thường?

01/03/2021 - 06:57

PNO - Rau, củ, quả tại tỉnh Hải Dương hiện đang ùn ứ, không bán được do ảnh hưởng của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi đó, nông sản ở những địa phương ngoài vùng dịch như TP.Hà Nội, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đồng Nai cũng trông chờ được giải cứu.

“Giải cứu” không xuể

Trái với sự thiếu hụt, tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản thường diễn ra sau Tết Nguyên đán hằng năm tại các thành phố lớn, năm nay, trên nhiều tuyến đường của TPHCM, nhiều mặt hàng nông sản được chất đống trên vỉa hè với lời kêu gọi mua “giải cứu”.

Tại góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, Q.1, trong nhiều ngày liên tục, các loại rau củ Đà Lạt như cải thảo, cà rốt được đóng bịch, chất đống, bán đồng giá 10.000 đồng/kg. Nếu mua theo tấn, giá nhiều loại rau, củ chỉ còn 2.000 đồng/kg.

Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng - chủ nhà hàng Mãn Tự, Q.1, người đứng ra tổ chức bán “giải cứu” số nông sản này - cho biết, chị đã thuê xe, vận chuyển 12 tấn rau, củ, quả từ Đà Lạt về TPHCM bán nhằm hỗ trợ nông dân, bởi rau đến kỳ thu hoạch mà thương lái không thu mua, hoặc ép giá thấp đến mức không bằng tiền công thu hoạch. 

“Sau khi bán toàn bộ số rau, trừ đi chi phí vận chuyển, tôi chuyển lại tiền cho nông dân mua hạt giống để chuẩn bị mùa vụ sau. Không chỉ nông dân Lâm Đồng mà nông dân tại miền Tây cũng liên hệ với tôi để nhờ giải cứu nông sản” - chị Phượng chia sẻ. 

 

 

Rau củ Đà Lạt được xếp đống trên vỉa hè ở TP.HCM cách đây ít ngày chờ “giải cứu”
Rau củ Đà Lạt được xếp đống trên vỉa hè ở TPHCM cách đây ít ngày chờ “giải cứu”

Ngoài nông dân ở TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), nông dân nhiều vùng trồng ở miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng rơi vào cảnh bị thương lái bỏ lơ hoặc ép giá. Nhiều loại rau đến ngày thu hoạch nhưng nông dân đành bỏ mặc, hoặc nhổ làm thức ăn cho gia súc, ủ làm phân bón.

Tại các xã Tiền Yên, Song Phương, H.Hoài Đức, TP. Hà Nội, những ngày qua, bắp cải, su hào, súp lơ... bị nhổ bỏ, xếp đống ngoài đồng ruộng. Theo các hộ nông dân tại đây, giá cải cúc trước tết 5.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg, giá bắp cải từ 10.000 đồng/kg hiện xuống còn 500 đồng/kg; giá su hào từ 15.000 đồng/kg nay giảm còn 7.000-8.000 đồng/kg, tương đương 2.000-3.000 đồng/củ. 

Ở vùng trồng rau lớn thuộc H.Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, giá nhiều loại rau, củ tại vườn chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, nhưng vẫn không có người mua. Với 20 năm trồng rau, bà Nguyễn Thị Phụ - 69 tuổi, trú tại khu Tân Tiến, thị trấn Ea Pốk, H.Cư M’gar - cho biết, chưa bao giờ rơi vào tình cảnh như thế này. Khoảng 170 hộ trồng với diện tích 30ha đã phá bỏ khoảng 400 tấn rau, củ các loại hoặc đem cho gia súc, gia cầm ăn.

Tại H.Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, bưởi đào của nông dân cũng không bán được. Hàng trăm tấn bưởi được đưa về TPHCM kêu gọi “giải cứu” với giá 15.000 đồng/kg. Ông Ngô Xuân Chinh - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - cho biết, dịch COVID-19 bùng phát trước tết, rơi vào đợt cao điểm tiêu thụ khiến đầu ra gần như không có. Mọi năm, giá bưởi đào bình quân 25.000 đồng/kg, thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 17.000-18.000 đồng/kg nhưng năm nay, giá rớt quá nửa mà không ai mua. 

Cần có sự điều chỉnh về sản xuất 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc nông sản mất giá hiện nay chủ yếu do ảnh hưởng liên đới của dịch COVID-19, khiến chuỗi cung ứng đứt gãy. Ngoài tỉnh Hải Dương, hoạt động giao thông, vận chuyển, mua bán tại các tỉnh, thành vẫn diễn ra bình thường, nhưng tại sao nông sản vẫn ùn ứ?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng, không có gì bất thường khi nông sản không thuộc vùng dịch vẫn xếp hàng chờ “giải cứu”. Có hai lý do khiến nông sản bị ảnh hưởng: một là, trong vùng dịch tỉnh Hải Dương, do phong tỏa, người dân không thể ra đồng, nông sản không thuận tiện để đi sang các tỉnh, thành xung quanh; hai là, thị trường thế giới đang trong trạng thái ngừng trệ, sức mua thấp và biên giới, cửa khẩu nhiều nước đã đóng cửa, hàng nông sản Việt Nam không thể xuất khẩu được.

“Người ta có thể tạm ngừng sản xuất, trữ kho đối với các loại hàng hóa công nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ, nhưng không thể lưu trữ nông sản lâu dài. Do đó, không chỉ các địa phương bị phong tỏa mà cả nước, nhất là các vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu đều gặp khó khăn” - ông Sơn nhận định.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trọng Nguyên - nguyên Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đánh giá, vấn đề nằm ở đầu ra; nếu tháo gỡ được khâu lưu thông hàng hóa, sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ. Sau khi dịch bệnh nổ ra, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu nông sản Việt Nam khiến đầu ra trì trệ. “Chưa nói đến các vấn đề lớn hơn, riêng khâu lưu thông từ vùng này sang vùng khác, từ nước này sang nước khác đã bị hạn chế, nên không có gì bất thường trong việc nông sản ùn ứ, mong chờ “giải cứu”. Đây là khó khăn chung trong tình hình COVID-19” - ông Nguyên nói. 

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, dịch COVID-19 chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng đến việc tái sản xuất của nông dân trong các vụ sau. Đây là tình hình chung của thế giới, không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà ngành công nghiệp, dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng liên tiếp trong nhiều năm. Nếu Việt Nam tiếp tục chạy theo sản lượng, có thể sẽ gặp tình trạng thừa cung, tắc nghẽn về đầu ra. Do đó, theo ông, giải pháp trước mắt là phân tích, đánh giá lại thị trường để có sự điều chỉnh về sản xuất, theo hướng tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, giảm các mặt hàng mỹ phẩm, trang trí. Hoạt động vận chuyển cũng cần được tính toán lại: nếu đường sắt, đường bộ bị cản trở thì cần tính đến đường biển, đường hàng không. 

“Về lâu dài, chúng ta cần tính đến trường hợp loài người sẽ đối mặt với thiên tai, dịch bệnh thường xuyên hơn. Do đó, phải bố trí sản xuất theo hướng đa dạng, bền vững, đi kèm giải pháp xử lý tổng hợp chứ không giải cứu từng ngành hàng riêng lẻ” - tiến sĩ Đặng Kim Sơn nói thêm. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI