Ngon thôi, chưa đủ
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, gần đây, dư luận chú ý đến sự kiện dưa hấu tại tỉnh Quảng Nam được các thương lái yêu cầu dán tem có chữ Trung Quốc trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, phía Trung Quốc “làm khó” nông sản Việt Nam, nhưng thực ra đây là quy định được cả phía Việt Nam và Trung Quốc chấp thuận từ trước đó và đều dành thời gian để nông dân, doanh nghiệp có sự chuẩn bị.
Việc truy xuất nguồn gốc là xu hướng tất yếu trong phân phối, tiêu thụ nông sản, thực phẩm hiện nay nhằm bảo đảm an toàn trong từng khâu và có thể dễ dàng truy tìm nguyên nhân khi xảy ra rủi ro. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng muốn loại trừ những nông sản, thực phẩm từ nước thứ ba nhập về Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc. Việt Nam cũng yêu cầu nông sản từ Trung Quốc khi đưa vào Việt Nam phải truy xuất được nguồn gốc. Thêm vào đó, ngay tại thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng đòi hỏi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản phải bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất được nguồn gốc.
|
Người tiêu dùng tại TP.HCM xếp hàng chờ mua thịt heo VietGAP lần đầu tiên bán ra chợ Hòa Bình |
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho hay, để bảo đảm thực phẩm an toàn khi đến tay người tiêu dùng, sở này yêu cầu tất cả nông sản, thực phẩm từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng trung tâm thương mại, shop trực tuyến) phải có chứng nhận VietGAP. Yêu cầu này cũng sẽ được áp dụng tại các chợ đầu mối để trong tương lai gần, toàn bộ nông sản, thực phẩm tiêu thụ tại thị trường TP.HCM phải đạt tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về thực hành nông nghiệp tốt).
Theo ông Hòa, hiện vẫn có đến 80% nông sản, thực phẩm tại TP.HCM được phân phối qua các chợ nhỏ (kênh truyền thống), nhưng kênh phân phối hiện đại cũng liên tục gia tăng về mật độ, quy mô do sự đầu tư mạnh tay từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Tiêu dùng từ những kênh bán lẻ hiện đại sẽ ngày càng phổ biến nên nếu không có sự đồng đều về chất lượng, nông sản, thực phẩm từ các địa phương sẽ khó thành công ngay với thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu” - ông Hòa cảnh báo.
Đồng quan điểm, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Tiến Khai - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng, ngay cả châu Âu - nơi có tiêu chuẩn tiêu dùng nghiêm ngặt hàng đầu thế giới - ban đầu cũng áp dụng tiêu chuẩn châu Âu (EuroGAP), sau đó mới áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) khi đưa nông sản ra thị trường. Việt Nam có thể làm theo cách này, ban đầu yêu cầu đạt chuẩn VietGAP, dần dần yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Mai Thành Phụng (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), những năm gần đây, nông sản từ các nhà vườn Việt Nam đã có mặt trong hệ thống bán lẻ hiện đại và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU nhưng đến nay, chỉ khoảng 10% nông sản của Việt Nam có chứng nhận xuất xứ.
Liên kết và giữ chữ tín
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) - cho biết, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các nước, đồng thời ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ tại Việt Nam, nhưng theo một khảo sát mới đây của AVR và VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), ngay ở các siêu thị do nước ngoài đầu tư, hàng Việt vẫn chiếm đến 65-75%. Hơn nữa, ngày càng có nhiều nông sản, thực phẩm từ các địa phương khắp cả nước xuất được sang các nước thông qua các nhà bán lẻ như Big C, Aeon, MM Mega Market (Metro trước đây). Bà Loan cho rằng, rất nhiều địa phương trong nước coi nông sản vùng miền mình là niềm tự hào, nhưng sẽ khó để các đặc sản đó phát huy hết những giá trị nếu chúng không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, độ an toàn hay yêu cầu về nguồn gốc. Sản phẩm muốn đi xa, chắc chắn phải đáp ứng những yêu cầu đó như là những yêu cầu tối thiểu.
Trái vú sữa Sóc Trăng được xuất khẩu sang Mỹ
|
|
Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM - nông dân hoàn toàn có khả năng nâng cấp chất lượng sản phẩm của mình theo yêu cầu của doanh nghiệp, nhà phân phối, nhưng luôn lo ngại rủi ro về tiêu thụ. Để làm ra sản phẩm đạt chuẩn, thời gian, công sức, vốn đầu tư sẽ nhiều hơn, nhưng sản phẩm làm ra đôi khi lại không biết bán đi đâu, cuối cùng phải bán cho thương lái như hàng trôi nổi. Đồng cảm với băn khoăn của bà Mai, phó giáo sư - tiến sĩ Mai Thành Phụng cho rằng, đã có nhiều chương trình kết nối nông dân với doanh nghiệp và nhà bán lẻ nhưng thành công còn hạn chế. Doanh nghiệp phàn nàn rằng, nông dân dễ “bẻ kèo” khi thấy giá lên khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, nông dân thì nghi ngờ doanh nghiệp tìm cách ép giá; chỉ một số nông dân thành công thực sự nhờ mạnh dạn đầu tư làm trang trại, tự tìm kiếm thị trường.
Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hiện có khá nhiều công cụ hỗ trợ nông dân, giúp họ tiếp cận với doanh nghiệp, nhà bán lẻ và thậm chí xuất khẩu, với yêu cầu nông dân sử dụng được internet. Ngoài ra, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước hiện cũng đang đẩy mạnh các chương trình liên kết để ổn định nguồn hàng cho mình và giúp nhà nông bán được sản phẩm đạt chuẩn.
Theo đại diện Công ty Chăn nuôi gia cầm Long Bình (tỉnh Đồng Nai), việc tiêu chuẩn hóa chất lượng và yêu cầu về nguồn gốc nông sản là xu hướng tiêu dùng tất yếu. Yêu cầu này giúp nhà nông bán được sản phẩm cho nhiều kênh khác nhau. Nhưng hiện nay, hộ nông dân, doanh nghiệp đang phải chịu những chi phí không đáng có. Chẳng hạn như, mỗi tháng, để bán khoảng 2.000 con gà thịt vào TP.HCM, công ty ông phải bỏ ra 20-30 triệu đồng tiền mua tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chi phí này sẽ giảm đáng kể nếu để doanh nghiệp tự in tem.
Đăng Thư