Nông nghiệp TPHCM “nhỏ nhưng có võ”

04/11/2024 - 06:32

PNO - Chỉ sở hữu vườn rộng một vài ngàn mét vuông nhưng không ít chủ vườn ở TPHCM lại thu bạc tỉ mỗi năm nhờ chọn loài cây, con phù hợp và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Làm nông nghiệp thông minh

Sở hữu khu đất khoảng 8.000m2 ở xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Thọ trồng hơn 200.000 cây lan dendro nhiều chủng loại, màu sắc, theo hướng công nghệ cao: trồng trong nhà lưới có gắn hệ thống tưới tự động và quản lý vườn trên điện thoại thông minh. Có năm, ông thu gần 6 tỉ đồng tiền bán hoa lan.

Ở TP Thủ Đức, năm 2019, anh Lâm Ngọc Tuấn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc để trồng rau thủy canh trong nhà kính với 6 xã viên, tổng diện tích đất chỉ 1,05ha. Diện tích nhỏ nhưng sản lượng các loại rau ăn lá lên tới 300 tấn/năm, doanh thu gần 5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thọ, anh Lâm Ngọc Tuấn chỉ là 2 trong nhiều người ở TPHCM kiếm được doanh thu cao từ nông nghiệp. Ngoài sự năng động, sáng tạo, cố gắng của chính họ, kết quả này còn đến từ chủ trương xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao của Đảng bộ, chính quyền thành phố từ 20 năm trước.

Đến nay, hiếm địa phương nào có sự liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) chặt chẽ, hiệu quả như chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM là địa điểm tham quan của học sinh các trường  phổ thông ở TPHCM - Nguồn ảnh: Fanpage Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM là địa điểm tham quan của học sinh các trường phổ thông ở TPHCM - Nguồn ảnh: Fanpage Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM

Đầu những năm 2000, TPHCM bắt đầu đô thị hóa với tốc độ chóng mặt, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần. Làm sao để làm nông nghiệp hiệu quả trên diện tích đất hạn hẹp? Đảng bộ, chính quyền thành phố đã xác định mô hình nông nghiệp đô thị, đòi hỏi hàm lượng sáng tạo cao, trong đó khoa học và công nghệ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Năm 2004, UBND TPHCM đã ra quyết định thành lập Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM (AHTP) rộng 88,17ha ở huyện Củ Chi và trung tâm công nghệ sinh học rộng 23ha ở quận 12 nhằm phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Kèm theo đó là hàng loạt chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và tạo ra các sản phẩm công nghệ cao phục vụ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm an toàn.

Các đơn vị, chương trình trên đều hướng đến mục tiêu đưa TPHCM trở thành trung tâm sản xuất giống cây, con chất lượng cao không chỉ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của TPHCM mà còn cho các tỉnh.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao được ví như “đầu não” tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, nông dân, trong đó tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TPHCM như hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, rau ăn lá, rau ăn quả, cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu, thủy sản và chế phẩm sinh học ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trung tâm công nghệ sinh học đã tạo được các giống hoa lan, dưa lưới mới, các kit phát hiện vi rút gây bệnh trên cây trồng, các dòng hoa lan kháng vi rút, các chế phẩm sinh học phòng và trị bệnh do vi rút ở gia cầm và heo, vắc xin phòng bệnh cho cá tra. Trung tâm còn sản xuất dầu gội thảo dược, sữa tắm nano bạc, gel vệ sinh, serum tế bào gốc nhung hươu, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Từ sự chuyển giao giống, kỹ thuật của các khu và trung tâm trên, người làm nông nghiệp ở TPHCM có thêm những giống cá kiểng mới để xuất khẩu, những giống rau có khả năng chống chịu cao, ngăn ngừa được sâu bệnh và có thể trồng được trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn, ngập úng do triều cường, những giống lan siêng hoa, kháng bệnh tốt. Các khu và trung tâm trên cũng là địa điểm tham quan, học tập của nông dân hoặc người muốn khởi nghiệp bằng nông nghiệp.

Tăng giá trị trên đất

Việc định hướng làm nông nghiệp công nghệ cao từ hơn 20 năm trước đã giúp tăng giá trị trên đất dù rằng đất nông nghiệp vẫn tiếp tục giảm hằng năm. Trong giai đoạn 2010-2015, mỗi năm, TPHCM giảm 700ha đất nông nghiệp; trong giai đoạn 2015-2020, mỗi năm giảm 1.000ha. Nhưng nếu như năm 2015, giá trị từ sản xuất nông nghiệp là 375 triệu đồng/ha/năm thì từ năm 2016-2020 đã tăng lên 500 triệu đồng/ha/năm và năm 2023 đạt 590 triệu đồng/ha/năm.

Nếu đem so sánh cùng diện tích đất, trồng cùng loài cây hay nuôi cùng loài con thì giữa TPHCM với nhiều tỉnh, thành sẽ có sự chênh lệch giá trị. Chẳng hạn, khi trồng rau ăn lá (rau muống, cải ngọt, mồng tơi…), lợi nhuận thu được ở nhiều tỉnh chỉ trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm thì ở TPHCM là khoảng 805 triệu đồng/ha/năm.

Một số loài rau cho trái như dưa leo, bầu, bí, khổ qua ở TPHCM đang cho lợi nhuận khoảng 365 triệu đồng/ha/năm; còn lan mokara, dendro thì cho lợi nhuận hơn 1,2 tỉ đồng/ha/năm; tôm thẻ cho lợi nhuận bình quân hơn 1 tỉ đồng/ha/năm…

Ngành nông nghiệp TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị sản xuất trên mỗi héc ta đất nông nghiệp đạt bình quân 900 triệu đến 1 tỉ đồng; Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM cũng phát triển thành trung tâm đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, trở thành hạt nhân của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố theo hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Nhân giống bằng nuôi cấy mô ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM
Nhân giống bằng nuôi cấy mô ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Trong giai đoạn này, thành phố sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; từng bước hình thành trung tâm sản xuất cây, con giống cung cấp cho cả khu vực phía Nam; phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực.

Hiện có hàng chục sản phẩm nông nghiệp là kết quả các công trình nghiên cứu công nghệ cao đang trong quá trình chuyển giao, ứng dụng, như quy trình trồng tảo xoắn spirulina (còn được gọi là tảo Nhật Bản) trong hệ thống ống kính ứng dụng công nghệ IoT của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM; hệ thống trồng rau ăn lá theo mô hình khí canh trụ đứng phù hợp với không gian nhỏ hẹp như sân thượng, ban công; mô hình nuôi ba ba trong bể kính bằng hệ thống tuần hoàn, nuôi cua biển trong hộp nhựa…

Những cách làm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực vốn không phải là sở trường của TPHCM rõ ràng đang tạo ra những giá trị tích cực. Ngành nông nghiệp TPHCM đang từng bước chứng minh, có thể thu lợi cao từ cách làm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, thuận tự nhiên, giảm tác động xấu đến môi trường.

Thư Hùng

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI