Nông nghiệp tính chuyện khi hết dịch COVID-19

13/03/2020 - 07:06

PNO - Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, doanh nghiệp và nông dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo chuẩn bị đủ nguồn lương thực trong thời điểm dịch và sau dịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), ngành nông nghiệp có đặc thù hơn các lĩnh vực khác nên ảnh hưởng từ dịch COVID-19 cũng khác. Chẳng hạn, nếu trong dịch ngành du lịch bị ảnh hưởng vì khách không đi du lịch, thì gián đoạn này sẽ được phục hồi sau khi hết dịch; tuy nhiên với ngành nông nghiệp, trong mùa dịch và sau dịch bệnh, nhu cầu về lương thực lại cao hơn bình thường. 

Sau khi thông tin về bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 17 được công bố, sáng ngày 7/3 nhiều người dân TPHCM đã đến siêu thị mua thực phẩm tích trữ - Ảnh: Quốc Thái
Sau khi thông tin về bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 17 được công bố, sáng ngày 7/3 nhiều người dân TPHCM đã đến siêu thị mua thực phẩm tích trữ - Ảnh: Quốc Thái

Ông Cường dẫn chứng, vừa qua khi xuất hiện bệnh nhân nhiễm COVID-19 thứ 17 nhiều người dân đã đổ xô đi mua đủ thực phẩm tích trữ khiến ngành lương thực thực phẩm căng thẳng. Điều này cho thấy, việc sản xuất lương thực thực phẩm là rất quan trọng. Do đó, theo ông Cường, trong thời điểm này cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị cho cả trong và sau dịch; không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cho xuất khẩu (nông nghiệp xuất khẩu 41 tỷ USD/năm).

Trong giai đoạn này, không chỉ đối mặt với dịch COVID-19, ngành nông nghiệp trong nước hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khác như biến đổi khí hậu, hạn mặn cả ba miền, dịch tả heo châu Phi, cúm gia cầm H5N1, H5N6…  Do đó các doanh nghiệp, người dân, toàn ngành cần khắc phục khó khăn, nỗ lực thúc đẩy sản xuất để đủ lương thực thực phẩm cho thị trường.

Về phát triển lĩnh vực trồng trọt trong thời gian tới, mục tiêu của ngành là chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Mặc dù hạn ngập mặn thời gian qua nhưng nhìn chung sản lượng đạt được rất tốt. Tính tổng sản lượng đã gặt hái, đã thu và chuẩn bị thu là trên 20 triệu tấn (trung bình 5,9-7 tấn/héc ta). Nhưng từ thành quả vụ một, cần phải nhìn trước thách thức vụ hai để chuẩn bị có kế sách. Nếu có giải pháp tốt, tổng thể cùng đồng lòng thì sẽ đạt được hiệu quả mặc dù rất khó khăn.  

“Phải đạt được 43-44 triệu tấn lương thực thì mới cung ứng đủ lương thực cho 100 triệu dân và đủ chỉ tiêu xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn. Riêng thịt thì phải đảm bảo đủ 5,6-5,8 triệu tấn thịt các loại. Đây là một thách thức "kép" nên phải phấn đấu mục tiêu kép. Để đảm bảo được mục tiêu đó thì phải sớm nhận diện rõ nguy cơ thách thức để đề ra giải pháp cụ thể. Tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ, cả nhà nước, cả doanh nghiệp, cả người dân, đồng thời phải phát hiện được những lợi thế để biến nguy thành cơ, khai thác tất cả cơ hội mới xuất hiện”, ông Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại hội nghị.

Riêng lĩnh vực thủy sản, mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch COVID-19, giá cá tra giảm, xâm nhập mặn. Nhưng với các điều kiện thuận lợi như giá nhiên liệu giảm, các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra và các sản phẩm bộ cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cạnh tranh hơn, trong đó có việc mở lại thị trường Ả rập Xê-út.

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các hội nghị về tôm, cá tra, dây chuyền sản xuất. Các hội nghị này chắc chắn sẽ thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới. Ông Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ cùng Bộ Công thương mở rộng thị trường đến Nga, Braxin và nhiều thị trường khác. Đồng thời sẽ làm việc sâu sắc hơn với thị trường Trung Quốc, đảm bảo thông thương hàng hóa đến nước này như trước khi xuất hiện dịch. Sẽ xúc tiến đàm phán để Trung Quốc chấp nhận những nông sản mới của Việt Nam như khoai lang, chanh leo, sầu riêng và nhiều nông sản khác. 

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều vấn đề như mở rộng thị trường, giảm thuế, hỗ trợ vốn, bảo hiểm…  Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, về giảm thuế, hỗ trợ vốn, Chính phủ sẽ sớm ban hành chính sách; các bộ, ngành liên quan sẽ ban hành thông tư hướng dẫn chế độ ưu đãi. Về những ý kiến khác, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI