Giá nào cũng có
Trong nhóm Facebook “Hội luyện thi vào lớp 6 Trần Đại Nghĩa” (TPHCM) với hơn 15.000 thành viên, nhóm “Ôn thi vào lớp 6 chất lượng cao…” (TP Hà Nội) với 76.300 thành viên, cứ cách vài giờ lại có 1 phụ huynh vào hỏi cách ôn luyện, tìm giáo viên, trung tâm luyện thi cho con. Dưới bài đăng là hàng loạt bình luận quảng bá lớp học, khóa học của giáo viên, trung tâm luyện thi… Theo lời quảng bá, tùy theo số lượng học sinh và thời gian học, học phí dao động từ 70.000 đồng đến hơn 9 triệu đồng.
|
Có rất nhiều quảng cáo ôn thi vào lớp Sáu các trường có tiếng trên nhiều hội nhóm - Ảnh chụp màn hình |
Trong vai một phụ huynh có con đang học lớp Năm muốn thi vào lớp Sáu Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, chúng tôi tiếp cận với nhân viên tư vấn của trung tâm S. - đơn vị luyện thi có nhiều chi nhánh khác nhau. Người này cho biết, trước tiên, học sinh phải vượt qua bài kiểm tra năng lực xây dựng theo cấu trúc đề thi khảo sát của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Nếu vượt qua, học sinh sẽ được học vào tối thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, mỗi buổi kéo dài 2 giờ. Mỗi lớp sẽ có từ 8-10 học sinh, học phí cho khóa học 3 tháng là 8.640.000 đồng.
“Lộ trình học từ đây đến tháng 5/2024 là xâu chuỗi, hệ thống hóa kiến thức trọng điểm của 4 môn: toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, tháng cuối là để luyện đề. Những học sinh không theo kịp sẽ được kèm 1-1 cuối buổi học khoảng 30 phút” - người này nói. Khi chúng tôi hỏi về hiệu quả, người này cho rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng nên chủ yếu phải dựa vào quyết tâm và cố gắng của học sinh.
Một người nhận là giáo viên THCS tại quận 8 (TPHCM), có nhiều năm luyện thi khảo sát lớp Sáu cũng giới thiệu lớp luyện thi online cho các nhóm 5 học sinh cả ở lớp Bốn và lớp Năm. Với lớp Bốn, sau khi học tiếng Việt sẽ học toán tư duy, tiếng Anh trắc nghiệm, toán tự luận, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Với lớp Năm, do chỉ còn vài tháng nên học sinh sẽ học toán và ôn luyện tổng hợp các môn. Mỗi buổi học 90 phút, học phí 150.000 đồng.
Ở TP Hà Nội, các giáo viên cũng thi nhau quảng bá các lớp luyện thi cá nhân với mức phí dao động từ 70.000 - 500.000 đồng/90 phút, tùy theo số lượng học sinh.
Chị Quỳnh Anh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: “Tôi tìm lớp, tìm giáo viên cho con học ôn theo lời giới thiệu của một số phụ huynh trên các hội, nhóm. Thời gian đầu tôi phải cho con chuyển lớp đến 3-4 lần do thấy cháu học không hiệu quả. Cuối năm ngoái, tôi đăng ký cho con học tại trung tâm luyện thi mới. Con cũng phải làm bài kiểm tra, đánh giá năng lực rồi mới được xếp lớp. Học phí môn toán, khoa học tự nhiên ở đây là 300.000 đồng/90 phút. Mỗi tuần 4 ca ở trung tâm và 2 ca tiếng Anh ở lớp học khác”.
Cần chịu khó tìm tòi
Từ nhiều năm nay, các trường THCS chất lượng cao ở cả khối công lập và ngoài công lập tại TP Hà Nội đều tổ chức kỳ thi tuyển lớp Sáu. Các trường THCS Cầu Giấy, THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Nam Từ Liêm, THCS - THPT Lương Thế Vinh, THCS - THPT Newton… luôn có số thí sinh dự thi cao gấp nhiều lần chỉ tiêu, khiến áp lực “tranh suất” vào trường trọng điểm càng thêm căng thẳng.
Tại TPHCM, năm học 2023-2024 chỉ có 2 trường là Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) tuyển sinh bằng hình thức khảo sát đầu vào. Năm học 2024-2025, một số trường như Trường THCS Hoa Lư, Trường THCS Bình Thọ (TP Thủ Đức), Trường THCS Vân Đồn (quận 4) và Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) dự kiến tổ chức kỳ thi khảo sát tương tự.
Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức - phòng vẫn đang xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi khảo sát vào lớp Sáu ở 2 trường thuộc TP Thủ Đức. Nếu được thông qua, phòng sẽ biên soạn nội dung bài khảo sát, cấu trúc đề tương tự Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng mức độ sẽ phù hợp với năng lực của học sinh trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế.
Ông Trần Thế Đức - Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) - cho rằng: “Phụ huynh nào cũng muốn con học giỏi nên muốn con đi học, đi thi, nhưng đôi khi quên kiểm tra trình độ của con mình. Điều này là không nên, vì lứa tuổi của các em còn rất nhỏ, không nhất thiết phải luyện thi nhiều đến như vậy”.
Cũng theo ông, những học sinh bình thường có học lực tốt, có chứng chỉ tiếng Anh nếu chịu khó rèn luyện thêm vẫn có khả năng thi đậu. Phụ huynh nên để học sinh học như bình thường, khi có thời gian thì tham gia thêm các cuộc thi chuyên môn để rèn luyện kỹ năng làm bài. Bởi đề thi dường như không đánh đố mà chỉ tìm ra sự nhanh nhẹn của học sinh.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) - cho biết, có nhiều học sinh không cần phải ôn luyện vẫn có thể thi đậu kỳ thi khảo sát vào lớp Sáu: “Việc ôn luyện có thể khiến phụ huynh và học sinh yên tâm hơn. Nhưng trường vẫn luôn nhắc nhở học sinh rằng ở giai đoạn này chỉ nên học vừa sức, nắm vững kiến thức cơ bản ở trường. Sau khi kết thúc chương trình học, có nhiều thời gian hơn thì tăng tốc. Giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên tư vấn để phụ huynh nắm rõ năng lực con em, tránh ép con vào trường không phù hợp”.
Bà cũng nhấn mạnh: kiến thức cơ bản sẽ là nền tảng quan trọng nhưng trong quá trình học tập, học sinh phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, tự học chứ không phải cứ luyện thi là sẽ thi đậu.
Áp lực căng thẳng khiến trẻ dễ cáu gắt Thầy Nguyễn Thành Công (Trường THPT chuyên Sư phạm, Đại học Sư phạm Hà Nội) - nhận định việc tổ chức dạy luyện thi vào các trường trọng điểm ngày càng nở rộ. Lứa tuổi học ôn thi không chỉ ở lớp Bốn - Năm mà xuống cả lớp Hai, thậm chí từ lớp Một. Quá trình này cũng có điểm tích cực là tạo phong trào học tập cho các em từ sớm, giúp các em sớm hình thành văn hóa đọc cũng như khả năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu. Song cũng không ít những tiêu cực như các em bị cha mẹ ép học, không có thời gian vui chơi, trò chuyện với người thân. Phải chịu áp lực tâm lý, căng thẳng khi còn nhỏ khiến các em dễ cáu gắt, thậm chí trầm cảm. Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - áp lực này của phụ huynh có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con cái. Trước tiên, cha mẹ cần hiểu sở trường, sở thích của con và quan trọng là khả năng của con mình đến đâu để tránh việc đặt mục tiêu quá sức. Đồng thời cần lắng nghe những ước mơ, mong muốn của con chứ không nên áp đặt. Cha mẹ cần đồng hành, giúp con hạn chế những khó khăn chứ không phải đến mùa thi mới cùng con chia sẻ. |
Trang Thư - Minh Tuệ