Mắc kẹt ở vùng dịch trước ngày mở cửa trường
Sáng 30/9, học sinh (HS) Trần Nguyên Nhựt (Q.12, TP.HCM) vẫn đang ngồi trước màn hình điện thoại nghe thầy cô ở tận tỉnh Quảng Ngãi giảng bài. Nhưng chỉ còn hai buổi nữa, Nhựt không thể học tiếp, vì trường sẽ mở cửa lại để giảng dạy trực tiếp. Nhựt đang học lớp Tám Trường THCS Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Hằng năm, cứ vào dịp nghỉ hè, em lại vào TP.HCM thăm mẹ và chị gái. Tháng Năm vừa rồi, Nhựt vào đến nơi thì dịch ập đến. Từ đó đến nay, em chưa thể về quê do các địa phương đang giãn cách xã hội.
Chị Trần Thị Nga (chị gái của Nhựt) cho hay: “Bây giờ, gia đình tôi cũng không biết tính sao để em mình khỏi lỡ chương trình học. Cứ tính giải pháp thuận lợi nhất là ngày 1/10 xe khách chạy lại, em về cũng phải cách ly, trễ chương trình học một tháng. Nếu không về được, việc học sẽ dở dang”. Còn Nhựt thì lo lắng: “Ở trường, có rất nhiều bạn nghỉ hè vào thăm ba mẹ rồi mắc kẹt lại như em. Điều em lo nhất là không về kịp thì sang năm phải học lại lớp Tám”.
|
Phụ huynh và học sinh Đà Nẵng khai báo y tế tại chốt cửa ngõ phía bắc - ẢNH: LÊ ĐÌNH DŨNG |
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, quê tỉnh Quảng Ngãi vào thuê trọ ở P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức) để làm phụ giúp việc nhà. Đầu kỳ nghỉ hè, hai con của chị là H.A.N. (HS Trường tiểu học Phổ Vinh) và H.D.K. (HS Trường THCS Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ) nhớ mẹ nên xin người thân dẫn vào TP.HCM chơi vài tuần. Đến nay, chị vẫn không biết cách nào để đưa hai con về quê đi học. Khi trường tổ chức học trực tuyến, chị đi mượn hai chiếc điện thoại để hai con học. Trong phòng trọ rộng chừng chục mét vuông, hai em chia ra hai góc ngồi học bài. “Cô giáo vừa điện vào báo tin là từ thứ Hai (ngày 4/10), trường sẽ dừng dạy trực tuyến để HS đến trường. Hai cháu nghe xong lo bị trễ học nên cứ khóc suốt, tôi cũng rối bời. Nếu chẳng may hai con bị trễ mất một năm học thì tội quá”, chị Thanh Thúy lo lắng.
Từ đầu mùa dịch đến giờ, chị Thúy đã nhiều lần đăng ký cho con về quê thông qua Hội đồng hương Quảng Ngãi nhưng chưa lần nào thành công. Chị mong muốn tỉnh sẽ tổ chức chuyến xe đưa đón các cháu về quê để không bị trễ học. Theo chị, bây giờ có cho xe khách chạy lại thì nhiều gia đình cũng không có đủ tiền mua vé xe, trả phí cách ly. Như chị đã thất nghiệp bốn tháng, ráng kiếm bữa ăn qua ngày đã khó.
Trên nhóm của Hội đồng hương Quảng Ngãi, nhiều người cũng rất lo lắng vì có con đang mắc kẹt ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… chưa thể về quê học trực tiếp vào đầu tháng Mười.
“Học gửi” ở vùng dịch
Mấy hôm nay, cháu của chị Nguyễn Thị Trọng (ngụ Q.Phú Nhuận) là Bùi Thanh Hiếu đang “học gửi” ở Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh). Ở quê Quảng Ngãi, Hiếu đang học lớp 11 tại Trường THPT số 1 Đức Phổ. Ngày 20/5, tranh thủ dịp nghỉ hè, Hiếu vào TP.HCM ở nhà dì ruột tìm việc làm thêm để kiếm tiền trang trải chi phí cho năm học mới. Dịch COVID-19 bùng phát, không thể trở lại quê nên Hiếu phải xin “học gửi” ở TP.HCM. Thủ tục xin “học gửi” khá thuận lợi. Phụ huynh gọi điện đến Trường THPT Phan Đăng Lưu thì được hướng dẫn thủ tục cần thiết là giấy giới thiệu của Trường THPT số 1 Đức Phổ hoặc đơn xin học của gia đình. Chị gọi điện cho trường ở quê xin giấy giới thiệu và chuyển qua Zalo, vậy là được tiếp nhận vào học.
Ngay sau khi nhận tin tỉnh Quảng Ngãi mở cửa trường dạy trực tiếp cho HS, anh Huỳnh Duy (quê H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) đang sống ở xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh vội vàng tìm chỗ “học gửi” cho hai con gái đang học lớp Ba và lớp Bảy. Từ tháng Năm, hai con vào thăm ba mẹ cho đến nay chưa thể về quê. Hay tin trường ở quê dừng dạy online, anh Duy đã liên hệ với một trường THCS ở TP.Thủ Đức để gửi con gái học lớp Bảy vào học online. Cháu học lớp Ba được tạo điều kiện học online tại một trường ở xã Vĩnh Lộc B.
Một phó hiệu trưởng ở Q.Bình Tân thông tin, trường đã tiếp nhận rất nhiều em ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên vào “học gửi”. Hầu hết các em cũng theo kịp chương trình học. Khi dịch ổn định, các em về quê thì trường sẽ làm thủ tục, chuyển điểm về.
Thầy Phạm Văn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), cho hay hiện trường có 28 HS mắc kẹt lại tại các tỉnh phía Nam. Sắp tới, trường tổ chức học trực tiếp, giáo viên chủ nhiệm đang liên lạc với gia đình hướng dẫn các em học tạm tại trường gần nơi lưu trú hết học kỳ I, hoặc khi dịch ổn định, các em có thể trở về địa phương.
Còn ông Phan Bường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định: “Nếu giáo viên và HS đang kẹt ở các tỉnh trở về, phòng sẽ tham mưu UBND thị xã bố trí cách ly ở địa điểm thuận lợi để các em vẫn có thể tham gia học trực tuyến trong thời gian cách ly và khi hoàn thành cách ly sẽ trở lại học. Trường hợp các em không thể về, các trường sẽ hỗ trợ thủ tục để các em được học ở trường gần nơi đang lưu trú. Dù là phương án nào cũng sẽ tạo điều kiện hết mức nhằm đảm bảo việc học của các em không bị gián đoạn”.
Theo thống kê, có 65 HS các tỉnh khác đang học tại Quảng Ngãi, và 373 HS Quảng Ngãi đang học ngoài tỉnh. Quảng Ngãi không tổ chức đón HS ở các tỉnh phía Nam về, để tránh dịch COVID-19. Toàn tỉnh có sáu huyện là Lý Sơn, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ và Mộ Đức đã tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 27/9. Theo kế hoạch, các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ tổ chức dạy học trực tiếp đối với giáo dục phổ thông từ ngày 4/10, bậc mầm non từ ngày 11/10.
Tạo điều kiện để học sinh yên tâm học tập
Trong khi đó, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD- ĐT Bình Định, cho biết HS ở các tỉnh phía Nam được đón về, thực hiện cách ly tập trung theo quy định, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà. Khi đảm bảo không mắc COVID-19, các em sẽ được tổ chức dạy bù, phụ đạo theo hình thức trực tiếp để đảm bảo chất lượng dạy và học. Theo thống kê, tỉnh Bình Định đã tổ chức ba đợt đón HS ở TP.HCM, Đồng Nai… về tỉnh với số lượng gần 1.000 em. Hiện nay, nhiều địa phương tại tỉnh này đã tổ chức học trực tiếp.
Ngoài ra, đối với HS ở các địa phương khác đã di chuyển về Bình Định cư trú và không thể trở lại trường do dịch COVID-19, đều được tạo điều kiện tốt nhất. Nếu HS có nguyện vọng chuyển trường sẽ được chuyển theo quy định. Ngược lại, HS chỉ đăng ký học trong thời gian tránh dịch, nhà trường tại nơi các em cư trú sẽ tạo điều kiện tiếp nhận, xếp lớp cho các em vào học tập.
|
Học sinh các huyện miền núi tỉnh Nghệ An trở lại trường học trực tiếp - ẢNH: PHAN NGỌC |
Tại tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh, cho hay tỉnh có gần 1.800 HS từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Số HS này đều được các trường bố trí vào học để theo kịp chương trình. Ngược lại, tỉnh cũng có gần 700 HS đang mắc kẹt tại các tỉnh, thành phía Nam. Thời gian qua, các em vẫn tham gia học trực tuyến, giáo viên vẫn thường xuyên liên lạc để hỏi thăm, gửi bài cho các em.
Theo ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND H.Con Cuông, tỉnh Nghệ An, những HS trên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dịp nghỉ hè, các em vào TP.HCM, Bình Dương làm thuê để kiếm thêm tiền học tập, phụ giúp gia đình. “Đầu năm học, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch đón các em về nhưng vì dịch bệnh phức tạp, nên kế hoạch tạm hoãn cho đến nay”, ông Sỹ Kiện nói.
Còn thầy Đặng Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (H.Con Cuông), chia sẻ trường có 91 HS mắc kẹt tại các tỉnh phía Nam. Đến nay, mới chỉ có 28 HS về quê, 63 HS còn lại vẫn đang học trực tuyến. Hiện trường đã bắt đầu chuyển sang hình thức học trực tiếp. Để HS đang mắc kẹt do dịch không bị gián đoạn chương trình, trường đã chia 63 HS thành hai lớp học online.
Theo Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, tính đến chiều 30/9 tỉnh này còn 358 học sinh đang “mắc kẹt” tại vùng dịch phía Nam. Trong đó 117 học sinh khối tiểu học, 125 học sinh THPT, 99 học sinh THCS và 17 học sinh khối giáo dục thường xuyên. Đây là những học sinh theo cha mẹ vào TP.HCM, Bình Dương, Đông Nai… nhưng chưa trở về quê do dịch COVID-19 bùng phát. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Tân - giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết sẽ tạo mọi điều kiệu đối với học sinh sau khi trở về từ vùng dịch phía Nam. Địa phương sẽ làm thủ tục nhập học cho các em càng nhanh càng tốt.
Từ ngày 29/9, Đà Nẵng bắt đầu đón giáo viên, nhân viên, HS, học viên không ở trong vùng dịch trở về thành phố. Tính đến hết ngày 29/9, có khoảng 1.000 HS Đà Nẵng trở về.
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết: đợt một dự kiến có hơn 17.000 giáo viên, nhân viên, HS, học viên, người hỗ trợ (đi cùng) thuộc 46 tỉnh, thành phố không ở trong vùng dịch tự túc phương tiện đường bộ để trở về từ ngày 29/9 đến hết ngày 6/10. Sở cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, HS, học viên sau khi vào thành phố phải thông báo với cơ quan y tế hoặc chính quyền, công an địa phương để được quản lý, giám sát, theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà 14 ngày. Sớm nhất sau ngày 15/10, HS mới trở lại trường học trực tiếp.
Nhóm phóng viên