Chủ nhà sập bẫy vì tưởng “khách sộp”
Một cán bộ thuộc Công an Q.Bình Thạnh, TPHCM cho biết, thời gian gần đây, đã tiếp nhận phản ánh của nhiều chủ hộ có nhà cho thuê bị đối tượng lừa đảo tiếp cận để chiếm đoạt tài sản.
Đầu tháng 6/2020, bà N.H.B.N. (ngụ Q.Bình Thạnh) sau khi rao trên mạng cho thuê căn hộ tại chung cư The Manor, có một chủ tài khoản tên “Xu Top” nhắn tin cho bà nói muốn thuê. Lấy lý do đang ở nước ngoài, người này muốn chuyển khoản cho bà N. 1.000 USD để đặt cọc giữ chỗ. Do căn hộ rao cho thuê đã lâu chưa có người hỏi, nay lại có người chuyển tiền giữ chỗ nên bà N. rất mừng và làm theo hướng dẫn để nhận tiền cọc.
|
Do nhu cầu cho thuê nhà ở, mặt bằng kinh doanh… tăng vọt sau nhiều tháng bùng phát dịch COVID-19, không ít chủ nhà, chủ đầu tư thành nạn nhân của tội phạm công nghệ - Ảnh: Minh Thanh |
“Tôi nhận được từ email agent.westernunion@icloud.com nội dung hướng dẫn nhấp vào đường link gửi kèm là web: http://wu-sendmoney.weebley.com. Tài khoản trên nói đây là website chuyển tiền từ nước ngoài về nên tôi tin tưởng nhập số tài khoản ngân hàng, tên, địa chỉ và mã OTP để xác nhận. Nhưng khi thực hiện hết các thao tác, tôi mới phát hiện tài khoản bị trừ 19 triệu đồng”, bà N. tường trình.
Một trường hợp khác phản ánh đến Báo Phụ Nữ TPHCM là anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ tại TPHCM), vừa bị mất 300 triệu đồng cũng với hình thức tương tự. Ngày 16/9 vừa qua, anh vào một ứng dụng chuyên cho thuê nhà để rao cho thuê căn hộ thuộc chung cư Khánh Hội (Q.4). Khoảng 21g ngày 17/9, có người đàn ông nhắn tin cho anh qua Zalo, nói muốn thuê lại căn hộ trong thời hạn một năm. Do người này đang ở nước ngoài nên muốn chuyển trước tiền cọc là 330 USD (tương đương 7,5 triệu đồng) để người thân vào ở trước.
Đến khoảng 22g40 ngày 19/9, người đàn ông này tiếp tục gọi điện thoại cho anh Tuấn Anh trao đổi về chi tiết căn hộ, cho biết sẽ chuyển tiền cọc qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union. Rồi đối tượng này gửi cho anh Tuấn Anh tin nhắn hướng dẫn bấm vào địa chỉ website có chữ Western Union, đăng nhập tài khoản và mã OTP của tài khoản Techcombank vào website trên.
“Dù có nghi ngờ và lo lắng nhưng tôi vẫn thực hiện theo hướng dẫn. Sau đó, tìm trên mạng, tôi thấy có nhiều bài viết lừa đảo bằng dịch vụ chuyển tiền Western Union. Tôi lập tức kiểm tra tài khoản thì đã bị trừ mất 300 triệu đồng. Tôi đã khai báo sự việc đến ngân hàng và công an phường”, anh Tuấn Anh kể.
Theo chia sẻ của cán bộ công an tiếp nhận các vụ việc, sở dĩ nạn nhân dễ “sập bẫy” bởi chiêu lừa “bình mới rượu cũ” này là do tâm lý nôn nóng muốn cho thuê nhà. Ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhu cầu thuê căn hộ, nhà ở, mặt bằng kinh doanh giảm sút. Không ít chủ hộ vốn đầu tư ra để cho thuê lại như ngồi trên đống lửa trước áp lực trả lãi ngân hàng. Vì vậy, khi có khách hàng liên hệ muốn thuê nhà rồi đặt cọc, các chủ hộ muốn chốt thật nhanh. Hơn nữa, khách thuê là người nước ngoài nên chủ nhà không sợ kỳ kèo xin giảm giá, trong phút chốc mất cảnh giác…
Dường như các đối lượng lừa đảo đã điều nghiên khá kỹ các nạn nhân và thường ra tay vào ngày cuối tuần. Như trường hợp của anh Tuấn Anh, đối tượng ra tay vào khuya thứ Bảy. Đến sáng Chủ nhật, anh Tuấn Anh mới có thể đến công an trình báo. Rồi phải đến sáng thứ Hai, ngân hàng mới lần ra manh mối chủ tài khoản thụ hưởng số tiền đã lừa đảo của anh Tuấn Anh và Công an Q.4 mới ra lệnh phong tỏa tài khoản.
Tiền tẩu tán khắp nơi, nạn nhân mỏi mòn chờ đợi
Không ít nạn nhân phản ánh việc lần ra manh mối tội phạm để hoàn trả tiền cho nạn nhân của các ngân hàng và cơ quan công an còn chậm. Như trường hợp của bà Hoàng Thị Hoa (ngụ Q.7, TPHCM) cũng bị các đối tượng chiếm đoạt đến 848 triệu đồng bằng thủ đoạn tương tự. “Sự việc xảy ra từ đầu tháng 5/2020 nhưng đến nay, dù biết tiền tôi đã bị chuyển vào tài khoản ngân hàng nào, ai là người thụ hưởng nhưng ngân hàng vẫn chưa giải quyết xong”, bà Hoa trình bày.
|
Những cuộc điện thoại, tin nhắn hỏi thuê nhà khiến anh Tuấn Anh mất 300 triệu đồng trong tài khoản |
Các nạn nhân cho rằng, tiền đã ở trong tài khoản của các đối tượng lừa đảo, ngân hàng cũng đã “khoanh” lại số tiền này thì ngân hàng chỉ cần chuyển trả lại cho nạn nhân là được. Tuy nhiên, luật sư Trương Hồng Điền, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, suy nghĩ của các nạn nhân là sai.
Với các trường hợp nạn nhân bị mất tiền do tự ý nhấp vào các link lạ ở trên thì lỗi ở nạn nhân. Có nạn nhân cho rằng mình không cung cấp mã OTP mà vẫn mất tiền thì lỗi ở ngân hàng nhưng thực tế lỗi ở phía nạn nhân vì đã sử dụng phương thức xác thực OTP không cần lấy mã xác thực giao dịch từ tin nhắn, cũng không cài mã PIN xác thực nên khi nạn nhân đăng nhập tài khoản ngân hàng và mật khẩu trên đường link lạ thì đối tượng chỉ cần nhấn “tiếp tục” để hoàn tất giao dịch.
Ngân hàng không phải chịu trách nhiệm và chỉ có thể hỗ trợ nạn nhân để tìm ra kẻ chủ mưu lừa đảo thông qua việc phối hợp với cơ quan công an tìm ra chủ tài khoản thụ hưởng số tiền lừa đảo. “Ngân hàng chỉ phong tỏa tài khoản của đối tượng khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Sau khi phong tỏa, không riêng gì các vụ lừa đảo mà kể cả các vụ chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người nào đó thì ngân hàng không thể tự ý trích lại số tiền này để trả cho nạn nhân trừ khi có bản án quyết định giải quyết vụ việc của tòa án”, luật sư Trương Hồng Điền nói.
Trong khi đó, việc cơ quan công an lần ra các đối tượng lừa đảo công nghệ cao khá mất thời gian do sau khi chiếm đoạt số tiền của nạn nhân, các đối tượng này cố tình chuyển tiền đi khắp nơi và nhiều tài khoản khác nhau.
|
Tang vật của một nhóm đối tượng lừa đảo công nghệ cao bị công an triệt phá tại Q.9 |
Như trường hợp của bà Hoàng Thị Hoa, số tiền 848 triệu đồng này được chuyển vào tài khoản Võ Thị Mai Trinh tại Vietinbank TP.Bảo Lộc. Từ tài khoản này, lại chuyển tiếp cho Trần Hữu Chinh tại MBBank là 100 triệu đồng, Trần Hồng Phát tại Techcombank là 200 triệu đồng và 375 triệu đồng tại Vietinbank, Nguyễn Ngọc Khoa mở tại MBBank là 175 triệu đồng. Từ tài khoản Vietinbank, Trần Hồng Phát chuyển tiếp vào tài khoản của mình tại Techcombank 300 triệu đồng và tài khoản của Nguyễn Thị Thủy mở tại Vietinbank 100 triệu đồng và người này chuyển tiếp vào tài khoản của mình mở tại Techcombank.
Còn như trường hợp của bà N. tại Q.Bình Thạnh, công an quận đã xác minh được tài khoản nhận tiền là Hoàng Thị H. (sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú tại xã Hải Chính, H.Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Công an quận phải ra lệnh truy tìm vì hiện nay H. không có mặt tại địa phương. “Các tài khoản mà đối tượng lừa đảo sử dụng đều là tài khoản thuê hoặc mua lại từ người khác, sim đăng ký với tài khoản cũng là sim rác. Có nhiều trường hợp công an mời lên làm việc nhưng chủ tài khoản lại không biết gì, cũng không biết người mua tài khoản là ai”, một cán bộ công an cho biết.
Cảnh báo đến người tiêu dùng về vụ việc trên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Quản trị an ninh mạng Athena, cho hay, hình thức lừa đảo qua các dịch vụ chuyển ngoại tệ không mới, tuy nhiên các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau nên hình thức ngày càng tinh vi hơn. Thậm chí, các đối tượng đã âm thầm cài đặt sẵn ứng dụng, phần mềm theo dõi vào thiết bị điện thoại thông minh của người dùng chỉ cần thông qua một đường link.
Để phát hiện điện thoại của mình có đang bị theo dõi, chạy phần mềm ảo, tiềm ẩn rủi ro mất cấp thông tin, tài khoản ngân hàng hay không, người dùng có thể tìm đến các chuyên gia an ninh mạng, các đơn vị cung cấp phần mềm chống mã độc để được tư vấn về các ứng dụng này. “Đồng thời cũng nên đưa ra quy định xử phạt thật nặng với hành vi tiếp tay cho tội phạm là bán hoặc cho thuê tài khoản, quản lý thật chặt đối với vấn nạn sim rác. Có như vậy thì mới mong loại tội phạm này giảm bớt”, ông Võ Đỗ Thắng nói.
Quốc Thái - Thanh Hoa