Nóng giận với người thân

29/05/2023 - 15:38

PNO - Một lần, tôi và em trai tranh luận về việc nuôi chó trong nhà. Em tôi vốn yêu động vật, thấy ai vứt bỏ chó con thì đem về nuôi. Nhà có gần chục con chó, nhiều lứa khác nhau.

Chú ấy đi làm, cuối tuần mới về nhà, việc chăm sóc chó do mẹ tôi làm mà người thì lớn tuổi, sức khỏe đã kém nhiều…

Tôi đề nghị phải tính lại, để tránh cho mẹ làm việc nặng. Em tôi sau đó tỏ ra gắt gỏng, nói việc ở nhà của em, tôi không nên có ý kiến, nếu mẹ không bằng lòng thì để mẹ nói chứ tôi không sống ở đó thì đừng can dự…

Tôi tuy giận, nhưng thấy em căng thẳng thì không nói thêm, có ý đợi khi nào em thư thả, bình tĩnh thì bàn tiếp.

chúng taCó nhiều khi chúng ta tức giận, cau có với người thân mà lại nhẫn nhịn, nhẹ nhàng với người ngoài
Có nhiều khi chúng ta tức giận, cau có với người thân mà lại nhẫn nhịn, nhẹ nhàng với người ngoài (Ảnh minh họa)

Tôi làm việc có tiếp xúc với nhiều người nên đã tập được tính kiên nhẫn và kiềm chế khá tốt. Ví như dạy học, có những sinh viên ứng xử kém nhưng tôi đều nhẹ nhàng trao đổi, không bao giờ nặng lời hay tỏ ra nóng nảy. Nghĩ đến việc mình còn nhẹ nhàng với người ngoài thì không lý gì lại nặng nề với người thân. Sau đó, có dịp trao đổi lại, em tôi giảm dần số chó nuôi và cắt cử đứa con trai lo việc cho chúng ăn, không để mẹ phải làm nữa.

Trên thực tế, có không ít trường hợp chúng ta tức giận, cau có với người thân mà lại nhẫn nhịn, nhẹ nhàng với người ngoài. Phải chăng chúng ta đang bất công với người thân của mình? Phải chăng vì chúng ta e ngại người ngoài mất lòng nên có phần kiên nhẫn hơn, còn với người thân thì không lo bị phật ý? Phải chăng chúng ta đề cao lòng bao dung của người thân mà sợ sự trả đũa của người ngoài?… Trả lời các câu hỏi trên ở khía cạnh nào cũng có chỗ chưa ổn.

Tương tự như vậy, ứng xử trong cùng một trường hợp, người chồng/vợ thường tỏ ra ít dịu dàng, ít tế nhị hơn với vợ/chồng so với người khác. Hình như chúng ta có xu hướng “giữ kẽ” với người ngoài và làm điều ngược lại với người thân và càng thân thì càng dễ cộc lốc, thô lỗ, nặng lời.

Thực ra, chính người thân của chúng ta mới gắn bó, chia sẻ thường xuyên, lâu dài với chúng ta. Khi gặp khó khăn, chính những người trong gia đình mới trực tiếp giúp đỡ, động viên, đồng hành để ta vượt qua; khi đó, người bên ngoài dẫu có lòng tốt thì cũng chỉ khích lệ, hỗ trợ phần nào. Ví như rủi có người nào đó bị tai nạn hoặc bệnh nặng, cần người thân kề cận chăm sóc, lo ăn uống, vệ sinh, an ủi bằng nhiều hình thức…; người ngoài có quý thì đến thăm, tặng ít quà, nói những câu động viên mang tính xã giao rồi thôi chứ không thể làm các công việc của người thân được.

Vì vậy, từng người nên suy xét lại bản thân và điều chỉnh xem mình đã ứng xử phù hợp với người thân hay chưa. Chẳng hạn, mỗi khi cha mẹ nói hay làm gì chưa hợp ý thì ta có gắt gỏng một cách rất đáng trách không? Khi vợ hay chồng ứng xử việc gì chưa hay thì ta có dễ nóng nảy và buông lời trách nặng nề không? Khi con cái có lỗi, ta có kiên nhẫn, dịu dàng phân tích, giải thích, hướng dẫn không? Khi người thân gây thiệt hại lợi ích thì ta có quyết “ăn thua đủ” không?…

Nếu có, mỗi người nên tự rút kinh nghiệm, điều chỉnh, sửa chữa. Điều đó không phải đơn thuần để làm vui lòng người thân mà thể hiện sự tôn trọng đúng mực với người khác, để rồi chính bản thân ta sẽ nhận lại được sự tôn trọng, để cùng nhau làm gương cho con cháu về một cách ứng xử phù hợp, tinh tế.

Đương nhiên, nói vậy không có nghĩa là chúng ta “chuyển” từ nóng nảy với người thân sang với người ngoài. Trong những trường hợp có thể kiềm chế và có thể tìm được cách giải quyết khác, chúng ta nên ưu tiên chọn lựa cách ôn hòa, mềm dẻo, để thể hiện bản thân là người có văn hóa, văn minh và góp phần tránh những xung đột hay lời nói, hành vi đáng tiếc; bởi vì “dao đâm có lúc lành thương tích/ lời nói đâm nhau hận suốt đời”. 

Ngô Đồng Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI