Nồng độ cồn - quy định ngưỡng an toàn hay cấm tiệt?

18/03/2024 - 06:17

PNO - Bên cạnh luồng ý kiến đồng tình với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, vẫn có nhiều người cho rằng nên có ngưỡng an toàn thay vì giới hạn nồng độ cồn bằng 0.

Cấm tuyệt đối, liệu có ổn?

Theo dự kiến, Quốc hội khóa XV sẽ thảo luận, thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong kỳ họp thứ bảy, diễn ra vào tháng 5/2024. Theo dự thảo luật này, người tham gia giao thông phải có nồng độ cồn bằng 0. Trong kỳ họp thứ sáu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên quy định nồng độ cồn ở mức tuyệt đối (bằng 0). 

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (tỉnh Lai Châu) đề nghị, cơ quan soạn thảo luật không nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn tham gia giao thông mà nên kế thừa quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Ông đề xuất cho phép nồng độ cồn trong máu và hơi thở ở ngưỡng an toàn theo quy chuẩn của cơ quan có thẩm quyền; chỉ nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người lái xe chuyên nghiệp, kinh doanh dịch vụ vận tải.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam - cho rằng, cần nghiên cứu để đưa ra ngưỡng nồng độ cồn cho người tham gia giao thông. Ông dẫn một số thông tin trên phương tiện truyền thông rằng, con người có nồng độ cồn tự nhiên trong hơi thở do một số loại thực phẩm, đồ uống sinh ra.

Cảnh sát giao thông TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông - ẢNH: GIA HÂN
Cảnh sát giao thông TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông - ẢNH: GIA HÂN

Nếu không quy định ngưỡng nồng độ cồn, sẽ có người bị xử phạt oan do không uống rượu bia nhưng trong cơ thể vẫn có nồng độ cồn. Dẫn một số bài báo, ông cho hay, có tình trạng công ty bảo hiểm từ chối bồi thường tai nạn giao thông chỉ vì người được xét bồi thường có nồng độ cồn ở mức rất thấp, thực chất là nồng độ cồn sinh học.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Quyền, hiện có 140 quốc gia quy định ngưỡng nồng độ cồn cho người điều khiển phương tiện giao thông và chỉ có hơn 20 quốc gia (đa số là các nước Hồi giáo) quy định nồng độ cồn bằng 0. Thêm nữa, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, nghĩa là người đi xe đạp cũng bị xử phạt. Điều này không phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, nhất là các vùng nông thôn. Người lớn tuổi đạp xe đi ăn cỗ, chỉ uống 1 chung rượu mà bị xử phạt thì hơi “quá đáng”.

"Chưa nghe ai phản ánh bị phạt oan"

Không đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - ủng hộ quy định hiện hành, tức là cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe. Theo ông, thời gian qua, sau khi áp dụng quy định này, số vụ tai nạn giao thông có xu hướng giảm, người dân đã làm quen và chấp hành quy định này. 

Ông so sánh, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe máy, mô tô ban đầu cũng bị một số người phản ứng nhưng sau đó đã đi vào nền nếp, thành thói quen. Do đó, nên duy trì quy định “không lái xe khi đã uống rượu bia” và tiếp tục đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về ý kiến cho rằng có thể phạt oan người không uống rượu bia nhưng có nồng độ cồn nội sinh hoặc uống nước trái cây có men, ông Trần Đắc Phu nói: “Kể từ khi áp dụng quy định cấm người sử dụng rượu bia tham gia giao thông, qua các phương tiện truyền thông, tôi chưa thấy trường hợp nào phản ánh bị xử phạt oan. Thậm chí, nếu điều này xảy ra, người tham gia giao thông có thể phản ánh, yêu cầu làm xét nghiệm nồng độ cồn trong máu để làm cho ra lẽ”. 

Theo ông, không dễ tìm ra được một ngưỡng an toàn cho người tham gia giao thông sử dụng rượu bia, bởi việc kiểm soát hành vi khi uống rượu bia của mỗi người là khác nhau; mức an toàn đối với người này chưa chắc an toàn với người kia. Hơn nữa, muốn đi vào thực tiễn, quy định pháp luật phải có xét đến thói quen, văn hóa của người Việt. Ý thức chấp hành pháp luật của người Việt chưa thực sự cao. Nếu cho phép uống “chút ít” rượu khi tham gia giao thông thì người ta sẽ uống nhiều lần “chút ít”, rất khó uống 1 chén rồi dừng lại. 

Về ý kiến cho rằng việc cấm tuyệt đối việc uống rượu bia khi tham gia giao thông tác động mạnh tới ngành kinh doanh rượu bia, quán ăn, nhà hàng ở Việt Nam, ông Trần Đắc Phu nói, khó giữ “vẹn đôi đường” giữa sức khỏe người dân và việc kinh doanh. Theo ông, số tiền kiếm được từ kinh doanh rượu bia chỉ là con số nhỏ so với số tiền để khắc phục các hậu quả về tai nạn giao thông, các bệnh như tim mạch, huyết áp, gan... do tác hại của thức uống có cồn.

Theo thống kê gần đây nhất của Cục Y tế dự phòng, mỗi năm, cả nước có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác, trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến rượu, bia, chiếm 7,5%. 

Không có căn cứ xử lý hình sự người có nồng độ cồn cao 

Gần đây, một cán bộ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề xuất biện pháp xử lý hình sự người có nồng độ cồn cao đến mức mất hoàn toàn sự kiểm soát, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc. Theo vị cán bộ này, quy định này là phù hợp với khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự: người vi phạm “có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả”.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu cho rằng, quy định như trên sẽ có tính răn đe cao, nhưng mức độ kiểm soát hành vi của mỗi người mỗi khác nên không dễ để xác định ngưỡng nào là cao, có nguy cơ gây tai nạn để xử lý hình sự. Nếu không đảm bảo tính khoa học và thực tiễn thì sẽ khó áp dụng. 

Còn ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định, không có căn cứ để xử lý hình sự người có nồng độ cồn cao tham gia giao thông. Theo ông, ngay cả khi đối tượng gây tai nạn nhưng hậu quả của tai nạn không đáng kể thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính, nên không thể suy đoán trước hậu quả để xử lý hình sự.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngày 15/3 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay, hiện có 2 phương án đề xuất về nội dung quản lý nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Phương án 1 cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Phương án 2 cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng sử dụng rượu bia và cấm nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở với người điều khiển mô tô, xe máy. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh “tha thiết” đề nghị lựa chọn phương án cấm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tuổi thọ, giống nòi của người Việt.

Nồng độ cồn nội sinh rất hiếm

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay đang tham vấn ý kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng cơ sở khám chữa bệnh, nhà chuyên môn về nồng độ cồn tự nhiên trong cơ thể người, còn gọi là cồn nội sinh. Đây là động thái sau khi nhiều ý kiến cho rằng, một số trường hợp có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau khi ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây.

Dù vậy, Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá lo ngại về “nồng độ cồn nội sinh”, bởi tình huống này rất hy hữu, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối. Khi có ý kiến của WHO và các chuyên gia về cồn nội sinh, Bộ Y tế sẽ có những kiến nghị, hoặc có thể sửa đổi cho phù hợp.

 

Minh Quang - Bảo Khang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI