PNO - Khi nghe tin có ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên và ca bệnh xuất hiện ở TP.HCM, người dân vội vàng đi tiêm vắc-xin bạch hầu. Khách hàng tới tiêm ngừa tại các cơ sở tiêm chủng chủ yếu là người lớn, thay vì trẻ em như thông thường.
Sáng 7/7, rất đông người có mặt tại Viện Pasteur TP.HCM, trong đó nhiều gia đình có nhu cầu tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu - Ảnh: Thanh Huyền
Sáng 7/7, tại Trung tâm Y tế P.Tân Phú (Q.7, TP.HCM), có nhiều người đến hỏi tiêm vắc-xin bạch hầu. Nhân viên của trung tâm cho biết, hiện không có vắc-xin ngừa bệnh bạch hầu dạng dịch vụ, chỉ có loại nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí nhưng chỉ tiêm cho trẻ em. Theo chỉ dẫn của nhân viên này, Trung tâm Y tế Q.7 có đầy đủ các loại vắc-xin dịch vụ. Tuy nhiên, khi nhiều người tới đây thì nhân viên của trung tâm thông báo tất cả vắc-xin liên quan tới bạch hầu đã hết sạch, phải qua tuần sau mới có hàng nhập về.
Trong lúc này, cũng có rất nhiều người đứng chờ và chung một câu hỏi về vắc-xin bạch hầu như chúng tôi. Chị P.T.N.T. đi cùng chồng và mẹ ruột cũng đang hỏi thông tin về vắc-xin. Khi được biết đã hết vắc-xin, cả ba người vô cùng thất vọng. Chị T. tâm sự, trẻ con trong nhà đã được tiêm vắc-xin đầy đủ ngay từ lúc sinh ra. Chỉ có người lớn là chưa từng được tiêm gì. Đọc trên mạng thấy người lớn là đối tượng bị bệnh cao do không được tiêm vắc-xin như trẻ em nên cả nhà lật đật đi tìm chỗ tiêm ngừa.
Mới 8g40 mà người tới tiêm vắc-xin ngừa nhiều loại bệnh tại Viện Pasteur TP.HCM đã đông nghẹt, số thứ tự đang là 1.300. Các khách hàng ngồi chờ phần đông là người lớn. Có cả những cụ già được con cái đưa đi chích ngừa. Anh P.V.N., ngụ tại Q.Phú Nhuận cùng vợ và bố mẹ ruột cũng là một trong các khách hàng chờ tới số khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin. Anh N. chia sẻ, gia đình tới đây để tiêm vắc-xin bạch hầu. Tâm lý của gia đình anh N. cũng như một số người đang đợi tiêm vắc-xin là bạch hầu tuy nguy hiểm, tử vong cao hơn cả COVID-19 nhưng có vắc-xin rồi phải tiêm để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Chị P.T.M.A., ngụ tại Q.Tân Bình đang ngồi chờ tiêm vắc-xin cùng con gái 14 tuổi, cho biết, nghe dịch bạch hầu đang trỗi dậy, chị ưu tiên cho đứa con lớn đi chích vắc-xin trước. Đứa con thứ hai của chị mới sáu tuổi chưa cần vì nghe nói vắc-xin sau khi chích có kháng thể bảo vệ được từ 5-10 năm.
Dịch vụ lưu trữ vắc-xin cho khách hàng chịu trả phí cao
Tới thời điểm này, vắc-xin ngừa bạch hầu tại Viện Pasteur TP.HCM còn các loại: INFANRIX HEXA và HEXAXIM (6 trong 1) niêm yết giá 970.000 đồng/mũi, TETRAXIM (4 trong 1) giá 480.000 đồng/mũi, BOOSTRIX (4 trong 1) giá 700.000 đồng/mũi. Tiêm loại nào phù hợp với độ tuổi nào sẽ được bác sĩ tư vấn khi khám sàng lọc.
Còn một nơi khác được nhiều gia đình lựa chọn tiêm vắc-xin bạch hầu lúc này là Hệ thống tiêm chủng VNVC. Chúng tôi liên hệ với điểm tiêm chủng của VNVC tại khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh thì được cô nhân viên tên Huyền cho biết cơ sở vẫn còn vắc-xin bạch hầu diện dịch vụ. Tuy nhiên, nếu khách hàng không tiêm ngừa được ngay thì có thể chịu phí cao thêm 20% so với giá bình thường để được giữ vắc-xin.
Do nhu cầu tiêm vắc-xin bạch hầu thời gian này rất cao, có thể khan hiếm bất cứ lúc nào. Hiện nay, trung tâm này phải nhập vắc-xin liên tục mỗi ngày mới kịp cung ứng. Nếu khách hàng chịu giá chênh lệch thêm 20%, vắc-xin sẽ được bảo quản ở trung tâm trong vòng 12 tháng, thích tới tiêm ngừa lúc nào cũng có.
Hiện VNVC đang còn vắc-xin 3 trong 1 BOOSTRIX (xuất xứ Bỉ) giá 735.000 đồng/liều. Loại này tiêm được cho cả người lớn và trẻ em. Vắc-xin 6 trong 1 INFARIX HEXA của Bỉ (dành cho trẻ hai tháng tuổi trở lên) giá 1.015.000 đồng/liều. Cuối cùng là vắc-xin 4 trong 1 TETRAXIM giá 458.000 đồng/liều (dành cho trẻ từ hai tháng tới 13 tuổi).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khuyến cáo, bạch hầu là bệnh có vắc-xin nên người dân không cần quá hoang mang. Trẻ em đã lớn dù từng chích vắc-xin bạch hầu rồi nay vẫn có thể chích nhắc lại. Những người lớn không nhớ rõ mình đã được chích vắc-xin bạch hầu hay chưa thì bây giờ cũng chỉ cần chích một mũi. Kể từ khi chích vắc-xin bạch hầu, thời gian cơ thể được bảo vệ cao nhất là từ 5-10 năm. Càng lâu năm, sự bảo vệ của vắc-xin càng suy yếu.
Người dân chủ động tiêm phòng
Sáng 7/7, Sở Y tế Đắk Nông cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có hai trường hợp đã tử vong. Ngành y tế tỉnh cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, đồng thời tiêm vắc-xin cho 3.518 người và cho uống thuốc điều trị dự phòng cho 2.569 người trong và ngoài vùng dịch. Theo Sở Y tế Gia Lai, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 13 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có một ca tử vong. Tại tỉnh Kon Tum có 23 trường hợp dương tính với bạch hầu.
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết, trước tình hình dịch bệnh hiện nay, viện đã hướng dẫn nâng cấp phòng thí nghiệm của các tỉnh để xét nghiệm được bệnh bạch hầu. Hiện tỉnh Đắk Nông đã xét nghiệm được bạch hầu, còn tỉnh Kon Tum đang được hướng dẫn làm xét nghiệm, đáp ứng nhanh trong phòng, chống dịch.
Viện cũng đang kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ vắc-xin bạch hầu. Cũng theo ông Chiến, việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ đến khoảng 5-7 tuổi. Độ tuổi trên 7 có thể bị giảm, mất miễn dịch khi gặp các tác nhân thì xuất hiện các ca bệnh. Do đó, khuyến cáo người dân đến 7 tuổi, 12 tuổi, 18 tuổi phải tiếp tục tiêm nhắc lại.
Trước tình hình đó, nhiều người dân đã chủ động đi tiêm phòng bệnh bạch hầu. Tại Phòng tiêm chủng dịch vụ Safpo (TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), từ đầu tuần đến nay, số lượng khách hàng tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu tăng mạnh, tính đến thời điểm này đã có gần 300 lượt người đến tiêm. Một nhân viên của Safpo cho biết, khi có thông báo những ca nhiễm khuẩn bạch hầu đầu tiên, số lượng người đến phòng tiêm đông hẳn.
Phòng tiêm chủng POTEC 53 (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, có vắc-xin bạch hầu nhưng phải đăng ký giờ tiêm trước, bởi mỗi ngày lượng người tiêm phòng bạch hầu tại đây rất tấp nập.