Nông dân xuất sắc 2021: “Nuôi ước mơ về một vườn hoa lan từ thuở sinh viên”

24/12/2021 - 18:00

PNO - Mỗi tuần, vào những ngày nghỉ, chị xin vào làm thêm tại một số vườn lan, học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê hoa lan.

Chưa đầy 10 năm vào nghề trồng hoa lan, đến nay mỗi năm chị Trần Thị Ngọc Thảo - nữ nông dân ở H.Bình Chánh, TP.HCM - cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 cây lan với doanh thu khoảng 4 tỷ đồng, lợi nhuận trên 600 triệu đồng. Nhưng điều làm chị tự hào chính là danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” (do Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng) mà chị vừa được nhận hồi đầu tháng 12.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, bên cạnh sự kiên trì, không ngừng tìm tòi học hỏi, chị Thảo cho rằng chính sự ủng hộ của gia đình và chồng là “chìa khóa” giúp chị thành công. “Tôi nghĩ mình may mắn được sự ủng hộ của gia đình, nhất là chồng, luôn đồng hành trong những lúc khó khăn nhất, giúp tôi có thêm động lực để khởi nghiệp thành công như hôm nay. Đây là thành công của cả hai vợ chồng”.

Chị Trần Thị Ngọc Thảo bên thành quả lao động của mình
Chị Trần Thị Ngọc Thảo bên thành quả lao động của mình

Chị kể, khi còn là sinh viên, những dịp đi thực tập tại các vườn hoa lan và những khóa học về kỹ thuật chăm sóc hoa, chị đã yêu thích loại hoa này lúc nào không hay. Sau này, khi đi làm, chị nuôi dưỡng ước mơ mở một vườn lan cho riêng mình. Mỗi tuần, vào những ngày nghỉ, chị xin vào làm thêm tại một số vườn lan với mong muốn học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê hoa lan.

Đến năm 2008, khi niềm đam mê đã đủ lớn, chị Thảo mở một vườn lan tại Khu du lịch Bình Quới 1 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gần cơ quan chị công tác. Chị thuê đất và thiết kế giàn trồng hoa lan phía trên những mương nước dưới những hàng dừa. Một hai năm đầu, công việc đạt kết quả tốt, có lợi nhuận. Nhưng sau đó, dừa ngày càng lớn khiến lan không còn ánh sáng để phát triển. Chị bị thua lỗ nặng.

Thất bại nhưng chị không chùn bước. Năm 2012 chị Thảo cùng gia đình chuyển nhà về xã Đa Phước, H.Bình Chánh và gầy dựng lại vườn lan với diện tích ban đầu 1.800m2. Từ thất bại đau đớn đã trải qua, chị Thảo rút kinh nghiệm và đầu tư kỹ thuật giúp vườn lan phát triển tốt. Sau gần 10 năm khởi nghiệp, đến nay vườn lan của chị được mở rộng ra 12.000m2. Chị Thảo cho biết, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vào dịp này, mỗi thương lái tới vườn lan Sơn Hà của chị đặt mua khoảng 10.000 - 20.000 cây lan để bán trong dịp tết. 

Theo định hướng của chị Thảo, trong tương lai, vườn lan của chị sẽ tập trung phát triển thêm cây giống, thiết kế mô hình trình diễn, làm mô hình sân vườn lan giúp khách khi đến tham quan có thêm ý tưởng kinh doanh (trồng lan bán) hoặc thiết kế hoa lan sân vườn cho gia đình. 

“Tại sao các địa phương khác có thể mở tour du lịch sinh thái còn Bình Chánh thì không? Bình Chánh có làng mai vàng Bình Lợi, bưởi da xanh “sạch”, Khu Di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò và nhiều vườn lan lớn khác… Đây là những yếu tố rất tiềm năng giúp Bình Chánh có thể kết hợp mở tour du lịch sinh thái. Sắp tới, vườn lan của mình sẽ kết hợp để mở những tour du lịch như vậy, qua đó giới thiệu vườn lan Sơn Hà đến với mọi người” - chị Ngọc Thảo tự tin.

Không chỉ lo phát triển vườn lan riêng mình, với vai trò là một cán bộ Hội Nông dân xã, chị Thảo còn khuyến khích và động viên bà con nông dân đổi mới phương pháp canh tác nông nghiệp, khuyến khích chuyển sang mô hình nông nghiệp đô thị kinh tế cao. Hiện nay, xã Đa Phước đã thành lập Hợp tác xã Hoa lan Đa Phước gồm bảy nhà vườn trồng hoa lan, trong đó vườn lan Sơn Hà của chị Thảo đã hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ nguồn cung cấp giống, phân bón, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các thành viên. 

Để khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chị Thảo đã và đang tiếp tục nghiên cứu tạo thêm nhiều sản phẩm hoa lan chất lượng hơn, đa dạng về màu sắc và chủng loại để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. 

Phạm Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI