Nông dân trồng giống mới thích ứng với khí hậu khắc nghiệt

05/12/2024 - 06:25

PNO - Trên những vùng đất khô hạn, nhiễm mặn của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, nông dân đã tìm tòi, trồng các giống cây mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ngày càng khắc nghiệt thay thế cho cây lúa. Và họ đã có những thành công bước đầu.

Phủ xanh vùng "đất chết"

Sau hơn nửa năm xuống giống, hơn 1ha cây sâm bố chính được trồng thử nghiệm trên vùng đất hoang hóa xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã bắt đầu cho thu hoạch.

Anh Phan Nhân Trí - Phó giám đốc Công ty STC - cho biết, giống sâm này rất thích hợp với khí hậu, đặc biệt là với đất thịt pha cát bị bỏ hoang nhiều năm qua ở huyện Thạch Hà. Hiện sâm đã đạt trọng lượng chuẩn với 6-10 củ/kg, có thể thu hoạch được. Với giá 200.000 đồng/kg, ước tính vụ sâm này mang lại doanh thu cho công ty hơn 700 triệu đồng.

Ông Võ Văn Đồng (xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) cùng vợ kiểm tra đồi chè trước khi thu hoạch
Ông Võ Văn Đồng (xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) cùng vợ kiểm tra đồi chè trước khi thu hoạch

Năm 2023, chứng kiến những cánh đồng lúa, hoa màu quanh mỏ sắt Thạch Khê ngày càng bị hoang hóa do khó canh tác, anh Phan Nhân Trí quyết đi tìm giống cây phù hợp để phủ xanh lại vùng “đất chết”. Anh đi nhiều nơi tìm hiểu rồi chọn sâm bố chính - một loài cây dược liệu quý, được dùng trong rất nhiều bài thuốc của y học cổ truyền - để trồng thử nghiệm. “Giống sâm này chịu hạn tốt, rất phù hợp với chất đất huyện Thạch Hà. Củ sâm bố chính đang được thị trường ưa chuộng nên thu hoạch tới đâu, bán hết tới đó” - anh nói.

Sâm bố chính có giá trị kinh tế cao, chịu hạn tốt, thích hợp để nông dân trồng thay thế cho những giống cây trồng kém hiệu quả ở những vùng thiếu nước tưới. Một số nông dân ở vùng “chảo lửa” Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đưa sâm bố chính về trồng thay thế cây lúa. Ông Đinh Công Tịu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê - cho biết, sâm bố chính phát triển rất tốt: “Mùa hè ở Hương Khê rất nóng, hạn hán ngày càng trầm trọng. Do thiếu nước, những năm gần đây, người dân bắt đầu chuyển sang trồng các loài cây dược liệu, hoa màu, gió trầm… thay thế cây lúa. Nhiều loài cây thích nghi, phát triển tốt nhưng do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên chưa được nhân rộng”.

Nông dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An lại chọn cây chè trồng thay cây lúa. Là một trong những người tiên phong đưa cây chè về trồng ở xã, ông Võ Văn Đồng cho hay, Hùng Sơn từng được ví như “vùng đất chết” do đất đai bạc màu, mùa hè thường không đủ nước tưới nên lúa trồng trên đồi không phát triển được. Chỉ đến khi cây chè “bén duyên”, những quả đồi khô cằn, hoang vu mới dần biến thành những đồi chè xanh ngát.

Với đồi chè rộng hơn 4ha, mỗi tháng, gia đình ông Võ Văn Đồng thu hoạch 2-3 tấn búp chè tươi để sấy làm trà. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm, gia đình ông bỏ túi hơn 700 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với lúc còn trồng cây ăn quả. “Tiền đầu tư trồng chè không lớn nhưng thu hoạch quanh năm. Chè Hùng Sơn có vị chát đậm đà, dễ tiêu thụ nên nông dân không phải lo về đầu ra. Quan trọng là cây chè chịu hạn tốt, không tốn nhiều công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao” - ông nhận xét.

Ông Trần Minh Hoàn - Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn - cho hay, người dân xã này thoát nghèo, thậm chí vươn lên khá giả nhờ chuyển sang trồng chè. Hiện nay, chè là cây trồng chủ lực của xã với hơn 600ha. Năm 2023, sản lượng chè đạt trên 15.000 tấn, mang về doanh thu hơn 60 tỉ đồng.

“Nguồn nước tưới tiêu ở Hùng Sơn vào mùa hè rất khan hiếm nên trước đây, người dân trồng lúa chỉ đủ ăn. Cây chè cho thu nhập khá ổn định, khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Chúng tôi đang khuyến khích các hộ dân liên kết lập tổ hợp tác, hợp tác xã chế biến chè búp, tương lai có thể thành lập làng nghề chế biến chè để nâng cao hiệu quả sản xuất” - ông Trần Minh Hoàn nói.

Tìm đầu ra khi chuyển đổi cây trồng

Với địa hình bán sơn địa, nông dân ở 2 xã Tiến Thành và Mã Thành của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thường phải bỏ hoang hàng trăm héc ta đất trồng lúa vụ hè thu do thiếu nước sản xuất.

Từng được xem là “vùng đất chết”, nay những đồi đất trống ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã thành những đồi chè xanh ngát
Từng được xem là “vùng đất chết”, nay những đồi đất trống ở xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã thành những đồi chè xanh ngát

Ông Phạm Minh Hồng (ở xã Tiến Thành) cho biết, đất đai ngày một khô cằn do hạn hán khiến năng suất lúa ngày càng giảm mạnh. Ít năm trước, ông quyết định trồng 5 sào cây nhân trần thay cho lúa trên những thửa ruộng bạc màu. Ông thông tin: “Cây nhân trần dễ trồng, chi phí đầu tư rất thấp, chịu được hạn nên không phải tốn công chầu chực lấy nước như trồng lúa. Sau 3 tháng trồng, mỗi sào nhân trần cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành - cho biết, Tiến Thành là xã thuần nông nhưng do hán hạn ngày càng khốc liệt nên nghề nông gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã có 250ha trồng lúa nhưng vụ mùa năm nay chỉ gieo cấy được 120ha, số còn lại phải chuyển sang các giống cây trồng khác do không có nước. Để thích ứng với nắng hạn, UBND xã hỗ trợ 100.000 đồng/sào cho những hộ chuyển đổi đất trồng lúa ở những vùng thiếu nước sang các giống cây hoa màu, đặc biệt là cây nhân trần.

“Ngoài làm thuốc bắc, nấu nước uống, cây nhân trần còn được một số công ty thu mua để làm trà giải nhiệt nên nông dân không phải lo đầu ra”.

Theo ông Phan Duy Hải - Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An - năm 2024, Nghệ An chuyển đổi gần 450ha đất trồng lúa sang các giống cây trồng khác. Tùy vào thực tế, các địa phương chủ động rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước để chuyển đổi sang cây trồng cạn như rau màu, dược liệu, cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều tất yếu để thích ứng với nắng hạn mỗi năm một khốc liệt. Tuy nhiên, song song đó, phải tìm đầu ra cho sản phẩm để tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Ông nói: “Cây nhân trần rất phù hợp với những vùng thiếu nước, lại cho thu nhập cao nhưng chúng tôi không khuyến khích người dân trồng ồ ạt mà phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường rồi từ từ mở rộng diện tích”.

Ông Phan Xuân Diện - Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) - cho biết, 2 năm gần đây, cây dược liệu, đặc biệt là cà gai leo được nông dân ở nhiều nơi trồng ồ ạt. Cung vượt cầu nên giá cà gai leo trên thị trường giảm từ hơn 7.000 đồng/kg xuống còn hơn 3.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ. “Với cây dược liệu, nếu trồng trên diện tích lớn mà không liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm thì nông dân rất dễ gặp rủi ro. Hiện chúng tôi đang bao tiêu đầu ra cho 20ha cà gai leo ở huyện Con Cuông, vẫn thu mua với giá 4.500 đồng/kg dù giá thị trường giảm mạnh” - ông nói.

Cà gai leo từng là điểm sáng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Con Cuông, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Năm 2023, nhiều nông dân dự định chuyển sang trồng cây cà gai leo khi thấy thu nhập từ loài cây này cao gấp 5 lần so với trồng lúa, trồng ngô. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát từ chối nhận bao tiêu, giữ nguyên vùng nguyên liệu 20ha để đáp ứng công suất 1.000 tấn nguyên liệu/năm cho nhà máy sản xuất các loại trà thảo dược. Theo ông Phan Xuân Diện, công ty đang làm những thủ tục để xuất khẩu các loại trà thảo dược sang thị trường châu Âu. Chỉ khi nào ký kết hợp đồng, dự kiến được số lượng sản xuất, công ty mới liên kết với nông dân để mở rộng diện tích trồng các loài cây dược liệu.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI